Không khí Noel len lỏi đến vùng núi cao của chúng tôi.
Đó là những ngày đỉnh điểm rét lạnh rét hại. Tôi đã không còn nhông nhông chiếc áo phông mà đã mặc thêm chiếc áo khoác tránh đột quỵ lúc nào không hay. Những ngày đông này là những ngày thật chây lười. Ngày càng ăn nhiều, ngày càng ngủ nhiều vậy mà chả muốn ra ngoài nhà vận động chân tay tí nào.
Tôi có biết đến Noel nhờ ti vi và giọng ca vịt đực của con nhà bên cạnh. Cứ sáng sáng ra là: “Ai guýt du ờ me ri cờ rít mớt, ai guýt du ờ me ri cờ rít mớt,…” Nó thuộc có mỗi một câu mà cứ hát mãi không thấy chán.
Lớp tôi cũng chẳng đứa nào theo Thiên Chúa giáo. Cả xã tôi cũng chẳng có cái nhà thờ nào. Xã bên cạnh thì có một cái rõ to, rõ hoành tráng. Nhiều lần tôi cũng xin mẹ đi xem nó như thế nào, nhưng mẹ tôi gạt phăng đi:
– Con nít, con nôi! Đến chen nhau bẹp bụng đấy con. Có gì hay ho đâu.
Rồi mẹ tôi lấy những dẫn chứng ở đẩu đâu về mấy chuyện đi hội xong giẫm đạp lên nhau cực kỳ man rợ và tàn bạo. Tôi lúc đó đã đủ lớn để không tin hoàn toàn vào chuyện mẹ kể nhưng cũng chẳng có ý định đi nhà thờ nữa.
Cho đến khi, con Dương đập bàn đứng dậy vào một giờ ra chơi nào đó:
– Noel này lội suối sang bên xã kia xem nhà thờ đi!
Tất nhiên nó nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cả lớp. Tôi cũng hào hứng lắm.
Đầu tiên, bọn chúng còn định liều lĩnh đi vào buổi đêm. Nhưng sau đó đứa hào hứng thì ít, đứa e ngại thì nhiều nên thôi dẹp. Cũng đúng thôi, tôi nghĩ đến khuôn mặt của mẹ khi thấy tôi lết xác về lúc chín, mười giờ tối đêm Noel mà rùng cả mình. Bố mẹ của bọn trong lớp cá là cũng chẳng khá khẩm hơn.
Với lại, tính toán ra, con đường ngắn nhất để đi sang nhà thờ xã bên cạnh là lội suối. Nếu không đạp xe đường vòng là đứt cả hơi luôn. Lội suối vào ban đêm có khi chết mất xác ấy chứ đừng đùa. Vậy nên, cả lớp thống nhất đi vào buổi chiều, sau khi học xong.
Buổi chiều hôm ấy, nghe tiếng trống ra về, cả lớp tôi thu dọn sách vở nhanh như một tia chớp. Thậm chí khi cả lớp tót ra ngoài cửa hết rồi, cô giáo mới kịp đặt viên phấn xuống bàn giáo viên. Cái đứa trực nhật đứng trước cửa, giục giã:
– Cô ơi cô, nhanh lên cho em khóa cửa với.
Tôi và bọn con trai hào hứng khỏi nói, chín thằng gò cổ gò lưng đạp xe vèo vèo trên đường quốc lộ trải nhựa láng bóng thi xem ai đạp nhanh hơn. Gió khô thốc vào mặt chẳng còn cảm giác nữa, chúng tôi cứ mặc kệ khuôn mặt nứt nẻ của mình, phi vào trong gió.
Đạp một lúc, một thằng bị tụt sau cùng, vừa thở hổn hển vừa kêu í ới chúng tôi:
– Mày… chúng mày…. Đệch! Từ từ thôi mấy cha! Mấy đứa con gái rớt rồi!
Đến lúc đó, chúng tôi mới để ý rằng mỗi chín đứa chúng tôi chơ vơ trơ trọi giữa đường nữa. Ngoái cổ nhìn lại đằng sau, đến hút tầm mắt cũng chẳng thấy gì ngoài núi với ruộng. Thế là chín đứa chúng tôi lại è cổ ra đạp trở lại tìm bọn con gái lề mề, xem tình hình sống chết thế nào.
Chả là xe của con Dương đứt xích nên cả bầy con gái dừng lại giúp nó. Khi tôi quay trở lại, thấy con Dương đang dí mặt vào xích của chiếc xe đạp. Bọn con gái dĩ nhiên chẳng ai biết sửa xe gì, chỉ biết đứng dàn hàng xung quanh nhìn. Dương cũng biết cái gì đâu, chỉ là nó không chịu ngồi không mà thôi.
Lúc bọn con gái phát hiện ra chúng tôi đã quay trở lại thì đồng thanh quát lên cả bầy:
– Bọn mày bị ma đuổi hả? Có cần phải đạp nhanh thế không hả?
Dương nghe thấy, ngừng cắm cái mặt xuống chiếc xe, đưa mắt nhìn lên.
Tôi mím môi, nhịn cười vì mặt Dương bây giờ toàn những vệt đen nhem nhuốc, rồi lên tiếng:
– Đứt rồi sửa thế quái nào nữa hả con!
Nhận được cái quắc mắt của nó, bèn im miệng.
Sau đó, bọn con trai chúng tôi thay nhau kéo cái xe đứt xích của con Dương. “Kéo” ở đây là một tay cầm lái xe mình, một tay cầm lái cái xe kia. Thực ra, nếu để một đứa ngồi đằng sau xe để cầm lấy hai tay lái sẽ an toàn hơn. Nhưng những thằng con trai chúng tôi đã quá sành sỏi trong việc “kéo” xe này rồi, luôn tranh nhau để thể hiện mình. Tôi còn kiến nghị chơi trò đẩy chiếc xe đạp phi cái vèo lên phía trước sau đó chín thằng cùng đạp lên thi xem thằng nào đạp nhanh nhất và cầm lấy cái xe kia trước.
Kết quả? Chẳng thằng nào thắng mà chiếc xe của con Dương ngã cái sầm, chỏng quèo trên đường cao tốc, bánh xe quay quay quay. Tôi lập tức phải phi xuống, dựng xe lên trước khi cái con kia nó xổ đến. May là Dương, đang ngồi ké xe của một đứa con gái, đang lo khua mồm múa mép nên chẳng để ý gì. Chỉ mong khi về nó đừng hỏi tại sao giỏ xe của nó lại bị méo.
Đầu tiên, ý định của bọn con trai chúng tôi là kéo xe con Dương đến khi nào có quán sửa xe nào thì ghé vào. Cuối cùng đi mãi đi hoài, chẳng thấy ma nào sửa xe ở cái chốn khỉ ho cò gáy ấy cả. Vậy là chúng tôi đẩy xe nó đến tận suối.
Đến suối, chúng tôi để xe đạp hết lên bên bờ một bãi ngô. Con Dương xoa cằm, nhìn đống xe đạp, lo lắng:
– Để thế này có mất không nhỉ?
Tôi khi đó đã sớm nhảy ùm xuống suối, thò mồm lên xỏ xiên:
– Khỉ nó lấy cái xe đứt xích của mày.
Dương lườm tôi một hồi, sau đó nghiến răng, nói với tụi con gái:
– Được rồi, lội suối nào tụi bay!