Nhật ký trị liệu.
Nhà trị liệu yêu cầu tôi dành tầm hai mươi phút mỗi ngày để thực hiện việc này. Tôi thực lòng không hứng thú nhưng cũng làm theo.
(Đoạn nhật ký đầu tiên bắt đầu từ ngày 20 tháng 07.)
Ngày 24 tháng 08 năm 20xx.
Sáng sớm trời rả rích mưa, đến trưa không khí có chút oi bức. Tâm trạng không sáng sủa lắm.
Bữa trưa ăn một bát súp cá, chạng vạng vẫn không cảm thấy đói. Bữa tối là cà ri gà, miễn cưỡng ăn được ba chén.
Tròn hai tuần không đụng vào cello, tôi có cảm nghĩ như cây đàn thân thiết đã trở thành một người bạn già. Xúc giác trên ngón tay mơ hồ làm tôi buồn bã rất lâu.
Tôi vùi mình trên ghế cố gắng thư giãn. Hôm nay là nhạc của Tchaikovsky, tôi thích nhất bản Hồ thiên nga (Swan Lake), tua đĩa nghe đi nghe lại. Tâm trí có chút bay bổng. Tôi nhớ buổi diễn tấu ở thành phố H, khi độc tấu Hồ thiên nga màn thứ 04 trước ba ngàn thính giả. Một cảm xúc bi kịch bắt chộp tôi khi Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette* gieo mình xuống hồ sâu.
* Hai nhân vật chính trong vở ballet Hồ thiên nga.
Trong lúc chìm vào Hồ thiên nga, tôi đọc Truyện cổ Andersen. Gần đây, tôi thường xuyên đọc truyện cổ tích, những lúc dùng bữa hay rảnh rỗi sẽ nghĩ vẩn vơ, thêu dệt các câu chuyện. Nếu tình hình này tiếp diễn thì có lẽ tôi sắp xuất bản truyện thiếu nhi rồi.
Ý nghĩ thật ngu ngốc. Tôi chỉ là rất muốn thoát khỏi thực tại.
Ngày 27 tháng 08 năm 20xx.
Chứng dị ứng lại tái phát, suốt đêm qua tôi không ngủ được. Sáng sớm trời mưa tầm tã. Tâm trạng cực kỳ tệ.
Buổi trưa vẫn không có khẩu vị, vô ý làm bể một cái chén.
Buổi chiều đi bệnh viện, kết quả kiểm tra ngàn lần như nhau – quanh đi quẩn lại mươi năm nay, tôi chỉ uống duy nhất một thứ thuốc – bỗng dưng cảm thấy không muốn uống nữa, cho dù mũi rất khó chịu.
Một đêm thức trắng làm tôi rất mệt mỏi, lúc thưởng thức bản Giao hưởng Số 09 của Beethoven, tôi lơ mơ muốn chợp mắt nhưng cố gắng mãi cũng không thể vào giấc. Tôi liên tục gặp bóng đè, có ảo giác bị bóp cổ và dẫm đạp lên người, không dám ngủ.
Bữa tối không nuốt nổi gì, chỉ pha một ly trà gừng phòng hờ đau dạ dày. Tôi uống thuốc ngủ, lê xác thân lẫn đầu óc nặng trịch lên giường, chập chờn đến hơn hai giờ sáng với những cơn bóng đè, bị bóp nghẹt không thể giãy giụa.
Tôi cần tìm loại thuốc ngủ mạnh hơn.
Ngày 31 tháng 08 năm 20xx.
Chứng dị ứng thêm nặng. Tôi ở trong phòng không muốn đi ra ngoài, ngắm nhìn trời thu trong vắt, cao vời vợi qua cửa sổ, đột nhiên cáu kỉnh.
Tại sao lúc trạng thái thời tiết đẹp thế này thì tôi lại không thể bước ra ngoài?
Khu vườn xanh ngọc tươi tốt, những dây tường vi, chùm cẩm chướng, dành dành và đỗ quyên ngoài kia cứ như đang giễu cợt thể trạng yếu ớt vào mùa thu của tôi.
Tôi phát cáu một cách vô lý suốt hai tiếng đồng hồ, vùi mình trên ghế thầm rủa xả chứng dị ứng chết tiệt, thuốc men chết tiệt, bầu trời trong xanh chết tiệt, cây cối chết tiệt, bỗng dưng muốn khóc.
