Vào thứ Bảy đầu tiên sau tiết Thanh Minh, Du Thành trải qua cơn mưa lớn nhất kể từ dịp Tết.
Mưa đến rồi đi, trời bắt đầu dần trong lại khi mọi người đi làm vào buổi sáng. Mưa tạnh mây tan vào khoảng giữa trưa, nắng lên cao buông xuống qua kẽ lá.
Hôm nay trường Quan Cạnh tổ chức hoạt động thực tế, có lẽ đến chiều mới về. Phó Tam Sinh ăn một mình thì lười, thành ra anh ở lại cửa hàng gọi gà kho gừng với Trình Tuệ và những người khác.
Ăn chưa được bao nhiêu, Trình Tuệ đã (lại) gõ cửa phòng nghỉ: “Anh Tam! Có người tìm anh!”
Phó Tam Sinh nghĩ thầm, sao cảnh này quen quen thế nhỉ?
Chẳng lẽ Quan Ninh tới đây?
Anh đặt đũa xuống, đứng dậy mở cửa. Thấy Phó Tam Sinh đi ra, Trình Tuệ chỉ vào cái bàn gần nhất: “Lần này là một bác gái, anh Tam biết không?”
“… Biết.” Phó Tam Sinh mím môi. Thấy người nọ nhìn lên, anh bèn gật đầu mỉm cười với bà trước khi nói với Trình Tuệ. “Em làm việc của mình đi, đừng lo bên này.”
Trình Tuệ gật đầu trở lại quầy, trong khi Phó Tam Sinh bước nhanh đến cửa chào mẹ Quan. “Sao bác đến đây ạ? Bác ăn gì chưa?”
“Hai hôm nay Du Thành tổ chức triển lãm tranh, bác cùng vài người bạn trong hội dành cho người trung niên và cao tuổi đến xem, sẵn dịp ghé qua thăm con.” Mẹ Quan cười. “Bác ăn rồi, con ăn gì chưa? Bác có làm phiền con không?”
“Không ạ, con cũng vừa mới ăn xong.” Phó Tam Sinh đề nghị. “Con nghe Quan Cạnh bảo là bác thích uống trà hoa. Hay bác cháu mình ghé tiệm trà đi ạ?”
Mắt mẹ Quan sáng lên, chừng như rất vui lòng khi Phó Tam Sinh biết chuyện này: “Ừ, được. Tiểu Phó, con cũng biết uống trà à?”
“Vâng ạ, thỉnh thoảng con có uống trà xanh. Chẳng hạn như Long Tỉnh, Mao Tiêm.” Phó Tam Sinh thưa. “Bác chờ một lát, để con lái xe qua.”
…
Một ấm trà lài cùng một tách Long Tỉnh Tây Hồ, nhân viên phục vụ vừa bưng nước vào, căn phòng nhỏ đã ngập trong hương trà thơm ngát.
Sau khi nói với người nọ không biểu diễn trà nghệ, Phó Tam Sinh rót một tách cho mẹ Quan, cười bảo: “Thực ra đây là lần đầu tiên con đến, không biết trà ở đây như thế nào. Bác uống thử ạ.”
Mẹ Quan nhấp môi tách trà lài, đoạn gật đầu: “Trà ngon, thơm.”
“Tiểu Phó, lần này bác đến gặp con thực ra có chuyện muốn nói.” Bà đặt tách trà xuống, hơi cau mày. “Phỏng chừng con sẽ thấy khó xử, nhưng bác vẫn hy vọng con có thể hứa với bác.”
Phó Tam Sinh siết chặt tách trà trong tay, cố ra vẻ bình tĩnh: “Vâng ạ.”
Anh vốn đã chuẩn bị tâm lý, cũng đã nghĩ xem nên trả lời như thế nào nếu câu tiếp theo là “Bác hy vọng con có thể rời xa Quan Cạnh”. Tuy nhiên, trước khi kịp vẽ ra những viễn ảnh tồi tệ nào khác, mẹ Quan đã lên tiếng cắt đứt dòng suy nghĩ của anh.
