Từ ngày triệu Ân Vô Chấp vào cung cho tới nay, Khương Ngộ chưa được nghe âm thanh đẹp đến thế bao giờ.
Lần đầu tiên y phát hiện, giọng Ân Vô Chấp thực sự rất êm tai, như gãi vào đáy lòng người ta vậy.
Cuối cùng y cũng hoàn toàn yên tâm rồi.
Một người đã được dạy dỗ thành chính nhân quân tử từ thuở tấm bé như Ân Vô Chấp có thể sẽ không quá để tâm tới tổn thương và vinh nhục của bản thân mình, nhưng nếu đối xử độc ác với người khác trước mặt hắn thì nhất định hắn sẽ không bỏ mặc.
Có một bàn tay đang nhẹ nhàng xô đẩy y. Khoảnh khắc này thực sự tốt đẹp quá, cơ thể cũng biến thành một cái nôi, linh hồn y đung đưa trong đó, bồng bềnh như tiên cảnh.
Hôm sau cuộc sống của Tang Phê vẫn như mọi ngày, chỉ cần một cái ghế tựa, một cái chăn cùng bầu trời và mặt trời là y hài lòng.
Y nhìn qua hành lang tới những bức tường cao vút trong cung, ngói lưu ly phản chiếu lại ánh nắng lấp lóa, bỗng hi vọng mình sẽ biến thành vầng sáng kia.
Cứ thế thôi, chỉ cần trong chốc lát, ra đời trong chốc lát và chết đi trong chốc lát, dường như cũng hay lắm.
Tới chiều Ân Vô Chấp mới xuất hiện, khi ấy Khương Ngộ đã được hầu hạ no nê, đang quấn chăn lim dim trên hành lang.
Tề Hãn Miểu đã báo lại với y rồi, hôm qua Ân Vô Chấp nửa đêm vọt vào ngự thư phòng đọc tấu chương, năng lực làm việc của hắn đúng là không thể coi nhẹ, mới một ngày đã xử lí xong hết đống hàng tồn kho của Khương Ngộ.
“Bệ hạ”. Khương Ngộ nghe ra giọng hắn trầm và bình thản hơn mọi khi rất nhiều. “Mai phải thiết triều, nếu bệ hạ muốn dời muộn lại thì giờ tới ngự thư phòng viết thánh chỉ với thần đi”.
Khương Ngộ lim da lim dim, không muốn nói chuyện.
Cơ thể nhanh chóng được ôm lên, Ân Vô Chấp đưa y tới ngự thư phòng, nhanh chóng đặt một tờ giấy trước mặt y.
Để được ngủ ngon giấc, Khương Ngộ ngoan ngoãn cầm bút, Ân Vô Chấp đọc từng chữ một, y cũng viết từng chữ một.
Ân Vô Chấp nhanh chóng cất thánh chỉ đi, nhìn cái tên đang uể oải gục trán xuống bàn, nói: “Thần muốn xuất cung một chuyến”.
Tang Phê đổi thành ụp má xuống bàn, giương mặt nhìn hắn.
Ân Vô Chấp nói: “Không phải về nhà, mà có chuyện cần làm”.
Đúng là Ân Vô Chấp không giống hồi trước cho lắm, hình như hắn đã có kế hoạch gì nên nói câu nào cũng kiên định hẳn.
“Chuyện gì?”.
Lầu Kim Nhã, quán trà đệ nhất kinh đô, nổi danh chỉ tiếp quý tộc chứ không tiếp phú hào.
Định Nam Vương nghiêm mặt để tiểu nhị dẫn lên lầu, vừa đẩy cửa ra là tên kia đã bỏ của chạy lấy người ngay lập tức.
Ông tiến tới, nhìn Ân Vô Chấp rồi lạnh giọng: “Thằng nhãi nhà mày giờ thành tâm phúc của bệ hạ rồi, gặp cha mày mà cũng phải đặt phòng riêng nhỉ. Làm sao, ngạch cửa Vương phủ không xứng để ngài nhấc chân à?”.
Ân Vô Chấp mỉm cười, rót rượu cho ông: “Mời cha”.
Định Nam Vương không hề vừa ý, vẫn không quên ngó vào cổ áo hắn, thấy nơi đó sạch sẽ mới ho nhẹ một tiếng để làm dịu biểu cảm rồi đáp: “Rốt cuộc là có chuyện gì?”.
“Con muốn mời cha cùng diễn một vở kịch”.
