Phan An về được hai ngày, Hạ Hầu Trạm mang sữa đông đến gặp chàng.
Sữa đông cực kì ngọt, Phan An lại không phải tín đồ hảo ngọt, thử một miếng rồi thôi.
Chàng im lặng nhìn Hạ Hầu Trạm, không hiểu ý của đối phương.
Hạ Hầu Trạm ăn một miếng xong, khẽ cười: “Ngậm bồ hòn rồi, không phải nên ăn ngọt sao?”.
Phan An không đáp.
“Có hôm ta thấy huynh đứng trên tuyết nhìn chằm chằm một nữ tử hồi lâu, mà nàng quay lưng về phía huynh, người ra đi đầu không ngoảnh lại. Ta từng nghe Thạch Sùng bảo rằng huynh đem lòng ái mộ một nữ tử, chẳng hay chính là nàng?”
Phan An đứng dậy, hắng giọng.
Hạ Hầu Trạm cười tủm tỉm: “Ta biết nàng, nàng là Dương Dung Cơ”.
Phan An nhìn va, cúi đầu, cười mỉm.
“Đúng vậy, là nàng, vì sao huynh biết? Ta nhớ là mình chưa từng nói với huynh mà.”
“Tống Huy kể.”
“Tống Huy là ai?”
“Là đệ tử của Lục Châu, cũng là ca kĩ.”
Phan An lại hắng giọng.
Hạ Hầu Trạm bật cười: “Bị phong hàn à?”.
Phan An liếc va một cái, cầm bút lên, chấm mực.
Hạ Hầu Trạm lập tức xáp lại, không hiểu chàng đang viết cái gì, thỉnh giáo: “Huynh viết gì thế?”.
Phan An không ngẩng đầu, trả lời: “Viết phú”.
“Cho ai?”
“Quân vương.”
“Ca ngợi ngài?”
“Ta nghe nói, sang tháng Giêng, thánh thượng sẽ dẫn bầy tôi làm lễ Hạ điền ở đồng ruộng, ta viết sẵn bài phú để khen ngợi ngài.”
“Huynh chu đáo thật đấy, đi trước người khác một bước.”
Phan An không đáp lại.
“Huynh đã về được hai ngày, chắc cũng biết… chuyện của Dương phủ rồi nhỉ?”
“Dương bá phụ thua trận, bị giáng xuống thứ dân.”
Hạ Hầu Trạm chờ chàng nói tiếp, lại thấy chàng im lặng. Trông dáng vẻ điềm nhiên của chàng hiện tại, va thở dài, hóa ra là chàng không biết.
Va gõ tay lên bàn, tiếp lời: “Còn bị lưu đày nữa”.
“Cái gì?”. Phan An ngừng bút, sắc mặt nghiêm túc hẳn lên.
“Dương Triệu, Dương thị, Dương Dung Cơ, ba người họ đi đày.”
Bút rơi xuống đất, mực bắn đầy sàn.
Hạ Hầu Trạm không ngờ chàng sẽ có phản ứng dữ dội đến thế.
Trong phòng, từng khúc mía được rải lên vỉ sắt đặt trên chậu than, Hình thị ngồi nhặt rau tề thái bên cạnh, rau tề thái và thịt bằm được dùng để làm bánh rán nhân thịt.
Bà ấy nói với nô tỳ: “Đợi ta lặt rau tề thái xong thì chúng ta làm bánh rán tặng cho Dương phủ. Hồi Tết Trung thu, ta và Dương phu nhân hẹn gặp ở quán trà, bà ấy bảo rằng bản thân nhớ mãi không quên hương vị bánh rán nhân thịt do ta làm, vậy lần này ta làm nhiều thêm một chút”.
“Dương phu nhân là một người hiểu sâu biết rộng, nghe bà ấy nói chuyện tựa như đang đi theo bà ấy mở mang kiến thức vậy.”
