Chờ đến hết tiết học cuối cùng của ngày thứ sáu, cô chủ nhiệm vẫn chưa thấy có học sinh nào đến nhận lỗi. Nhớ lại bộ dạng vui vẻ của Vân sau khi báo mất tiền mà cô chủ nhiệm nảy sinh ra tia ngờ vực:
Ngày hôm sau, cô chủ nhiệm cho gọi bạn lớp trưởng kiêm bí thư và Thu Hà xuống gặp riêng cô ở phòng chờ giáo viên. Kể từ khi Bảo Yến chuyển đi cô chủ nhiệm tạm thời để bạn lớp trưởng kiêm nhiệm bí thư lớp luôn. Cô chủ nhiệm mở lời:
“Đến giờ phút này cô vẫn chưa nhận được lời tự thú nào cả, các bạn nghĩ sao về việc này?”
Thu Hà không ngờ cô giáo lại gọi mình xuống, có khi nào cô nghi ngờ bạn của tổ mình là hung thủ. Hà thoáng nghĩ qua rồi nhanh nhảu trả lời:
“Về khoản này em cũng không rõ lắm, em thấy các bạn đều như nhau, ai cũng như ai nên không có nghi ngờ ai cả.”
Cô chủ nhiệm không hài lòng về câu trả lời của Thu Hà, nhưng cũng không lộ rõ ra mặt. Cô biết Hà cũng hiểu ý tứ của cô khi chỉ mời mỗi Hà là tổ trưởng tổ ba xuống. Từ câu trả lời cô cũng đoán ra Hà muốn ở vị trí trung lập, không muốn thẳng thừng từ chối trả lời câu hỏi của cô giáo lại càng không muốn nghi ngờ thành viên trong tổ mình quản lý. Lúc này cô quay sang hỏi bạn lớp trưởng:
“Còn bạn nghĩ sao về chuyện này?”
Lớp trưởng ngập ngừng một lát rồi cũng chậm chạp nói ra suy nghĩ của bản thân:
“Em nói riêng và một số bạn khác nữa trong lớp đều có chung nhận định là bạn Vân.”
Cô chủ nhiệm ngạc nhiên ồ lên một tiếng:
“Ồ! Vậy bạn nói cụ thể ra xem!”
“Thứ nhất: Nhà bạn Vân điều kiện khó khăn không thể có tiền đánh mất nhiều lần như vậy được. Thứ hai: Các bạn trong lớp thấy mỗi khi tan học bạn ấy đi vào bách hóa Nguyên Minh, có thể vào đó sử dụng Internet, mà dùng thứ đó thì cũng cần phải trả tiền.”
Thu Hà ở một bên nghe lớp trưởng nói không phải là không có lý. Nhưng suy đi nghĩ lại thì Hà tin rằng tuyệt đối Vân không phải là người như vậy. Đang chuẩn bị lên tiếng biện minh cho Vân thì cô chủ nhiệm buông một câu nữa khiến Hà sốc nặng:
“Cô cũng có suy nghĩ như bạn, thôi chuyện nói đến đây thôi các bạn mau trở về lớp đi.”
Vừa bước ra khỏi phòng chờ Thu Hà đã lên tiếng chất vấn bạn lớp trưởng:
“Sao cậu lại nghi ngờ Vân? Mình tin Vân không làm ra chuyện này, nếu Vân biết bản thân bạn ấy đang bị mọi người nghi ngờ thế này thì bạn ấy sẽ thế nào đây?”
“Thì cô hỏi nên tớ trả lời!”
“Cô hỏi thì bạn không biết tránh đi à? Sao việc này bạn không để cô giải quyết? Bạn đã từng đặt mình chào vị trí người bị nghi oan mà nghĩ chưa?”
Bị Thu Hà trách cứ như vậy lớp trưởng nổi khùng nên vỗ ngực nói:
“Tôi nhận định những gì hôm nay tôi nghi ngờ là đúng!”
Thu Hà tức giận, trợn mắt lên nói:
“Rồi một ngày nào đó bạn sẽ phải hối hận vì chuyện ngày hôm nay!”
Lớp trưởng không đôi co với Hà nữa mà đi thẳng lên lớp. Hà chưa lên ngay mà ngồi lại một lát dưới ghế đá điều chỉnh lại cảm xúc. Có đánh chết Hà cũng không tin Vân là thủ phạm.
Nghĩ đến đây Hà càng thấy bản thân bất lực khi không giúp được gì cho cô bạn đáng thương này. Hà cũng trách cô chủ nhiệm vì sao lại có thành kiến với Vân như vậy? Cô cũng nhìn thấy sự cố gắng của bạn ấy mà chưa có lần nào động viên tinh thần bạn ấy.
