Ảo Mộng Nhân Sinh

Chương 27: THE STORIES OF FUJIWARA (1)



Chương 27 : THE STORIES OF FUJIWARA (1)

Arizona, Lĩnh địa Fujiwara, Thành phố La Paz, Cung điện Etou.

Narumi trầm ngâm nhìn hai bảo vật trên bàn. Đó là hai món cổ vật cậu thu được trên đảo Tsugikage lúc trước. Cậu đã nhờ một trung tâm nghiên cứu uy tín tại Viện Đại học Stanford giúp cậu giám định niên đại của chúng. Chiếc kim bài có niên đại cách nay 31955 năm, còn chiếc kim quan có niên đại cách nay 28405 năm, đặc biệt là cả hai đều được chạm khắc tinh xảo, một kỹ thuật hiếm thấy vào thời cổ đại. Ngay cả những giáo sư ở đó cũng công nhận chúng là những cổ vật đặc biệt quý giá, thậm chí còn có người gọi chúng là ‘bảo vật của nhân loại’, không phải vì niên đại, mà là vì kỹ thuật chế tạo ra chúng.

Trầm ngâm hồi lâu, cậu cất bảo vật đi, rồi bắt đầu công việc sáng tác. Tác phẩm mới này là một truyện ký lịch sử : “The stories of Fujiwara”, hay ‘Dougenki’ (Đằng Nguyên Ký). Cậu viết theo phong cách ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’, tức ‘bảy thực ba hư’, chuyện nào có tư liệu, văn hiến thì giữ nguyên, không có thì ‘sáng tác’ một cách hợp tình hợp lý. Kiểu như trong lịch sử chỉ có chép Lưu Bị ‘tam cố thảo lư’ (ba lần đến nhà tranh), nhưng La Quán Trung đã sáng tác thành một nội dung rất dài, và được mọi người chấp nhận rộng rãi. Những gì La Quán Trung tả có thật không ? Có thể có thật, mà cũng có thể không, ai mà biết ! Nhưng ít ra xem rất hợp tình hợp lý, dễ được độc giả chấp nhận.

“Dougenki” :

Chuyện kể rằng, từ thuở xa xưa, loài người sinh sống khắp nơi trên mặt đất, từ đồng bằng đến rừng núi, từ hoang mạc đến thảo nguyên. Nhiều thị tộc hợp thành bộ tộc, rồi nhiều bộ tộc kết hợp thành liên minh, chiếm cứ những lãnh địa rộng lớn, đoàn kết với nhau đối kháng lại các hiểm họa từ thiên nhiên luôn rình rập, đe dọa sự bình yên của nhân loại. Thuở đó, có một bộ tộc nhỏ yếu nhưng kiên cường, không chịu khuất phục trước các bộ tộc lớn hơn, vì vậy đã bị xua đuổi từ nơi này sang nơi khác, lang thang phiêu bạc khắp nơi. Đó là ‘Hyohaku-jidai’ (Phiêu bạc thì đại).

Một ngày nọ, bọn họ đi đến một vùng núi tuyết. Núi cao trùng điệp, băng giá lạnh lẽo. Nơi đó lạnh giá vắng vẻ, điều kiện khắc nghiệt, là một vùng đất vô chủ. Thế là bọn họ định cư lại đó, gọi nơi đó là Thiên Sơn, tức là vùng núi trời ban cho họ, bắt đầu một cuộc sống gian khổ nhưng an định. Đó là ‘Heiwa-jidai’ (Bình hòa thì đại).

Cách nay khoảng 7 vạn năm, thời kỳ băng hà bắt đầu, mặt đất gần như bị băng tuyết phủ kín, khí hậu thay đổi đột ngột, hàng loạt giống loài bị diệt vong. Chỉ có bộ tộc nhỏ yếu kia vì đã quen sống trong hoàn cảnh băng tuyết khắc nghiệt, tính cách lại kiên cường nên hầu như không bị ảnh hưởng gì nhiều. Do trời ngày càng lạnh dần, bọn họ bắt đầu nghĩ đến việc thuần dưỡng dã thú. Con vật đầu tiên bị thuần dưỡng thành công là giống Hy, trở thành linh vật dùng cho tế lễ, nên thời kỳ này được gọi là ‘Fukugi-jidai’ (Phục Hy thì đại).