“Nữ tử như vậy chắc chắn sẽ dạy dỗ con gái rất tốt, lần đó Dung Cơ bị bệnh nên ta không gặp được nàng. Bình thường Dương phu nhân khá bận rộn, không biết đến khi nào bọn ta mới có cơ hội ngồi xuống chuyện trò với nhau như ngày hôm ấy.”
“Mẫu thân ơi…”
Phan An đẩy cửa ra, sắc mặt ửng hồng do bước đi vội vàng.
Hình thị bảo nô tỳ đứng bên cạnh mình đưa khăn cho chàng, tay bà ấy vẫn nhặt rau thoăn thoắt.
Bà ấy hỏi: “An Nhân, Hạ Hầu công tử đi rồi sao, sao không giữ hắn lại ăn cơm?”.
Phan An nói: “Hắn vừa về rồi ạ, mẫu thân ơi, con…”.
Hình thị ngắt lời chàng, chỉ vào rau tề thái, giọng điệu vui vẻ: “An Nhân, đợi ta lặt rau xong, con mang bánh rán tặng cho Dương phủ nhé”.
Phan An bình tĩnh lại, nhìn dáng vẻ hồ hởi của mẫu thân, giọng nói trầm xuống: “Mẫu thân biết chuyện của Dương phủ rồi ạ?”.
Hình thị phủi tay, vẫn giữ nụ cười trên môi, yên lặng chờ chàng nói nốt.
“Dương bá phụ bại trận, bị quân thượng biếm làm thứ dân, sắp đi đày…”
Tim chợt nhói lên, chàng nói tiếp: “Cùng với Dương Dung Cơ và Dương phu nhân”.
Vẻ mặt của Hình thị cứng đờ, vội vã hỏi: “Tại ta ngại ra khỏi vào nhà khi trời trở lạnh nên không nghe ngóng được tin tức lớn như vậy, bây giờ sao rồi? Vậy họ sắp… sắp…”.
Phan An nắm lấy bàn tay đang run rẩy của Hình thị, chàng nhìn bà ấy, ánh mắt kiên định, dường như sáng lên.
“Mẫu thân, An Nhân có một quyết định muốn báo cho mẫu thân biết.”
Nô tỳ ở bên cạnh cung kính lui ra.
Hình thị nhìn chằm chằm vào chàng, thấy Phan An lấy hộp gỗ từ trong tay áo ra.
Động tác của chàng thong thả nhưng không kém phần cẩn thận, vẻ mặt nghiêm túc chưa từng có.
Chàng đã vào triều làm quan, không biết đây là chuyện nào mà đáng để chàng coi trọng đến vậy nhỉ? Hình thị bỗng có dự cảm.
Hộp gỗ được mở ra, bên trong có một tờ hôn thư.
Ngọn lửa bập bùng, khúc mía vỡ ra, nước mía chảy xuống kêu lèo xèo.
Phan An nói: “An Nhân đem lòng thương nhớ Dung Cơ đã lâu, hiện giờ con muốn… hỏi cưới Dung Cơ, cho dù Dương gia gặp biến cố, cũng không ảnh hưởng đến tấm lòng son của con”.
Kể cả khi đã đoán được từ trước, Hình thị vẫn ngạc nhiên không thôi.
Với tình cảnh hiện tại của Dương gia, trong khi ai cũng tránh né họ, Phan An lại có hành động ngược lại.
Bà ấy thầm chua xót, người ta nói Phan Nhạc xu nịnh, mới thấy bụi đã vái chào, nhưng An Nhân của bà ấy cũng là người có tình có nghĩa, không màng danh lợi.
Hình thị bình tĩnh lại.
“Để mẫu thân suy nghĩ một chút được không?”
Sáng sớm hôm sau, Phan An rửa mặt xong, ngồi trước bàn, tóc tai lòa xòa, y phục chưa thay.
Chàng thao thức cả đêm qua, khi bình minh ló dạng, tầm mắt chàng vẫn còn lờ mờ.
Hình thị đẩy cửa ra, tay xách giỏ tre được phủ vải dầu.
Dưới mắt Hình thị có quầng thâm, trông nó càng hiện rõ dưới ánh mặt trời.
