Số tiền Ngân đi Nhật kiếm được đều đưa hết cho bố, anh Việt đi làm bao nhiêu năm cũng có một khoản tiền tiết kiệm. Ông Hưng đi xem bói, thầy bói bảo tuổi ông năm nay đẹp, xây nhà thì quá tuyệt vời. Lúc ra về thầy cho tờ giấy ghi ngày giờ hoàng đạo, về đến nhà một cái ông đã thuê thợ đến làm luôn, hôm nay họ đã bắt đầu đập nhà cũ đi rồi.
Ông dựng một cái lều bằng bạt tạm bợ trong sân của ngôi nhà cũ, mục đích chủ yếu là trông coi vật liệu và cốt pha để tránh bị người ta trộm mất. Cũng không thể để các con ở trong cái lều mình vừa làm được, ông sang nhà bà Lý hàng xóm xin cho các con ở tạm bên đấy, đến khi nào nhà được xây xong thì lại về.
Nhà bà Lý ở trong con ngõ cạnh nhà ông, chồng bà mất từ lâu rồi, được hai cô con gái thì đều đi lấy chồng xa. Nghe ông Hưng sang nói chuyện, bà đồng ý ngay, ba đứa con nhà ông Hưng thì bà quý lắm, đứa nào cũng ngoan ngoãn nghe lời, gặp bà thì mau mồm mau miệng chào to, được mấy đứa nó mà sang ở cùng thì vui cửa vui nhà phải biết.
Nơi đầu tiên ông Hưng nghĩ đến cho các con ở là để các con xuống nhà ông bà nội, nhưng lại nghĩ đến việc nhà ông bà thì trật trội, lại còn sinh hoạt chung với vợ chồng nhà chú Thuận thì cũng hơi bất tiện. Nhưng lí do sâu xa hơn cả để ông thôi ý định đó là vì ông nội, sợ nếu mấy đứa con của mình ở đấy, làm gì hay lỡ nói gì không phải để ông nội ghét rồi ông cạch mặt cả đời.
Thế xong rồi ông lại nghĩ hay để mấy đứa sang nhà ông Cường vì ông bạn thân mời mọc nhiệt tình quá. Nhưng rồi ông lại nghĩ, có hai thằng con nhà ông Cường sống ở đấy thì cũng hơi bất tiện cho hai cô con gái của mình. Suy đi tính lại, có mỗi nhà bà Lý là được nhất thôi, mỗi tội mảnh đất nhà bà Lý nghịch quá. Đêm đầu tiên ngủ ở đấy, cô con gái út đã về kể với ông thế này.
– Bố ơi, tự nhiên sáng nay ngủ dậy bác Lý hỏi đêm qua con ngủ có thấy con chuột nào nhảy xếch trên đầu hay không.
Hai bố con khi đó đang dọn dẹp cái sân tùm lum gạch vụn thì Linh kể với ông chuyện này, ông suy nghĩ một lát rồi tủm tỉm cười trả lời:
– Nhà bà Lý lắm chuột thế à con?
– Làm gì có con chuột nào đâu bố, bà ý vừa hỏi vừa cười, chắc chắn là có ẩn ý gì sau câu nói đấy, bố nghe có cảm thấy gì không?
– Bố có thấy gì lạ đâu.
– Rõ ràng có chút kì quái mà.
Linh dừng tay, suy nghĩ một lát rồi lại nói tiếp:
– Mà nhà bà ý xây kì lắm luôn ý, con với chị Ngân ngủ ở giường của cô Bống, mà cái giường của cô ý kê giữa cái gầm cầu thang luôn, nếu tắt điện đi nhìn lên trần thì thấy một lỗ đen ngòm, nhìn thấy cả mái nhà, sợ ơi là sợ.
Linh vừa nói xong tự nhiên rùng mình một cái, chẳng biết đây là cô suy diễn hay là sự thật mà mỗi khi bước chân vào nhà bà Lý đều cảm thấy lạnh lẽo.
Dù sợ thì sợ thật nhưng ở cùng bà Lý rất vui, bà hay kể chuyện chiến tranh ngày xưa cho cô nghe, cảm giác gần gũi giống như cháu được nghe bà mình kể chuyện vậy.
Cách Trung Thu khoảng một tuần, vợ chồng cô Bống về chơi, có mặt cả bà Lý ở đấy, Linh đem chuyện này kể cho cô Bống nghe thì cô Bống và bà Lý cứ tủm tỉm cười.
– Chuột nào nhảy xếch, ý của bà Lý là mày ngủ có thấy cái gì không?
– Cái gì là cái gì?
Linh cau mày hỏi lại, Ngân vừa gọt xoài bên cạnh vừa lắc đầu:
– Nói thế mà cũng không hiểu à? Ý là có thấy ma không?
– Á, khiếp, ma á?
