CHƯƠNG 50: THẾ GIỚI TRONG THỜI ĐẠI MỚI (2)
– Ân ! Nói nhiều không bằng hành động. Giờ đây, xin mời ‘Fantasy Team’.
Bốn cậu thiếu niên đẹp trai của‘Fantasy Team’ bước ra sân khấu giữa tiếng hoan hô vang dội của khán giả. Và bọn họ đã cống hiến đến khán giả một màn chơi nảy lửa. Qua sự thuyết minh của anh MC, khán giả cũng dần làm quen với nhiều tính năng mới của game.
Lúc này mới hơn 8h, mà đến 9h thì chương trình biểu diễn văn nghệ đặc biệt mới mở màn, cả nhóm Conan quyết định quay về Cung điện Etou ăn tối và nghỉ ngơi dưỡng sức chuẩn bị cho các hoạt động về đêm. Khi mới sang đây, cả bọn đã đến chào Ngài Fujiwara, chỉ đáng tiếc Ngài Fujiwara quá bận rộn, không thể gặp được, Sonoko cứ than ngắn thở dài, tiếc nuối không thôi.
…
Sau đêm trăng tròn giữa mùa đông tuyết lạnh năm 1993, Brasil đã chính thức trở thành một Đế quốc với nền chính trị lưỡng đảng tương đối ổn định. Người dân đã quá chán ghét sự hỗn loạn nên bình tĩnh đón nhận chế độ mới. Đa số người dân cũng tin tưởng vào tài năng kinh tế của Hoàng đế Fujiwara và hy vọng tân hoàng có thể dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Mọi người dân dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo đều hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Trước lễ đăng quang, các chính trị gia bảo hoàng (bao gồm cả hai phe cánh tả và cánh hữu, trừ phe cấp tiến) đã tổ chức lại các đảng phái thành hai đảng phái lớn : Mặt Trận Nhân Dân (cánh tả) và Liên Đoàn Bảo Thủ (cánh hữu). Sau lễ đăng quang, trước sự chứng kiến của Hoàng đế Fujiwara, Chính phủ Lâm thời Đoàn kết Dân tộc chính thức tuyên thệ nhậm chức. Chính phủ mới này gồm cả thành viên của hai đảng phái, sẽ cầm quyền cho đến khi cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào tháng 12 và phiên họp Quốc hội đầu tiên khai mạc vào đầu năm 1994.
Theo thỏa ước giữa các thế lực trong nước dưới sự chứng kiến của Hoàng đế, sau này Đế quốc Brasil chỉ tồn tại chế độ chính trị lưỡng đảng cầm quyền, với đảng chiếm đa số trong Viện Dân biểu sẽ lĩnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Bộ Thể thao sẽ trực thuộc Viện Cơ Mật Hoàng Gia (quân chính phân ly), đồng thời lực lượng cảnh sát sẽ chuyển từ quân đội sang Bộ Nội vụ thuộc Chính phủ. Ngoài ra, Đế quốc còn thực hiện chế độ tư pháp độc lập, với các Đại Pháp quan chịu trách nhiệm trực tiếp với Hoàng đế.
Cũng nhân dịp Giáng Sinh năm 1993, Brasil trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Liên Minh Châu Mỹ đặt trụ sở chính tại Lĩnh địa Fujiwara, với Chủ tịch Liên minh là Hoàng đế Fujiwara. Liên Minh Châu Mỹ này thật ra là sự mở rộng của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng với sự tham gia của Brasil, để đối trọng với sự thành lập của Liên Minh Châu Âu vào ngày 1/11/1993. Đến giữa năm 1993, các cuộc thương lượng giữa Mỹ, Canada và Mexico về việc thành lập NAFTA đã kết thúc, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ trình bản dự thảo Hiệp định cho Nghị viện ba nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, sự thành lập Đế quốc Brasil đã mở ra triển vọng hiện thực hóa ý tưởng về một Liên Minh Châu Mỹ. Sau đó, Brasil tham gia cuộc thương lượng về một Hiệp định mới, và cuối cùng, Liên Minh Châu Mỹ đã được thành lập.
Khi có các ý kiến chỉ trích rằng tổ chức chỉ có bốn quốc gia là Mỹ, Brasil, Mexico và Canada, sao có thể đại diện cho toàn châu Mỹ được, thì Tổng thư ký Paul Moors Lewis đã dõng dạc tuyên bố :
– Liên Minh Châu Mỹ chiếm 71% dân số, 71% diện tích và 88% kinh tế của toàn châu Mỹ, so với Liên Minh Châu Âu còn có tư cách hơn.