Thêm 3 vạn năm nữa, thời kỳ băng hà lên đến đỉnh điểm, thời tiết lạnh giá vô cùng, cuộc sống trong các hang động ẩm thấp rất dễ sinh ra tật bệnh. Một vị nữ thủ lĩnh của bộ tộc đã dùng cây cỏ dựng lều làm nơi trú ẩn, rải cỏ khô làm nệm để nằm, gọi là ‘oa’. Tộc dân rời khỏi hang động và vị nữ thủ lĩnh kia được tôn xưng là Nữ Oa, bắt đầu ‘Nuwa-jidai’ (Nữ Oa thì đại).

Cách nay khoảng 3 vạn năm, khí hậu đã bớt giá lạnh, và bộ tộc đã trở nên rất đông đúc, Thiên Sơn không còn đủ chỗ sinh sống nữa, nên nhiều nhóm tộc dân bắt buộc phải chia nhau đi các nơi tìm phương sinh kế. Trong số đó có một nhóm đi về hướng đông, đến giữa đường lại chia đôi, một nhóm đi về hướng đông bắc và nhóm còn lại đi về hướng đông nam. Nhóm đi về hướng đông bắc đi đến một vùng thảo nguyên rộng lớn, đã dừng chân lại đó, bắt đầu cuộc sống du mục trên những đồng cỏ bao la. Nhóm đi về hướng đông nam gặp một dòng sông lớn, men theo dòng sông về phía hạ lưu, và gặp được một vùng đồng bằng phì nhiêu. Bọn họ định cư lại đó, đặt tên dòng sông là sông Giang, thủ lĩnh của họ tự xưng là Đế Giang và tộc danh là Giang tộc. Cuộc sống của Giang tộc gắn liền với dòng sông, phát triển nông nghiệp, nên thời kỳ này được gọi là ‘Shinnou-jidai’ (Thần Nông thì đại).

Hơn vạn năm sau, người dân Giang tộc đã men theo dòng sông Giang đi về phía hạ lưu, rồi tỏa ra định cư khắp các miền Giang Nam, Giang Bắc. Ở Giang Nam có hai nhóm lớn là Tam Miêu ở tây nam và Bách Việt ở đông nam. Còn ở Giang Bắc có hai nhóm lớn là Cửu Lê ở đông bắc và Khương tộc ở tây bắc. Khương tộc đến định cư ở lưu vực dòng Khương thủy và tiếp xúc với một bộ tộc du mục ở phía bắc. Đó là bộ tộc Hữu Hùng, sống trên cao nguyên Hoàng thổ, bên bờ sông Hà, thủ lĩnh gọi là Hoàng Đế, và bọn họ gọi thủ lĩnh của Khương tộc là Viêm Đế. Khương tộc và Cửu Lê đều thiện chiến và thường xuyên đánh lẫn nhau. Một lần, Khương tộc bại trận, cầu viện Hoàng Đế. Liên quân Hữu Hùng – Khương đã đánh bại Cửu Lê, đuổi bọn họ chạy về hướng đông bắc. Sau đó, quân Hữu Hùng đã thừa cơ tập kích Khương tộc, thống nhất cả ba vùng, lập ra Viêm Hoàng tộc. Ở phương nam, Tam Miêu và Bách Việt vẫn thống trị lưu vực sông Giang.

Vào khoảng năm 2092 trước Tây Lịch, Đại Vũ nhà Hạ hội chư hầu ở Đồ Sơn, tiến đánh Tam Miêu, chiếm vùng Hán thủy. Rồi 12 năm sau đó Đại Vũ lại hội chư hầu ở Cối Kê, tiến đánh Bách Việt, đuổi dân Việt ở đó chạy ra biển. Một nhóm dân Việt theo chim Lạc xuôi thuyền về phương nam, trở thành dân Lạc Việt, thủ lĩnh gọi là Hùng. Một nhóm khác bị gió bão thổi dạt đến một hòn đảo lớn ở phía đông, đã định cư lại. Bọn họ gồm chín bộ tộc, chiếm giữ chín vùng khác nhau, gọi là Kyushu (Cửu Châu). Đó là Kyushu tiên dân.

