Lâm Xuân Tư dựa vào lòng Phó Yến, hương sữa tắm từ cơ thể anh quấn quýt quanh cánh mũi. Dù đã uống thuốc nhưng dạ dày vẫn cứ đau thắt, có cảm giác toàn thân suy sụp, kiệt sức.
“Phó Yến…” Cậu vòng tay ôm chặt cạnh sườn anh, trong mắt có chút trống rỗng: “Em không can đảm, không tự tin, không mạnh mẽ chút nào… Em sợ.”
“Chim sơn ca của tôi, em sợ hãi điều gì?” Phó Yến đau đáu hôn lên tóc cậu.
Đôi khi tâm hồn chúng ta ngập tràn sự bơ vơ, trống trải, chẳng thiết tha ai, chẳng biết nên làm gì. Đó là cái cảm giác cả thế giới đã ruồng rẫy ta.
Vào năm cuối cấp, Lâm Xuân Tư bộc bạch với bác Cả rằng mình muốn theo con đường âm nhạc.
“Cháu nói gì vậy?” Bác cau mày, rất không hài lòng: “Cháu có biết học phí một năm của Nhạc viện là bao nhiêu không? Nếu theo hướng chuyên nghiệp thì phải học lên cao nữa. Số tiền bố mẹ cháu để lại chẳng đủ cho cháu học lên cao. Khoan nói về vấn đề tiền bạc, nhà chúng ta không nghèo đến mức thiếu cháu tiền học phí. Chúng ta luôn ủng hộ cháu tiến bộ trong học tập, nhưng nghĩ lại xem: bố mẹ cháu đều đã mất, hai bác thay họ chăm sóc cháu, dĩ nhiên mong cháu có tương lai tốt đẹp. Nếu cháu lựa chọn làm cái nghề của bọn tạp kỹ, con hát bán tiếng cười mua vui cho người ta thì mặt mũi của bác sẽ bị cháu ném đi đâu?”
“Nhưng mà bác, nghệ sĩ hay người biểu diễn tạp kỹ cũng kiếm sống dựa vào sức lực của chính mình. Nếu biết giữ mình và không làm việc trái lương tâm thì sao phải xấu hổ ạ?”
“Đừng có nói đỡ cho bọn điếm đó!”
Lâm Xuân Tư không bỏ cuộc, ngữ khí thiết tha: “Lên đại học, cháu sẽ ở trong ký túc xá và kiếm việc làm bên ngoài để trang trải học phí, số tiền bố mẹ để lại thì chỉ dành cho sinh hoạt. Cháu nhất định sẽ không làm gánh nặng cho hai bác.”
Bác Cả lạnh lùng ngắt: “Cháu vẫn không hiểu vấn đề sao? Tiếng tăm bê bối của bố mẹ cháu đã khiến cho đám phóng viên nhìn chằm chằm vào nhà ta. Mỗi một động thái của cháu có thể bị bọn họ lợi dụng để giật tít. Nếu cháu đi làm thêm vất vả mà bị chụp được thì đám nhà báo sẽ viết về chúng ta như thế nào? ‘Con trai cô Úc Diễm bị nhà chồng bạc đãi’ à?
“Lâm Xuân Tư, thôi mơ mộng viển vông đi! Cháu là người có vết nhơ, làm sao trở thành minh tinh được?”
Vết nhơ? Cậu đã làm gì mà có vết nhơ? Hay ‘vết nhơ’ này là ám chỉ bố mẹ cậu? Tại sao bác dám gọi họ là ‘vết nhơ’? Lâm Xuân Tư đỏ bừng mặt, giận dữ đến choáng váng, tay chân nóng ran lên. Dù bố mẹ cậu có làm cái gì, không ai được xúc phạm họ trước mặt cậu.
Cánh nhà báo cực kỳ phiền phức và kiên trì. Bọn họ có thể đội nắng, đội mưa túc trực hàng giờ đồng hồ bên ngoài cổng trường để giành tin tức. Hòa vào tiếng mưa gió tầm tã, âm thanh của loài người vo ve ầm ĩ giống như sâu bọ.
– Xin hỏi cậu Xuân Tư, có thật là mẹ cậu dính líu đến ông chủ công ty X?
– Cậu Xuân Tư, cậu không muốn phản bác lại bài viết ngày xx/xx về mẹ mình sao?
