*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
“Sao nào, còn xót tiền thay tôi nữa sao?”
Yến Thanh Đường không lấy chai của mình ra, mà chấp nhất đẩy chai của anh về lại: “Đó là nước của anh.”
“Nhưng tiền mua nước cũng đâu có phải dùng của cô.” Túc Chinh đột nhiên muốn trêu chọc Yến Thanh Đường, “Sao nào, còn xót tiền thay tôi nữa sao?”
“Đau lòng cái khỉ.” Bị anh ghẹo, Yến Thanh Đường cất luôn tấm lòng khiêm nhường, lấy chai ra, “Vậy anh đổ ngược vào đây đi.”
Túc Chinh mở nắp chai nước, rót cho Yến Thanh Đường vừa đúng một nửa: “Để công bằng…, mỗi người một nửa.”
“Cảm ơn.” Sau khi Yến Thanh Đường nhận nước liền há miệng uống một hơi dài.
Trên thực tế đầu xuân ở Nalati cũng không có quá nhiều nơi để đi, hai người đi dạo một vòng, rồi quay về lại nhà nghỉ.
Sau khi quay về, Yến Thanh Đường nhớ đến tiêu bản hoa nghệ tây trắng của mình, đem tiêu bản và hộp dụng cụ của mình đặt ở nơi khô ráo, đến buổi chiều và buổi tối lại thay giấy thấm nước một lần.
Trong quá trình chế tác tiêu bản thực vật, cố gắng duy trì cho tiêu bản được khô ráo là điều quan trọng nhất. Có người muốn bớt việc nên sẽ dùng máy sấy hong khô cho nhanh chóng, nhưng chỉ có máy sấy khô ở trong phòng thí nghiệm chuyên nghiệp mới được, máy sấy khô bình thường rất khó khống chế được độ ấm, dễ tạo nên độ ấm quá cao sẽ gây ra nhiều tổn hại đến các mô thực vật.
Sau khi đi vào Tân Cương, Yến Thanh Đường đã phát hiện ra ở Tân Cương này có một đặc điểm cực kỳ phù hợp với chuyên ngành của cô. Khí hậu Tân Cương khô ráo, thích hợp để bảo quản tiêu bản thực vật.
Cô hoàn toàn không phải lo lắng hoa nghệ tây trắng của mình sẽ mốc meo.
Trước khi ngủ, Yến Thanh Đường lại đổi giấy thấm nước lần nữa, vừa nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Chung quanh nhà nghỉ sáng đèn, bốn bề là những bãi cỏ xanh mướt. Cô lại nhớ về thảo nguyên mà ban ngày cô đã nhìn thấy, Nalati lúc này không phải là khoảng thời gian đẹp nhất, mùa xuân hoa dại cũng không nở hết toàn bộ.
Yến Thanh Đường bỗng có hơi không muốn đi sớm như vậy, thay đổi kế hoạch, muốn ở lại đây nhiều thêm một chút.
Cô lập tức chia sẽ suy nghĩ của mình cho Túc Chinh, Túc Chinh không phản đối, còn ngay lập tức gọi điện thoại cho nhà nghỉ, không bao lâu sau thì trả lời lại cô, nói đã kéo dài thời gian thuê phòng.
Yến Thanh Đường rất hài lòng với hiệu suất làm việc của Túc Chinh, sau đó lại than thở với anh việc chờ đợi xuân đến quá nhàm chán, Túc Chinh liền đề nghị, ngày mai sẽ không đến Thung Lũng Tuyết Liên nổi tiếng nữa, mà sẽ đi thẳng đến những thảo nguyên bình thường quanh đó, nói rằng bên đó có người chăn nuôi sẽ khiến cho cô ngạc nhiên mà xem.
Yến Thanh Đường đồng ý, hôm nay đi Thung Lũng Tuyết Liên tất cả chỉ vì đó là nơi tốt nhất để tìm được hoa nghệ tây trắng. Bây giờ mục tiêu đã hoàn thành, có thể đến nơi khác dạo chơi rồi.
