❝Bánh quy Amoxicillin.
— Viên Amoxicillin thứ nhất: “Tôi tên là Quan Cạnh.”
;;;
Du Thành tháng Sáu, mưa ngâu không dứt.
Mưa bắt đầu nặng hạt sau mười giờ đêm qua, thoạt tiên mưa to như trút nước nhưng đến nửa đêm thì đã ngơi dần. Sáng nay Quan Cạnh đi làm mang theo bánh kếp mua trong căn tin, trời tuy vẫn chưa tạnh nhưng chỉ còn là mưa phùn, không đáng dùng ô.
Thường thì giờ nghỉ trưa sẽ có rất nhiều khách, song hôm nay vắng vẻ lạ thường, ngay cả ông chú gọi điện trước bảo trưa nay đến lấy thuốc cũng chẳng xuất hiện. Cửa hàng trưởng đi công tác mãi chưa về, anh Trần bữa nay nghỉ ca, chị Tiêu thì đón con tan học, đâm ra trong cửa hàng chỉ còn mỗi Quan Cạnh. Cậu thong thả xếp mấy hộp cephalosporin [1] và roxithromycin [2] vào tủ, chờ khách đến lấy. Thấy chỉ còn mỗi morphine [3] trên kệ, cậu bèn điền vào mẫu đơn đặt hàng, nhân tiện ghi thêm những tên thuốc khác.
[1] Cephalosporin có tác dụng diệt khuẩn và hoạt động tương tự như penicillin, giúp ức chế sự tổng hợp tế bào vi khuẩn.
[2] Roxithromycin có tác dụng ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn, từ đó cho khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả.
[3] Morphine là một loại thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện; tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương để giảm cảm giác đau.
Quan Cạnh nhìn thoáng qua đồng hồ, đã mười một giờ năm mươi, còn mười phút nữa cậu sẽ tan ca.
Tiếng chuông gió leng keng ngoài cửa. Quan Cạnh đang băn khoăn liệu có nên trở lại trường dùng bữa hay không, thì bỗng nghe thấy tiếng động. Cậu vội vàng đứng sau quầy: “Xin chào, anh cần gì ạ?”
Vị khách nọ dáng cao cao gầy gầy, vận chiếc áo len dài tay màu đen. Anh đội mũ đeo khẩu trang, chỉ chừa ra đôi mắt khép hờ; vầng trán và vùng da dưới mắt tái nhợt, trông có nét bệnh tật.
Tiếng anh hơi khàn: “Tôi muốn mua một lọ thuốc ngủ.”
Vốn đã cảm thấy vị khách nọ trông quái quái, vừa nghe “thuốc ngủ” Quan Cạnh lại càng giật mình: “Anh gì ơi, cửa hàng chúng tôi… không bán thuốc ngủ, huống chi là nguyên lọ.”
Thấy anh không ừ hử, Quan Cạnh bèn bảo: “Ừ thì thực ra, thế giới này vẫn còn tươi đẹp lắm. Có rất nhiều món ngon chưa từng thử, nếu anh làm vậy… Đáng tiếc biết mấy.”
Cậu không giỏi việc an ủi người khác, chẳng những thế, hễ sốt ruột thì nói năng càng lộn xộn. Giờ trong đầu cậu chỉ toàn là mì trộn tép mỡ và đĩa cơm nguội ngắt trong căn tin trường: “Ví dụ như mì trộn trong căn tin trường tôi, mặc dù không nổi tiếng nhưng ngon lắm. Nếu có dịp, anh có thể thử với tôi…”
Quan Cạnh im bặt, chợt nhận ra mình đang thao thao bất tuyệt về đĩa mì trộn trước một người có ý định tự sát… Ơ hay, chẳng lẽ não mình úng nước rồi?
Quan Cạnh cố hết sức nghĩ cách cứu vãn, nhưng vị khách trước mặt lại đột nhiên bật cười. Anh khàn giọng: “Cậu thú vị thật.”
Quan Cạnh gãi đầu, chẳng biết phải nói sao.
“Cho tôi một vỉ hạ sốt đi.” Người nọ sửa giọng. “Cảm ơn.”
“À, được!” Nghe bảo không cần thuốc ngủ, Quan Cạnh liền phấn chấn hẳn. Cậu đi tới trước kệ paracetamol, ngón tay còn chưa chạm đến hộp thuốc mà phía sau lại bỗng “Ầm” một tiếng. Quan Cạnh ngoảnh phắt đầu, trông thấy vị khách vừa nói chuyện với mình đang ngã sõng soài dưới đất, điện thoại di động cũng rơi từ túi ra ngoài.
Cậu ba chân bốn cẳng chạy tới, vừa đỡ người nọ dậy đã cảm nhận được mồ hôi lạnh túa ra trên trán anh. Giọng cậu như lạc đi: “Này! Anh gì ơi, tỉnh lại đi!”
Mũ rơi xuống, Quan Cạnh đưa tay sờ lên vùng da bên cổ anh. Chết thật, nóng quá!