– Chúng tôi chỉ muốn biết quan hệ giữa mẹ cậu với ông chủ X…
– Trước đây cô Úc liên tục khẳng định hai người chỉ là bạn bè, cậu thấy sao khi ông chủ X khóc trong tang lễ của mẹ cậu?
– Nguồn tin của chúng tôi nghi vấn cô Úc đi làm kẻ thứ ba, cậu Xuân Tư có biết chuyện này không?
Lâm Xuân Tư chạy vượt qua đám phóng viên, mường tượng bản thân là một miếng bánh mật thu hút ruồi nhặng bâu vào. Một cơn kinh tởm, buồn nôn trào lên cổ họng.
Bác Cả nhìn cậu che miệng ho khan qua kính chiếu hậu, nhạt giọng: “Nếu như cháu là trẻ vị thành niên thì dễ xử lý đám nhà báo hơn nhưng vì dâu út tự sát mà việc học tập của cháu bị trì hoãn. Bây giờ thủ tục chuyển trường sắp xong rồi, cháu ráng nhẫn nhịn hết học kỳ này. Qua trường mới sẽ khá hơn.
“Lâm Xuân Tư, tập trung học hành, dẹp suy nghĩ thi vào Nhạc viện đi. Cháu có vết nhơ, không thể làm minh tinh.”
“Vâng…” Cậu thấy cay sống mũi.
Tâm hồn cậu chưa bao giờ khuất phục. Viết nhạc, luyện đàn, ca hát… là Đế chế riêng của cậu.
Lâm Xuân Tư bới tung các hộc tủ, lật ngược chăn nệm và vác cả giá sách xuống sàn, nhưng vẫn tìm không thấy. Cậu hốt hoảng bày bừa nhà cửa, cơ hồ muốn dùng tay không đập tan các bức tường để tìm kiếm nơi mình đã lưu trữ ước mơ.
Vợ bác Cả đi làm móng về nghe cậu sốt sắng hỏi, lộ ra nụ cười bừng tỉnh: “À, cái cuốn sổ màu xanh dương có nốt nhạc linh tinh ấy hả? Buổi sáng bà chị của bác dẫn hai đứa con sang chơi. Các em thấy cuốn sổ đẹp nên cầm ra vẽ. Bác thấy chúng tô màu lem nhem bẩn hết sổ nên vứt đi rồi.”
Lâm Xuân Tư thấy trái tim mình bị vứt xuống mặt đất rồi dẫm đạp lên, không kiềm chế nổi tức giận.
“Sao mày dám sửng cồ lên với bác? Đó là lỗi của mày vì đã không khóa cửa phòng trước khi đi học! Mày không biết giữ gìn đồ đạc thì còn trách ai? Tại cửa phòng mày không khóa nên tụi trẻ mới vào. Trẻ con thì biết cái gì? Chúng thấy đẹp nên cầm chơi thôi. Chúng nó có xin phép người lớn rồi mới chơi. Còn bác đâu có biết đấy là của mày. Nếu cuốn sổ quý giá vậy thì sao mày không cất cẩn thận vào, đợi mất rồi mới tiếc?”
“Đừng có ồn ào nữa! Bà để tụi nhỏ vào phòng Xuân Tư là bà sai rặt ra, mau xuống bếp làm cơm đi. Còn Xuân Tư, chuyện đã lỡ thì thôi cháu nhịn một chút, trẻ con có biết gì đâu, tức giận làm chi.”
Lâm Xuân Tư cắn răng quay ngoắt về phòng, sập cửa, vặn chốt, sau đó mất hết sức lực quỳ rạp xuống, chôn mặt vào hai cánh tay khóc muốn ngạt thở.
Khóc vì giận dữ, vì uất nghẹn, vì cay đắng, vì suy sụp, vì bao nhiêu mồ hôi công sức tan thành mây khói.