Cô có phần tò mò về văn hóa du mục của dân tộc địa phương Kazakhstan, nghe người ta nói rằng những ngôi nhà của họ sẽ được chia theo bốn mùa: tổ mùa xuân, tổ mùa hạ, tổ mùa thu và tổ mùa đông, chuyển mùa sẽ có thời gian di chuyển, trong đó mùa thu và mùa xuân sẽ ở cùng một tổ.
Mùa xuân là mùa bắt đầu hành trình du mục,
Cũng là thời điểm cừu cái sinh con,
Như nông dân nghênh đón màu vàng của mùa thu,
Lòng người chăn nuôi trăm cõi vui mừng.
—Văn Tiệp <<Bài ca chăn cừu Thiên Sơn-Tin xuân>>
Thảo nguyên Nalati là bãi cỏ nổi tiếng của Trung Quốc, và là một trong bốn thung lũng thảo nguyên cao nhất thế giới.
Túc Chinh và Yến Thanh Đường dậy rất sớm, lái xe đến một ngọn núi đầy cỏ ở mạn sườn phía Bắc sông Chuluut.
Khi đến nơi, mặt trời đã mọc lên đến giữa sườn núi, một màu cam cam chiếu rọi khắp thảo nguyên xanh đậm, làm cho cả thảo nguyên nhuộm đầy sắc đỏ.
Nơi này không được khai phá nhằm sử dụng cho du lịch, nên không có con đường chuyên cho xe đi, xe vào được một chút đã phải dừng lại, cả đoạn đường sau đều phải đi bộ.
Túc Chinh liên tưởng đến những câu chuyện trước kia từng nghe kể, chạy lên trước, vì để giảm bớt sự mệt mỏi cho Yến Thanh Đường nên cố ý nói cho cô nghe, đặng bề phân tán sự chú ý của cô.
“Nalati kia là một ngôn ngữ Mông Cổ Chuẩn Cát Nhĩ, có nghĩa là ‘nơi đầu tiên nhìn thấy mặt trời’. Năm đó Thành Cát Tư Hãn viễn chinh về phía Tây, ông băng qua những ngọn núi sâu và thung lũng trong Thiên Sơn, đoàn quân chịu đói chịu khổ trong gió tuyết, tinh thần binh sĩ xuống dốc. Đến khi đến nơi này, gió tuyết ngừng thổi, mây mù tiêu tán, mặt trời rực lửa dần mọc lên, trước mắt hiện lên khung cảnh thảo nguyên một màu xanh mướt.”
“Sau khi nhìn thấy mặt trời, các binh sĩ hô to ‘Nalati’, từ đó nơi này được mang cái tên ấy.”
Vừa nói, Túc Chinh vừa chỉ vào ánh mặt trời đang mọc giữa đỉnh núi, dưới ánh mặt trời, đồng cỏ xanh mởn như có một vẻ đẹp mang đến sự chữa lành, bên cạnh có vài chú ngựa lác đác đang gặm cỏ non vừa nhú, khiến cho Yến Thanh Đường mường tượng ra được đồng khung cảnh với câu chuyện mà Túc Chinh vừa kể.
Mặt trời là hy vọng, là thức ăn cho khí hậu một phương.
Là hy vọng cho các binh sĩ thời cổ đang trong cơn đói khổ và lạnh lẽo, và cho đến tận ngày nay, là hy vọng cho dân thảo nguyên làm chăn nuôi.
Họ tiếp tục đi, đến dưới chân núi, đi ngang qua một gia đình chăn nuôi dân tộc Kazakhstan.
Họ đã di chuyển từ tổ mùa đông đến, đã dựng xong lều yurt. Với đặc trưng của di chuyển du mục, thì lều yurt là một nơi ở vô cùng tiện lợi và đơn giản nhất, cách dỡ bỏ và lắp dựng đều thực hiện vô cùng nhanh chóng, đồng thời cũng có chức năng che chắn nắng, chống ẩm, gió và mưa.
