Bất Minh

Chương 8: Bễ nghễ



Dạ Ưu chỉ vào vết sẹo dài trên cánh tay của tiểu thái giám cùng sự truy hỏi gắt gao chẳng rõ vì mục đích gì. Trong lúc thất thần vì bị dọa sợ, Kỳ Tử chưa kịp suy nghĩ thấu đáo thì đã phải vội vàng đáp lời đối phương:

“Là nô tài bất cẩn bị ngã mà để lại.”

Người truy hỏi càng thêm nóng lòng:

“Cũng là ngã xuống nước sao?!”

Quả là mơ hồ như chuyện cách đây không không bao lâu, ngày hoàng đế cao cao tại thượng bắt đầu để một tên tiểu thái giám trong tầm mắt.

Chuyến đi săn mùa xuân bắt đầu từ ngày diễn ra lễ tịch điền. Trước đó đã phát lệnh xuống, hoàng đế cùng đoàn tháp tùng đi đường thủy, đến sông Tương Phùng sau đó thăm ruộng. Sau khi tham gia lễ cúng Thần Nông cũng là lúc khởi hành chuyến đi săn thú.

Hôm ấy mặt nước êm đềm phản chiếu đất trời ngày xuân, thỉnh thoảng lại có gọng vó lướt qua tạo nên những vòng sóng lăn tăn. Ngồi trên long chu, tầm mắt của Dạ Ưu chỉ để mấy vòng sóng liên hồi giữa dòng nước trong vắt làm tâm điểm. Những lời nói xung quanh khi ấy vốn chỉ như để mặc ngoài tai.

“Muôn tâu bệ hạ, chuyện tham gia lễ tịch điền nhưng không đích thân xuống ruộng e là không hợp nghi thức trước nay, sẽ khiến dân chúng không tỏ được thánh ý…”

Chưa để kẻ đang cúi đầu này đưa ra lời thỉnh cầu, Dạ Ưu đã lên tiếng cắt ngang:

“Ai nói trẫm sẽ hiện diện ở đó!”

Biểu lộ trên gương mặt lễ bộ thượng thư từ e dè liền chuyển sang bàng hoàng. Trước mắt ông, vị quân vương không để ai trong mắt kia vẫn ung dung cất tiếng:

“Nếu quần chúng bất an thì dân xã nào trẫm đi qua được miễn thuế năm nay.”

“Muôn tâu bệ hạ, chuyện này…” – Người nghe được thật sự sững sờ, không còn biết nên lựa lời khuyên ngăn nào mới phải. Chỉ có thanh âm bên tai ông đang nhàn nhạt bỗng chợt thêm gay gắt:

“Cường thịnh cũng từ nhân dân, chẳng lẽ khanh thấy họ không đáng được đặc ân?!”

Lễ bộ thượng thư vội vàng quỳ rạp.

Chuyện chính không thành lại còn chứng kiến bệ hạ tùy tiện đưa ra quyết định, trong lòng ông chỉ có sự bất mãn, cuối cùng bị hai chữ “Lui đi!” của hoàng đế đánh bật. Người lặng lẽ lùi xuống, trước sau nhìn đối phương vẫn đang chăm chăm nơi mặt nước vô vị, ông lại càng bực dọc hơn.

Nếu để dòng nước phẳng lặng này tiễn bệ hạ một đoạn, ắt hẳn cũng là cơ duyên…!

Ngày hôm đó không sớm không muộn, người ngựa cũng bắt đầu khởi hành lên núi. Trong trí nhớ của Dạ Ưu, mọi chuyện vẫn diễn ra thuận lợi, ít nhất là đến khi y giết hạ được một con thú dữ. Rừng núi hoang sơ, đường trở về lại gặp toán hành thích mai phục bất ngờm bản thân y một người một ngựa cắt đuôi bọn chúng.

