Dưỡng Tính

Chương 16



Editor: SQ 

_____________________ 

Không ngờ là thầy Tôn nghiêm túc suy nghĩ một lúc lâu, nói: “Nhưng em thấy đầu óc mình vẫn đủ dùng, chắc không cần bổ nữa đâu. Có phải dạo này trưởng khoa Phan cảm thấy lực bất tòng tâm không? Lớn tuổi rồi mà, nói chung chuyện lớn chuyện nhỏ rồi cũng phải có, thả lỏng đi.”

Trưởng khoa Phan: “…….”

Cả nhóm ăn sáng xong thì đi đến làng A Ca, lúc đi ngang qua nhà chú Lý mấy hôm trước đến ăn cơm, nhìn thấy một chàng trai trẻ đang ngồi ở đập nước trước cửa nhà nướng bánh bao cá, đúng lúc chú Lý ôm củi bước ra, thấy mọi người thì nhiệt tình chào hỏi, nói: “Đi mệt rồi phải không? Vào đây nghỉ ngơi, uống ly trà!” Rồi nói với chàng trai đó, “Lý Khôn Bằng, đi rót trà!”

Mọi người ngồi xuống một gốc cây to trước nhà, trưởng khoa Phan nói: “Anh à, không cần đâu, sau này chúng tôi còn phải nhờ vả đấy!”

Chú Lý cười hào sảng, “Này, nói gì thế! Thầy bằng lòng tới, tôi còn vui nữa kìa!”

Lý Khôn Bằng nhanh tay nhanh chân pha trà, lúc mang đến, chú Lý chỉ vào cậu ấy, nói: “Thằng lớn nhà tôi, Lý Khôn Bằng, mới tốt nghiệp, đang làm hướng dẫn viên du lịch.” 

“Hướng dẫn viên du lịch được lắm, nhân lúc còn trẻ làm tốt vào!”

Lý Khôn Bằng mỉm cười.

Hôm nay Đường Thi vẫn cùng trưởng khoa Phan ở lại nhà chú Lý, Kỳ Bạch Nghiêm phải đến một hộ gia đình khác, họ Thi. Người Di trắng địa phương có hai họ lớn, một là Lý, hai là Thi; họ Lý chiếm 60%, họ Thi chiếm 30%, còn lại chiếm 10%.

Về gia đình mà Kỳ Bạch Nghiêm đến, chủ nhà tên là Thi Gia Minh, mẹ già trong nhà vẫn khỏe mạnh; có một người anh trai, hiền lành chất phát, đã làm nghề nông nửa đời người, tên là Thi Gia Lượng; có một người chị có chồng ở rể, tên Thi Gia Nguyệt; và một người em gái, đang chờ lập gia đình, tên Thi Gia Ngọc. Bốn người sống cùng với nhau, trái phải trước sau có ba gian nhà, là một gia đình khá giả.  

Khi Kỳ Bạch Nghiêm đến, có một cô gái lạ mặt đang hái mận trong vườn cây ăn quả cạnh nhà, thấy có người đến, cô gái cũng không sợ người lạ, trượt xuống cây, nhìn anh, tò mò hỏi: “Kỳ tiên sinh?”

Kỳ Bạch Nghiêm cười, “Bố cô có ở nhà không?”

“Có.” Cô gái đưa quả mận còn đọng sương cho Kỳ Bạch Nghiêm, Kỳ Bạch Nghiêm nhận lấy cầm trong tay, cô nàng tò mò hỏi, “Anh biết tôi là ai?” 

“Bố cô hay nhắc đến cô.”

“Ồ.” Cô gái gật đầu, hỏi tiếp, “Mấy người đến, để bảo vệ văn hóa của chúng tôi phải không?”

Kỳ Bạch Nghiêm từng đến đây một lần, có nghe Thi Gia Minh nói một vài chuyện về cô gái này, nghe vậy chỉ đáp: “Chúng tôi tôn trọng tất cả văn hóa.”

“Cũng tôn trọng chúng tôi?”

“Ừm.”

Hai người vừa nói vừa đi vào trong, cô gái đó nói: “Tôi tên là Thi Tuyết Oánh, bố tôi có nói tên của tôi chưa?”

“Ừm, nói rồi.”

“Nhưng tôi chỉ biết anh họ Kỳ.” Thi Tuyết Oánh nhìn anh, “Anh tên gì?”

“Kỳ Bạch Nghiêm.”

“Anh là giáo sư đại học C?”