Cảm xúc bất ổn bao trùm một ngày của tôi. Lúc viết ra những từ này, tay tôi vẫn còn run rẩy.
Hôm nay lại nghe đĩa của Tchaikovsky, tôi thử kéo một đoạn Hồ thiên nga. Âm thanh thật kinh khủng. Những sợi dây chật vật dao động dưới ngón tay như đang cầu xin tôi đừng hành hạ chúng nữa.
Tôi quỳ trên sàn ôm đàn của mình, cố gắng vỗ về nó. Sự đau khổ và nỗi u sầu bủa vây trái tim. Tôi tuyệt vọng vuốt ve cello, hôn từng sợi dây như bản thân không còn là người chi phối mà hạ mình làm bề tôi của nhạc cụ.
Tôi van xin trên đôi chân và mười ngón tay của mình, làm ơn cello đừng bỏ tôi.
Ngày 06 tháng 09 năm 20xx.
Bốn giờ sáng thức dậy, lái xe lên núi ngắm mặt trời mọc. Trời trong, không có gió. Tâm trạng khá tốt.
(Trang nhật ký tiếp theo có dán ảnh chụp mặt trời mọc. Rạng đông nhú lên giống như một lát khoai tây chiên vàng.)
Hôm nay là cuối tuần, Nhà trị liệu ra bề không hài lòng vì tôi không uống thuốc cải thiện khí sắc. Tôi giấu nhẹm bà ấy việc mình đổi thuốc ngủ. Thực lòng tôi không dám sử dụng thuốc men lung tung nên mới ngừng một loại thuốc. Vả lại tôi nghĩ lượng dopamine* trong thần kinh hiện giờ đã đủ cân bằng.
* Hormone liên quan tới khoái cảm, sự thoải mái và cảm giác hạnh phúc, được ứng dụng trong hỗ trợ trị liệu trầm cảm.
Nhà trị liệu mang theo vĩ cầm của mình. Sau khi nói chuyện, chúng tôi hợp tấu bản Canon In D trúc trắc, tiếp theo ra sân chơi bóng vồ.
Buổi tối tôi tự nấu cơm, sau đó ngồi trên sofa xem thời sự. Tin tức đầy rẫy điều tiêu cực. Tôi sơ ý khiến tâm trạng mình trầm xuống.
Tôi cuộn tròn trên sofa, khóc đến không thể nào dừng lại. Lúc khóc xong, thần kinh của tôi tựa hồ giải phóng dopamine và serotonin*, cảm giác thanh thản hơn nhiều.
Vì thế, tôi lại bội ước với Nhà trị liệu, bỏ thuốc ức chế tái hấp thu dopamine* để uống thuốc ngủ.
* Serotonin liên quan đến điều chỉnh khí sắc (moods) và cảm xúc.
Dopamine và serotonin là hai trong các chất dẫn truyền thần kinh. Khi có kích thích, các túi chứa chất dẫn truyền sẽ được giải phóng để đưa xung thần kinh đến neuron tiếp theo. Sau đó đầu mút của neuron trước sẽ tái hấp thu chất hóa học còn thừa trong khe synapse để dùng lại. Thuốc ức chế sẽ cản trở quá trình tái hấp thu, cho phép dopamine tồn tại trong thần kinh nhiều hơn, hỗ trợ giảm bớt buồn bã.
Ngày 09 tháng 09 năm 20xx.
Trời âm u, độ ẩm cao nhưng không mưa, buổi chiều mây tản ra. Tâm trạng tuột dốc không phanh.
Tôi uống thuốc ngủ quá liều.
Một cơn choáng váng, tê liệt ập xuống đầu óc, tứ chi, hô hấp của tôi tắt nghẽn trong thoáng chốc mà tưởng như một thập kỷ. Tôi cứ nghĩ mình sẽ chết trong lúc bản năng sinh tồn trỗi dậy kéo chân lao vào nhà vệ sinh, tự móc họng để nôn ra tất cả mọi thứ trong dạ dày. Cơ thể run rẩy không thể dừng lại nổi, tôi vã mồ hôi, kiệt sức như chết ngất ngã khuỵu trên sàn nhà. Lông mi ngấn đẫm nước mắt.
Có lẽ tôi đã ngất xỉu hoặc thiếp đi trong vòng nửa tiếng. Sau khi tỉnh dậy, tôi lập tức gọi người giúp đỡ.
