Chế Tài Bắt Nạt

Chương 1



Văn án:

Ngày tôi xuất viện lại nhận được tin em gái song sinh đã tự sát.

Chỉ để lại tin nhắn cuối cùng trong điện thoại: “Cứu em.”

Khi đó tôi mới biết con bé bị cô lập, bị bắt nạt thậm tệ ở trường, không trốn đi đâu được.

Một tháng sau, tôi mang khuôn mặt giống hệt em gái nhập học.

Bọn bắt nạt phấn khích mà không biết tôi cũng đang háo hức vô cùng.

Bởi vì tôi bẩm sinh đã là kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Thứ duy nhất còn níu kéo lại chút nhân tính trong tôi chính là em gái.

_____________________________________________________

Phần 1/6

1.

Khi ra khỏi bệnh viện, trời đang âm u đầy mây.

Tôi xách hành lý trở về nhà nhưng nơi đó bây giờ lại ảm đạm toàn mùi của cái chếc.

Em gái tôi nhập viện rồi.

Con bé nằm trên giường bệnh, cơ thể cắm đầy ống truyền, giống như một con búp bê sứ mỏng manh dễ vỡ.

Một tuần trước con bé gieo mình xuống từ nơi cao nhất trong trường.

Nếu không phải trùng hợp bên dưới có bạt che của bãi đỗ xe giảm xóc thì thứ chào đón tôi bây giờ hẳn phải là một t.h.i t.h.ể lạnh ngắt.

Nhà trường bề ngoài thì rất dè chừng khi trả lời về sự việc này nhưng lại vòng vo ám chỉ rằng ở trường em tôi có những mối quan hệ nam nữ phức tạp và danh tiếng không tốt.

Cha mẹ nuôi của chúng tôi cầm 10 vạn (335 triệu) phí bịt miệng rồi ngoan ngoãn ký vào đơn xin thôi học.

Họ không hoan nghênh sự xuất hiện của tôi cho lắm.

Chẳng có gì lạ, người ta có thể có cảm tình gì với đứa con nuôi mười tám năm qua luôn ở trong bệnh viện cơ chứ.

Nhưng bọn họ không dám ý kiến, thậm chí thái độ còn nịnh nọt thấy rõ.

Tôi biết họ sợ tôi.

Thật buồn cười, bọn họ coi thường đứa em gái hiền lành tốt bụng của tôi rồi lại sợ hãi con nhỏ bệnh nhân ở trong bệnh viện quanh năm suốt tháng này.

Đến khi tôi được vào thăm em gái lần nữa thì con bé đã được chuyển sang phòng bệnh thường.

Trong phòng bệnh ba người ồn ào, em gái tôi lẻ loi trơ trọi nằm ở vị trí cạnh cửa sổ.

Con bé gầy trơ xương, mặt mũi trắng bệch.

Tôi đặt giỏ hoa quả lên tủ cạnh giường giống người nhà của những bệnh nhân khác.

Biết con bé không ăn được, cũng không hiểu vì sao người ta hành động thế, nhưng tôi vẫn cố sức bắt chước để khiến em gái nhìn qua trông như có một người thân bình thường.

2.

Tôi không hề rời đi lúc hộ lý vệ sinh cá nhân cho em gái.

Người phụ nữ phốp pháp lật trái lật phải cơ thể con bé, dễ dàng như điều chỉnh tư thế búp bê.

Bà ta cởi áo của em tôi.

Dưới lớp vải thùng thình là hàng loạt vết sẹo chằng chịt trông ghê cả người.

Tôi đẩy bà hộ lý ra, dùng đầu ngón tay miết theo từng cái một.

Sẹo bỏng.

Sẹo do vật nhọn đâm.

Sẹo cắt bởi vật sắc.

Những vết thương cũ mới chồng chất lên nhau tích lũy từ năm này sang tháng nọ.

Dạng thương tích này chẳng lạ gì với tôi, vì tôi cần dùng đau đớn để đè nén lại khát vọng hủy hoại thế giới đang rục rịch trong lòng.

Nhưng đáng lẽ chúng chỉ nên xuất hiện trên cơ thể tôi thôi.

Em gái không giống tôi.

Con bé giống như một con thú non, nhát gan lại thiện lương.

Nó sợ đau đến mức thấy vết thương mới trên người tôi cũng có thể rơi nước mắt đau giùm cơ mà.