Chuyện Khương Ngộ lười quan tâm chính sự quả là ván đã đóng thuyền. Tuy trước đây Ân Vô Chấp cũng từng phái người đi an ủi rất nhiều lão thần, ai lớn tuổi thì ít nhiều đều sợ lạnh, nhưng cũng chỉ là lén lút mà thôi – các lão thần thì biết thiên tử thiết triều muộn là vì họ, chứ những vị quan trẻ tuổi thì tất nhiên sẽ có dị nghị.
Đã làm gì thì phải làm cho trót, dù chỉ là một việc nhỏ không mấy quan trọng.
“Cái gì?!”. Định Nam Vương nghe xong là muốn đập bàn, lại lo tai vách mạch dừng nên cuối cùng vẫn nhỏ giọng: “Mày bảo mai cha lên triều rồi giả vờ trượt chân vì sương trơn, để thiên tử mượn cớ lo cho thân thể lão thần mà quang minh chính đại đổi giờ thiết triều?”.
Ông nói: “Đúng là hoang đường! Từ khi Đại Hạ khai quốc tới nay chưa bao giờ có tiền lệ thiết triều muộn, mày nghĩ đây là trò trẻ con à? Một ngày mới được bắt đầu từ sáng sớm, phải thiết triều mới quản lí được phép nước, văn võ bá quan Đại Hạ ta chăm lo việc nước, ai cũng là rường cột không sợ lạnh lẽo! Muốn đổi giờ thiết triều sang giờ Ngọ ư, nực cười! Mày thử hỏi xem bách tính có đồng ý không? Đến cả loài chim cũng biết dậy sớm mới có sâu ăn!”.
Ân Vô Chấp đã đoán được những lời này từ trước: “Nghĩa là cha không đồng ý?”.
“Tất nhiên là không đồng ý”. Định Nam Vương nói. “Cha mày thiết triều xong về nhà là đúng lúc mẹ mày vừa ngủ dậy, phải trang điểm cho nàng, vấn tóc giúp nàng, đến trưa thì phải đưa nàng đi tìm bạn chơi, sau đó tới quân doanh để luyện binh. Hai năm nay tại kinh thành cha mày đều làm như thế, nếu mày đổi giờ thiết triều, sáng sớm mẹ mày lại chưa dậy thì cha mày phải làm gì?”.
Cũng có lí.
Ân Vô Chấp nói: “Nhưng giờ bệ hạ đang bị tổn thương tinh thần, cơ thể thì không khỏe mạnh như trước, nếu dậy sớm thì phải mất rất nhiều thời gian mới tỉnh táo được. Văn Thái hậu hi vọng con ở lại trong cung giúp bệ hạ chữa bệnh”.
Định Nam Vương im lặng một chốc, Ân Vô Chấp lại nói: “Chuyện của bệ hạ, cha…”.
“Ngoại thần như cha mày sao có thể biết về chuyện trong hoàng gia được”. Định Nam Vương ngắt lời hắn. “Bất kể ra sao thì cũng không được đổi giờ thiết triều, không thì mày tới phủ Thừa tướng hoặc dò hỏi những vị quan khác xem, sẽ chẳng ai đồng ý đâu”.
“Cha…”.
“Nếu”. Định Nam Vương lại ngắt lời hắn, không chút nghĩ ngợi. “Nếu nguyên do nằm ở bệ hạ thì phải giải quyết từ chỗ bệ hạ thôi”.
Ông cao giọng gọi: “Thừa tướng có nghĩ vậy không?”.
Một tiếng cười khẽ truyền tới, Trần Tương chậm rãi bước ra từ sau tấm bình phong, khen ngợi: “Quả thực là không gạt được đôi mắt Vương gia”.
Định Nam Vương khá hài lòng với biểu hiện ban nãy của mình. Dù ông chỉ là một võ tướng quanh năm chinh chiến bên ngoài, chẳng vào triều được mấy năm, nhưng vẫn hiểu đạo sinh tồn trong kinh.
Ông hỏi: “Trần Tương tán thành lời bổn vương vừa nói chứ?”.
Trần Tương chậm rãi ngồi xuống đối diện Định Nam Vương, đáp: “Định Nam Vương nói rất có lí”.
Định Nam Vương ra vẻ tự đắc.
Trần Tương lại nói: “Ban nãy lão phu cũng đã bàn bạc cùng Ân Thú, chuyện đổi giờ thiết triều đúng là nên suy nghĩ thận trọng”.
Định Nam Vương gật đầu.
“Từ khi Đại Hạ ta khai triều tới nay quả là không có tiền lệ của việc ấy, những vị đế vương đời trước cũng đều không có nhu cầu tương tự”.