Tôi không muốn chết. Dù không rõ mình muốn gì từ sự sống nhưng cái chết chưa từng nằm trong đáp án của tôi.
Hôm nay không nghe nhạc cổ điển, tôi tùy tiện chọn vài bài hát để phòng bệnh không quá im lặng. Tôi không mấy “cảm nổi” một số xu hướng âm nhạc thịnh hành, nhưng phải thừa nhận rằng khi cô đơn, các bài hát của họ có thể tạm lấp đầy khoảng trống không gian. Cho tôi cảm giác “hơi người”.
(Nửa trang liệt kê tên các bài hát thịnh hành lúc đó.)
Tôi nghĩ mình phải đổi thuốc.
Ngày 18 tháng 09 năm 20xx.
Trời trong, nắng đẹp. Tôi đọc xong cuốn Lý thuyết về Sự gắn bó và Mất mát của John Bowlby* do Nhà trị liệu giới thiệu ở buổi tham vấn gần nhất, cảm thấy rất đáng suy ngẫm.
* John Bowlby (1907 – 1990) là bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm học người Anh, cha đẻ của học thuyết Gắn bó (Attachment Theory).
John Bowlby nhấn mạnh vào sự gắn bó giữa người chăm sóc (thường là mẹ) và trẻ trong hai năm đầu đời dẫn tới sự phát triển nhận thức và cảm xúc của cá nhân. Theo nhà phân tâm học, nếu người mẹ không gần gũi, đáp ứng các mong muốn của trẻ thì khi lớn hơn, nó sẽ không rõ mình muốn gì. Sự lạnh nhạt, thiếu hụt chăm sóc từ người mẹ sẽ làm đứa trẻ giận dữ phản kháng hoặc thờ ơ với mẹ của nó. Người thiếu sự gắn bó ở thời thơ ấu thường thiếu cảm giác an toàn, có thể lạnh nhạt với mọi thứ hoặc ích kỷ, hời hợt hoặc hay ghen tuông, luôn muốn kiểm soát đối phương…
Tôi tóm tắt lý thuyết của Bowlby theo ý hiểu của bản thân là: kẻ không được yêu thương thì không thể yêu thương người khác.
Viết đến đây, tôi bật cười. Không rõ vì sao lại có cảm giác “thì ra là vậy”.
Có lẽ y nói đúng: lòng dạ tôi vốn dĩ độc ác. Muốn thì có thể yêu y hết lòng để đòi lại tình cảm của y. Không muốn thì lập tức không thích y nữa.
Tôi mua hai vé đi xem nhạc kịch, tin rằng mẹ sẽ thích chúng. Đồng thời, tôi cũng viết một đoạn cảm nhận năm trăm chữ dành tặng cho Nhà trị liệu. Tôi tin bà ấy cũng sẽ thích nó.
Thực ra, tôi nghĩ ai cũng có thể cư xử như người bình thường nếu họ muốn làm điều đó.
Y đã làm được điều đó. Tại sao tôi không thể nhỉ?
(Nét chữ xiên vẹo. Có dấu thấm nước trên trang giấy. Có thể đoán được là anh ấy đã khóc.)
Tôi chẳng muốn uống thuốc nữa. Biết được cảm giác thoải mái là nhờ dopamine trong thần kinh làm tôi thấy bản thân giả tạo. Tại sao tôi không thể tự mình vui lên nếu thiếu thuốc men?
Nếu cảm xúc con người có thể bị các hormone kiểm soát thì quyền tự chủ của tôi còn đâu? Sự khác biệt giữa thuốc hỗ trợ và ma túy nằm ở chỗ nào?
Tôi không muốn uống thuốc nữa.
Ngày 20 tháng 09 năm 20xx.
Trời khô hanh, lạnh. Gió to. Chứng dị ứng tái phát. Tâm trạng không đến nỗi tệ hại.
Tôi uống một liều thuốc ức chế tái hấp thu dopamine, lái xe chở mẹ đi nhà hát. Mẹ rất vui vì tôi chủ động gần gũi. Bà rơi nước mắt ở cuối vở diễn trong khi cái kết bi thảm của Romeo và Juliet cải thiện tâm trạng tôi đáng kể.
Tôi luôn thích những cái kết bi kịch hơn là “họ hạnh phúc đến cuối đời”. Không phải vì tôi muốn bi kịch xảy ra mà là do kết thúc bi thảm cho thấy tương lai rõ ràng và chắc chắn hơn.