Không biết cô chủ nhiệm có từng nghĩ vì thành kiến của cô với Vân mà trong lớp không bạn nào dám chơi với Vân. Mỗi khi nhìn thấy sự cô đọc của Vân khi bị cả lớp tách ra Hà vô cùng khó chịu, một người bạn tốt tính như vậy, luôn vui vẻ hoạt bát như vậy mà giờ thành ra thế này
Một cơn gió lạnh thổi qua khiến Hà rùng mình. Nhìn những chiếc lá xà cừ trên cây bị cơn gió vừa thổi bay xuống trông rất hỗn loạn, nó ngổn ngang y như suy nghĩ của Hà lúc này.
Về phía cô chủ nhiệm sau khi nghe lời phân tích của bạn lớp trưởng lại càng chắc chắn thủ phạm là Vân. Cô lại nghĩ rằng một cô nhóc tuổi mười lăm lại có thể gian xảo đến mức báo bản thân mình cũng bị mất tiền để đánh lạc hướng suy nghĩ của mọi người.
Giờ sinh hoạt lớp: Nói ai vui nhất lúc này thì câu trả lời là Vân, sắp được nhận lại số tiền bị mất sao lại không vui cơ chứ. Đầu giờ cô chủ nhiệm xem từng bảng nhận xét của các tổ, rồi đưa ra lời nhận xét với một số bạn trong đó có Vân. Nói đến Vân giọng của cô trở lên nặng nề:
“Tôi thật sự không biết phải nói như thế nào với bạn Vân nữa, là nam sinh nghịch ngợm đã đành huống chi đây lại là con gái con đứa. Một lần bị mời ra khỏi lớp cũng thôi đi, vậy mà lại để xảy ra lần hai.”
Cô nói tới đây thì dừng lại một lúc. Lời nói của cô nặng nề quá khiến Vân không nhịn nổi nữa bèn giơ tay lên có ý định giải thích trước lớp. Cô không những không cho Vân được nói mà tiếp tục giảng đạo lý:
“Tôi còn chưa có nói xong mà bạn đã muốn cắt ngang rồi, đây không phải là thái độ của một học sinh ngoan. Bạn cứ ngồi nghe đã rồi sẽ đến lượt bạn nói. Quay lại vấn đề ban nãy bức thư bạn viết thầy Sơn đã đưa lại cho tôi, tôi sẽ giữ lại chờ xem thái độ của bạn trong thời gian tới, nếu không thay đổi tôi sẽ đưa cho phụ huynh của bạn.”
Thế này không khác gì đang gián tiếp nói cho Vân biết rất có thể sẽ có buổi họp phụ huynh riêng của mình. Sắc mặt của Vân tái đi không phải vì sợ hãi mà vì tức giận. Cái cảm giác tức giận lúc này lan tỏa đến từng tế bào khiến cô nàng không kiềm chế được, những giọt nước mắt đua nhau lăn dài trên khuôn mặt. Đến khi được nói thì giọng của Vân lạc hẳn đi:
“Thưa cô, lúc đó em chỉ giải thích với thầy rằng em không làm việc riêng trong giờ, em biết lỗi của mình khi viết thư vào vở bài tập toán sau đó quên cất thư đi để thầy nhìn thấy. Dù sao thì đó cũng là riêng tư nên em đã không đồng ý việc thầy nói ra nội dung của bức thư, việc làm đó của em không có gì sai cả!”
“Giáo viên chính là cha mẹ thứ hai của các em, là cha mẹ đương nhiên có quyền kiểm soát mọi hành vi sai trái của con cái.”
Vân nghe xong thì càng trở lên tức giận mà không có cách nào phát tiết ra ngoài. Những giọt nước mắt cứ đua nhau chảy dài trên mặt. Rõ ràng bài học tôn trọng quyền riêng tư được học từ môn đạo đức lớp năm vẫn còn đó.
Vân không hề sai tại sao lại phải nghe những lời hà khắc như vậy chứ? Cả lớp lúc này im lặng đến nỗi chỉ nghe thấy tiếng hít thở đều đều của mọi người. Thấy biểu hiện của cả lớp lúc này cô chủ nhiệm vô cùng hài lòng, cô tiếp tục nói:
“Phụ huynh gửi các bạn đến trường là để thầy cô rèn giũa, không phải đến đây học đòi bạn trai bạn gái, viết lách thư từ cho nhau.”
Một câu xoáy vào lỗi của Vân mắc phải, hai câu nhắc nhở Vân phải giữ đúng chuẩn mực của nữ sinh.