Các lều Yurt của các gia đình được dựng rất đẹp đẽ, xung quanh được lưới bọc giăng đầy những tấm thảm với các kiểu dáng họa tiết khác nhau, trên mặt đất cũng phủ đầy thảm hoa và thảm len. Gia cảnh của họ nhìn qua thì không tệ, khá giàu có, những món đồ trang trí bằng bạc đẹp tuyệt cũng được khảm lên trên lưới và trên các cột của lều.
Cách đó không xa, có một thanh niên dân tộc Kazakhstan đang vắt sữa bò. Trên đầu anh ta đội một cái mũ nhọn hình vuông được làm từ da cừu, mang áo sơ mi cổ lọ thêu hoa văn rực rỡ màu sắc trên phần cổ áo, thắt lưng làm từ da bò, trên thắt lưng có vắt một con dao nhỏ, quần da và mang cả một đôi giày da dài.
Bên cạnh anh ta có một cô gái dân tộc Kazakhstan, nom vẻ như đang phụ giúp anh ta vắt sữa, cô ấy mặc một chiếc váy xếp ly viền hoa hai lớp, cổ tay áo có hình chữ thập được thêu bằng ren, hai bên áo của cô đều được đính những trang sức nhỏ lấp la lấp lánh. Cô ấy đội một chiếc mũ trên đầu, trên đỉnh mũ được đính những viên ngọc lấp lánh sặc sỡ lóa mắt, và cả những chiếc lông chim cú xinh đẹp.
Túc Chinh nói, mũ này có tên là ‘takya’, là chiếc mũ dành cho những cô gái chưa chồng người dân tộc Kazakhstan đội.
Có vẻ như con bò kia không hợp tác lắm, khiến cho người nam thanh niên rất ảo não. Vậy là trên thảo nguyên trống trải, thường xuyên vang lên tiếng cười của cô gái.
Yến Thanh Đường không nhịn được nhìn cô gái ấy thêm mấy bận, nhìn cái cổ mảnh khảnh của cô ấy, ngũ quan lập thể, có một nét xinh đẹp tự do phóng khoáng thuộc về thảo nguyên.
Mà Túc Chinh lại gọi thẳng tên cô gái: “A Á Lạp.”
Cô gái kia lập tức quay đầu về phía bọn họ, vẫy vẫy tay, cũng vui vẻ gọi tên Túc Chinh: “Anh Túc!”
Tiếng Hán của A Á Lạp tốt lắm, Yến Thanh Đường thậm chí còn không nghe ra được chút giọng điệu nào là thuộc về dân tộc Kazakhstan từ cô ấy. Hiện nay đa số các dân tộc thiểu số đều được học chung với người Hán, nên được học tiếng Hán từ nhỏ.
“Anh quen cô ấy?” Chờ đến khi A Á Lạp lại gần, Yến Thanh Đường mới bất giác hỏi thăm.
“Hai năm trước từng đến đây rồi. Hằng năm nhà bọn họ sẽ di chuyển đến nơi này, lần này tôi đến đây cũng là muốn nhìn thử xem năm nay họ có dựng nhà ở đây không.” Túc Chinh nhìn về phía A Á Lạp, khoa tay múa chân, “Lúc ấy em ướm chừng cũng chỉ đến đây thôi, bây giờ cao thế này rồi, mém chút nữa anh đã không nhận ra em.”
“Còn anh Túc thì hệt như ngày trước vậy, không thay đổi chút nào cả.” A Á Lạp cười nói.
Người con trai vừa nãy còn đang vắt sữa lúc này cũng đi đến, anh ấy là anh trai của A Á Lạp, có ấn tượng rất sâu với Túc Chinh.
Túc Chinh giới thiệu thân phận của Yến Thanh Đường với bọn họ, họ liền nhiệt tình lôi kéo hai người vào trong căn lều yurt ngồi.