Định Nam Vương tiếp tục gật đầu.
“Nhưng hiện nay bệ hạ còn trẻ mà đã gặp chuyện xấu, lão phụ thực sự đau lòng. Lão phu cho rằng, những điều đặc biệt nên được tiến hành một cách đặc biệt, bằng không chẳng phải bậc bề tôi như chúng ta lại hóa không tận tâm hay sao?”.
Cái đầu đang không ngừng gật gù của Định Nam Vương chợt dừng lại, não nổ đoành một tiếng. Đúng vậy, ông chỉ biết có ý dân, nhưng lại không nghĩ tới chuyện Hoàng đế dù có trẻ tuổi thì vẫn là Hoàng đế, e rằng nên nghe theo Hoàng đế mới phải.
Định Nam Vương bắt đầu trầm tư, một võ tướng không quen với mưu lược mà muốn tồn tại ở kinh thành thì quả nhiên phải học hỏi rất nhiều.
Ông thẳng lưng ngồi dậy, vừa nhìn Trần Tương với vẻ ham học vừa hỏi: “Vậy ý Trần Tương là nên phối hợp với bệ hạ?”.
“Đúng”. Trần Tương gật đầu. “Lão phu nghĩ nếu thế thì có thể giấu bí mật bệ hạ mắc tâm bệnh không cho ai biết, lại thuận thế tạo thanh danh cho người là một bậc quân vương đối xử với bề tôi rất tử tế”.
Ánh mắt Ân Vô Chấp nhìn cha mình trìu mến thêm đôi chút.
Định Nam Vương hỏi: “Vậy sáng sớm mai bổn vương sẽ làm đúng theo kế hoạch?”.
Ánh mắt Trần Tương hơi lóe, dịu giọng: “Nếu Định Nam Vương thấy có gì không ổn thì lão phu cũng chẳng ngại”.
“Chuyện này…”. Có lão nhắc nhở, Định Nam Vương cũng bắt đầu nghĩ ngợi trong vô thức. “Một võ tướng như ta, mà trượt chân, thì quả là nực cười. Sao ta có thể vướng phải sự việc như thế được? Chuyện này nên xảy ra với…”.
Ông liếc nhìn Trần Tương, ngừng lời.
Có vẻ Trần Tương cũng không tức giận, lão nói thật trịnh trọng: “Nỗi lo của Định Nam Vương rất có lí. Trên thế gian có ai không biết Định Nam Vương với thanh đao hừng hực uy phong, đôi chân sắt thép càn quét cả thiên hạ như thần, nếu bảo ông trượt chân vì sương đêm thì sao mà tin được?”.
Định Nam Vương gật đầu phụ họa.
Ánh mắt Ân Vô Chấp lại càng trìu mến gấp bội.
“Nếu thế”. Trần Tương nói. “Việc mất mặt này vẫn nên giao cho hạng thư sinh yếu đuối như lão phu thôi”.
Định Nam Vương vội vàng đứng dậy, lòng phức tạp: “Khổ cho Thừa tướng rồi”.
“Ầy, Định Nam Vương cứ nói đùa”. Trần Tương chỉnh trang lại quần áo, đứng dậy chắp tay: “Bệ hạ chưa từng bạc đãi lão phu, chỉ cần ngày mai giả vờ bị ngã thì số ngày hưu mộc [1] mùa đông năm nay của lão phu sẽ tăng lên ấy mà”.
[1] Nghĩa là gội đầu. Thời xưa, cứ mười ngày là quan lại được nghỉ để tắm gội một lần, nên ngày nghỉ được gọi là ngày hưu mộc.
“…”. Định Nam Vương nghiêm mặt tiễn lão đi, rồi quay lại nhìn Ân Vô Chấp mà hỏi: “Hưu mộc?”.
“Đúng ạ”. Ân Vô Chấp đáp. “Con đã xin phép bệ hạ rồi, ai giả vờ ngã thì sẽ được nghỉ phép tới cuối năm”.
Định Nam Vương ngã ngồi xuống ghế đệm.
“Còn hai tháng… là tới Tết, lại thêm kì nghỉ trước Nguyên tiêu, ba tháng, không phải vào chầu…”.
Lẽ ra hôm nay phải lên triều nhưng Khương Ngộ lại ngủ tới khi tự tỉnh dậy, mở mắt dùng bữa xong, y mới biết: rạng sáng nay Trần Tương và Định Nam Vương không cẩn thận trượt chân vì sương đêm, dập eo rồi, vậy nên Ân Vô Chấp thẳng thừng ra mặt cho người tuyên bố hôm nay bãi triều với lí do bệ hạ muốn tới thăm hai vị lão thần đã phục vụ từ triều đại trước.