Toàn thân đau đớn, hồn phách rã rời. Ý niệm bỏ cuộc cũng dần nhen nhóm…
Radio phát một đoạn ca khúc làm mở đầu cho bài phỏng vấn. Giọng thầy Trịnh có chút ồm ồm như bị cảm cúm:
– Tôi đã viết ca khúc này vào năm hai mươi tuổi. Thời đó tôi nghèo kiết xác, trọ tại một trong những ‘cái hầm’ cao mét rưỡi mà người ta không đứng thẳng lưng được đấy. Tôi viết nhạc dưới đèn cầy dài bằng đốt ngón tay, bên ngoài cửa sổ vuông trên đầu là dàn đèn LED nhấp nháy đủ màu. Tôi đã viết ca khúc xếp hàng top này như vậy, thậm chí chưa biết ngày mai có gì để ăn không. Tôi từng nghe nhiều người thắc mắc làm cách nào tôi có thể kiên trì với cuộc sống kham khổ đó. Thật sự thì ngày xưa tôi cũng chẳng biết là vì sao. Khi còn trẻ thì ai cũng tin rằng bản thân có thể làm mọi thứ.
Trịnh Minh Sư khẽ hắng giọng:
– Mai này tôi chợt nghĩ lại, trong bóng tối của căn hầm và sự nghèo khó bủa vây, âm nhạc là sự cứu rỗi duy nhất của tôi. Mỗi người sẽ có phương thức riêng để tiếp cận với ‘miền đất hứa’ trong tâm hồn, mà với tôi thì chính là âm nhạc. Dĩ nhiên tôi từng sống rất khó khăn nhưng giữa chông gai, tôi chỉ thấy một ngọn đèn duy nhất là âm nhạc. Tôi đã viết nhạc như thể nếu dừng lại thì tôi sẽ chết. Tuy nhiên, chớ nghĩ rằng tôi viết nhạc là để thỏa mãn bản thân hay thu hút một đội ngũ fan hâm mộ. Người sống trong bóng tối thì khao khát ánh sáng. Tôi đã ở nơi ngặt nghèo nhất, ăn thứ rẻ mạt nhất, nhìn những nỗi khổ cực nhất. Vì thế tôi tìm kiếm những gì đẹp đẽ nhất để đem vào âm nhạc của mình. Ở nơi khổ cực nhất, tôi viết các giai điệu hân hoan nhất. Tôi viết nhạc là để học cách thương yêu thế gian dù thân xác ở trong bể khổ.
– Trịnh Minh Sư tôi dành một niềm cảm kích đặc biệt cho các nhạc sĩ viết tình ca, bởi vì họ không ngừng tìm kiếm cái đẹp của thế giới trong cảnh ngặt nghèo, và dùng những giai điệu dịu dàng nhất để giúp người nghe cảm thấy được thương yêu. Các bạn là những người rất tuyệt vời, hãy tiếp tục cho thế giới cảm nhận tình yêu của các bạn.
Những lời nói đó đã nâng đỡ Lâm Xuân Tư trong nỗi tuyệt vọng to lớn đến suýt bỏ cuộc.
Vấp ngã rồi đứng dậy, lại vấp ngã rồi lại đứng dậy… Suốt hai mươi hai năm cuộc đời cậu đều tuần hoàn như vậy, đến nỗi xương cốt luyện thành thép, da thịt chai sạn đi, trái tim và tâm hồn sắt đá, đáng lý ra cậu thực sự không còn sợ hãi gì nữa.
Phó Yến chờ đợi rất lâu mới nghe thấy chàng trai trong lòng trả lời: “Em… Em sợ quá khứ của mình.”
Mỗi lần nó trở lại qua những cơn ác mộng, Lâm Xuân Tư luôn mất kiểm soát cảm xúc của bản thân.
“Phó Yến, quá khứ của em không có gì tốt đẹp… Em phải làm sao đây?” Mười ngón tay cong lại bấu vào áo sơ mi, cậu vùi bản thân vào lòng anh, nghẹn ngào lẩm bẩm: “Tự nhiên em sợ quá. Em là người có vết nhơ, em có thể làm được không?
“Phó Yến, em yêu bố mẹ lắm. Nếu có một ngày người khác nói xấu bố mẹ em, em có nên phản bác lại họ không? Phó Yến, thế giới rộng lớn như vậy thì liệu có chừa chỗ cho em được thú nhận rằng mình yêu thương bố mẹ đến mức nào không?
“Phó Yến, em ích kỷ như vậy đấy. Em không quan tâm đúng hay sai, em chỉ không thể chấp nhận bất kỳ lời nói xấu nào về bố mẹ. Em biết là mình vô lý khi làm vậy nhưng… nhưng mà chỉ riêng sự ích kỷ này là em không thể từ bỏ.”
