Quả nhiên, sau đó chỉ ít phút, bụng của bác Khoa tự nhiên đau dữ dội. Nhìn bác nhăn nhó khó chịu mà Đức cảm thấy tội lỗi. Bác vội đi vào phòng vệ sinh. Đức tin rằng bác sẽ ở trong đó ít lâu. Sau khi bác vừa đi khuất, anh vội vàng mở chiếc ngăn kéo thứ ba. Đức mừng húm khi nhận ra chùm chìa khóa vẫn nằm yên vị ở đó. Anh tóm lấy nó rồi khẽ khàng đi ra khỏi văn phòng. Đức bấm khóa cửa văn phòng lại đề phòng bác Khoa về sớm.
Đức đội chiếc mũ lưỡi trai lên để che khuất khuôn mặt. Anh đến trước cửa phòng văn thư – lưu trữ, lần tìm thật nhanh những chiếc chìa khóa để thử tra vào ổ. Tay anh cứ run lên bần bật. Người không quen làm việc khuất tất như anh không thể giữ nổi bình tĩnh.
Đến chiếc chìa khóa thứ ba, tiếng “tách” vang lên nhẹ nhàng. Đức bước chân vào trong, bật đèn, đóng cửa lại.
Trước mặt anh hiện lên hàng dãy những tủ hồ sơ dài dằng dặc đến tận cuối phòng. Hai bên tường còn treo những bức tranh lớn vẽ hình ảnh những loài cá biển. Ở thời điểm này, đáng nhẽ dữ liệu phải được lưu trữ trong những chiếc máy tính để tiết kiệm diện tích. Thế nhưng những tài liệu ghi tay vẫn phải lưu lại theo cách khác. Đức hoang mang vì không biết cách sắp xếp tài liệu ở trong này như thế nào. Anh không có nhiều thời gian.
Anh đọc nhãn dán trên các giá hồ sơ, nhận ra họ đã ghi rõ theo từng năm. Anh tìm tới năm 20xx, năm bố anh từng lưu lại đây 3 tháng. Cả năm đó có chứa khá nhiều tập hồ sơ rất dày và chia theo quý. Đức tìm tập hồ sơ quý 3 vào đúng khoảng thời gian năm đó. Đây là một tập hồ sơ dày, phủ đầy bụi và nặng.
Đức khệ nệ bê nó xuống đất và mở ra, luống cuống tìm theo ngày tháng để khoanh vùng. Mắt lướt qua từng cái tên dày đặc được ghi trên đó. Những tập hồ sơ này chủ yếu ghi lại lịch sử nghiên cứu, báo cáo nghiên cứu bệnh dịch qua từng năm. Các thí nghiệm được báo cáo rất nhiều cùng với kết quả các thí nghiệm đó. Đức nhìn thấy hoa cả mắt. Mồ hôi anh bắt đầu chảy ròng ròng từ trán xuống. Anh sợ mình không kịp tìm ra gì đã bị phát hiện.
Rồi đột nhiên, mắt anh dừng lại ở cái tên Hoàng Công Danh ghi trên bản báo cáo. Đó là những thí nghiệm đầu tiên của bố anh về các loại vacxin và thuốc thử nghiệm trên người bệnh nhân. Giai đoạn đầu ghi nhận là có tiến triển tốt nhưng sau đó các loại thuốc đều không còn hữu hiệu.
Sau đó, cách vài ba báo cáo lại có báo cáo của ông Danh cùng một số người đồng nghiệp về vi khuẩn dịch bệnh và đáp ứng thuốc. Điều này cho thấy ông đã hoạt động và làm việc rất nhiệt tình. Đức đọc các kết quả báo cáo đều thấy sự tăm tối của hòn đảo này. Những nghiên cứu ghi nhận ít sự tiến triển tích cực, đó là lí do vì sao cho đến tận bây giờ, bệnh dịch vẫn còn hoành hành. Những bệnh nhân may mắn khỏi bệnh không nhiều, họ đáp ứng tốt với các loại kháng sinh mạnh đồng thời có tiến hành lọc máu. Đức lật giở nhanh tới những ngày tháng cuối của quý ba. Anh dừng lại ở tờ báo cáo có đóng dấu: “Không thông qua” rất đỏ ở phía trên đầu. Con dấu này anh chưa từng nhìn thấy ở các báo cáo trước đó. Đây cũng là một báo cáo của bố anh – Hoàng Công Danh.