Trong văn hóa của dân tộc Kazakhstan, họ vô cùng kính trọng người già, những người lớn tuổi được thế hệ sau tôn kính. Sự tôn kính này chẳng màng phân biệt nam hay nữ hoặc giàu hay nghèo, người ta chỉ tôn kính kinh nghiệm phong phú ẩn sau tuổi tác của họ.
Người ngồi ở trung tâm là bà nội đã lớn tuổi, nghe không hiểu tiếng phổ thông, Túc Chinh dùng ngôn ngữ Uyghur để trò chuyện cùng bà, thi thoảng sẽ chen thêm vài câu tiếng Kazakh, anh cũng rất tôn kính dùng xưng hô ‘A Mạt’, trong tiếng Kazakh thì nó có nghĩa là ‘bà’.
Túc Chinh khá thuần thục ngôn ngữ Uyghur, và cùng với ngôn ngữ Kazakh mà họ đang dùng đều thuộc nhóm ngôn ngữ Turkic của Ngữ hệ Altai, tuy rằng văn tự không giống nhau nhưng về khẩu ngữ thì vẫn có nét tương đồng, vậy nên hằng ngày vẫn giao lưu được.
Bà nội thúc giục anh trai A Á Lạp mang theo sữa bò vừa mới vắt được đem vào. Còn A Á Lạp thì mang sữa cục, sữa chua và phô mai nhà làm ra để chiêu đãi Túc Chinh và Yến Thanh Đường.
Chờ đến khi anh trai A Á Lạp đem sữa bò vừa vắt được vào lều yurt, bà nội tự tay đun sữa.
“Bà nói muốn cô nếm thử sữa tươi vừa vắt được.” Túc Chinh hỗ trợ phiên dịch, “Có điều cô sẽ phải chờ một chút, đun sôi lên rồi uống thì có lợi cho sức khỏe hơn.”
Yến Thanh Đường ngồi trên thảm kiên nhẫn chờ đun sữa, nghe Túc Chinh vừa phiên dịch cho cô vừa nói chuyện phiếm với họ.
Sau khi tắt lửa, sữa nóng được bưng ra, dù ly sữa cách rất xa những vẫn có thể ngửi thấy mùi sữa nồng đậm phả ra.
Yến Thanh Đường nhận lấy ly sữa từ tay A Á Lạp, sữa rất nóng, cô vừa thổi cho nguội, vừa uống từng hớp nhỏ, thơm quá, là mùi thơm tinh khiết từ sữa tươi nguyên chất chính tông.
So với những loại sữa mà cô đã từng uống trong hai mươi sáu năm qua, thì ngon hơn rất nhiều.
Sau đó lại ăn những món được làm từ sữa.
Cô mơ hồ cảm nhận được khẩu vị của từng món khác nhau, nghe Túc Chinh giới thiệu, cô mới biết hóa ra sản phẩm từ sữa cũng có rất nhiều thành phần, trừ sữa dê và sữa bò thông thường, còn có thể có cả sữa ngựa và sữa lạc đà.
“Người xưa có câu, sữa là lương thực của người Kazakhstan.” Túc Chinh nói, “Vậy nên không cần phải giật mình, thậm chí họ còn có rượu sữa ngựa nữa.”
“Tôi không uống rượu đâu.” Yến Thanh Đường khe khẽ nói với Túc Chinh.
Cô luôn giữ khoảng cách với tất cả các thức uống có cồn, may mắn thay nhà họ không bày rượu sữa ngựa ra mời.
Thấy thời gian cũng gần đến giờ cơm trưa, bọn họ mời Túc Chinh và Yến Thanh Đường ở lại để ăn bánh naan nướng và các loại bánh rán.
(*) Nalati
(*) Nalati vào đầu xuân
(*) lều yurt, mình thấy có nhiều mẫu loại lắm, nhưng bên dưới thì giống như trong truyện nhất
(*) Mũ takya