Phó Yến thấy trái tim mình tan nát, cong lưng ôm chặt người trong lòng như hận không thể đảo ngược thời gian để che chở Lâm Xuân Tư ở quá khứ, gấp gáp đáp: “Có! Chắc chắn có mà. Em của tôi tốt đẹp đến thế này, sao lại có ai nỡ ruồng rẫy em? Xin em đừng lo, đừng sợ. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ luôn ở bên em.”
Ngày hôm nay, anh càng thêm hiểu chú sơn ca.
Chàng trai này một khi đã yêu ai, cậu có thể yêu tới tận cùng, đến mức chẳng màng đúng sai, muốn chống lại thế giới.
Tề Thời Chiêu dí đầu lọc vào gạt tàn, day mí mắt ném xấp tài liệu lên bàn.
Minh trèo lên gác, rút cái hotdog còn non nửa ra khỏi miệng: “Tôi vừa mới gửi thông tin anh muốn sang.”
Anh ta gạt đống tài liệu lộn xộn qua một bên, cùi chỏ vô tình va phải máy ảnh. Tề Thời Chiêu nhanh như cắt chụp lấy máy, đụng đổ giấy tờ tứ tung xuống sàn.
“Mặc kệ nó.” Hắn khua chân gom chúng lại, cất máy vào hộp. Minh mở thông tin tìm được, vừa sắp xếp các cửa sổ vừa nói: “Bộ Trần Lâm, năm mươi ba tuổi, tốt nghiệp và lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Z, từng làm việc cho ba tòa soạn nhỏ. Bốn năm trước gã đã dẫn gia đình xuất ngoại do con trai thi đậu một trường đại học của Đức. Hiện nay gia đình bọn họ đang định cư tại Thụy Sĩ.
“Bộ Trần Lâm chính là tay phóng viên đã sơ ý tiết lộ thông tin của con trai cô Úc Diễm lên truyền thông.”
Tề Thời Chiêu lia mắt đọc nhanh, chợt nhíu mày: “Hử? Sau vụ kiện, gã vẫn tiếp tục hành nghề phóng viên?”
“Ờ.” Minh cười mỉa: “Vụ này xử kín vì phía nguyên đơn muốn bảo vệ danh dự của gia đình. Anh Tề còn lạ gì? Nói cho hay là xử kín, chứ lắm khi bộ mặt thật là hai bên họp nhau thương lượng trước tòa án, chỉ cần đạt được thỏa thuận vừa ý thì xem như xử xong. Vụ này xử lý khá là nhanh so với quy mô các bên liên quan, trông như cố tình ‘làm dáng’ vậy. Trong khi một tá nhà báo bị buộc tội vi phạm đạo đức nghề nghiệp và mất việc, thì tên đầu sỏ Bộ Trần Lâm chỉ phải nộp phạt và xin lỗi.”
“Chỉ tội cho cậu nhóc.” Anh ta tặc lưỡi: “Mà anh Tề đột nhiên tìm hiểu vụ này làm chi?”
“Tôi từng được cử đi viếng tang lễ của cô Úc Diễm.”
“À, à.”
Tề Thời Chiêu đốt thuốc, nhấp mở thư mục ảnh chụp, trong đó có hình và video tang lễ cô Úc Diễm, chỉ vào một thiếu niên mặc đồng phục đen: “Đây là cậu con trai.”
“Ồ, trông sáng sủa, thông minh phết. Học sinh cấp ba à? Giờ này chắc là đang học đại học.”
Tề Thời Chiêu không ứng khẩu. Nghề phóng viên này lăn xả khắp nơi, muốn danh vọng có danh vọng, muốn bẩn thỉu có bẩn thỉu. Để nghe xuôi tai thì gọi là ‘được cử đi thăm viếng’, nói trắng ra cũng là đi bới móc sự đau buồn của người khác để giật tít tin.