“Ừm.”

“Lúc tôi còn muốn đi học, rất muốn vào đại học C, thi không đậu, nên không học nữa.”

“Bây giờ không muốn đi học nữa?”

“Không muốn!” Thi Tuyết Oánh lắc đầu, “Có chuyện quan trọng hơn phải làm.”

Kỳ Bạch Nghiêm đoán được đại khái chuyện cô ấy muốn làm là gì, cho nên không hỏi. Thi Tuyết Oánh đợi mãi, thấy anh không hỏi, cau mày nói: “Sao anh không hỏi tôi chuyện quan trọng hơn là gì?”

Hai người sắp đi đến cửa nhà, Thi Gia Minh đã thấy họ. Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Cô cảm thấy quan trọng thì chuyện đó quan trọng, không cần tôi hỏi.”

Nhưng Thi Tuyết Oánh bĩu môi nói: “Nhưng tôi muốn biết trong mắt người ngoài chuyện đó có quan trọng không, có ý nghĩa hay không.”

Thi Gia Minh đi tới bắt tay Kỳ Bạch Nghiêm, nói với anh: “Con bé này quấn anh hỏi đông hỏi tây đúng không? Anh cứ kệ nó!”

Kỳ Bạch Nghiêm cười, “Người trẻ tuổi, chịu tò mò là chuyện tốt, có chuyện bằng lòng muốn làm đến cùng, cũng đáng được khuyến khích.” Rồi nói với Thi Tuyết Oánh, “Cô có câu hỏi gì thì cứ hỏi tôi, nếu tôi biết, sẽ trả lời hết.”

Thi Gia Minh đứng cạnh gãi đầu, “Anh Kỳ, anh đừng hiền lành với nó quá, nó quen leo lên đầu lên cổ người ta ngồi rồi, không biết đúng mực gì hết!”

“Không sao.” Kỳ Bạch Nghiêm đã dạy học biết bao năm nay, có nhiều nhất là lòng kiên nhẫn.

Hôm nay Kỳ Bạch Nghiêm đến chủ yếu để thu thập thông tin gia phả của gia đình họ Thi, vốn dĩ là Thi Gia Minh là người giải thích, nhưng Thi Tuyết Oánh ngồi cạnh luôn có thể nói vài chuyện mà cả Thi Gia Minh cũng không biết, sau đó để luôn cho Thi Tuyết Oánh nói.  

Thi Tuyết Oánh nói những chuyện này hết sức dõng dạc, vui vẻ và tự tin. 

Mùa này đúng lúc là mùa nhà nông thu hoạch, bận tới tấp. Kỳ Bạch Nghiêm nghe Thi Tuyết Oánh giải thích một lúc lâu, cảm thấy không có vấn đề gì, vậy là nói với Thi Gia Minh: “Ngoài đồng chắc bận lắm, ở đây có cô Thi là được rồi.”

Thi Gia Minh rửa sạch một rổ mận để bên cạnh, cầm liềm, đội mũ rơm, đi ra đồng.

Kỳ Bạch Nghiêm viết tên nào, Thi Tuyết Oánh sẽ nói về người đó, nói được gần một tiếng, Kỳ Bạch Nghiêm dừng bút, nói: “Nghỉ ngơi chút đã.” Thi Tuyết Oánh rót nước, uống ừng ực hơn nửa ly.

Tuy Thi Tuyết Oánh không học đại học, nhưng đọc rất nhiều sách, còn vì thích tất cả văn hóa của dân tộc mình, hiểu biết rất nhiều, cho nên hay được người trong làng hỏi han. Cô đã quen bị hỏi, gặp một Kỳ Bạch Nghiêm không thích hỏi, ngồi một lúc cứ cảm thấy không có đất dụng võ. Chẳng hạn, anh không hỏi cô vì sao biết rất nhiều điều về gia phả, cũng không hỏi cô biết nhiều vậy để làm gì. Trước kia cô cũng từng tiếp xúc với một vài học giả, lúc cô nói về nguồn gốc dân tộc và phong tục dân gian, họ cứ thích nói cô nói sai vài chỗ, do đời sau truyền đạt sai, thường xuyên có tranh luận, bầu không khí hết sức gay gắt.

Đó mới là làm nghiên cứu trong ấn tượng của Thi Tuyết Oánh, chứ không phải như Kỳ Bạch Nghiêm, chẳng hỏi gì cả, chỉ lo viết.