Nóng thế này sao hạ sốt bằng thuốc thôi được?
Đang muốn gọi cho Tiêu Mẫn thì nghe thấy tiếng xe điện ngoài cửa, Tiêu Mẫn vừa ló đầu vào đã biết có chuyện không hay, vội vàng giúp Quan Cạnh đỡ người nọ lên lưng rồi khóa cửa chạy đến bệnh viện bên kia đường.
Hai người thay phiên tất bật cả buổi, rốt cục cũng giúp vị khách nọ truyền dịch đâu vào đấy. Cũng may không nghiêm trọng như họ nghĩ, chỉ là cảm sốt thông thường, chẳng qua kèm hạ đường huyết nên mới ngất đi.
“Chị Tiêu, chị về cửa hàng đi. Một mình em ở đây được rồi.” Quan Cạnh nói với Tiêu Mẫn. “Chiều nay em cũng không có ca, xong việc em về trường luôn.”
“Ừ. Vậy chị về trước, cửa hàng không thể đóng mãi được.” Tiêu Mẫn nhét điện thoại vào túi. “Cần gì cứ gọi chị nhé.”
“Vâng. Cảm ơn chị Tiêu.”
“Không có gì. Khách sáo quá.” Tiêu Mẫn xua tay. “Em còn nhỏ mà.”
Phòng truyền dịch không trang bị giường mà chỉ có hàng ghế dài, lưng ghế không đủ cao đâm ra dựa vào chẳng thoải mái. Nghĩ đoạn, Quan Cạnh khẽ kéo người nọ, để anh tựa đầu lên vai mình.
“Chao ôi. Vòng tay rộng lớn này không trao cho bé nào dễ thương, mà đi trao cho người đàn ông sốt đến mụ mị đầu óc.” Quan Cạnh lẩm bẩm. “Số mình đỏ ghê.”
Chắc mẩm sáng nay uống nhiều nước, nên hai phần ba lọ thuốc còn chưa hết mà Quan Cạnh đã mót hết cả lòng mề. Cậu nín thêm vài phút, rốt cục trước khi “nước tràn bờ đê” mới kéo một chú đi cùng với con trai đang truyền dịch ngồi hàng sau nhờ trông hộ, sau đó đỡ anh dựa vào tường rồi chạy tót lên nhà vệ sinh.
Từ nhà vệ sinh đi ra, Quan Cạnh mới phát hiện mình chưa có gì lót bụng, dòng suy nghĩ lại miên man tứ tán về đĩa mì trộn. Cậu thở dài, mua ít bánh mì, chocolate, giăm bông và những thức ăn nhanh trong siêu thị bên ngoài bệnh viện, vừa nhâm nhi vừa trở lại phòng truyền dịch.
Ơ, người nọ tỉnh rồi.
Thấy Quan Cạnh đi vào, anh ngẩng đầu cười: “Xin chào, cậu về rồi à.”
Mũ và điện thoại tuy trượt xuống lúc người nọ ngất đi, song khẩu trang trước sau vẫn chẳng xê dịch; hơn nữa khi bác sĩ khám bệnh tháo khẩu trang anh ra, Quan Cạnh cũng chỉ lo lắng đến tình hình của anh chứ chẳng chú ý mấy đến khuôn mặt này. Giờ có dịp nhìn kỹ, cậu mới phát hiện vị khách nọ trông khá xinh trai, mắt phượng mũi cao, làn da trăng trắng… À, cũng có thể làn da trắng này đến từ việc anh bị hạ đường huyết.
“Anh cảm thấy thế nào? Đã tốt hơn chưa?” Quan Cạnh đi tới, gật đầu cảm ơn với chú ngồi hàng sau. Cậu đưa một thanh chocolate cho anh, đoạn ngồi xuống bên cạnh. “Còn chóng mặt không? Tôi có mua chocolate này, anh dằn bụng trước đi.”
“Khá hơn rồi. Cảm ơn cậu.” Tiếng người nọ sao vẫn khàn thế nhỉ? Anh bóc thanh chocolate mà cậu đưa, cắn một miếng. “Có nước không?”
“À, lâu như vậy chắc anh cũng khát.” Lấy chai nước khoáng trong túi ra, Quan Cạnh vặn nắp. “Đây, anh uống đi.”
Người nọ nhìn chằm chằm vào chai nước khoáng trong tay Quan Cạnh giây lát, chẳng rõ vì sao lại cười: “Cậu thật là… Cảm ơn nhé.”
“Vả lại, cậu không nhất thiết phải ở đây trông tôi đâu.” Anh nói. “Dù không có y tá, cậu cũng có thể gọi cho bất kỳ người bạn nào trong điện thoại tôi. Đừng lãng phí thời gian của mình như thế.”
“Điện thoại anh hẳn có mật khẩu, tôi không mở được…” Quan Cạnh gãi đầu. “Vừa rồi gấp quá, tôi quên mất.”
