Ngày hôm sau trời nổi gió nam, gió thổi từ nước Triệu đến nước Trịnh, cũng chính là lộ trình chúng tôi định đi. Nếu đi bằng thuyền sẽ thuận chiều gió, nhanh hơn nhiều. Tôi và Mộ Ngôn đều cho rằng, so với đi tìm Thập Tam Nguyệt theo kế hoạch đã định thì thà lẳng lặng đi theo Oanh Ca biết đâu lại tìm ra manh mối sớm hơn.
Nhưng Oanh Ca lại đi đường thủy ngược chiều gió từ Trịnh đến Triệu, lẽ ra có thể cưỡi sóng đạp gió lướt băng băng cuối cùng lại chịu cảnh nhích từng bước. Lại còn một khó khăn khác, chính là lúc này chỉ có một chuyến thuyền đi nước Triệu, việc theo dõi Oanh Ca chắc chắn rất dễ bị phát hiện.
May có Mộ Ngôn thân thủ khá trên đường đi mới không bị mất mục tiêu. Oanh Ca đang lơ đãng đứng tựa lan can thuyền, đầu đội mũ sa rộng, từng lớp rèm sa mỏng dài, màu tím xung quanh vành mũ rủ xuống tận đầu gối, bao bọc khuôn dung và vóc dáng yêu kiều, chỉ lộ một đường chân váy màu tím bạc và suối tóc dài chấm gót chân.
Tôi hơi ngạc nhiên, đêm qua dưới ánh nến mờ, quả thật không nhận ra mái tóc cô lại dài như vậy. Hơn nữa hôm nay dáng điệu và trang phục của cô lại ung dung trang nhã đến thế, giống hệt tiểu thư quý tộc của một gia đình gia giáo nghiêm khắc, trang trọng đi du ngoạn, có lẽ ăn vận như vậy là để tránh kẻ thù. Nếu không theo sát suốt dọc đường, chắc tôi đã không thể tin cô tiểu thư kiêu sa trước mặt chính là sát thủ áo tím đã kề dao vào cổ tôi đêm qua.
Lúc sắp xuống thuyền, Mộ Ngôn giữ tôi lại, nói là cần đi làm một việc quan trọng. Tôi đành đứng đợi, lúc thuyền sắp nhổ neo mới thấy chàng xách một cái lồng chim quay lại. Lồng chim bằng gỗ mun, trên chiếc cột đơn chạm trổ hoa văn rất tinh xảo, bên trong có một con chim màu đen thoạt nhìn hơi giống quạ, nhưng hai bên mỏ có đường viền màu tím hồng, khác hẳn quạ.
Bước lên thuyền, để không bị Oanh Ca chú ý, chúng tôi tìm một góc vắng ngồi hóng mát. Cảm thấy buồn tẻ tôi ngồi trên ván thuyền bắt đầu ngắm nghía con chim đen trong lồng, ngắm một lúc, hỏi Mộ Ngôn: “Vừa rồi huynh đi mua con chim này phải không? Mua để làm gì?”.
Chàng cúi đầu nhìn tôi, thong thả đáp: “Mua cho cô chơi, thích không?”.
Lòng run run, tôi nắm chặt con hổ ngọc trong ống tay áo, sực nhớ lần trước chàng dùng con hổ này để đổi lấy cái nhẫn ngọc của tôi, do dự một hồi lâu, lại rụt rè hỏi: “Không phải huynh định dùng con chim quèn này để đổi con hổ ngọc chứ?”.
Con chim quèn trong lồng mở to mắt, kêu éc một tiếng. Mộ Ngôn ngây người, ánh mắt bắt gặp ánh mắt tôi, miệng nhoẻn cười.
Tôi lườm chàng, ngoảnh mặt đi: “Con chim quèn này chẳng đáng tiền”.
Lời vừa dứt, túm lông vũ trên đầu con chim dựng ngược, nó xông về phía tôi kêu một tiếng. Tôi bực mình khẽ đẩy cái lồng ra xa, tay nắm chặt con hổ ngọc, không biết thái độ của Mộ Ngôn thế nào.