Bà Lý gật đầu rồi giải thích thế này, trong cả cái xóm này thì chỉ có mảnh đất nhà Linh là lành nhất. Còn mảnh đấy của bà trước kia là nơi chôn xác chết trẻ con, những đứa bé yểu mệnh chết non. Cô Bống yếu bóng vía, đêm ngủ hay bị bóng đè, nhưng từ khi cô đi lấy chồng thì hết. Sợ kể chuyện này ra Ngân với Linh sẽ sợ nên bà giấu không dám kể, chỉ hỏi thăm thế thôi, may mắn là cả hai chị em đều cao bóng vía.
– Sao bà không nói sớm để cháu chuẩn bị tinh thần, làm cháu sợ chết khiếp mấy hôm.
– Bà lo mày sợ không dám ngủ nữa mà đòi về thì bà ở một mình buồn lắm.
– Cháu sợ mấy hôm đầu thôi, giờ ngủ quen rồi chẳng thấy gì.
– Ừ thế thì đừng đòi về nhé.
Chiều hôm đấy, sau khi đợi anh Việt về thì ông Hưng, anh Việt cùng con rể bà Lý kê lại cái giường ra một hướng khác, gọi là thay đổi phong thủy. Từ đấy chuyện này coi như rơi vào dĩ vãng, Ngân và Linh yên tâm ngủ, còn bà Lý có thêm hai cô cháu gái để ngày ngày trò chuyện cho đỡ buồn.
Từ ngày Linh sang nhà bà Lý ở cũng ít gặp Vũ hơn, chỉ khi nào đi học thì hai người mới có thời gian nói chuyện với nhau. Cả hai chơi với nhau từ khi còn bé tí, sáng nào Vũ cũng sang nhà Linh thật sớm để khua cô dậy. Linh có thói quen xấu đó là dậy từ 4 giờ sáng, chạy thể dục từ đầu làng đến cuối làng rồi lại về nhà ngủ tiếp đến sát giờ học mới bắt đầu đi đánh răng rửa mặt.
– Khiếp, lớn tướng rồi vẫn ngủ chảy dãi ra được.
Hôm nay là thứ hai, sợ Linh ngủ quên sẽ bị phạt đứng trước cờ nên Vũ phải sang nhà bà Lý từ sớm để gọi cô dậy. Hiện tại thì cậu đang đứng ở sân cạnh cái giếng nước, Linh bấy giờ mới dậy, đang gập chăn gặp màn rồi mắt nhắm mắt mở đi ra lấy bàn chải đánh răng.
– Tao còn ngủ ngáy ý, chảy dãi đã là cái gì.
– Ô thế à, đang định rủ mày sang nhà tao ở mà mày có tật ngủ ngáy thì thôi.
Vũ cười cười, lôi cái bánh bao còn nóng hổi trong cặp ra cắn một miếng, Linh ngồi ở bậc thềm bĩu môi.
– Mày tưởng mời được tao sang nhà mày mà dễ á, lại còn có tật ngủ ngáy nên thôi.
Linh vẫn chưa có ý định đi đánh răng, một tay thì cầm cái bàn chải, một tay thì chống lên cằm nhìn mấy con gà con đang bới giun ngoài vườn. Linh vẫn còn buồn ngủ, định ngồi một lát cho tỉnh ngủ thì đi đánh răng, ai ngờ Vũ vừa nhìn đồng hồ một cái lại sốt xình xịch cả lên.
– Đánh răng đi, 7 giờ kém 15 rồi đấy.
– Cứ phải từ từ.
Đợi Linh đánh răng xong, cậu đưa cái bánh bao còn lại cùng hộp sữa tươi cho cô, Linh vừa ngồi sau xe cậu vừa ăn sáng. Cả hai cứ đi học cùng nhau từ năm mẫu giáo, rồi sang cấp 1, cấp 2, rồi lại cấp 3. Bao nhiêu năm trời, bao nhiêu mùa hạ đã qua, năm nào cả hai cũng học cùng lớp. Chỉ có năm lớp 10, nhà trường chia lớp theo điểm, vì điểm thi của Linh cũng gọi là vớt vát thôi nên vào lớp chất lượng kém của khối. Điểm của Vũ cũng không tồi nên được vào lớp chọn, thiếu vắng cô bạn thân nên mới học được chưa đầy một tuần cậu đã xin hiệu trưởng cho chuyển lớp. Có lẽ năm nay là năm cuối cùng cậu được đèo cô đi học.
Linh nhét miếng bánh bao cuối cùng vào miệng, nhai nhồm nhoàm rồi hút một hơi hết hộp sữa, nhìn thấy cái thùng rác của nhà nào đang đặt cạnh cổng, Linh vội vàng kéo vạt áo trắng của Vũ:
– Dừng, dừng lại đã, cho tao vứt vỏ hộp sữa.
Linh để mặc cho gió trời buổi sớm phả vào mặt, bầu không khí trong lành của buổi sớm mai khiến tâm tình của cô tốt hơn rất nhiều, tự nhiên Linh buộc miệng nói:
– Từ năm sau không được mày chở đi học nữa rồi.