Hình thị bảo: “Dương Triệu đã bị kết tội, chưa chắc đã chịu gặp gỡ người ngoài, con mang bánh rán nhân thịt do mẫu thân làm đến đó, vậy là có cái cớ chính đáng”.
Chàng tức khắc được khơi thông sự bế tắc, Phan An đứng lên, nhìn nụ cười điềm tĩnh của Hình thị, không nói nên lời.
Hình thị đặt giỏ tre lên bàn, nhẹ nhàng nói: “An Nhân, con đổi xiêm y rồi tới Dương phủ đi. Nhưng An Nhân à, con phải nhớ kỹ, có lẽ Dương bá phụ của con sẽ không dễ dàng đồng ý đâu”.
Ngày đông quang đãng, chung quanh sáng sủa.
Vấn tóc, đội mũ ngọc, mặc y phục lam nhạt, Phan An bước xuống phố, hoa mơ ta rơi xuống người.
Chàng gõ cổng, nô tỳ đi ra mở cổng.
“Ta là Phan Nhạc, ta mang bánh rán nhân thịt và rau tề thái theo lời mẫu thân dặn, cô nương thông báo cho chủ nhà giúp ta.”
Mặt nô tỳ đỏ lên, ấp úng: “À… Vâng, nô, nô tỳ đi báo ngay ạ, công tử chờ một lát”.
Phan An gật đầu.
Dương thị và Dương Triệu đang ở trong thư phòng, Dương thị đã giao hết việc nhà cho Trương Nhược Tử xử lý. Tuy Dương Triệu bị mất chức nhưng Dương Đàm và Dương Hâm còn tại chức, Dương phủ vẫn có người gánh vác.
Nô tỳ bẩm báo: “Thưa phu nhân, Phan lang tới”.
Dương Triệu dừng bút, liếc mắt nhìn Dương thị, Dương thị đang xe chỉ thì thoáng khựng lại.
Bà hỏi: “Có chuyện gì thế?”.
“Hắn nói là mẫu thân dặn hắn mang bánh rán nhân thịt và rau tề thái qua đây ạ.”
Dương thị nở nụ cười, đặt hộp kim chỉ xuống đùi, trả lời: “Ừ, ta tới ngay đây”.
Dương Triệu đứng lên, gọi Dương thị: “Phu nhân”.
Dương thị bước lẹ, không nghe thấy.
Dương Triệu khó chịu ra mặt.
Phan An thấy Dương thị vội vã tiến lại gần, mỉm cười chắp tay: “Cháu chào bá mẫu ạ”.
Dương thị đi lướt qua nô tỳ, tự tay nhận lấy giỏ tre, tiếp đón chàng: “Nhạc nhi đấy à, mau vào đi”.
Phan An bước vào cổng, hoa mơ ta trên người rơi xuống đất.
Phan An đi theo Dương thị tới đại sảnh, nô tỳ bưng trà và đồ ăn nhẹ lên.
Trò chuyện một lát, Dương thị đi thẳng vào vấn đề: “Phan lang, ta biết cháu còn có mục đích khác”.
Phan An buông chén trà xuống, nhẹ nhàng trả lời: “Vâng, quả thật cháu có ý đồ khác”.
Dương thị mỉm cười, đáp: “Từ lần đầu tiên gặp cháu, ta đã cảm thấy vị tiểu công tử này là một văn tài lỗi lạc, ưu tú, không ngờ sau khi trưởng thành lại càng tuấn tú hơn. Phan lang, ta biết tình cảm mà cháu dành cho Dung nhi, cho nên ta sẵn sàng cho cháu một cơ hội, Quý Sơ đang ở trong thư phòng, cháu vào đi”.
Phan An tỏ lòng biết ơn: “Cảm tạ phu nhân”.
Nô tỳ tiến lên rót trà, sau đó lui sang bên cạnh.
Dương thị kể: “Ngươi còn nhớ ngày ấy ở vườn Kim Cốc không, Dung nhi đi tụt lại phía sau, chúng ta đến nơi trước con bé”.