Thực ra con hổ này tôi đã gần như cưỡng đoạt của chàng, cho dù Mộ Ngôn đòi lại cũng đành chịu. Hơn nữa đây lại là món đồ quý, chàng có thể đòi lại bất cứ lúc nào. Nhưng tôi vẫn trợn mắt: “Tuyệt đối không đổi đâu, tôi không thích con chim quèn này tẹo nào”.
Con chim quèn kích động nhảy lên, đập cánh loạn xạ, kêu ầm ĩ, mọi người trên thuyền đổ mắt nhìn lại, Mộ Ngôn kéo tôi đứng lên, lúng túng: “Vừa cảm thấy trông cô ra dáng một cô gái giờ lại trẻ con rồi”.
Tôi nghĩ đây không phải là trò trẻ con, mà là quyến luyến, những bậc chân tu gọi là lòng tham, cho là xấu, nhưng lòng tham của tôi bé nhỏ như vậy, ngoài làm tổn thương chút tình cảm của con chim, thật sự chẳng hại đến ai, cho nên tuyệt đối chẳng có gì là xấu.
Tôi và Mộ Ngôn cuối cùng cũng sẽ xa nhau, tình cảm của tôi với con hổ ngọc chính là tình cảm với Mộ Ngôn, theo cách nói văn chương có thể gọi là gửi gắm tình cảm, nhưng có lẽ điều này không ai hiểu, chỉ có mình tôi biết.
Tôi nhìn Mộ Ngôn, tôi không biết chàng thích một cô gái như thế nào, tôi vẫn luôn muốn chàng nhìn thấy tôi trong dáng vẻ đẹp nhất, nhưng lúc nào cũng không như ý, khiến chàng cảm thấy tôi bướng bỉnh, cảm thấy tôi chỉ là đứa trẻ. Tuy là một người chết, không có tim tôi vẫn thấy đau lòng, quả là bất lực.
Phía xa xa là trời xanh nước biếc, Mộ Ngôn nhìn tôi, tôi sịt mũi tỏ vẻ phấn khởi, định chuyển chủ đề câu chuyện, bỗng bị chàng kéo mạnh vào lòng. Má ép vào ngực chàng, Mộ Ngôn ôm rất chặt, khiến tôi muốn ngoái đầu cũng khó.
Lòng run run, ý nghĩ đầu tiên là Mộ Ngôn có lẽ cũng hiểu lòng tôi, còn chưa kịp nảy sinh ý nghĩ thứ hai, giọng chàng đã từ trên đầu vọng xuống: “Đừng động đậy”. Tiếp đó là tiếng cười rất nhỏ: “A Phất, người cô muốn tránh cũng ở trên thuyền này”.
Tôi nép vào ngực chàng, vừa thất vọng thầm nghĩ mình đúng là khéo suy diễn, vừa lục tìm trong đầu xem gần đây người mình muốn tránh là ai, bất giác hỏi: “Huynh nói là ai?”.
Giọng chàng thản nhiên: “Bình hầu vương Dung Tầm”.
Tôi vội vàng chúi sâu hơn vào ngực chàng.
Trên sàn thuyền truyền đến những rung chấn mạnh mẽ, đều tăm tắp, chắc chắn phải là bốn người trở lên bước chân đều tăm tắp mới đạt hiệu quả như vậy, tiếng bước chân từ sau lưng vọng lại, lát sau, Mộ Ngôn kéo tôi ra, đoàn tùy tùng của Dung Tầm đã lên lầu .
Tôi vô thức nhìn về phía Oanh Ca ngồi tựa mạn thuyền phía xa, tưởng là lần này cố nhân tương phùng, có thể hé ra manh mối nào đó, nhưng cô vẫn ngồi ung dung, cơ hồ không thay đổi.
Điều thần tình là ánh mắt Mộ Ngôn cũng đánh về phía Oanh Ca, nhưng chỉ thoáng qua, cuối cùng quay lại nói vẻ dửng dưng: “Đừng nhìn, Dung Tầm ở trên lầu, không chạm trán Oanh Ca cô nương”. Chàng hơi dừng, lại tiếp:
“Trước khi lên thuyền tôi nghe được một bí mật cung đình rất thú vị, có muốn nghe không?”.
Tôi vui vẻ gật đầu lia lịa.