Trong báo cáo có ghi: Phát hiện ra con trùng ở trong máu người bệnh. “Sai hướng điều trị, cần phải tổng xem xét lại hướng điều trị” cùng những hình ảnh chụp hiển vi đơn vị máu của một bệnh nhân nào đó. Vị trưởng bộ phận nghiên cứu lúc đó đã không kí duyệt vì lí do ghi rõ ở phía cuối: Không đủ bằng chứng để kết luận.
Tiếp đó, sau chục tờ báo cáo của những người khác lại là một tờ báo cáo bị đóng dấu đỏ của bố anh: Phát hiện ra cách thâm nhập của trùng độc vào cơ thể người bệnh: thông qua không khí và càng mạnh hơn vào những ngày gió.
Tờ báo cáo này cũng bị từ chối với lí do các nghiên cứu trước đã chỉ ra: vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn uống và da của người bệnh.
Tiếp tục, bố anh đã vẫn kiên trì gửi thêm rất nhiều các báo cáo tương tự lên ban lãnh đạo nhưng đều bị từ chối. Bẵng đi khoảng một tháng nữa, anh cũng không tìm được thêm trang báo cáo nào của bố anh nữa. Đức đã lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Có lẽ lí do bố anh bị phạt công ích ở nhà xác một tháng là vì bố anh đã có hướng nghiên cứu khác người và không tập trung vào nhiệm vụ chính mà ban lãnh đạo đã đặt ra. Khi ở giữa bầy cừu trắng có một con cừu đen, chắc chắn nó sẽ bị chú ý và triệt tiêu.
Đức lật giở đi giở lại những trang báo cáo cuối cùng trước ngày bố anh mất nhưng chỉ còn lại duy nhất một tờ báo cáo. Tờ báo cáo này cũng không khác gì những tờ báo cáo trước, bị ấn dấu đỏ không thông qua. Ở đây bố anh ghi: Đã tìm ra tụ điểm sản sinh ra trùng độc, khẩn thiết đề nghị ban lãnh đạo có biện pháp tiêu hủy để chấm dứt dịch bệnh. Cùng chung số phận với các báo cáo trước, những lập luận trước của ông Danh đã bị bác bỏ nên không có lí do nào tờ báo cáo này được chấp nhận. Không chỉ thế, tài liệu chi tiết đính kèm phía sau về địa điểm trùng độc mà ông phát hiện ra và quá trình nghiên cứu cũng không thấy được lưu lại. Toàn bộ quá trình nghiên cứu của bố Đức đã bị phủ nhận hoàn toàn. Đức chua xót nghĩ. Chắc hẳn phải có gì chắc chắn bố anh mới kiên trì tới vậy. Thế mà ở đây không một ai lắng nghe ông cả. Tờ báo cáo cuối cùng đó chỉ cách thời gian ông mất khoảng hơn 3 tuần. Có lẽ điều ông muốn nhắn nhủ tới Đức chính là công trình nghiên cứu còn lại và sự thật về cái chết của ông.
Nhận ra mình đã thu thập được thông tin cần thiết, Đức đặt tập hồ sơ vào chỗ cũ, lòng nặng trĩu, bước ra khỏi căn phòng lưu trữ một cách nhẹ nhàng.
Đức nhanh chóng trở về lại văn phòng của bác Khoa. Anh nhận ra mình đã đi mất gần 25 phút.
Anh tần ngần nhận ra bác Khoa đang đứng chờ ở trước cửa. Tim anh như chùng xuống. Anh đã đi lâu quá và không kịp trở về trước khi bác quay lại.