Trong thời gian gấp gãy hiểm nguy, dù trước đó quan sát kĩ càng đến đâu Dạ Ưu cũng tránh không khỏi bẫy săn thú đã đặt sẵn. Thế rồi một chân ngựa lọt vào bẫy chông, sau khi hí vang một tiếng oai oán thì hất văng người cưỡi xuống đất. Giữa thảm lá khô nơi rừng sâu rậm rạp, trên đà trượt dài y còn cảm nhận được đôi chân mình đang bị tuột xuống một khoảng không vô định. Cuối cùng không ngoài dự đoán, bản thân đã tuột xuống hố sâu.

Khoảnh khắc thập tử nhất sinh tưởng chừng sẽ phải mang thương tích đầy mình, cánh tay nam nhân này vẫn kịp ghì lại nơi miệng hố. Còn lại cả cơ thể lơ lửng, trong tình thế gian nan phải cố bấu víu vào thành đất trống trải. Dạ Ưu chỉ cần thoáng nhìn cũng thấy rõ bên dưới là hàng chông thẳng tắp đang chĩa lên từng mũi sắc lẹm. Y đưa tay còn lại cố thủ trên thành hố, sớm đã thấy bẫy săn thú không chỉ lớn hơn bình thường mà còn sâu hơn hẳn nên chẳng dễ dàng gì nghĩ đến chuyện trèo lên được.

Vách đất ẩm vốn không có điểm tựa, hai bàn tay Dạ Ưu bấu chặt trên thành hố mỗi lúc càng thêm khó nhọc. Trong khi y không chắc mình sẽ cầm cự được thêm bao lâu trước những mũi chông nằm sẵn đợi con mồi, thì đột nhiên bản thân lại nghe thấy một giọng nói hốt hoảng văng vẳng trong không trung.

“Bệ hạ!”

Thanh âm ấy nghe ra như tiếng nữ nhân trong trẻo, có điều chuyến đi này y có sai theo cung nữ ư?

Nhưng rồi giọng nói ấy cũng lặn mất tăm hơi, thay vào giữa tiếng lá cây xào xạc là mệnh lệnh gắt gao hung tợn:

“Vừa nãy tiếng ngựa của hắn ở hướng này, chia ra tìm!”

Tiếng bước chân đến bẫy săn dần rõ ràng mau lẹ, Dạ Ưu cũng đã đoán biết được có kẻ phát giác ra mình. Bản thân y tiến thoái lưỡng nan, dù tìm đủ mọi cách cũng chẳng thể trèo lên được.

Ấy vậy mà xuất hiện trước sự phòng bị của hoàng đế lại là một tên thái giám trẻ tuổi, đơn độc một thân một mình xuất hiện bên miệng hố. Đối phương vội vàng nắm lấy cánh tay y, đôi mắt ánh lên một tia hi vọng đối diện với sự nghi ngờ mà Dạ Ưu đã đặt sẵn lên người khác. Lại thêm tầm vóc nhỏ nhắn của đối phương khiến y thêm phân vân kẻ này giúp được bao nhiêu phần sức lực?!

Xung quanh không gian đầy rẫy những tiếng động khác lạ, sự lo lắng trên gương mặt của tiểu thái giám vẫn chưa từng mất đi nhưng hành động thì ngược lại, vừa dứt khoát lại vừa kiên định. Tình thế nguy cấp nhưng trong đầu Dạ Ưu cũng không khỏi ngạc nhiên, đối phương ấy vậy mà không có ý định chạy thoát thân, lại chỉ khăng khăng vào tâm tư quyết tâm cứu bằng được vị quân vương không khác gì cái gai trong lòng quần thần này.

Không ngờ Dạ Ưu cũng đã thoát khỏi bẫy săn bằng sự giúp sức gian nan của tiểu thái giám. Trong tối không rõ bao nhiêu tên, ngựa cưỡi cũng đã chạy mất, cả hai chưa kịp thở phào đã phải vội vàng chạy khỏi sự truy bắt của quân địch.