Năm 1206 trước Tây Lịch, thủ lĩnh bộ tộc Kirishima là Sarutahiro dự đoán được thiên tai, nên đã cho tộc dân tích trữ lương thực từ trước. Đến đêm trăng tròn giữa mùa đông, các bộ tộc trong vùng thiếu lương thực, kéo nhau đến Takachiho no Mine (Cao Thiên Tuệ phong) gặp Sarutahiro cầu viện. Sarutahiro là người nhân hậu, vui vẻ đón tiếp mọi người và giúp đỡ tất cả. Các bộ tộc cảm ân, đồng tôn Sarutahiro làm vua, đúc kim bài làm tin, trên đó có chạm khắc tộc huy của các bộ tộc. Con cháu tôn Ngài làm thần, gọi là Sarutahiro Okami (Viên Điền Ngạn Đại Thần), hoặc Daimyojin (Đại Minh Thần). Năm Ngài lên ngôi được xem là năm bắt đầu ‘Koumyo-jidai’ (Quang Minh thì đại). Ngài là biểu tượng cho sức mạnh, trong sáng, đức hạnh, trí tuệ, chỉ dẫn và bảo trợ cho võ thuật. Thậm chí trước khi thờ Amaterasu (Thiên Chiếu Thần), Ngài còn từng được xem là biểu tượng của Thái Dương (‘Minh’ là ánh sáng). Ngài là vua của Kunitsukami (Địa Thượng chư thần).

Năm Koumyo thứ 22, có một bộ tộc từ phương đông đến Takachiho no Mine xin được giúp đỡ. Bộ tộc này vốn ở miền trung đảo Honshu, tộc trưởng là Ninigi no Mikoto, trong chiến tranh với bộ tộc lân cận đã thua trận và bị đuổi chạy đến đây. Ở Kyushu, các bộ tộc có tín ngưỡng tương tự người trong Đại lục, đều tôn tổ tiên làm thần linh. Còn ở Honshu, các bộ tộc thờ hiện tượng tự nhiên, chẳng hạn như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần gió, …, gọi chung là Amatsukami (Thiên Thượng chư thần) và không có vua của chư thần; cũng giống như họ không có một quốc gia thống nhất. Nhờ có hoàng hậu Ame no Uzume xin giúp, Sarutahiro đã phân cho Ninigi no Mikoto một vùng đất để an định tộc dân của anh ta và phái người cháu là Ame no Koyane đến giúp đỡ. Sarutahiro còn ban cho Ninigi no Mikoto một số vũ khí thân đồng lưỡi sắt(1).

Các thần linh gốc Honshu đại biểu cho hiện tượng tự nhiên, chẳng hạn như ba anh em thần linh : anh cả Susanoo là thần gió bão; anh thứ hai Tsukuyomi là thần mặt trăng và em út Amaterasu là nữ thần mặt trời. Các thần linh gốc Kyushu đại biểu cho một phẩm chất hay tính chất nào đó, chẳng hạn như : Sarutahiro Okami là thần của sức mạnh, trong sáng, đạo đức, trí tuệ, chỉ dẫn và bảo trợ cho võ thuật; Ame no Uzume (vợ của Sarutahiro) là thần của sắc đẹp, nghệ thuật, vui chơi, hạnh phúc và bình minh; Inari Okami là thần của nông nghiệp, công nghiệp, sự thịnh vượng và thành công, thần bảo hộ của thương gia, thợ rèn và chiến binh. Inari Okami là vị thần được tôn thờ nhiều nhất, có đến hơn 1/3 số đền thờ Shinto dành riêng để thờ phụng Ngài.

