CHƯƠNG 26: HỆ THỐNG GIÁO DỤC FUJIWARA (2)
Hệ thống giáo dục ở Lĩnh địa Fujiwara cho đến lúc này mới có đủ các cấp lớp từ Mẫu Giáo đến Đại Học. Khác với Trường Trung Học Fujiwara nổi tiếng khắp toàn thế giới, Trường Đại Học Fujiwara chỉ được thành lập một cách lặng lẽ, trừ những người trực tiếp tham dự thì không mấy người biết đến. Trường hiện tại chỉ có ba phân viện : Học Viện Kinh Tế, chủ yếu đào tạo nhân viên quản lý để bổ sung cho các công ty của Narumi sau này; Học Viện Công Nghệ, vốn là các khóa đào tạo kỹ thuật viên tin học của Tập đoàn Công nghệ Mars được mở rộng quy mô; và Học Viện Văn Hóa mới mở, chỉ có 26 học viên, do đích thân Narumi chủ giảng. Tổng số sinh viên của Trường hiện tại chưa đến 200 người, khai học trong lặng lẽ, nhưng chỉ ít năm sau, sẽ có vô số người hâm mộ hoặc ghen tị cho cơ may của lớp sinh viên đầu tiên này. Chỉ có những sinh viên của khóa đầu tiên này mới được Narumi xem là học sinh của cậu, và thành tựu của bọn họ đa phần vượt xa hơn những sinh viên khóa sau rất nhiều.
Trường Đại Học Fujiwara không phải là những tòa nhà hùng vĩ nguy nga như những Trường Đại Học nổi tiếng ở Mỹ. Đó là một khu viên lâm theo phong cách Á Đông, với những tòa nhà hai, ba tầng nằm giữa những vườn hoa, cây xanh, hồ nước, giả sơn, … cổ kính mà hoa mỹ. Narumi thích phong cách kiến trúc như thế hơn là những tòa nhà đồ sộ, hơn nữa, thời gian thi công không đủ, chỉ có gần ba tháng. Tăng số lượng công nhân thì chỉ có thể tăng quy mô về chiều rộng chứ không thể là chiều cao. Những tòa nhà cao tầng bắt buộc phải thi công dài ngày để đảm bảo chất lượng công trình. Cùng diện tích sử dụng, những công trình thấp tầng thì phải chiếm nhiều diện tích đất đai. Không sao cả, ở Lĩnh địa Fujiwara không sợ thiếu đất đai.
Khuôn viên Trường Đại Học hiện tại rộng 12ha, có thể mở rộng đến 96ha trên diện tích dự kiến, gồm đầy đủ các khu chức năng mà một trường đại học cần phải có. Trong đó, Học Viện Văn Hóa nằm tại một khu nhà xây theo phong cách ‘tứ hợp viện’ : bốn dãy nhà ba tầng bao quanh một khoảng sân rộng chính giữa, chỉ có một cổng ra vào hướng về bờ hồ ở phía nam, bên trái cổng ra vào là Giảng đường, bên phải là các phòng học, hai dãy nhà phía đông và tây là khu chức năng, còn dãy nhà tận trong cùng là khu hành chính. Hai bên khu hành chính có hai cửa vòm thông ra hậu viện là khu ký túc xá gồm 120 căn hộ mini (5×10 = 50m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 phòng ăn và nhà bếp, 1 phòng tắm, 1 toilet). Tất cả trong một ! Quý tinh bất quý đa. Narumi không có ý định mở rộng quy mô của Học Viện này.
Phòng học đầu tiên, trên cửa phòng có gắn bảng ‘C92’ (phòng học duy nhất có gắn bảng tên lớp), tức lớp học khóa 1992, toàn khóa chỉ có một lớp, 26 sinh viên. Nếu năm học sau có hai lớp thì sẽ lần lượt là ‘C93-1’ và ‘C93-2’. Giữa phòng có một chiếc bàn tròn lớn, với 27 chiếc ghế. Mọi người cùng ngồi quanh bàn. Tất cả sinh viên được tuyển ít nhất phải đạt được ba yêu cầu : giao tiếp được bằng tiếng Anh (không bắt buộc phải thành thạo); có khả năng viết văn; và có ngoại hình chấp nhận được. Narumi không muốn đệ tử của cậu có ngoại hình quá khó coi, mặc dù tài năng và ngoại hình hầu như ít có liên quan với nhau. Đó chỉ là ý thích của cậu. Không thể nói làm thế là bất công đối với những người xấu xí, bởi muốn nhận ai làm đệ tử là quyền của cậu, tự do cá nhân, không ai có thể can thiệp.