Thoáng chốc đã chạy đến thượng nguồn sông Tương Phùng, thích khách cũng đã phát hiện ra tung tích của mục tiêu. Đến khi Dạ Ưu phát giác được có tên bắn đến cũng là phía sau lưng y, tiểu thái giám đang đau đớn ôm lấy bả vai bắt đầu thấm đẫm máu tươi. Hắn cứ thể chao đảo rồi ngã lăn xuống sườn dốc, sau chớp mắt cả người đã lay lắt rơi xuống dòng nước vốn tĩnh lặng.

Gương mặt tiểu thái giám này xa lạ, xuất hiện hầu hạ trong cung bao lâu Dạ Ưu còn chẳng có ấn tượng gì. Nếu chỉ là một tên tiểu tốt hi sinh tính mạng vì chủ tử thì cũng xem như số phận của hắn, chuyện cấp bách của người có số mệnh cao quý như y hiện tại là tìm nơi tạm thời ẩn nấp, không bao lâu nữa cẩm y vệ sẽ xuất hiện, lại có kẻ khác có trọng trách đến hộ giá.

Chỉ là rất nhanh sau sau đó, trên khoảng sông Tương Phùng ấy lại vang lên tiếng sóng dội.

Vốn dĩ bản thân kẻ vừa lao xuống nước còn nghĩ cái bản năng biết thương xót đã được y vứt bỏ từ lâu, không ngờ thỉnh thoảng nó vẫn có thể tự mình làm chủ hành động của chủ nhân như thế này. Dạ Ưu hòa mình vào dòng nước, lúc này tiểu thái giám đã bớt đi cử chỉ vùng vẫy. Màu đỏ thẫm của máu từ bả vai hắn vẫn đang tan ra trong nước, cơ thể đau đớn chìm xuống dần một sâu. Đến khi Dạ Ưu sắp sửa tóm được người thì đối phương đã buông xuôi vì hoàn toàn thiếu hụt không khí.

Nước rả rích vào hốc mắt càng khiến kẻ từng suýt bỏ mạng nơi đáy nước ghét bỏ việc bơi lội. Y đưa tay tóm lấy eo tiểu thái giám, trong lòng càng lúc càng muốn rời khỏi dòng nước lạnh lẽo đang ùa qua mang tai mình, bản thân không ngần ngại áp môi truyền khí vào miệng đối phương, tay còn lại thì mau chóng bơi đi đưa cả hai trồi lên khỏi mặt nước.

Đôi tay tiểu thái giám dần có động thái trở lại, hắn bắt đầu bám chặt người phía trước. Thoáng chốc Dạ Ưu cũng thấy được đối phương bắt đầu mở mắt trong khó nhọc, có điều ngay sau đó lại vùng vằng đẩy cơ thể y ra. Lực đạo yếu ớt nên thực tế giữa hai vẫn chẳng mấy thay đổi, có điều môi kẻ bị thương liền mím chặt lại.

Một lần nữa Dạ Ưu lại phải kéo tiểu thái giám về phía mình, không hiểu loạt hành động vô nghĩa này của đối phương xuất phát vì điều gì trong khi trước mắt y chỉ thấy một kẻ lại phải bắt đầu vùng vẫy trong ngột ngạt. Cơ thể nhỏ nhắn của tên ngốc này, một tay Dạ Ưu cũng có thể nhấc bổng lên. Thế mà giữa dòng nước hiểm nguy tên ngốc ấy lại còn không chịu hợp tác, thật khiến người không mấy khi thương xót cho ai như y cảm thấy bội bực trong lòng.

Nếu đã muốn cứu người thì làm sao có thể để đối phương chết đi ngay trước mắt. Bản thân Dạ Ưu không cho phép ý định của mình bị gián đoạn, y dùng lực mạnh mẽ áp môi truyền khí cho tiểu thái giám yếu đuối trong tay mình. Lần này kẻ ngốc ấy không còn khước từ nữa, có vẻ như ý thức đã dần trở lại.