Lúc đó, hắn từng phỏng vấn bà bác của cậu Xuân Tư. Bà ta cười ái ngại: “Con trai của em dâu út nhà chúng tôi rất ngoan, chỉ là hơi trầm tính, ít khi nói chuyện với người nhà. Cháu dành phần lớn thời gian để luyện dương cầm và viết lách, lắm khi say mê tới quên cả ăn uống. Quả là kế thừa các tinh túy của bố mẹ mình. Nhưng tôi có phần lo lắng về việc học tập của cháu. Chú nhà báo biết đấy, đa số những kẻ học tập không tốt đều chẳng ra người ngợm gì cả. Tôi chỉ mong cháu đừng giống bố…”
Minh xem tốc kí, buột miệng chửi: “Lời này mà cũng dám trả lời phóng viên hả? Từng chữ, từng chữ giấu đao. Bà ta có phải bác ruột của cậu nhóc không vậy? Hửm? Sao anh phỏng vấn lưng chừng thế?”
“Vì tôi bị đuổi về.” Tề Thời Chiêu nhả ra làn khói xám: “Cái gã họ Bộ cũng có mặt tại tang lễ. Lúc tôi tiếp chuyện bà bác thì gã ta phỏng vấn cậu nhỏ Lâm. Tôi vốn cũng định hỏi cậu ấy một hai câu, tuy nhiên gã kia đã rất xuất sắc phá hỏng công việc của mọi người.”
Bộ Trần Lâm cười giả lả đặt câu hỏi rằng:
– Theo một số nguồn thông tin còn đang nghi vấn, tôi chỉ xin hỏi lúc cậu Xuân Tư đi học về vào hôm xx/xx, có phải đã bắt gặp một bóng người giống đàn ông vội rời khỏi nhà?
Một khoảng im lặng tức khắc bao trùm không gian, khuôn mặt người thiếu niên trắng như tuyết.
Tề Thời Chiêu thậm chí thấy rõ ràng gân xanh trên cổ cậu gồ lên. Ông bác bên cạnh giận tím mặt quát: “Cảnh sát đã kết luận là tự sát, các người còn muốn cái gì? Đến cả sự tôn trọng tối thiểu dành cho vong nhân mà lũ nhà báo các người còn không làm nổi sao? Mau tống gã phóng viên báo lá cải này cuốn xéo cho khuất mắt tôi! Không tôi sẽ gọi cảnh sát!”
Người ta dìu cậu học sinh có phần hoảng hốt, loạng choạng vào trong. Tề Thời Chiêu chỉ kịp chụp một bức ảnh rồi bị xô ra ngoài, tiếng la tức tối của ông bác còn văng vẳng, “Tôi sẽ kiện tất cả kẻ nào viết lung tung!”
“Sau vụ đó, tôi lập tức nhận đi thực địa ở Trung Đông nên không còn biết gì nữa. Lúc biết tin bạn mình mất tích thì tôi mới về nước theo đuổi vụ hiện tại. Thật không ngờ có lắm thị phi phát sinh từ vụ Lâm Úc Nghị như vậy.”
Minh nhìn anh Tề dí tàn thuốc, nghi hoặc vuốt cằm: “Có khi nào là sau tang lễ, Bộ Trần Lâm bị nhà họ Lâm khó dễ nên mới tung thông tin của cậu nhóc kia để trả thù không?”
“Nếu vậy thì tại sao gã vẫn còn được hành nghề sau vụ kiện?”
“Mẹ nó, tôi cứ có cảm giác âm mưu kiểu gì ấy. Anh có giả thuyết nào không?”
“Tôi không biết. Tôi không có đủ thông tin.” Tề Thời Chiêu di chuyển bức ảnh chụp Lâm Xuân Tư ở tang lễ vào USB: “Tôi đột nhiên tò mò nên mới tra cứu xem thử. Nếu cậu có hứng thú thì điều tra đi, mấy vụ kiểu này có thể khui ra được mỏ vàng đấy. Hiện tại tôi đang tập trung tìm bạn mình, không rảnh phân thân ôm đồm.”
Trừ phi vụ của cậu nhỏ Lâm và anh bạn mất tích của hắn có liên quan đến nhau. Nhưng xác suất rất thấp.
Tề Thời Chiêu tròng máy ảnh lên cổ, đâm đầu ra ngoài vùng trời tối mịt.
Tay phóng viên Bộ Trần Lâm đã tiết lộ thông tin của cậu nhỏ Lâm vẫn đang tiếp tục hành nghề sau vụ kiện. Đã vậy gã còn sống rất sung túc, đâu màng bản thân đã hủy hoại cuộc đời của một chàng trai như thế nào.
Thử hỏi, công lý ở đâu?