Trong lúc nói, Thi Tuyết Oánh cố tình gán cho một người nào đó một hành vi giả, là một phong tục không phải của nơi này. Kỳ Bạch Nghiêm vẫn im lặng viết xuống, nhưng đánh dấu vào chỗ đó.

Thấy anh làm vậy, Thi Tuyết Oánh cố tình hỏi: “Đây là sao? Là không chính xác hả?”

“Không có văn học dân gian nào không chính xác.” Kỳ Bạch Nghiêm nói, “Chỉ là trong tài liệu có liên quan mà trưởng khoa Phan đưa không có ý này, phải xem xét lại.”

“Trưởng khoa Phan nói không có, tại sao anh không nói tôi sai?”

“Sự hòa nhập của các ứng xử văn hóa dân gian sẽ giảm thiểu hoặc bổ sung theo thời gian, chỉ cần phù hợp để phát triển thì sẽ trở thành một phần của dân tộc này. Liệu đây có phải là mới được bổ sung hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều điều, bây giờ không thể xác định chính xác.”

Thi Tuyết Oánh im lặng hồi lâu, nói: “Nếu cuối cùng sau khi điều tra, phát hiện đây không phải thì sao?”

Kỳ Bạch Nghiêm nhìn cô, “Bản chất việc truyền miệng đã có tính chủ quan, có sai sót là bình thường.”

Thi Tuyết Oánh không nói nữa. 

Lúc này đang nghỉ ngơi, Thi Tuyết Oánh hỏi: “Anh thấy nơi này của chúng tôi thế nào?”

“Rất tốt.”

“Tốt thế nào?”

“Có người nghèo, có người giàu. Người nghèo tuy nghèo, nhưng cũng đang sống, có vui vẻ, có buồn phiền; người giàu tuy giàu, nhưng cũng không đến mức làm bậy làm bừa, có vui vẻ, có buồn phiền.”

Lần đầu tiên Thi Tuyết Oánh nghe thấy câu trả lời thế này, nhíu mày nói: “Có rất nhiều nơi như thế.” Với đa số những người từng đến đây, lý do họ thấy nơi này tốt đẹp phần lớn là vì phong tục dân gian giản dị, phong cảnh đẹp đẽ, ẩm thực đặc sắc, trang phục rất bắt mắt,… vân vân.

“Rất nhiều.” Kỳ Bạch Nghiêm nói, “Cho nên rất nhiều nơi rất tốt.”

Thi Tuyết Oánh không mấy vui vẻ: “Nơi này không thứ gì làm anh thấy lưu luyến hả, rất đặc biệt ấy, khác với những nơi khác?”

“Tất nhiên có.”

“Là gì?”

“Bầu trời rất đẹp, buổi tối rất yên tĩnh, người dân rất nhiệt tình, quần áo và trang sức rất đẹp, nhiều lắm.”

“Đúng ha?” Thi Tuyết Oánh hào hứng, “Nơi này của chúng tôi, đến tối có thể thấy rất nhiều rất nhiều rất nhiều sao, dày đặc, vừa chớp vừa sáng, không giống chỗ khác đâu, đến tối một cái là chẳng thấy được gì! Buổi tối đúng là yên tĩnh thật, khác hẳn trong thành phố, đông như mắc cửi, ồn ơi là ồn! Đồ ăn cũng ngon nữa, thuần thiên nhiên, không có thuốc, canh gà hầm, mùi bay tới nhà chú Lý luôn….” 

Kỳ Bạch Nghiêm không khỏi bật cười. Cô bé này, đúng là báu vật của quê hương.

Mỗi vùng có ưu điểm riêng, cũng có khuyết điểm, nhưng Kỳ Bạch Nghiêm không nói nhiều, chỉ nghe cô bé này nói. Thi Tuyết Oánh là một người ủng hộ bảo thủ văn hóa dân tộc, hy vọng có thể khôi phục lại lối sống chưa bị ảnh hưởng bởi nền văn minh hiện đại càng nhiều càng tốt, để người dân nơi này được sống trong một hoàn cảnh có một không hai.

Kỳ Bạch Nghiêm nghe cô bé nói rất nhiều, không đưa ra bình luận. Thi Tuyết Oánh không bị cắt ngang giữa chừng, nói ra suy nghĩ của mình một cách hoàn chỉnh, hết sức thoải mái, hỏi: “Anh thấy thế nào?”

Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Tôi không phải người dân tộc này, cho nên không có cảm giác đồng cảm với dân tộc này. Cô có là đủ rồi.”