Trong gió sông mang hơi lạnh, Mộ Ngôn kể cho tôi nghe bí mật cung đình thú vị đó, cũng như mọi bí mật khác, thực ra chẳng có gì là bí mật, cũng chẳng có gì thú vị, nhưng cái hay là do chuyện xảy ra đã lâu, tình tiết phức tạp, tôi vẫn hào hứng lắng nghe.
Bí mật này truy về Trịnh hầu vương hai đời trước, tức là cha của Cảnh hầu Dung Viên, ông nội của Bình hầu Dung Tầm.
Theo tổ chế xa xưa, Trịnh hầu vương lúc đầu lập con trưởng là người kế vị, chính là thế tử, cha của Dung Tầm, nhưng do lão Trịnh hầu vương là người phúc dày, lập thái tử đã ba mươi năm vẫn không thấy dấu hiệu cưỡi hạc tây quy, khiến cha Dung Tầm vô cùng sốt ruột, mưu hoạch đã lâu, cuối cùng vào một đêm tối trời lặng gió quyết định phản loạn bức cung, kết cục tất yếu là bị giết, để lại đại gia đình thế tử bị lưu đày đến miền tây bắc xa xôi, bao gồm cả Dung Tầm mới mười bốn tuổi văn võ song toàn nức tiếng vương đô.
Lão Trịnh hầu vương một đời phong lưu, con cái rất nhiều, nhưng dòng đích đa phần là gái, chỉ có bốn trai, trong đó hai người đã chết yểu, chỉ còn con trưởng và con út. May con trưởng mặc dù phạm tội phản nghịch, nhưng con út Dung Viên xem ra có tài kinh bang trị quốc hơn con trưởng. Năm sau, lão Trịnh hầu vương bố cáo thiên hạ lập con út Dung Viên làm thế tử, trở thành người kế thừa vương vị sau này.
Năm đó, Dung Viên mười lăm tuổi, ngoài danh hiệu công tử đẹp nhất Trịnh quốc còn được mệnh danh là Trịnh quốc đệ nhất đao thủ. Sau chuyện con trưởng phản loạn bức cung, lão Trịnh hầu buồn phiền mãi, trở thành mối tâm bệnh lớn, hai năm sau qua đời, Dung Viên mười bảy tuổi lên ngôi, trở thành Trịnh quốc Cảnh hầu vương.
Sau khi Cảnh hầu vương kế vị, rất thích tài năng của Dung Tầm, nhân lúc quốc gia cầu hiền, liền triệu đại gia đình huynh trưởng từ miền tây bắc trở về vương đô, vừa trấn áp, vừa trọng dụng. Dung Tầm quả không phụ lòng thúc phụ, chức đình úy làm rất tốt, quan hệ chú cháu vô cùng hòa hợp, sáu năm trước, Dung Tầm còn tặng thúc phụ một đại mỹ nhân, về sau được phong là Như phu nhân.
Nghe dân gian đồn, Dung Viên vốn lạnh tình quả dục lại tỏ ra rất mực sủng ái mỹ nhân mà người cháu tặng, mỹ nhân đó trong lúc thưởng hoa lãm nguyệt đã làm một câu thơ, “Cung hoàn thâm thâm nguyệt dung dung”(*). Dung Viên bèn đổi tên cung của mỹ nhân đó thành Dung Nguyệt cung.
Còn Trịnh sử lại ghi Dung Nguyệt cung phu nhân sau khi vào cung chưa đầy hai năm liền được phong chính cung phu nhân, phong hiệu Tử Nguyệt, mẫu nghi Trịnh quốc. Có vẻ là một giai thoại phong lưu của vương thất, nhưng chưa quá một năm sau, Tử Nguyệt phu nhân luôn được Cảnh hầu vương sủng ái lâm bệnh qua đời.
Sau khi Tử Nguyệt qua đời, Cảnh hầu phiền não bi thương, cuối năm đó bệnh nặng quyết định nhường ngôi, do không có con trai bèn truyền ngôi cho cháu ruột là Dung Tầm, năm sau tạ thế ở hành cung, tuổi mới hăm bảy.
Buổi tối hôm Cảnh hầu vương qua đời, hành cung Đông Sơn bốc cháy dữ dội, lửa ngút trời, không chỉ hành cung cháy trụi ngay cả anh đào trồng trên núi cũng cháy thành tro, ly kỳ hơn nữa là từ đó về sau anh đào ở đó không bao giờ ra hoa đỏ nữa.