Bà nói: “Bác hy vọng con có thể cân nhắc về việc… ở bên Quan Cạnh.”
???
!!!
Phó Tam Sinh cho rằng mình nghe nhầm. Anh vừa kinh ngạc vừa lấy làm ngờ ngợ, lần lữa hơn mười giây mới xác nhận lại: “Bác vừa nói là để con… ở bên Quan Cạnh ạ?”
“Lạ lắm đúng không?” Mẹ Quan trông có vẻ mất tự nhiên, bà buông tiếng thở dài. “Bác biết yêu cầu của mình rất quá đáng, nhưng bác thực sự không biết nên làm gì khác, chỉ có thể trông cậy vào con.”
“Con hẳn là người rõ hơn ai hết, rằng Quan Cạnh thích mình như thế nào. Nó bướng lắm, không làm thì thôi, một khi đã làm là làm đến cùng.” Mẹ Quan bảo. “Khi con không đồng ý với nó, nó cũng đã come out với cả nhà rồi. Có lẽ sợ bác không chấp nhận, Quan Cạnh nói trước với bố và chị nó. Kết quả thì sao? Bị ăn mắng một trận, còn để bác phát hiện ra.”
“Bác có tìm hiểu về cộng đồng đồng tính luyến ái, được biết hầu hết mọi người đều khó khăn, bao gồm cả con.” Mẹ Quan ngước mắt nhìn Phó Tam Sinh, nói với giọng từ tốn. “Con đừng giận nhé, bác đã hỏi Quan Ninh kha khá chuyện về con. Đại khái con gặp rắc rối với gia đình trong chuyện come out, sau đó thì một thân một mình đến Du Thành lập nghiệp, cuối cùng lại bị kẻ khác lừa gạt. Bác có nghe Quan Ninh kể.”
“Người ta thường bảo, “một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng”. Bác hiểu con không muốn tin tưởng hay yêu ai một lần nữa, cũng không muốn trải nghiệm lại cảm giác come out. Nhưng dù thế nào chăng nữa vẫn còn chặng đường rất dài về sau, con muốn mình cô đơn mãi thế này ư?”
“Bác không phải ép con lập tức đồng ý với Quan Cạnh, mà chỉ hy vọng con có thể cho nó một cơ hội. Biết đâu hai đứa lại hợp nhau hả con?”
Nói tới đây, mẹ Quan bỗng chuyển chủ đề: “Không phải mèo khen mèo dài đuôi, mà Quan Cạnh nhà bác thực sự rất ngoan. Nó tuy còn nhỏ, thoạt trông ngốc ngốc, nhưng thực ra rất hiểu chuyện, rất kiên nhẫn, về mặt tình cảm thì một lòng một dạ. Nếu ở bên nó, con sẽ không bao giờ phải lo về chuyện Quan Cạnh có gạt mình hay làm bậy bên ngoài hay không, vì tất cả tâm tư của nó đều hướng về con, nào còn chỗ cho những việc khác.”
“Đúng là Quan Cạnh hiện chẳng có gì cả, nhưng nếu ở tuổi nó, con cũng chưa có nhà có xe như bây giờ phải không? Quan Cạnh còn trẻ, và tuổi trẻ chính là vốn liếng của nó. Chỉ cần biết cố gắng, nhà cửa xe cộ là chuyện sớm muộn thôi.”
“Về phần come out… Quan Cạnh đã come out với cả nhà rồi, bác ngồi ở đây chẳng khác nào thông báo cho con biết, nó đã come out thành công.” Mẹ Quan nói, nghiêm túc. “Con không cần lo về bố và chị nó, hai cha con Quan Ninh không phải cổ hủ lạc hậu, họ chỉ lo lắng cho Quan Cạnh, nhất thời đi tới ngõ cụt. Bác sẽ thuyết phục họ, không có vấn đề gì đâu con.”
“Tiểu Phó à, con thử nghĩ lại xem, Quan Cạnh thực sự là ứng cử viên thích hợp cho con đó.”