Sau tuyên bố trên, không ai còn có thể đặt vấn đề về tư cách của Liên Minh Châu Mỹ nữa, bởi tỷ lệ trên đã vượt ngưỡng đa số đại diện rồi. Trong khi Liên Minh Châu Âu còn chưa đạt tỷ lệ quá bán (đến năm 1994, EU chỉ có 12 quốc gia thành viên). Liên Minh Châu Mỹ dù chỉ là sự mở rộng của tổ chức Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi có thêm Brasil tham gia, nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế mạnh mẽ. Tuy Brasil chỉ là một quốc gia, nhưng có thể trọng đặc biệt lớn, chiếm khoảng một nửa diện tích và một nửa dân số của Nam Mỹ nên Liên Minh Châu Mỹ cũng có thể trọng đặc biệt lớn, tự nhiên có thể đại diện cho toàn châu Mỹ.
Nhờ sự thống nhất kinh tế và tự do thương mại với ba đối tác Bắc Mỹ, nền kinh tế Brasil nhanh chóng ổn định, phục hồi và phát triển với tốc độ cao. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, ngân sách quốc gia dồi dào, Chính phủ có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội. Khi đội tuyển bóng đá Brasil giành chức vô địch ở World Cup 1994, đồng thời trở thành đội bóng số một thế giới (theo bảng xếp hạng của FIFA), lòng dân không tiền đoàn kết, uy tín của Hoàng đế dâng cao, và dân chúng hy vọng Đế quốc có một vị Hoàng hậu xứng đáng. Chuyện gia đình của Hoàng đế cũng là quốc gia đại sự. Nhiều cuộc mitting, hội nghị liên tục diễn ra để bàn về vấn đề này. Chính phủ và dân chúng ra sức tìm kiếm một vị Hoàng hậu thích hợp với Hoàng đế của bọn họ. Theo ý kiến của người dân, Hoàng đế thuộc dòng dõi của những gia tộc cao quý nhất châu Âu và châu Á, nên Hoàng hậu tương lai cũng phải có thân phận cao quý. Theo thông lệ, gia tộc Fujiwara vẫn luôn thông hôn với hoàng thất Yamato, nhiều người ở Nhật Bản cũng hy vọng có thể tiếp nối truyền thống cổ xưa đó. Nhưng Narumi không hứng thú với nó. Người dân Brasil cũng phản đối vì bọn họ hy vọng có một vị Hoàng hậu gốc châu Âu. Rất nhiều người đã đề ra các ứng viên thích hợp cho ngôi Hoàng hậu Brasil. Cuộc tranh luận bùng nổ. Đây là cuộc tranh luận lớn nhất ở Brasil và nhanh chóng lan ra toàn thế giới. Giới truyền thông thừa cơ nói lên thanh âm của bọn họ, đẩy cuộc tranh luận lên tầm cao mới và giúp lượng phát hành tăng lên đáng kể.
…
Trong lúc Brasil bồng bột phát triển thì tình hình cuộc nội chiến ở Somalia đã trở nên khốc liệt hơn trước rất nhiều, đặc biệt là sau khi Mỹ rút hết các viện trợ cho Mogadishu và sự nổi lên của các Tòa án Hồi giáo.
Từ khi chính quyền của Tổng thống Mohammed Siad Barre bị lật đổ, Quân đội Somalia cũng tan rã và tình trạng mất an ninh, vô chính phủ tồn tại ở khắp mọi nơi. Các Tòa án Hồi giáo hoạt động theo Luật Hồi giáo trở thành cơ quan Tư pháp duy nhất còn tồn tại, và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các cộng đồng cư dân, đặc biệt là ở khu vực miền nam hỗn loạn.
Trước sự trỗi dậy của các Tòa án Hồi giáo, các lãnh chúa địa phương đã chọn phương thức trấn áp quân sự. Các Tòa án Hồi giáo đương nhiên phản kháng. Song phương đã chiến đấu rải rác ở nhiều nơi, chủ yếu ở Mogadishu và Shuusamareeb. Tuy nhiên, đa số người dân địa phương ủng hộ các Tòa án Hồi giáo nên thế lực của bọn họ phát triển mạnh mẽ, dần dần biến thành các tổ chức vũ trang lớn.