Narumi nhìn 26 khuôn mặt trẻ trung thanh tú, với đủ loại màu da chủng tộc, mỉm cười bảo :
– Hôm nay là buổi học đầu tiên. Chúng ta làm quen với nhau. Ta là ai, mọi người đều đã biết rồi. Giờ từng người hãy lần lượt tự giới thiệu về mình. Xiǎo Fēng, con giới thiệu trước đi.
Miêu Hiểu Phong, phiên âm sang tiếng Latin là Māo Xiǎo Fēng, nhỏ tuổi nhất, nên được ưu tiên ngồi ngay bên phải Narumi, vị trí tốt nhất trong lớp. Cậu bé cùng với Trương Tiễn vì còn nhỏ tuổi, chưa tốt nghiệp Trung học, nên đang theo học tại Trường Trung Học Fujiwara, học ở đây với tư cách sinh viên dự thính, được bảo lưu kết quả. Sau khi tốt nghiệp Trung Học, chỉ cần tích lũy đầy đủ các học phần của chương trình Đại Học, cậu bé cũng sẽ được cấp bằng Đại Học như những sinh viên khác. Dù vậy, giống như phần lớn học sinh ở Trung Hoa Đại lục, giọng tiếng Anh của cậu bé hơi khó nghe, nên cậu bé nói với vẻ khá rụt rè :
– Tôi là Xiǎo Fēng, Xiǎo Fēng Māo, sinh năm 1977, đến từ China, thích văn học và âm nhạc.
Tiếp đó, những người bên cạnh lần lượt tự giới thiệu :
– Chào mọi người ! Tôi là Michel Cardoso, sinh năm 1974, đến từ Brasil, thích văn học, ẩm thực và bóng đá.
– Tôi là Kates Anderson, sinh năm 1973, đến từ Australia, thích văn học, âm nhạc và khiêu vũ.
– Tôi là David Johnston, sinh năm 1973, đến từ United States, thích văn học và bơi lội.
– Tôi là Fred Thompson, sinh năm 1973, đến từ United States, thích văn học và bóng đá.
– Xin chào ! Tôi là Hwang Ji Gyu, sinh năm 1972, đến từ Korea, thích văn học, âm nhạc và ẩm thực.
– Tôi là Pierre Trudeau, sinh năm 1972, đến từ France, thích văn học, điện ảnh và nấu ăn.
– Hân hạnh làm quen với mọi người ! Tôi là Sara Akkaraseranee, sinh năm 1972, đến từ Thailand, thích văn học, múa và âm nhạc.
– Chào mọi người ! Tôi là Yasunari Mishima, sinh năm 1972, đến từ Japan, thích truyện tranh, phim hoạt hình và bóng chày.
– Tôi là Konstantin Barabanov, sinh năm 1972, đến từ Russia, thích văn học và điện ảnh.
– Tôi là Arvinds Shankar, sinh năm 1971, đến từ India, thích văn học, thể thao và games.
– Tôi là Bernard Obama, sinh năm 1970, đến từ Kenya, thích văn học và thể thao.
– Tôi là Soweto Mambazo, sinh năm 1970, đến từ South Africa, thích văn học, âm nhạc và khiêu vũ.
– Tôi là Ahmed Mahfouz, sinh năm 1971, đến từ Egypt, thích văn học và điện ảnh.
– Tôi là Grams Stevens, sinh năm 1972, đến từ United States, thích văn học, ăn uống và games.
– Tôi là Mirra Lewis, sinh năm 1972, đến từ United Kingdom, thích văn học, dạo phố và thời trang.
– Tôi là Hakan Recep Balta, sinh năm 1973, đến từ Turkey, thích văn học, ẩm thực và bóng đá.
– Tôi là Ludovico Ficino, sinh năm 1973, đến từ Italia, thích văn hóa, lịch sử và thời trang.
– Xin chào mọi người. Tôi là Lưu Minh, sinh năm 1973, đến từ Vietnam, thích văn học, âm nhạc và thiền.