Vì gió hơi lớn, Vũ lại tập trung vào việc lái xe nên không nghe rõ Linh vừa nói gì, cậu hơi quay đầu lại ” Hả ” một tiếng, Linh cười lắc đầu nói ” không có gì “.
Không đợi Vũ dừng xe rồi mới xuống, vừa tới cổng trường một cái là Linh nhảy xuống xe luôn, do không chú ý nên suýt chút nữa va vào xe của người đằng sau, cậu con trai cau mày mắng một tiếng:
– Mắt với mũi để sau gáy à?
Linh với tay lấy cặp sách của Vũ trong giỏ xe rồi quay lại nhìn cậu còn trai vừa nãy.
– Xin lỗi. . Truyện Nữ Phụ
– Tưởng xin lỗi là xong à, không phải chuyện gì xin lỗi một tiếng cũng là xong đâu.
Chả hiểu cậu con trai này sáng nay ăn phải bả chuột hay sao mà cứ lèm bèm như đàn bà vậy, Linh cũng chẳng thích so đo nên chẳng nói chẳng rằng xách cặp đi thẳng vào trong lớp, cậu con trai kia giận tím mặt. Vũ cũng không thích gây sự, chỉ liếc mắt nhìn cậu ta một cái cho nhớ mặt rồi đi luôn.
Vì cô giáo dậy Địa lý là người hơi thiếu muối nên học sinh trong lớp đứa nào đứa nấy cứ đến giờ này là lại gật gà gật gù. Vũ ngáp dài một cái rồi quay xuống nói chuyện với Linh:
– Anh Việt với chị Ngân góp được nhiều tiền chưa?
Linh thở dài một tiếng:
– Tao chẳng biết, nhưng hình như cũng thiếu nhiều lắm, hôm qua thấy bố tao nói chuyện với anh Việt là chắc phải vay thêm ở ngân hàng.
– Sao bố mày không sang nhà tao vay nhỉ, lợn ở trang trại nhà tao cũng sắp bán được rồi.
– Chắc là có lý do, tao với mày trẻ con xen vào làm gì.
Cùng bàn với Linh là Huế- một cô bạn có duyên với nghệ thuật và cực kì khéo tay. Huế khéo tay đến mức mà cái áo trắng cô đang mặc trên người đây là chính tay cô tự mình thiết kế và cắt may. Huế làm nhiều đồ handmade, sau đó đăng lên mạng bán với giá rẻ, mỗi tháng kiếm cũng kha khá tiền, vừa đưa được tiền cho mẹ mà bản thân cũng có một khoản riêng để tiêu vặt nữa. Linh nghịch nghịch con hạc giấy mà Huế vừa gấp để trên bàn, quay sang hỏi:
– Bà cứ làm mấy cái này bán, thế thời gian đâu mà học?
– Tôi chỉ làm vào thời gian rảnh thôi, trên lớp thì tôi gấp mấy cái này vì nó không cần phải quá tập trung nên vẫn có thể nghe giảng được, còn đâu những cái gì phức tạp thì tôi làm ở nhà.
– Thế bà làm mấy cái này bố mẹ bà không nói gì à?
– Lúc trước thì có, vì mẹ tôi sợ ảnh hưởng đến việc học, nhưng tôi vẫn cân bằng được điểm số trên lớp nên mẹ tôi cũng thôi.
– Vậy vừa học vừa làm thế này có mệt không?
– Nhẹ nhàng lắm, tôi thấy làm cái này còn hơn là lên mạng xem mấy bộ phim ngôn tình rồi mơ mộng vớ vẩn.
– Haha, trong lớp ngoài tôi ra thì may ra còn có bà là sống thực tế.
Hai đứa cứ ngồi nói chuyện với nhau đến gần cuối giờ thì cô giáo xuống kiểm tra vở của cả lớp, xem có ai không chép bài không. Linh từ đầu giờ mải nói chuyện chẳng ghi chép được chữ gì, vội vàng kéo áo Vũ xem cậu có chép bài không, Vũ giơ quyển vở trắng tinh lên cho Linh xem, hai đứa nhìn nhau cười. Cô giáo vừa xuống đến nơi, trong tay Linh vẫn đang cầm con hạc giấy, vội vàng định bỏ xuống gầm bàn nhưng vẫn không qua mắt được cô giáo nên lại thôi.
– Đưa vở cô xem nào.
Cô giáo nhìn quyển vở, giở từ đầu trang tới cuối trang toàn là cờ caro với vẽ vời vớ vẩn.
– Hôm nay học bài 8 rồi mà vở cô mới chép đến bài 4 là sao? Bốn buổi trước của tôi cô làm cái gì?
Linh không giải thích gì thêm, cô giáo nhìn trên mặt bàn rồi thấy trên tay Linh vẫn cầm con hạc giấy thì bấm bút đỏ tạch một cái, xong đi lên phê ngay vào sổ đầu bài một câu mà khi bọn con trai trong lớp đọc xong đều phá lên cười:
– Linh nghịch chim trong giờ.