Nghĩ lại cảnh trong mơ, Oanh Ca khuôn mặt xinh đẹp ửng hồng nói với Dung Tầm: “Em sẽ trở thành sát thủ tốt nhất của Dung gia”.
Nghĩ đến bóng cô loạng choạng dưới bầu trời lả tả cánh hoa anh đào, tôi hỏi Mộ Ngôn: “Mỹ nhân mà Dung Tầm tặng Dung Viên sau được phong Tử Nguyệt phu nhân chính là Oanh Ca phải không?”.
Chàng phe phảy cái quạt gật đầu: “Rõ ràng”.
Tôi băn khoăn: “Vậy cái chết của Tử Nguyệt phu nhân sau này là thế nào?”.
Mộ Ngôn ngập ngừng: “Theo chiếu bố cáo với thiên hạ, Cảnh hầu vương chủ động nhường ngôi, nhưng trước kia có tin đồn chính Bình hầu ép Cảnh hầu thoái vị, nguyên do cũng vì một cô gái”. Chàng mím môi cười. Tôi rất thích cử chỉ đó của chàng.
“Cô gái đó chính là Tử Nguyệt phu nhân. Đây quả là một tin thú vị, nhưng không biết thật giả thế nào, nghe đồn Bình hầu đã kề kiếm vào cổ Cảnh hầu, hỏi một câu: “Tôi đã trao nàng nguyên vẹn cho thúc, tại sao thúc lại giày vò nàng tan nát”, thì ra ngày xưa vẫn cho là một đồ vật, hôm nay mới biết là một mỹ nhân”. xem tại TruyenFull.vn
Tôi lẩm bẩm: “Nhưng chàng ta đã đem cô ấy tặng người khác, còn trách ai? Thật không thể hiểu, nếu có người bảo tôi đem người trong lòng tặng cho kẻ khác, đánh chết tôi cũng không chịu”.
Mộ Ngôn liếc tôi: “Sao? Không chịu đem ai đi tặng?”.
“Chàng chứ ai”, mấy chữ đó đã ở trong miệng, ngập ngừng một lát, dưới cái nhìn ý tứ mập mờ của chàng, tôi đổi giọng: “Tiểu Hoàng…”.
Cái quạt đập lên đầu tôi, “Lại nói bừa”.
Phía xa núi trập trùng nhấp nhô, sương khói vấn vít, khu rừng cây trên núi xanh ngắt thấp thoáng trong sương. Mộ Ngôn lơ đãng nói: “Con người ta thường có rất nhiều ước vọng, nhưng trở thành hiện thực không nhiều, cho nên cần phân ra cái gì cần nhất, cái gì tương đối cần, cái gì có thể có, có thể không…”.
Tôi nghĩ một lát, “Ý huynh là chỉ cần đạt được cái mình cần nhất?”.
Chàng cười: “Không, cái cần nhất và cái tương đối cần đều phải đạt được, ví như Bình hầu, lúc đầu đem Oanh Ca cô nương tặng cho người khác có lẽ cảm thấy Oanh Ca cô nương không quan trọng lắm”.
Tôi nhìn chàng: “Ý huynh nói nếu huynh là Dung Tầm sẽ không mang Oanh Ca đi tặng, nhưng Oanh Ca không phải là thứ quan trọng nhất của huynh cơ mà?”.
Chàng phe phảy quạt như cười như không nhìn tôi: “Ai nói cái quan trọng nhất chỉ có một?”.
Tôi hiểu lơ mơ, nhưng chàng không nói gì nữa.
Nhìn lên phía mui thuyền, Oanh Ca không biết đã đi đâu, thuyền ra giữa sông, gió mạnh dần, tôi tìm một chỗ vắng, lấy mặt nạ da người đeo lên mặt, Mộ Ngôn ngắm nghía nói: “Đây là khuôn mặt thật của cô sao?”. Tôi nghĩ, nếu không có vết sẹo trên đầu đó, khuôn mặt tôi còn đẹp hơn nhiều, nhưng nghĩ lắm ích gì, quá khứ tốt đẹp nên quên hết thì hơn, để khỏi thêm buồn.
