Chú Ba im lặng một lúc, lại nhìn cái bóng kia, cảm giác vừa rồi nổi giận đùng đùng lên có chút mất mặt, mới nói lảng sang chuyện khác: “Đ. mẹ, thứ quái quỷ này do ai phát hiện?”
Ánh mắt của tất cả mọi người đều đổ dồn về một người. Tôi nhận ra thằng nhóc này, nó tên là Ngô Song Đản, hồi xưa tôi từng hỏi bố vì sao nó lại bị đặt một cái tên tục tĩu như thế. Bố tôi nói, đó là bởi vì bố nó vốn tên là Ngô Nhất Căn, chắc là bố nó muốn trả thù ông nội nó nên mới đặt cho con mình cái tên như thế. Thằng nhóc này sợ đến mức sắc mặt trắng bệch, không thốt lên được câu nào.
Có một người bên cạnh kể lại cho chúng tôi nghe chuyện đã xảy ra. Hóa ra thằng ranh này ra bờ suối nhặt đá về cho bố nó sửa lò bếp, đang nhặt thì mắc tè, con nít nghịch ngợm, mới nhảy lên tảng đá kia để đái xuống suối, đang đái thì nhìn thấy cái bóng này.
Chú Ba thì thằng nhóc kia, hỏi nó: “Chú mày đi đái lúc nào thế?”
Thằng nhóc kia không để ý đến chú Ba, toàn thân cứ run lên bần bật, chỉ nhìn chằm chằm vào tảng đá kia, như thể đã sợ đến khiếp vía vậy.
Chú Ba hỏi lại một câu, vẫn chỉ có phản ứng như vậy, chú không hiểu, bèn hỏi một người bên cạnh: “Nó sợ cái gì?”
Người kia mặt tái mét, chỉ vào đám ốc bùn dưới nước, nói: “Vừa rồi nó nói với bọn tôi rằng ‘nó’ đang cử động, thứ này đã trèo lên cao hơn một chút so với lúc nó nhìn thấy ban đầu rồi!”
Lúc ấy, một cảm giác rợn tóc gáy dần lan tỏa ra khắp bầu không khí, tôi thấy ngón tay của ông trẻ cũng hơi hơi run run.
Im lặng hồi lâu, chú Ba chửi thề một tiếng, cầm một cành cây từ trên bờ, nhảy qua tảng đá rồi sục thẳng cành cây xuống nước, ra sức khuấy nước tung tóe, quấy tung đám ốc ra khỏi tảng đá, sau đó gầm lên một tiếng chửi: “Sợ cái đ*u b**i! Chúng ta làm cái nghề gì, mà còn sợ bị một đám ốc xào tương giết chết hả?!”
Nhìn bóng người quái đản kia biến mất, quả nhiên tất cả mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm. Chú Ba gọi tên thủ hạ của mình trong đám người, nói gì đó với hắn, sau đó liền nói với những người khác: “Quay về quay về! Về nhà mà xào một mâm, cho ngắm cả ngày cũng được.”
Đám người hóng hớt hậm hực tản đi, chú Ba đến trước mặt ông trẻ, khẽ thì thào với ông: “Này ông trẻ, có tin tôi không?”
Ông trẻ nhíu mày nhìn chú Ba: “Thằng ranh mày định làm gì?”
“Chuyện này mẹ kiếp… Hay là ông cứ giao cho tôi xử lý, anh cả tôi không thu vén được chuyện này đâu, dưới trướng ông lại chả có người nào, còn náo loạn thêm nữa, chỉ e cả làng biết chuyện này mất.”
Hiển nhiên ông trẻ cũng kiêng kỵ điểm này, trầm mặt suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng mới gật đầu đáp: “Mày đừng có giở quẻ với tao đấy, bằng không thằng ranh mày còn chết thảm hơn lũ ốc vặn kia.”
Chú Ba toét miệng cười, nhìn nước suối kia, hỏi: “Chuyện dời mộ, bao giờ mới hạ táng?”
Ông trẻ nói: “Ba ngày nữa.”
“Đừng lần lữa quá, ngày mai hạ táng luôn đi, dúi cho lão đạo sĩ kia ít tiền, bảo lão đổi ngày.” Chú Ba vỗ vai ông trẻ: “Mẹ kiếp, rắc rối con mẹ nó rồi.”
Ông trẻ gật đầu: “Tao biết. Mày tính làm thế nào?”
Chú Ba nói: “Suối này, tôi sẽ bảo các anh em canh chừng, để tí nữa tôi đi mua một ít thứ ‘khắc Ốc tinh’ tới, xử lý sạch lũ ốc vặn này.”
Nói rồi, chú Ba í ới gọi tôi, nói phải lên phố mua đồ. Chú bảo tôi lái xe.
Tôi vội vã đi cùng, hỏi: “Chú, chuyện này ngớ ngẩn quá, rốt cuộc là thế nào đấy?”
Chú Ba xua tay bảo tôi đừng nói gì cả, lên xe. Chú liền nheo mắt, nói với tôi: “Bà nội nó, có thể chúng ta đã lầm rồi.”
“Lầm cái gì?”
“Cỗ quan tài dư ra kia kìa. Chỉ sợ nó không phải là quan tài táng người chết, mà là táng số ốc vặn kia thôi.”
“A, sao lại thế?”
“Làm sao mà chú mày biết.” Chú Ba nhíu mày, “Chú sợ là rắc rối mẹ nó rồi, thôi bất kể thế nào đi nữa, cứ tiêu diệt đám ốc vặn kia đã rồi hẵng tính sau.”