Khương Ngộ ngơ ngác nhìn Ân Vô Chấp đang cụp mắt viết: “Sao ngươi bảo tìm một người diễn thôi?”.
“Thầy giả vờ, còn cha thần thì ngã thật”. Ngòi bút của Ân Vô Chấp không hề dừng lại. “Thần muốn xin được về phủ Định Nam Vương thăm cha”.
Khương Ngộ cứ có cảm giác mình đang bị lừa.
Mới hôm qua y còn nghĩ cuối cùng Ân Vô Chấp cũng đã làm việc có kế hoạch, chuyện thủ tiêu mình cũng là một mục nằm trong đó, nhưng hôm nay hắn đã tìm được cách để đường đường chính chính quay lại phủ Định Nam Vương.
Y nhất thời chẳng thăm dò được rốt cuộc Ân Vô Chấp đang khiến y vui lòng để dùng nước ấm luộc ếch [2], hay chỉ đơn thuần muốn tìm một lí do để về nhà nữa.
[2] Dùng nước ấm luộc ếch là thả con ếch vào nồi nước rồi nấu, nước ấm dần lên, con ếch sẽ không phát hiện và cứ thế bị luộc chín và không nhảy ra ngoài.
Tuy trong lòng ngàn vạn lần không muốn, nhưng y vẫn đáp: “Trẫm đi cùng ngươi”.
Ân Vô Chấp hơi khựng lại, lạnh lùng nói: “Tùy người”.
Thiên tử xuất cung là chuyện làm kinh động tới bao người, một cỗ kiệu nhỏ mà phải có trăm kẻ cùng theo hầu hạ. Khương Ngộ vùi mình trong loan giá, vững vàng đi ra khỏi hoàng cung.
Có người mở đường từ xa xa phía trước, dân chúng dồn dập quỳ xuống, loan giá tới, những ai quỳ nơi góc khuất đều tò mò ngắm nhìn.
Lí do không nằm ngoài chuyện đây là lần đầu tiên Hoàng đế trẻ tuổi xuất cung kể từ khi được truyền ngôi. E rằng y cũng từng cải trang xuất cung, nhưng ai mà biết được, đây chính là lần đầu tiên trong ấn tượng của dân chúng.
“Có chuyện gì thế?”.
“Nghe nói Thừa tướng và Định Nam Vương không cẩn thận bị ngã, bệ hạ muốn tới thăm họ”.
“Bệ hạ quả là nhân hậu, tự mình xuất cung tới thăm đại thần”. Có thư sinh thầm siết chặt bàn tay. “Tôi nhất định phải cố gắng thi thật tốt, mai sau vào điện Thừa Đức cùng nghị sự”.
“Đúng thế”. Tú tài già quỳ cạnh hắn ta thở dài. “Thế hệ các cậu may mắn biết bao, gặp được một vị quân chủ quan tâm bề tôi tới vậy”.
Khương Ngộ tới thăm Trần Tương trước tiên, Ân Vô Chấp vừa ôm y xuống vừa nói: “Sau này người được lười thỏa thích thì phải nhớ ơn Trần Tương đấy”.
Vậy nên, khi tới trước giường Trần Tương, Khương Ngộ bèn nghiêm túc nói: “Cảm ơn Trần ái khanh”.
Trần Tử Diễm chẳng hiểu mô tê gì đứng bên cạnh, sắc mặt phức tạp vô cùng – nhiều ngày không gặp lại, sao tên hôn quân này lại cứ như đã biến thành người khác?
Chẳng phải y không thích thiết triều à? Ấy thế mà lại cảm kích vì phụ thân đã vào chầu, rõ ràng đây chỉ là chuyện nằm trong phận sự của bề tôi.
Quả nhiên hắn ta nghe thấy phụ thân đáp bằng giọng ôn hòa: “Bệ hạ cứ yên tâm, phân ưu với bệ hạ chính là chuyện nằm trong phận sự của lão thần”.
Một quân một thần chưa nói được bao nhiêu mà đám người hầu bên cạnh đã im lặng đỏ mắt, đây là tình quân thần cảm động thấu trời xanh gì thế này.
Ân Vô Chấp bỗng bị chọt một cái, Trần Tử Diễm kéo hắn ra khỏi phòng, mãi mới có thời cơ hỏi về chuyện an nguy của hắn: “Đệ sao rồi?”.