“Này! Cậu khóa cửa thế này định không cho ai vào hả? Đi đâu đấy?”
“Cháu…cháu lỡ tay…” Đức chống chế, tay rịn mồ hôi, không biết nên làm gì…
Bác Khoa chìa tay ra như có ý chờ đợi. Đức hiểu rằng bác đã biết. Anh đành ngậm ngùi rút chùm chìa khóa từ trong túi quần ra đưa cho bác. Mọi lời nói đều nghẹn đắng ở cuống họng của anh. Anh hổ thẹn không nói nên lời.
“Bác…cho cháu giải thích…”
“Tôi không ngờ đấy! Thôi cậu về đi đã! Tôi bận rồi! Tôi sẽ tính sổ với cậu sau!” Bác Khoa cau mày nhăn mặt rồi bước vào trong văn phòng đóng cửa lại.
Đức đứng lặng lẽ. Lòng anh ngập tràn nỗi buồn. Anh đã có được thứ cần có nhưng có lẽ đã mất đi một người bạn mà anh quý mến.
Sau khi trở về, anh cứ trầm ngâm suy nghĩ cả tối, cả những ngày sau đó khiến anh Tĩnh cũng ngạc nhiên: “Dạo này mày cứ nghĩ cái gì mà im như thóc thế!”
“Em đang nghĩ về kỉ vật cuối cùng mà bố em để lại là cái gì? Liệu có phải mảnh da đó không… Nếu là mảnh da đó thì em phải tiếp tục từ đâu đây! Thật đau đầu… Sao bố em không viết hết mọi thứ ra cho xong nhỉ…”
“Nếu bố cậu gửi về cho cậu thì chắc là nó không sai… Nhưng cậu xem phải làm gì với cái đó… Tôi cũng chịu…”
Đức hiểu giờ để minh oan cho bố và tìm hiểu về cái chết của ông thì anh phải kiểm chứng nghiên cứu mà ông đã từng làm. Anh phải đến được tụ điểm của trùng độc mà bố anh phát hiện ra để xem xét. Tuy nhiên ngoài bố anh và người lãnh đạo năm đó ra, không một ai được phép biết. Báo cáo đã bị tiêu hủy mất. Vậy có lẽ ông đã để lại chút chỉ dẫn cho anh ở trong mảnh da đó, theo một cách vô cùng đặc biệt…?
Mấy ngày sau đó, Đức đều không ngủ được. Anh lo lắng về chỉ dẫn của bố và cảm thấy dằn vặt với bác Khoa. Tới ngày giao mẫu thí nghiệm sau đó, anh mang thêm cà phê và trà sang khu nhà B để giải thích với bác.
Bác Khoa có vẻ vẫn giận nhưng không phải là người để bụng lâu. Đức nài nỉ bác gặp mình đôi chút để nghe lời giải thích. Bác dù khó chịu nhưng vẫn vào văn phòng ngồi để lắng nghe. Đức bộc bạch rằng việc làm đó rất nguy hiểm, không thể chấp nhận được và có thể liên lụy tới bác, thế nhưng anh không thể không làm vì lí do đó là bố của anh.
Bác Khoa phát cáu: “Vậy hả! Thế mà cậu dám dở trò sau lưng tôi! Sao cậu không nói thật ngay từ đầu, tôi có thể nói cho cậu nghe một số điều mà cậu muốn biết. Cậu biết sẽ có chuyện gì xảy ra nếu như ban quản lí phát hiện ra cậu đã lẻn vào không? Họ nghiêm khắc lắm đấy!”
Đức xin lỗi liên tục, cúi đầu không dám nhìn lên. “Cháu cũng muốn nói thật. Nhưng mọi người đều né tránh, nên cháu sợ sẽ không bao giờ biết được…”
“Cậu cứ cầu nguyện là không ai biết đi!” Bác Khoa thở hắt ra vì bực bội nhưng sau đó cũng dịu đi.