Trải qua nhiều năm sinh sống ở Kyushu, con cháu của Ninigi no Mikoto bằng nhiều cách khác nhau đã khống chế được nhiều bộ tộc lớn. Năm Koumyo thứ 284, Kan Yamato Iwarebiko đã tổ chức hội minh, yêu cầu các bộ tộc tôn mình lên làm vua. Ba người anh ruột là Itsuse, Inahi và Kamikenu, cùng một số anh em họ khác đã dẫn quân về ủng hộ, đoạt quyền thành công. Kan Yamato Iwarebiko tự xưng là Tenno, và để giảm bớt sự bất mãn của các bộ tộc địa phương, đã phong cho Ame no Taneko (hậu duệ của Sarutahiro Okami và Ame no Uzume) làm Saishu, phụ trách tông giáo tế lễ, với lời giao ước : hai dòng họ đều là hậu duệ thần linh, đều tôn quý như nhau, cho chế mũ mão y quan chỉ khác màu, đại biểu con cháu của Amaterasu màu đỏ (mặt trời), còn đại biểu của con cháu Sarutahiro màu trắng (trong sáng, đạo đức). Ngoài ra, triều đình chỉ công nhận 8 vị Đại thần thuộc ba thần hệ chính : Sáng Thế Thần Izanagi và Izanami; Thiên Thượng chư thần Amaterasu, Susanoo và Tsukuyomi; Địa Thượng chư thần Sarutahiro, Ame no Uzume và Inari. Các vị thần khác đều là tiểu thần. Đặc biệt, sau này Ame no Koyane (ông của Ame no Taneko) cũng được phong thần, hiệu xưng Kasuga Daimyojin (Xuân Nhật Đại Minh Thần).

Tuy đã lên làm vua ở Kirishima, nhưng nhiều bộ tộc địa phương vẫn chưa phục. Tenno Kan Yamato Iwarebiko quyết định đông chinh, rồi sau đó sẽ dời đô về cố hương Yamato. Anh trai của Tenno là Itsuse no Mikoto được cử thống lĩnh đoàn quân tiên phong. Họ đi về phía đông, qua eo biển Seto với sự giúp đỡ của Sao Netsuhiko, thủ lĩnh bộ tộc địa phương. Trải qua hơn nửa năm lênh đênh trên biển, họ đến Naniwa (ngày nay là Osaka), và phải đối mặt với Naga Sunehiko, một thủ lĩnh bộ tộc địa phương khác. Một trận giao tranh dữ dội đã diễn ra, đoàn quân tiên phong thảm bại, thống soái Itsuse trận vong.

Đoàn quân viễn chinh của Tenno đứng trước tình thế vô cùng nguy hiểm.

Đứng trước tình thế khó khăn đó, Tenno nhận ra rằng đoàn quân tiên phong bị đánh bại là do đã đánh về phía đông, chống lại thần mặt trời, vì vậy ông đã quyết định đổ bộ xuống miền đông bán đảo Kii, rồi từ đó đánh về phía tây. Trên đường đi, đoàn thuyền gặp bão, hai người anh còn lại của Tenno là Inahi no Mikoto và Kamikenu no Mikoto đều hy sinh, chỉ còn lại Tenno và con trai là Tagishimimi no Mikoto dẫn tàn quân tiếp tục hành trình. Họ đến được Kumano, hành quân về hướng tây, rồi do giết hại cư dân bản địa nên bị dân chúng hạ độc, toàn quân trúng độc tiến thối lưỡng nan, sau đó nhờ Takemi Kazuchi giúp đỡ mới có thể tiếp tục tiến quân. Họa vô đơn chí, họ lại tiếp tục bị lạc đường, rồi nhờ có quạ thần ba chân Yatagarasu dẫn đường, họ mới đến được cố hương Yamato. Ở đó, họ lại giao chiến một lần nữa với Naga Sunehiko và giành được chiến thắng.

Ở Yamato còn có Nigihayahi no Mikoto, người cũng tự xưng là hậu duệ của thần Takamagahara, được anh vợ là Naga Sunehiko hậu thuẫn. Tuy nhiên, khi hai vị ‘hậu duệ thần linh’ gặp nhau, Nigihayahi đã chấp nhận địa vị của Tenno, và giúp lập mưu sát tử Naga Sunehiko. Tuy nhiên, các bộ tộc bản địa cũng không phục. Phải trải qua sáu năm đông chinh tây thảo, triều đình Yamato mới chính thức được kiến lập. Dù vậy, tình hình vẫn bất ổn, nội ưu ngoại hoạn, chiến tranh xảy ra thường xuyên. Lãnh thổ trực tiếp kiểm soát của triều đình Yamato rất nhỏ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.