“Ta ổn cả”. Ân Vô Chấp nhìn hắn ta, vẫn còn vướng bận về việc người kia cũng từng thị tẩm. Hắn cẩn thận lựa chọn từ ngữ mà hỏi: “Lúc trước khi huynh tiến cung, bệ hạ có làm gì với huynh không?”.
Trần Tử Diễm lập tức đáp: “Không, người chẳng làm gì với ta cả”.
Ân Vô Chấp mím môi, cả hai đều có phần lúng túng.
Trần Tử Diễm im lặng, lại hỏi: “Vậy trong khoảng thời gian đệ vào cung, người có làm gì… với đệ không?”.
“… Không?”.
“Thật không đấy?”.
“Thật”. Ân Vô Chấp cũng không quên hỏi ngược lại. “Không thật à?”.
“Không”.
“…”.
Cả hai không hẹn mà cùng nghĩ, nhất định huynh ấy/đệ ấy sợ mình lo nên mới cố tình nói vậy.
Khương Ngộ được đẩy ra khỏi căn phòng mà Trần Tương đang nằm tĩnh dưỡng, liếc mắt một cái đã thấy họ đang yên tĩnh đứng trên hành lang, ngẫm nghĩ rồi cất tiếng: “Tình cảm giữa hai ngươi tốt thật nhỉ”.
Ân Vô Chấp nhìn y, mặt không đổi sắc.
Trần Tử Diễm tiến lên một bước: “Tâu bệ hạ, Ân Thú vào cung cũng đã được một khoảng thời gian, chẳng phải người cũng nên giơ cao đánh khẽ… Thả đệ ấy về nhà đi thôi”.
Khương Ngộ: “?”.
“Định Nam Vương bị thương”. Trần Tử Diễm nói. “Có lẽ người cũng đã biết chuyện này. Đệ ấy là đứa con duy nhất của Định Nam Vương, lẽ ra nên ở lại vương phủ chăm sóc phụ thân mới phải”.
Ân Vô Chấp im lặng nhìn Khương Ngộ.
Khương Ngộ nghĩ thầm: hình như câu này quen quen. Lúc trước Ân Vô Chấp tiến cung, hắn cũng mượn cớ Trần Tương không khỏe nên tỏ ý để mình thế chỗ Trần Tử Diễm.
Y hơi hiểu ra: “Ý Trần ái khanh là, để trẫm thả Ân Vô Chấp về nhà…”.
Trần Tử Diễm bày sẵn trận địa đón tiếp kẻ địch.
Khương Ngộ nói nốt: “Rồi để Trần ái khanh thế chỗ Ân Thú chứ gì”.
Trần Tử Diễm: “…”.
Ân Vô Chấp: “Không được!”.
Trần Tử Diễm không ngờ hắn lại phản ứng dữ dội đến thế vì mình, dám quát thẳng mặt Hoàng đế, lòng chợt ấm áp.
Hắn ta là quan văn, từ bé đã lớn lên trong kinh thành thịnh vượng. Xung quanh hắn ta chẳng có đả kích ngấm ngầm hay công khai, cùng lắm là chút tranh đấu vặt vãnh nơi quan trường, nên thuở nhỏ hắn ta rất ngưỡng mộ Ân Vô Chấp lớn lên ở Nam Cương – bởi cuộc sống của hắn muôn màu muôn vẻ, có vô số những huynh đệ có thể giao phó tấm lưng mình cho họ.
Trước đây Trần Tử Diễm chưa từng trải qua và cũng không hiểu cái gọi là hoạn nạn thấy chân tình, giờ hắn ta hiểu rồi.
Có một huynh đệ như thế, đời này đã đủ.
Hắn ta quay sang phía Khương Ngộ: “Ân Thú nguyện lòng tiến cung vì vi thần, vi thần cũng nguyện tiến cung vì…”.
“Trần huynh”. Ân Vô Chấp giơ tay kéo hắn ta lại, sắc mặt căng thẳng. “Chuyện đã tới nước này thì hà tất huynh phải cầu xin người, tóm lại người không muốn thả ta đi đâu”.
“Trẫm chấp thuận”.
Khương Ngộ hiểu rồi, hạ nhục Ân Vô Chấp thì không có hiệu quả, nhưng hạ nhục những người bên cạnh hắn thì ít nhiều gì cũng hữu hiệu: “Trẫm có thể chấp thuận cho Trần Tử Diễm thế chỗ, để ngươi về nhà một thời gian”.
Ân Vô Chấp đột nhiên trừng mắt nhìn y, con ngươi tỏa từng tia sát khí, như muốn nuốt chửng y vậy.
Dữ quá à.
Thích chết đi được.