“Hơn nữa, nếu con đã bằng lòng để Quan Cạnh ở nhờ, bằng lòng đi chơi cùng nó, thậm chí vẫn nhớ những điều nhỏ nhặt mà Quan Cạnh đã nói như chuyện bác thích trà hoa, chứng tỏ con cũng ít nhiều quan tâm đến nó, có hảo cảm với nó. Vậy tại sao con không thử cho Quan Cạnh một cơ hội, cũng như cho mình một cơ hội? Dù sao cũng chẳng mất gì cả.”
Nói một hơi tràng giang đại hải, mẹ Quan cảm tưởng cổ họng mình như sắp bốc khói. Bà uống nhẵn tách trà, rót đầy rồi nhấp thêm vài hơi, cuối cùng mới thấy khá hơn.
Phó Tam Sinh nhìn tách trà đã nguội, khàn khàn mà thưa: “Vì sao bác chấp nhận việc Quan Cạch thích con trai ạ? Đây không phải là chuyện… thương luân bại lý sao ạ?”
“Thoạt đầu, bác đã muốn phản đối.” Mẹ Quan khẽ bảo. “Giống như con nói, trong mắt rất nhiều người, đây là chuyện lệch lạc và trái đạo đức.”
“Nhưng trong khoảng thời gian qua, bác nghĩ rất nhiều, càng nghĩ càng thấy đau lòng.”
“Người đời không hiểu cho nó, không ủng hộ nó, chỉ biết bàn tán chỉ trỏ sau lưng, cười vào mặt nó, thậm chí còn gây ra những tổn thương về mặt tinh thần. Một mình chịu đựng tất cả những việc này, khổ đến nhường nào chứ? Nếu ngay cả bác – một người mẹ, cũng không thể đứng bên cạnh con trai mình, vậy chẳng phải đáng buồn biết bao ư?”
“Nhưng bác không sợ họ đổ trách nhiệm lên cả nhà mình ạ?” Phó Tam Sinh hỏi. “Họ sẽ đơm đặt, bịa chuyện, rồi truyền tai nhau khắp nơi.”
Mẹ Quan cầm tách trà, cười mỉm: “Đơm đặt bịa chuyện, nói xấu sau lưng là những việc không thể tránh khỏi, con à. Nhưng nếu vì những điều đó mà huỷ hoại tình yêu của con mình, thậm chí cả cuộc đời, thì bác có đáng mặt làm bậc cha mẹ, có xứng đáng là người nhà của Quan Cạnh không? Người ta có thể nói ngày một ngày hai, nhưng có thể nói cả đời không con? Mấy chục năm qua đi thì đã là chuyện của quá khứ. Lúc nào cũng nghĩ đến việc người ta nói gì về mình, sống như vậy mệt mỏi đến chừng nào đây?”
“Họ thích nói thì cứ việc, chúng ta phải sống cho cuộc đời của mình.”
Phó Tam Sinh cúi nhìn ấm trà bằng đất sét màu tím trên bàn, và đến khi ngẩng đầu lên, có điều gì trong anh đã thay đổi: “… Vâng, bác nói đúng ạ.”
“Vậy con có thể hứa với bác, sẽ cho mình và Quan Cạnh một cơ hội không?” Thấy Phó Tam Sinh đồng ý với quan điểm của mình, mẹ Quan vội trở lại chuyện chính. “Nể mặt bác nói hết nước hết cái, con cho bác câu trả lời chắc chắn đi nào?”
Hiển nhiên phải có rồi ạ. Đối mặt với ánh nhìn đầy trông mong của mẹ Quan, Phó Tam Sinh gật đầu một cách trịnh trọng: “Con hứa với bác.”
Mẹ Quan thở ra, cười bảo với anh: “Đừng kể với Quan Cạnh hôm nay bác đến tìm con nhé, kẻo nó cả nghĩ rồi tự ái nữa.”
“Vâng ạ,” Phó Tam Sinh cười nhẹ, trả lời. “Con sẽ giữ bí mật.”