Cuộc đời con người có thể dài tới bao nhiêu? Ai có thể đảm bảo sẽ không có biến cố xảy ra? Giả sử ngày hôm sau người trong màn kịch hạnh phúc lâm bệnh nan y thì cái kết hiện tại có còn đẹp không?
Tôi có một nỗi băn khoăn: nếu một người trong chuyện tình mắc bệnh nan y đến hết đời và người kia phải chịu đựng đối phương trong cực nhọc thì có là hạnh phúc không?
Mỗi con người chắc chắn đều có ưu điểm dù có thể chính họ cũng không nhận ra. Nếu một người yêu một người, vậy tình yêu có thể bền vững tới dường nào nếu không còn ưu điểm, nhan sắc, tiền bạc và sự thỏa mãn đáp ứng giữa đôi bên?
Do đó tôi thích cái kết bi thảm. Ít nhất người ta cũng luôn cố gắng khẳng định tình yêu thật đẹp để xoa dịu nỗi đau của bi kịch. Còn ai dám chắc “mãi mãi về sau” sẽ luôn một lòng?
Tôi hiểu ra phần nào suy nghĩ của Nguyễn Ngụy Chi khi chọn xem bi kịch để giải tỏa cảm xúc sau khi chia tay, chắc chắn trong đầu anh ta nghĩ rằng: “Đấy, tình yêu thề non hẹn biển của các người đều tan tành hết ráo. Thế tại sao tôi phải buồn bực vì người cũ?”
Tôi và anh ta có điểm chung là thích yêu đương. Khác ở chỗ anh ta yêu đương là để tìm niềm vui trong cuộc sống. Không có tình yêu sẽ làm anh ta buồn chán.
Còn tôi thì cần tình yêu để sống.
Tôi không hề thờ ơ với tình yêu. Tôi luôn rất muốn yêu một ai đó.
Hôm nay tôi tình cờ nghe thấy một giai điệu rất dịu dàng mà vô ý làm thất lạc. Tiếc quá đi.
Ngày 27 tháng 09 năm 20xx.
Cây bạch quả rụng đầy trái dưới gốc, hôm nay có cháo bạch quả hạt sen. Tôi nấu cả một nồi cho bữa trưa vì chị Cả Phùng dẫn các con đi thăm ông.
Tụi nhỏ rất lễ phép, lẽo đẽo theo tôi xin ăn cháo. Mặc dù trời âm u nhưng nhờ tụi nhỏ mà tâm trạng tôi không tệ lắm. Khí sắc đủ tốt để qua mặt Nhà trị liệu.
Bà ấy nói tôi kéo cello ngẫu hứng. Trong đầu tức thì vang lên giai điệu vô danh tình cờ nghe được, mặc dù không có bản nhạc nhưng tôi thử tái hiện từ trí nhớ. Ngón áp út run lên đầu tiên kèm với một âm trầm thô lỗ. Tôi có ảo giác trái tim mình bị gõ vào. Điếng người.
Tôi không thể chơi được giai điệu này. Tôi không thể vấy bẩn nó bởi những âm thanh vỡ nát.
Tôi chọn một bản nhạc khác, lồng ngực như có tảng đá chèn lên dưới những âm thanh khủng khiếp. Cello giãy giụa trong lòng tôi, tiếng như khóc lóc nỉ non… Tôi cũng đau đớn muốn khóc, mười ngón tay rạp xuống đàn, vuốt ve thân hình duyên dáng của nó.
Tôi biết mình càng mất bình tĩnh thì càng dễ chơi sai, nhưng không thể ngừng vô vọng níu kéo.
Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi? Tại sao chứ?
(Có vết máu và thấm nước dính trên chữ cuối.)
Ngày 01 tháng 10 năm 20xx.
Đêm trước bị ác mộng hành hạ cho mất ngủ. Cảm xúc bồn chồn, cáu kỉnh vô cớ. Kết quả là lần thứ hai tôi uống quá liều thuốc ngủ.
Chuyện tôi không uống thuốc hỗ trợ cũng bại lộ. Người nhà tưởng tôi tự sát. Tôi thực tình không muốn chết. Nhưng giải thích cũng vô dụng.
Bù lại sự xui xẻo, tôi rốt cuộc cũng tìm thấy đoạn nhạc dang dở đã làm mất. Bản nhạc này vẫn chưa có tên. Còn tên người nhạc sĩ khiêm tốn nép mình trong khung vuông vắn.