“Giờ trách cậu cũng chẳng thay đổi gì được nữa. Vì bố mà cậu lặn lội đến tận đây à?”
“Vâng ạ”
“Cậu bướng chẳng khác gì con trai tôi. Có điều gì cậu muốn biết đến thế? Cậu đã biết được những gì rồi?”
“Bố cháu chết bất thường quá bác ạ. Cháu rất đau lòng nên muốn biết rõ hơn. Cháu biết ông ấy đã từng bị kỉ luật điều chuyển sang một đơn vị khác. Và có vẻ như là ông ấy đã có các phát hiện mới về dịch bệnh nên…”
“Cậu cũng giỏi lắm! Nếu thế thì tôi nhớ ra rồi. Cách đây ba năm đúng là có một vụ lùm xùm về một người nghiên cứu mới về và phản đối tất cả mọi người. Đợt đó tôi không làm việc với ông ta nên không nhớ rõ. Nhưng đại loại những phát hiện của ông ta đều khác thường và không rõ ràng. Thế nhưng ông ta vẫn kiên trì thuyết phục mọi người, lôi kéo được thêm một số người khác. Ban lãnh đạo đã bác bỏ, cảnh cáo nhưng ông ta không chịu dừng lại, thế nên mới kỉ luật nặng. Ông ta bị phạt chuyển đơn vị, còn những người liên quan thì phạt lương tháng. Đợt đó tôi cũng thấy hơi nặng nề vì nếu có hướng nghiên cứu mới, tại sao mọi người không xem xét? Thế rồi cũng bẵng đi. Hóa ra cậu là con trai ông ấy. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Ngang bướng y như nhau…”
“Cháu xin lỗi ạ…”
“Giờ thì tôi không nhớ rõ được về nghiên cứu của ông ta nữa rồi. Nhưng cậu nên nhớ rằng, ở hòn đảo này, biết quá nhiều thì vô cùng nguy hiểm. Ban lãnh đạo có thể trừ khử cậu bất cứ lúc nào. Họ hoàn toàn có cơ sở triệt hạ những thành phần phản động hay lợi dụng để chống phá, tung thông tin gây hoang mang lòng dân. Hiện giờ các chỉ thị từ trên xuống đã vô cùng kì lạ rồi. Tôi còn không biết họ đang định làm gì nữa…”
“Họ chỉ thị như thế nào ạ?”
Bác Khoa ngập ngừng giây lát rồi cuối cùng cũng quyết định nói.
“Các hướng nghiên cứu đều đang đình trệ gần hai năm nay rồi. Dạo đây họ nhờ một số người rảnh rỗi nghiên cứu về cá voi biển. Thật vô lí hết sức. Bác đang hết sức sốt ruột về tình trạng bệnh ở đây thì… Họ bảo rằng cứ duy trì phác đồ thuốc như hiện tại và chờ sự giúp đỡ từ bên Mỹ.”
“Cá voi biển? Họ điên rồi sao!?” Đức cảm thấy lòng tức giận. Trong khi anh và các bác sĩ khác phải giành giật mạng sống cho từng bệnh nhân thì ở đây họ nghiên cứu về cá voi biển! Đúng là hết thuốc chữa. Đáng nhẽ họ nên lắng nghe bố anh.
“Cháu muốn tìm hiểu lại hướng nghiên cứu của bố cháu, nhỡ đâu lại đúng là lối thoát cho hòn đảo này…Thế nhưng…”
Trong đầu Đức đột nhiên lóe lên một tia sáng. Anh đang ở cùng với đúng người. Có lẽ anh đã biết mình phải làm gì với mảnh da kia.
“Dù không liên quan nhưng cho cháu hỏi một câu được không ạ?”
“Cái gì cơ?”
“Thí nghiệm nào với aldehyde hiệu quả nhất ạ?”
“Sao lại aldehyde?”
“Phóc môn ấy ạ?”
(còn tiếp)