Đến khi cả hai trồi lên khỏi mặt nước cũng không biết rõ bản thân đang ở chính xác nơi nào ven sông Tương Phùng, chỉ biết đã cắt đuôi được bọn thích khách. Nhìn cả người đối phương ướt sủng chẳng còn phân biệt được đâu là máu nhuốm, mũi tên trên bả vai cũng đã gãy. Chẳng rõ là vô tình gãy khi tiểu thái giám ngã lăn xuống dốc hay chính hắn bẻ đi nhưng Dạ Ưu vừa đưa tay về phía mũi tên ấy thì tên tiểu tử này liền giật nảy, cả người toát lên ý chí khước từ rất mãnh liệt.

Mày kiếm trên gương mặt Dạ Ưu bỗng chốc nhíu chặt nhưng nhìn đối phương run lẩy bẩy, ánh mắt gắt gao lại dần dịu đi. Cứu được tiểu thái giám lên bờ, trong lòng bật đế vương vốn chẳng thiếu gì vẫn cảm thấy mọi thứ xung quanh thật nhạt nhòa, có điều lúc này trông người trên kẻ dưới đều ướt đẫm nhếch nhác, ngồi ngang hàng đúng là có chút khác biệt hơn thường ngày.

Thế nhưng rất nhanh thôi, khi cẩm y vệ xuất hiện thì khoảng cách giữa hai bên sẽ lại chênh lệch một trời một vực. Hoàng đế được người người cung kính vội vàng đón rước, tiểu thái giám liền chìm vào dòng người, không mờ nhạt mà là chẳng đáng để chú ý đến.

Chỉ là đột nhiên trong tầm mắt của Dạ Ưu, kẻ mà y cho rằng ngốc nghếch kia vẫn đang được chú tâm quan sát. Bản thân y cũng đang thắc mắc chuỗi động thái mờ nhạt vô nghĩa này của mình xuất phát từ đâu. Dù sao cũng chỉ là một ánh nhìn chân chính, tuy có khác với cái đảo mắt thoáng qua mà y dành cho mọi thứ nơi thâm cung nhàm chán nhưng thế này thì có gì lớn lao?

Ban thưởng cho người có công cứu giá rồi quay lưng rời đi mới đúng như những điều Dạ Ưu đã nghĩ nhưng y còn chần chừ điều gì… Trong lòng sao lại có cảm giác thấp thoáng như rêu xanh trong bóng tối u uất bao lâu bỗng một ngày được nhìn thấy chút ánh sáng bất ngờ. Có thể vì nhiệt độ khi tiếp xúc thân thể vẫn còn vương lại hay cảm tưởng thập tử nhất sinh cùng đối phương, hoặc cũng có thể là hồi ức mơ hồ của những chuyện cũ…

Đến khi Dạ Ưu nhận ra bản thân vẫn còn chưa kịp thông suốt thì trước mắt tất cả đã thấy bậc quân vương nổi tiếng ngang tàn đang kiên nhẫn tiến đến bên cạnh một tiểu thái giám lớn mạng:

“Ngươi tên là gì?!”

“Kỳ Tử.” – Hồn vía của người được hỏi vẫn còn trên mây, khựng lại một nhịp hắn mới giật nảy mà gấp gãy nói lại:

“Thưa bệ hạ, nô tài tên là Kỳ Tử.”

Hiện tại về vết sẹo từ lâu trên cánh tay phải của Kỳ Tử, Dạ Ưu chỉ nhận được một câu trả lời từ dáng vẻ thản nhiên của đối phương:

“Nô tài ngã khi đang làm việc vặt ạ.”

Ánh mắt Dạ Ưu thoáng lên sự do dự hiếm gặp, hàng mi dài trên đôi lang nhãn khẽ cụp xuống, tâm tình của y như nửa nghĩ nên hỏi nửa lại không. Cuối cùng chưa để chủ nhân An Lạc cung kịp cất lời thì bên ngoài tẩm điện đã có chuyển biến mới:

“Bệ hạ, Quốc công xin được diện kiến.”