Yến Uyển Như Xuân.
Cái tên thật dịu dàng. Có lẽ là một cô gái. Tôi vào xem profile song không thấy quá nhiều thông tin, đến mục giới tính cũng ẩn đi. Thật là có chút bí ẩn. Nhưng lời nói tự giới thiệu rất thân thiện.
“Mình là fan hâm mộ của thầy Trịnh Minh Sư. Mình thích dâu tây và táo. Mình cao 1xx cm và đam mê viết tình ca.”
Có chút đáng yêu.
Với chiều cao này thì có lẽ là nam nhưng nghệ danh với mục sở thích làm tôi lưỡng lự.
Tôi nghe nhạc trong danh sách với mong muốn hiểu thêm về người ấy. Ban đầu tôi nghĩ đây là người trẻ tuổi nhưng trong âm nhạc của người ấy có nhiều hơn thế. Người khác có thể thấy rằng giai điệu này thật dịu dàng, vui tươi. Song, tim tôi thắt lại và muốn rơi nước mắt vì nó.
Người này chắc chắn đã trải qua rất nhiều chuyện.
Tôi hiểu những cảm xúc ẩn náu dưới giai điệu của người này. Đó là ngàn vạn sự giãy giụa, nỗi tuyệt vọng mà tôi luôn dìm ép, ngâm ủ sâu trong lòng đến mức len men, gặm cắn ruột gan và hành hạ tôi trong những cơn ác mộng.
Có lẽ chúng tôi rất tương đồng. Ở trước mặt người khác hay nhà trị liệu thì luôn tỏ ra là bản thân cân bằng, ổn thỏa, tránh né các liều thuốc đánh lừa lý trí, cố gắng nhìn thẳng vào thực tại, gồng mình chống đỡ rồi lại chật vật khi màn đêm buông xuống.
Thì ra tôi không chiến đấu một mình.
(Một khoảng thời gian dài anh ấy chỉ toàn viết lời bình về các sáng tác của cậu.)
Ngày 30 tháng 10 năm 20xx.
Trời đẹp. Bị cảm.
Không muốn viết gì cả, muốn ngủ. Chúc Yến Uyển Như Xuân ngủ ngon.
Ngày 22 tháng 11 năm 20xx.
Tôi có thể nhận thấy tâm trạng của người ấy dần dần tốt hơn. Tôi thực sự mừng cho người ấy. Chỉ là đâu đó trong các sáng tác, tôi cảm thấy người ấy vẫn còn phân vân, do dự.
Người ấy rất kín tiếng, như thể tự mình dựng lên một lớp bảo vệ danh tính cực kỳ kín đáo. Người ấy không muốn bị ai nhìn thấu sao? Người ấy đang sợ hãi cái gì chăng?
Tôi thấy tội lỗi quá. Tôi đã tự ý nhìn vào thế giới của người ấy.
Xin lỗi Yến Uyển Như Xuân.
Mỗi lần nghe nhạc của người ấy, tôi sẽ dễ rơi nước mắt, thực sự không hiểu sao mình càng lúc càng yếu ớt.
Tôi đang nỗ lực ngừng thuốc. Tôi mong người ấy mau chóng vượt qua.
Ngày 12 tháng 12 năm 20xx.
Kỷ niệm ngày ngừng thuốc hỗ trợ thành công, tôi quyết định xăm lên vai nghệ danh của người ấy.
Tôi biết mình lại hành động điên cuồng. Có chút đau. Nhưng thành quả rất đẹp. Tôi rất thưởng thức khi tên mình có trong nghệ danh của người ấy.
Bản thân tôi chẳng khá lên một chút nào, cứ luôn hành động thiếu lý trí như vậy.
Tôi không biết người ấy là ai nhưng tôi muốn gặp người. Dù đôi lúc tôi cảm thấy mình ảo tưởng. Tôi không phân biệt được đâu là cảm xúc thật sự, đâu là sự yếu ớt do dùng thuốc trong thời gian dài.
Thần kinh bị tổn thương, sức kiềm chế của tôi rất yếu.
Tôi không thể gặp người ấy được khi bản thân vẫn còn chồng chất tàn khuyết. Tôi sợ mình sẽ làm hành vi điên rồ với người ấy.
Người ấy tốt đẹp như vậy, nên gặp người tốt đẹp nhất.
Phó Yến – Nhật ký từ ba năm trước.