Đến tháng 3 năm 1994, thông qua sự viện trợ bí mật từ nước ngoài, chủ yếu từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan trên thế giới, trong đó có cả tổ chức của Bin Laden, các Tòa án Hồi giáo đã tập hợp lại thành Liên minh Các Tòa án Hồi giáo (the Islamic Courts Union – ICU), do Hassan Aweys và Sharif Ahmed đứng đầu. Các lãnh chúa cũng tập hợp lại thành Liên minh vì sự phục hồi của Hòa bình và Hòa giải dân tộc, do Tướng Mohamed Farrah Aidid làm Chủ tịch Liên minh. Chiến tranh quy mô lớn bùng phát. Tổng thống lâm thời Ali Mahdi Muhammad ở Baidoa kêu gọi song phương ngừng bắn, nhưng chẳng ai nghe theo.
Ngày 4/6, quân ICU tiến vào trung tâm thủ đô. Mogadishu nhanh chóng thất thủ.
Ngày 6/6, Liên minh các lãnh chúa rút khỏi Mogadishu, chạy về phía biên giới với Ethiopia. Quân ICU bao vây Baidoa. Nhiều toán quân ICU đã tiến gần đến biên giới với Ethiopia. Đầu tháng 8, quân ICU chiếm hải cảng quan trọng Kismayo ở gần biên giới với Kenya. Chính phủ Ethiopia tuyên bố ICU là “hiểm họa của cả khu vực”, triển khai hàng trăm binh lính ở vùng biên giới, đồng thời gây áp lực lên chính phủ lâm thời ở Baidoa để cho phép quân Ethiopia tiến vào Somalia.
Tình trạng leo thang chiến tranh khiến nạn đói càng thêm trầm trọng, và số người đi tị nạn ngày càng nhiều. Mỹ quyết định đưa hàng cứu trợ đến Somaliland, nơi tình hình tương đối yên ổn, chính quyền đặc biệt thân thiện và hướng dẫn người tị nạn đi về phía đó để tránh tình trạng hàng cứu trợ rơi vào tay các phe phái tham gia nội chiến mà không đến được tay người dân như trước đây. Đến tháng 9, đã có gần một triệu người tị nạn đến Somaliland. Người Mỹ không chỉ phân phát hàng cứu trợ mà còn thành lập hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lớn cần nhiều lao động, như nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy dệt may, nhà máy lắp ráp điện tử, … để giải quyết công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người tị nạn cũng như dân cư địa phương. Không ít người từ Puntland và Ogaden cũng di cư sang Somaliland.
Ngày 1/9, Osama bin Laden ra thông điệp thúc giục “nhân dân Somalia cần xây dựng một nhà nước Hồi giáo trong nước”, đồng thời cảnh cáo các lãnh chúa miền Tây rằng ông ta sẽ tổ chức một lực lượng quân tình nguyện quốc tế đến Somalia nếu bọn họ dám cản trở nỗ lực đó. Chính phủ lâm thời ở Baidoa và chính phủ Ethiopia lập tức lên tiếng phản bác. Một toán quân nhỏ của Ethiopia do Đại úy Hassay Aliow chỉ huy đã vượt qua biên giới, tiến vào Baidoa. Các lãnh chúa miền nam, chủ yếu là các lãnh chúa lưu vong (do bị quân ICU đánh đuổi) lên tiếng ủng hộ, các lãnh chúa ở miền trung và miền bắc không có ý kiến, còn chính phủ Somaliland (ly khai) đã phản đối mạnh mẽ, gọi việc đưa quân Ethiopia vào lãnh thổ Somalia là một hành động ‘phản quốc’ và lên án hành động ‘xâm lược’ của Ethiopia. Lực lượng dân quân Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Ogaadeenya (ONLF) cũng lên án sự xâm lược của Ethiopia và dọa sẽ trả đũa bằng các biện pháp quân sự ở Ogaadeenya. Tuy nhiên, tiếng nói của chính quyền Somaliland và của ONLF lúc này ít được các bên tham chiến chú ý đến.
Ngày 29/9, các lãnh đạo ICU tuyên bố ý định thống nhất quốc gia và thống nhất các lực lượng quân sự dưới một mệnh lệnh duy nhất. Để đáp trả, số quân Ethiopia hiện diện ở Baidoa tăng lên đến hàng nghìn. Các lãnh chúa cũng tích cực tập hợp lực lượng, chuẩn bị chống lại cuộc tấn công của quân ICU. Chính phủ lâm thời ở Baidoa đã được cải tổ, thu hút thêm nhiều tổ chức quân sự đối lập với ICU tham gia, do Ali Mahdi Muhammad làm Tổng thống, Mohamed Farrah Aidid làm Thủ tướng và Abdullahi Yusuf Ahmeds của vùng Puntland làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Do có sự tham gia của Tướng Aidid, phía Mỹ cắt đứt quan hệ với Chính phủ lâm thời.