Chưa để bệ hạ bày ra cảm xúc gì thì Kỳ Tử đã vội vàng rời khỏi long sàng. Đến khi Dạ Ưu vừa đảo mắt nhìn lại thì đã thấy tiểu thái cúi đầu trước mặt:

“Nô tài xin phép cáo lui.”

“Ngươi lủi còn nhanh hơn cả chuột nữa.”

Ngữ điệu trong lời này lại như có mấy phần trách cứ nhưng lần này Dạ Ưu cũng không làm khó đối phương nữa.

“Lui đi.”

Dù sao trong lòng Kỳ Tử vẫn cảm tạ quốc công vì người xuất hiện đúng lúc.

#25

Thời gian niên thiếu chẳng đến đỗi dài so với một đời người đằng đẵng, nhưng lại như vô tận khi ngày tháng trôi qua đều mang theo bao nỗi dày vò.

Nghe tiếng nhạn lảnh lót trong lồng, Dạ Ưu thả mình ngao ngán nằm trên trường kỷ. Lần cuối cùng nói chuyện với thái hậu đã lâu đến nỗi khi ấy bản thân đã nói những gì, y cũng không nhớ ra.

Có điều trong hồi ức lại hiện lên một điều rất rõ ràng rằng, đó là lần đầu tiên kẻ yếu hèn này bác bỏ lời của mẫu hậu.

Hai năm kể từ ngày thái tử Dạ Ưu được sắc phong, hoàng đế băng hà trong thời thế yên bình. Trữ quân của đất nước danh chính ngôn thuận đăng cơ. Thế nhưng y không nắm giữ thực quyền. Người ngự tọa trên ngai vàng là vị hoàng đế trẻ tuổi song kẻ thống trị đất nước lại là chủ nhân của Phượng Nghi cung. Niên hiệu An Thường được hoàng thái hậu ngầm quyết định, mọi chuyện vẫn giống như cũ, dù là thái tử hay trở thành hoàng đế, Dạ Ưu cũng chỉ cần theo sự sắp đặt của thân mẫu hết lòng phò tá.

Chữ “Thường” mà người đã chọn là bồi thường hay thực hiện được ước muốn, đắc thường túc nguyện…?

Trong mắt vị thái tử bé nhỏ, phụ hoàng đã dày công dẹp hết các cuộc dấy binh lớn nhỏ trên lãnh địa. Để có được hiện trạng sóng yên biển lặng mà y cai quản, tiên đế quả nhiên là tốn không ít tâm tư. Ấy vậy mà đối với mẫu hậu, dường như Dạ Ưu chỉ thấy sự cuồng loạn dành cho quyền lực, người cùng hoàng thúc mưu đồ quả là không biết điểm dừng.

Sau khi tiên đế băng hà, trong triều thêm vị một hoàng thúc được phong làm quốc công. Ngày trước hắn là cánh tay phải đắc lực của phụ hoàng, chức quốc công này hoàng đế trẻ tuổi không muốn ban cũng phải ban. Chỉ có một vị hoàng thân khác kém được ưu ái hơn, là cánh tay trái trong mắt tiên đế trước đây, nay được phong làm quận công. Còn lại theo như lời chủ nhân Phượng Nghi cung, cao nhất cũng chỉ trở thành quận vương xa xôi. Hậu cung vốn không có phi, dưới hoàng hậu chỉ có tần, chức vị nắm giữ lục cung vốn đinh ninh chắc chắn, quyền lực của người không ai có thể lung lay. Sau đó người trở thành thái hậu, ngoài có tân hoàng đế làm bình phong, trong có quốc công cùng người thâu tóm cả triều đình.