Tôi lắc đầu: “Không, tôi rất xấu, không muốn để ai nhìn thấy”.
Thực ra tôi chỉ không muốn để chàng nhìn thấy.
Bước lên lầu hai, nhìn thấy Dung Tầm toàn thân áo tím ngồi dựa lan can chạm trổ hoa văn, uống rượu một mình. Đây là quân vương Trịnh quốc, lúc này lại xuất hiện trên chiếc thuyền bình dân ở biên giới Trịnh, Triệu, thật là điều khó tưởng tượng. Cẩm Tước, Oanh Ca, Dung Tầm, tất cả lần lượt xuất hiện trước mắt tôi, giống như một lớp kịch đã diễn xong, lại giống như đóa hoa mùa thu chưa nở hết đã tàn, có gì đó khiến người ta muốn kêu lên, khiến người ta muốn dừng lại cũng không được, nhưng vẫn không tìm ra bất cứ manh mối nào.
Dung mạo của Dung Tầm phía trước vẫn tuấn lãng đoan nghiêm như trong giấc mơ của Oanh Ca, những ngón tay dài cầm chiếc cốc gốm Long Tuyền màu xanh trông thanh tao nho nhã như nét cọ trong tranh thủy mặc.
Tôi vẫn chưa tìm được chỗ ngồi, đột nhiên nghe thấy dưới lầu có tiếng ẩu đả liền nhìn xuống, mặt nước sông bên ngoài thuyền đục ngầu, vọt cao cả trượng, khách trên thuyền kinh sợ tản ra tứ phía, dưới sông đột nhiên vọt lên mấy sát thủ áo đen bịt mặt. Thích khách áo đen thế hung mạnh, lưỡi kiếm lạnh lùng ép về phía cô gái áo tím dáng yêu kiều trên thuyền.
Tôi đã nhìn thấy Oanh Ca giết người không chỉ một lần. Nhưng đây là lần đầu nhìn thấy cô giết người bằng trường đao, bóng thanh đao dài hẹp lóe như tia chớp từ không trung thu về, tư thế vẫn không đổi, nhưng đều là nhát đao chí mạng, chính là chiêu thức Dung Viên đã dùng dưới tán anh đào.
Ngọc thạch màu lam khảm trên chuôi đao lóe lên lóng lánh trong chùm tia nước trắng xóa bắn lên từ dưới sông, tương phản với màu đỏ tươi của máu vọt ra từ cổ người áo đen, tạo nên một vẻ đẹp yêu ma. Còn Oanh Ca toàn thân áo tím vẫn ung dung đứng trên mũi thuyền, trông tựa bức sa nhẹ rủ trên mũi thuyền, mũi trường đao chạm đất, giết chết sáu người, thanh đao sắc chỉ dính một vết máu nhạt, quả là thanh đao tốt.
Xung quanh sặc mùi máu tanh, nhưng trên người cô lại không một vết máu. Một thủ pháp giết người sạch tinh nhanh gọn.
Tìm được chỗ quan sát, tôi và Mộ Ngôn đều nhìn chăm chú, chỉ tội cho một số khách trên thuyền sợ run lập cập, trong gió đã có hơi lạnh, trời sắp mưa, trời nước tĩnh lặng. Trong cái tĩnh lặng mênh mông, tiếng cười của Oanh Ca đột nhiên vang lên lạnh như nước: “Tại hạ đã được giáo huấn sát nhân cũng là một nghệ thuật, phải nhanh và gọn, đó là chính cái đẹp của sát nhân. Hôm nay chúa thượng các ngươi cử đến nhiều người như vậy để giết một tiểu nữ yếu đuối, tha lỗi cho tại hạ không chú ý tới vẻ đẹp của sát nhân”.
Một tiếng “choang” vang lên, tôi ngoái nhìn, thấy Dung Tầm bàn tay vẫn giơ ra như nắm cốc rượu, nhưng trong tay lại chẳng có gì, trên nền những mảnh gốm xanh vỡ nát, ánh mắt chàng ta theo dõi sát Oanh Ca chiến đấu với những người áo đen, khuôn mặt lạnh băng lộ vẻ thất kinh.