Cuối tháng 9, quân ICU đã phát triển lực lượng lên đến 10.000 chiến binh, trong đó có quá nửa tập trung ở Baidoa, bắt đầu mở một cuộc tấn công lớn vào các lực lượng của Chính phủ lâm thời và quân Ethiopia bên trong thành phố. Chiến sự diễn ra ác liệt với ưu thế nghiêng về phía quân ICU. Chính phủ Ethiopia lập tức gửi quân tiếp viện sang.
Giữa tháng 10, quân Ethiopia gồm 15.000 binh sĩ, phối hợp với 2.100 quân Chính phủ lâm thời (2.010 nam và 90 nữ) phát động phản công. Quân ICU bị đẩy lùi về phía đông. Tòa án Beledweyne Sharia tuyên bố hành động của Ethiopia là một cuộc xâm lược, và kêu gọi một cuộc thánh chiến của ‘toàn thể nhân dân Somalia’ chống lại người Ethiopia. Quân ICU lại tập trung về phía mặt trận Baidoa. Chiến sự càng thêm ác liệt. Người dân Baidoa tranh nhau rời thành phố đi tị nạn.
Đầu tháng 12, không quân Ethiopia tham chiến, không kích vào các cứ điểm của quân ICU bên ngoài Baidoa. Ngày 15/12, hàng chục máy bay của Ethiopia đã ném bom Mogadishu, gây nhiều tổn thất cho dân thường. Phía ICU đã thông báo có hàng chục phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, hàng trăm người thương vong.
Ngày 22/12, 20 xe tăng T-55 và bốn trực thăng chiến đấu của Ethiopia dẫn đầu cuộc tấn công vào các trận địa của quân ICU bên ngoài Baidoa. Sáng hôm sau, quân Ethiopia đã tiến đến Daynuunay, cách Baidoa khoảng 30km về phía đông. Vào ngày 24/12, chính phủ Ethiopia thừa nhận rằng quân đội của họ đang chiến đấu chống lại quân ICU ở Somalia, trong khi chỉ một tuần trước họ còn tuyên bố chỉ gửi có ‘vài trăm cố vấn quân sự’ cho Baidoa.
Ngày 25/12, quân Ethiopia chiếm giữ Beledweyne, ném bom sân bay ở Mogadishu.
Ngày 26/12, quân ICU rút lui trên tất cả các mặt trận, tập trung về cố thủ Mogadishu. Quân Ethiopia và quân Chính phủ lâm thời chiếm giữ thị trấn chiến lược Jowhar, cách Mogadishu khoảng 90km.
Đầu tháng 1/1995, quân Ethiopia và quân Chính phủ lâm thời tiến đến ngoại ô Mogadishu. Giao tranh ác liệt diễn ra trong gần nửa tháng, sau đó quân ICU chủ động rút lui khỏi thành phố, rút về phía nam, thành lập căn cứ mới ở Kismyo. Ngày 18/1, Tổng thống lâm thời Ali Mahdi Muhammad tuyên bố Mogadishu đã được giải phóng, Chính phủ lâm thời dời về Mogadishu và là đại diện hợp pháp cho nhân dân Somalia. Mặc dù đây là chính phủ duy nhất được quốc tế thừa nhận, nhưng ‘quốc tế’ ở đây chỉ là vài quốc gia, gồm Djibouti, Ai Cập, Italia và Saudi Arabia. Mỹ và các đồng minh không thừa nhận chính phủ này, thậm chí còn buộc tội Thủ tướng của họ là tội phạm chiến tranh.
Đến lúc này, mâu thuẫn giữa các bên trong liên minh bùng phát. Tổng thống Ali Mahdi Muhammad và Thủ tướng Mohamed Farrah Aidid mải lo tranh giành quyền lực, bỏ qua đề nghị truy đuổi quân ICU của phía Ethiopia. Các lãnh chúa cũng trở về địa bàn của bọn họ, và sự hỗn loạn còn hơn cả thời kỳ cầm quyền của các Tòa án Hồi giáo.
Một dòng người tị nạn lớn lại hình thành.