Bọn họ muốn cử binh chinh phạt, tiếp nối tâm nguyện còn dang dở của tiên đế. Vậy còn chuyện trước đây thâm tâm tiên đế có muốn vậy hay không? Câu trả lời chỉ có cận thần đắc lực của người, kẻ như thâu tóm cả trời kia biết. Gấm vóc lụa là trong vinh hoa phú quý, của ngon vật lạ cống nạp từ máu thịt của bao người, cuộc sống quyền lực vĩ đại làm chủ hàng vạn sinh mệnh bao giờ mới là đủ trong mắt những kẻ cuồng vọng kia…?

Thái hậu thường đanh giọng trong thương tiếc, khẳng định vị đại hoàng tử không may đoản mệnh mới là đứa trẻ sáng suốt vẹn toàn mà người sinh ra. Để rồi những năm tháng ấy không ít lần Dạ Ưu đã từng nghĩ, có phải nếu là hoàng huynh thì sẽ hiểu được những điều này, sẽ thấy được sự đẹp đẽ trong việc làm của mẫu hậu và cũng biết mình nên làm gì tiếp theo…?! Trong khi một vị hoàng đế như y chỉ có thể nghi ngờ bản thân mình, trong lòng y đã chán ngán tất cả, cánh sắc mà y mong muốn vốn đã sụp đổ từ bao giờ.

Cuộc sống xa hoa quyền quý cùng ngôi vị đế vương với Dạ Ưu cũng chỉ là trả lại những kỳ vọng mà mẫu hậu đã đặt lên hoàng huynh, như ý nguyện từ lâu hoàng thái hậu cuối cùng cũng đã toàn thành.

“Nhưng người thật tàn nhẫn, đến lừa thần nhi cũng chẳng cất công…!”

Dù sao những lời trong lòng khi ấy vốn dĩ cần ai hay biết cũng như đối với y, những suy nghĩ này sớm đã bị gạt bỏ.

Chim nhạn trong lồng cũng vừa thôi lảnh lót, tẩm điện bỗng chốc yên ả đến đáng sợ.

“Kỳ Tử.”

Thanh âm hạ lệnh cắt ngang không gian tĩnh lặng:

“Nhạn ngừng hót rồi, ngươi hót đi!”

“Bệ hạ…thứ lỗi cho nô tài khả năng có hạn…”

Sau lời ấp úng của tiểu thái giám, rất nhanh Dạ Ưu liền tiếp lời hối thúc:

“Không hót được thì hát.”

Y đánh tầm mắt nhìn về phía Kỳ Tử, đối diện với trạng thái ngây ngốc của đối phương thì bắt đầu tỏ vẻ không hài lòng:

“Phải biết linh động lên!”

Trước thâm ý khó dò này, Kỳ Tử liền cẩn thận đề xuất:

“Nếu bệ hạ muốn nghe hát thì nô tài sẽ thông báo người gọi ca nhi đến.”

“Tai nào của ngươi nghe không rõ trẫm hạ lệnh bảo ngươi hát?!”

Kỳ Tử lập tức im bặt, không dám hó hé gì đến chuyện ca nhi vũ nữ nữa. Sau một nhịp hoang mang thì liền bẽn lẽn hỏi cất tiếng hỏi lại:

“Bệ hạ, không biết người muốn nghe nô tài hát khúc nào…”

Lúc này Dạ Ưu nghiêng người gối tay trên trường kỷ, tâm thế đối đáp của hai người cũng bắt đầu êm ả trở lại:

“Khúc nào mà trẫm chưa từng nghe ấy.”

Không gian trong tẩm điện lại một lần nữa rơi vào tĩnh lặng. Dạ Ưu bừng mở mắt, y nhíu mày, gương mặt đăm chiêu nhìn chằm chằm tiểu thái giám trước mặt:

“Khúc nào mà trẫm chưa nghe ngươi hát ấy!”

Trước khi Kỳ Tử cất tiếng hát, Dạ Ưu lại còn cảm thán một câu khiến đối phương hát trong hoang mang:

“Ngốc quá! Không biết người lọt vào tầm mắt trẫm kiểu gì nữa!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.