“Có ạ, khi đó phu nhân muốn đi ngắm hoa đào nên nô tỳ đi theo ngài tới đình, cuối cùng không thấy hoa đào đâu, lại trông thấy Phan lang và nữ lang.”
“Đúng vậy, vừa đến gần đình đã nhìn thấy cảnh Phan lang đưa tay về phía Dung nhi, ta lập tức dừng chân, lén nhìn hồi lâu.”
“Chắc chắn ông chủ sẽ không đồng ý, vì sao phu nhân lại để hắn thử ngỏ lời?”
“Cách nhìn của nam tử và nữ tử khác nhau, Quý Sơ quan tâm đến con đường làm quan, mà ta lại coi trọng chữ ‘tình’. Người ta đã có tình, vậy ta tác thành cho hắn một lần.”
Dương Triệu nghe thấy tiếng bước chân, rồi tiếng đẩy cửa, nhưng ông chả ngẩng đầu.
Phan An đã dự đoán được thái độ lạnh nhạt này của ông, tuy vậy, chàng vẫn cung kính chào hỏi.
Chàng không nói quanh co, cũng chẳng nói ẩn ý, mà nói thẳng: “Bá phụ, hôm nay cháu đến đây là để hoàn thành một hẹn ước”.
Dương Triệu buông bút, đứng lên, đi đến trước mặt chàng, không lên tiếng.
Phan An rút hộp gỗ từ trong tay áo ra, Dương Triệu nhìn chàng, chẳng nói chẳng rằng.
Phan An nói: “Đây là hôn ước do gia nghiêm và bá phụ đã định, Phan Nhạc tới đây để ngỏ lời cầu hôn Dung Cơ ạ”.
Dương Triệu xòe tay ra: “Ta không giữ tờ hôn thư nào cả, cái này không tính”.
Phan An tiếp tục nói: “Cháu là người giữ lời, dù bá phụ không nhớ rõ hay không có bức hôn thư cũng không thành vấn đề”.
Dương Triệu hít sâu một hơi, bước sang một bên: “Ta sẽ không đồng ý hôn sự này”.
Phan An ngẩng đầu, ánh mắt kiên định.
Dương Triệu nhìn chàng: “Ta chỉ là thứ dân, tế tử của ta đã ra đi vì cuộc chiến chính trị…”.
Ông vỗ vai Phan An, giọng trầm xuống: “Cháu đang làm quan trong triều đình, cháu cũng mới mười tám tuổi, con đường làm quan vẫn rộng mở, mà lão phu lại không muốn dính dáng đến triều đình nữa”.
Phan An im lặng một lúc, rồi nghiêm túc nói: “Chuyện mà bá phụ lo lắng sẽ không xảy ra đâu ạ”.
Dương Triệu mỉm cười: “Cháu nói như thế nào thì nó sẽ như thế ấy sao? Một khắc trước còn đang đứng trên mây, chớp mắt một cái đã bị đạp xuống bùn, một khắc trước còn phủ phục dưới chân, một khắc sau đã ngạo nghễ thiên hạ. Cháu à, cháu vẫn còn trẻ, Dương phủ đang mang tội, có mối quan hệ mật thiết với ta không phải chuyện tốt lành đâu, về nhà đi”.
Phan An nghe lời ông rời đi, tuy vậy, chàng nói: “Cháu sẽ không từ bỏ”.
Dương Triệu không đáp.
Phan An cất hộp gỗ vào trong tay áo, ra khỏi thư phòng.
Chàng đi ngang qua rừng trúc, bước đi trên con đường mòn, ánh mặt trời chiếu xuống rừng trúc, bóng cây loang lổ hắt lên người chàng. Trong rừng trúc có một con đường nhỏ, thoang thoảng hương mơ ta.
Chàng rảo bước vào con đường nhỏ trong rừng trúc, Dương Dung Cơ bước ra từ con đường mòn.
Lá trúc xào xạc, hai người lướt qua nhau.