“Cũng đúng.” Người nọ cúi đầu, như thể đang nhìn kim lấy ven trên mu bàn tay. “Nếu có việc thì bây giờ cậu có thể đi rồi, dù gì tôi cũng đã tỉnh.”
Quan Cạnh toan nói “Chiều nay tôi được nghỉ, hiện tại không có việc gì làm” nhưng ngẫm lại, cậu tuồng như thực sự không có nghĩa vụ cùng một người lạ mặt tâm sự về chuyện trên trời dưới đất nhằm giết thời gian; nếu rảnh rỗi, thà về ký túc xá đánh vài trận còn hơn. “Vậy, tôi thêm anh trên WeChat ha?”
Người nọ ngước mắt, lấy làm ngờ ngợ: “… Thêm WeChat?”
“Vâng. Hoặc anh thêm tôi cũng được.” Quan Cạnh không buồn để ý đến phản ứng của anh, chỉ lo nhấp vào mã QR WeChat. “Tôi trả phí thuốc men cho anh đó.”
Người nọ sửng sốt, rồi phì cười: “Ừ, đúng nhỉ. Tôi phải trả lại tiền cho cậu.” Anh quét mã QR của Quan Cạnh. “Bao nhiêu thế?”
Quan Cạnh đưa cho anh giấy đăng ký và đơn thuốc, sau đó đồng ý yêu cầu kết bạn trên WeChat: “À, tôi vẫn chưa biết anh tên gì?”
“Tôi…” Người nọ thoáng khựng lại. “Bạn bè hay gọi tôi là “Lão Tam”. Cậu gọi tôi như vậy cũng được.”
“Đâu nào, nghe không hợp.” Quan Cạnh đổi ghi chú, đưa màn hình điện thoại cho anh xem. “Anh lớn hơn tôi. Vậy tôi gọi anh là anh Tam [4] nhé.”
[4] Anh Tam này là “Tam ca” ấy.
“Được. Cậu gọi tôi là chú Tam cũng được.” Anh nói đùa. “Tôi chuyển tiền cho cậu rồi. Cậu xem nhận được chưa.”
Mở phong bì đỏ nhận tiền, Quan Cạnh ra hiệu “OK”: “Vậy anh ở đây, tôi đi trước?”
Thấy người nọ gật đầu, Quan Cạnh bèn đứng dậy mở cửa phòng truyền dịch. Nhưng chưa được vài phút, cậu lại quành trở về: “Cho anh số chocolate còn lại luôn này.” Quan Cạnh vơ hết chocolate trong túi đồ siêu thị, nhét vào tay người nọ. “May mà lúc chờ đèn đỏ, tôi sực nhớ.”
Người nọ mím môi, trầm mặc một thoáng: “Cậu ăn đi.”
“Tôi không thích chocolate.” Quan Cạnh nói. “Hơn nữa, anh bị hạ đường huyết mà? Tôi mua cho anh đấy.”
“À, bình thuốc sắp hết. Anh nhớ xem.” Quan Cạnh liếc nhìn lọ thuốc. “Tôi đi đây.”
“Đợi đã.” Người nọ ngăn cậu lại. “Tôi quên hỏi tên cậu. Cậu tên gì, tôi cũng sẽ đổi ghi chú.”
“Tôi tên là Quan Cạnh.” Quan Cạnh cười. “Quan trong Quan quan thư cưu, Cạnh trong Vật cạnh thiên trạch [5].”
Quan Cạnh.
Tên hay.
Nghe có vẻ giống như một cậu bé thích giúp đỡ người khác, vừa chu đáo vừa đáng yêu.
Cậu trai trẻ này, thật thú vị.
Người nọ tắt điện thoại, dựa vào lưng ghế nhắm mắt lại.
;;;
[5] Quan Cạnh (关竞): Quan (关) trong Quan quan thư cưu (關關雎鳩), nghĩa là “Chim thư cưu họa tiếng” (câu mở đầu trong bài thơ Quan Thư của Kinh Thi: Quan quan thư cưu/ Tại hà chi châu/ Yểu điệu thục nữ/ Quân tử hảo cầu). “Quan Quan” theo chú giải của Chu Hy (đời Tống) là tiếng chim trống và chim mái ứng họa nhau. Như vậy, đây là từ tượng thanh nếu đọc theo âm bạch thoại là “Kwuan kwuan” vì “quan quan” chỉ là âm Hán Việt. “Thư cưu” là loài chim nước, còn có tên khác là “vương thư”; hình dạng giống như chim phù y, thường xuất hiện ở khoảng sông Trường Giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi.
Cạnh (竞) trong Vật cạnh thiên trạch (物竞天择), thực ra đầy đủ là Vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn (物竞天择, 适者生存), dựa trên Thuyết tiến hóa của Darwin, vạn vật đều phải cạnh tranh để sinh tồn, kẻ thích ứng được sẽ sống sót. (Hình như) được xuất hiện đầu tiên trong Thiên diễn luận (1981).