Thi Tuyết Oánh gật gù: “Cũng phải.” Rồi nghĩ xem còn phải hỏi gì nữa không, nhưng Kỳ Bạch Nghiêm nói, “Chép lại gia phả trước đã, chúng ta từ từ bàn chuyện sau.”

“Vâng.”

Hai người tiếp tục sao chép gia phả, mặt trời dần ngả về phía tây. Thi Gia Minh vẫn nhớ trong nhà có khách nên về nhà sớm, bỏ lúa vào sân, rồi vào nhà nói với Kỳ Bạch Nghiêm: “Hôm nay anh Kỳ ở lại ăn chiều đi, Tuyết Oánh nó làm, ngon lắm.”

Kỳ Bạch Nghiêm đang sao chép, nghe vậy thì bỏ bút xuống, nói: “Hôm nay không được, đội nghiên cứu đã hẹn ăn ở nhà chú Lý rồi.”

Thi Gia Minh không để ý, nói: “Ấy, anh ăn ở đây, họ ăn ở chỗ ông Lý, có làm sao đâu!” Rồi nói, “Mới bắt hai con cá, tối nay đem đi hầm, thơm lắm!”

Kỳ Bạch Nghiêm không phải là người thích trốn tránh, như chuyện ăn cơm ở đâu thì luôn sẽ thuận theo tự nhiên, nhưng hôm nay lại khác bình thường, nói: “Nếu cả nhà không ngại phiền, ngày mai cả nhóm chúng tôi đến ăn. Hôm nay phải qua đó, đã hẹn với nhà chú Lý rồi ạ.”

“Nói gì thế! Mọi người bằng lòng tới đây, vui còn không kịp, ngại phiền phức gì chứ!” Thi Gia Minh cũng không giữ lại, “Vậy hứa rồi nhé, ngày mai tới chỗ tôi ăn cơm!”

“Vâng.”

Thấy cũng không còn sớm, Kỳ Bạch Nghiêm thu dọn mọi thứ, nói: “Vậy hôm nay đến đây thôi, ngày mai tôi lại đến.”

Thi Gia Minh mới cắt lúa, cả người đầy mồ hôi, Kỳ Bạch Nghiêm mặc đồ trắng từ trên xuống dưới, sạch sẽ như giáng trần, người nông dân chân chất cảm thấy mình đứng cạnh thôi cũng có thể làm bẩn quần áo của người ta, thế là gãi đầu, nói với Thi Tuyết Oánh: “Tiễn anh Kỳ về.”

Thi Tuyết Oánh định đưa Kỳ Bạch Nghiêm ra ngoài, Kỳ Bạch Nghiêm từ chối, “Không cần đâu, không cần khách sáo.”

Khi Kỳ Bạch Nghiêm về đến nhà chú Lý, trưởng khoa Phan và Đường Thi đang đứng trên đập nước cho vịt ăn. Đường Thi nhìn thấy Kỳ Bạch Nghiêm trước tiên, bỏ thau thức ăn xuống, đứng trên đập nhìn anh đi tới.

“Tặng em.” Kỳ Bạch Nghiêm giơ tay ra, là một bó hoa hướng dương.

Đường Thi đỏ mặt giơ tay, thấy tay mình toàn bụi và vệt nước thì rụt về, “Đợi em tí, tay dơ.” Cô định đi rửa, nhưng bị Kỳ Bạch Nghiêm nắm lấy, hoa hướng dương nằm trong tay cô, “Không sao.”

Hoa hướng dương được buộc lại bằng cỏ dại, vẫn còn độ ấm lòng bàn tay của Kỳ Bạch Nghiêm.

“Phải tặng hoa cho em mà.” Kỳ Bạch Nghiêm nói, “Thấy có hoa hướng dương, nên hái bó này.” Khi đi được một lúc, Kỳ Bạch Nghiêm nhìn thấy cánh đồng hoa hướng dương ven đường nở tươi tốt, muốn tặng Đường Thi, nhưng không biết hoa hướng dương này là của nhà ai, tự tiện hái thì không được, vậy là lại quay về tìm Thi Gia Minh, nhờ Thi Gia Minh nói với chủ vườn, trả tiền, mang bó hoa này về.

“Cảm ơn anh.” Gương mặt bình thường suốt ngày hôm nay của Đường Thi, vì Kỳ Bạch Nghiêm, lại đỏ như máu, “Em thích lắm.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.