Vậy thì sao những thương tích này lại xuất hiện trên thân thể con bé?

“Nghiệp chướng! Cô gái dễ thương xinh xắn thế mà bị chà đạp đến mức này.”

Tôi nhìn sang bà hộ lý: “Con bé tự mình gây ra ư?”

Bà ta trợn trừng mắt: “Con gái, con sẽ ra tay nặng như vậy với bản thân sao?”

Sẽ.

Nhưng tôi không trả lời.

Bà hộ lý chép miệng: “Con là chị con bé hả? Nhìn một cái là biết không phải bị thương bình thường rồi. Con trông này. Những chỗ chai trong lòng bàn tay đây đều là do vết thương hở đóng vảy xong mà tạo thành. Còn có sẹo trên chân kia đoán chừng chính là bị dao rạch…”

Tôi vuốt dọc ngón tay của em gái. Ngày trước chúng mảnh khảnh mịn màng bao nhiêu thì giờ thô ráp bấy nhiêu, thậm chí có mấy ngón còn vặn vẹo biến dạng.

Tôi vén chăn lên, lột quần của em ra.

“Ấy trời cái con bé này!”

Hộ lý tới định kéo tôi ra nhưng bị tôi giữ chặt cổ tay chặn lại.

Trên đùi em tôi trừ vết bỏng còn có những từ ngữ nhục mạ được khắc bằng mũi dao.

Khi tôi về đến nhà, cha mẹ nuôi đã nấu xong cơm.

Bọn họ bày bát đũa chỉnh tề, còn cố ý nhường ghế chủ vị lại cho tôi.

“Tử Tây, hôm nay mẹ con làm món sườn sốt mận con thích đấy.”

Cha nuôi cười giả lả, căng thẳng đón tôi.

Tôi nhìn hai kẻ đang bứt rứt không yên trước mặt.

“Không thích.” Tôi bỏ balo xuống, bình tĩnh lặp lại, “Con không thích sườn sốt mận.”

Người phụ nữ đứng phắt lên: “Mẹ…… Mẹ đi làm món khác cho con!”

Tôi khẽ nghiêng đầu, đánh giá bàn tay đang vo chặt góc áo của hai vợ chồng.

“Hai người sợ à?” Tôi tiến thêm một bước, “Sợ con ư?”

Cha nuôi cũng bật dậy theo mẹ nuôi, tay vẫn còn nắm chặt đôi đũa. Cõ lẽ vì dùng sức nhiều quá nên cánh tay hơi hơi run rẩy.

Tôi giương mắt nhìn ông ta: “Vì sao?”

“Con với em gái có chỗ nào khác nhau sao?”

4.

Phòng của em gái vẫn còn dán giấy khen hồi cấp hai. Mặt bàn rất sạch sẽ, trong ngăn kéo chỉ có một quyển sách cùng mấy cái bút chì bấm.

Tôi lật quyển sách ra, không ngờ bên trong lại bị khoét rỗng. Trong chiếc hộc bí mật ngụy trang quyển sách này có một cái điện thoại di động.

Nó là loại điện thoại kiểu cũ, nứt vỡ hết cả, thậm chí có những phím bấm đã bị liệt từ bao giờ.

Tôi ấn mật khẩu. Màn hình hiện ra tin nhắn cuối cùng em gái gửi trước khi nhảy lầu:

‘Mau cứu em với!’

Người nhận —— Chị yêu nhất trên đời.

Tôi bưng mặt, im lặng cười.

Em gái của tôi bị dồn đến chân tường.

Ở giây phút cuối cùng khi lựa chọn chấm dứt sinh mệnh, em vẫn không chút do dự gửi tin nhắn cầu cứu cho một người đã định sẵn không cách nào đến giải thoát cho em.

Ngoại trừ tin nhắn, trong điện thoại di động còn có một đoạn ghi âm nữa.

Xen lẫn trong tiếng kêu khóc thống khổ tuyệt vọng và van nài khẩn thiết xin tha là giọng cười hả hê cùng những lời chửi rủa mỉa mai.

Tôi nghe đi nghe lại đoạn ghi âm đến tận khi điện thoại hết pin sập nguồn.

Sau đó vươn vai thả lỏng rồi đi ra phòng khách.

“Làm thủ tục nhập học cho con đi.” Tôi nhìn về phía cha nuôi đang kinh ngạc, “Càng nhanh càng tốt.”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.