– Tôi là Elias Ariss, sinh năm 1973, đến từ Lebanon, thích văn học, lịch sử và hội họa.
– Tôi là Martin Friedrich Heidegger, sinh năm 1974, đến từ Germany, thích văn học, xe hơi và thời trang.
– Tôi là José Benavente, sinh năm 1974, đến từ Spain, thích văn học, bóng đá và âm nhạc.
– Tôi là Sayuri Asada, sinh năm 1974, đến từ Japan, thích viết văn, đọc sách và đi du lịch.
– Tôi là Nikita Zhukov, sinh năm 1974, đến từ Russia, thích văn học, bóng rổ và games.
– Tôi là Henry Johnson, sinh năm 1974, đến từ United States, thích văn học, âm nhạc và điện ảnh.
– Xin chào mọi người. Tôi là Jiǎn Zhāng, sinh năm 1976, đến từ China, thích văn học, bóng đá và games.
Tất cả đều là thanh thiếu niên thuộc nhóm 7x, người lớn nhất chỉ mới 22 tuổi, còn người nhỏ nhất 15 tuổi. Thường thì những người trẻ tuổi thường dễ tiếp nhận các khái niệm mới, thế giới quan cũng chưa định hình hoàn toàn, thích hợp tiếp thu khái niệm văn hóa đại chúng của Narumi hơn. Mọi người hoàn thành việc tự giới thiệu, làm quen với nhau xong, Narumi mới bảo :
– Để trở thành một nhà văn thành công, chúng ta cần có một sự định vị chính xác : hướng đến nhóm độc giả nào ? Hiện tại có hai nhóm độc giả đối lập nhau : các nhà phê bình văn học và đại chúng. Cứ xem thái độ của giới phê bình văn học đối với các tác phẩm của ta là đủ biết. Bọn họ càng phê phán thì người đọc càng nhiều. Do đó, tác phẩm văn học cũng có thể phân chia thành hai nhóm chính : nghệ thuật và đại chúng. Nếu chọn hướng nghệ thuật, tác phẩm cần được trau chuốt cẩn thận, tốc độ sáng tác chậm, được các nhà phê bình văn học xem trọng, nhưng tiểu chúng, ít độc giả. Các nhà văn chọn hướng này phải có điều kiện tiên quyết là có cuộc sống dư dả, không phải lo lắng về tiền bạc, chủ yếu là đam mê của người giàu, người nổi tiếng cần đánh bóng tên tuổi. Chỉ có điều, vấn đề lớn nhất đối với một tác giả mới là phải có biên tập chịu đọc tác phẩm của mình. Rất nhiều tác giả chưa nổi tiếng mang bản thảo đến nhà xuất bản, nhưng không được chú ý đến, dần dần rơi vào lãng quên.
– Vâng ạ ! Em cũng từng gửi tác phẩm đi, nhưng không nhận được hồi âm. Nghe nói các biên tập luôn ưu tiên cho tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng.
– Cũng dễ hiểu thôi. Tính nghệ thuật trong tác phẩm văn học loại này cần phải đọc kỹ và suy nghĩ sâu xa mới nhận ra được. Biên tập phải đối diện với bao nhiêu bản thảo, đâu có nhiều thời gian đọc kỹ từng tác phẩm được, chỉ đành ưu tiên cho một số nào đó thôi.
– Vì thế em thấy cần học theo Sensei(2), phải nổi tiếng trước đã, chỉ cần có nhiều fans, rồi danh lợi đều sẽ tự nhiên tìm đến.
– Ân ! Nếu chọn hướng đại chúng, việc sáng tác đơn giản, chỉ cần phù hợp thị hiếu độc giả thì dễ dàng nổi tiếng, thu nhập cao, nhưng không được lòng giới phê bình văn học. Cũng như điện ảnh vậy, các tác phẩm chủ lưu của Hollywood bị xem là thương mại, không được giới phê bình điện ảnh ưa thích. Còn những tác phẩm được giới phê bình điện ảnh ca ngợi thường lại ít có người xem.
– Đúng thế ạ ! Các hãng phịm lớn ở Hollywood đều làm phim thương mại thôi.
– Các phim đoạt giải Oscar cũng là phim thương mại đó.
…
Trong lúc Narumi đang bận rộn cho việc giảng dạy, trong lúc tên tuổi của cậu xuất hiện đầy rẫy trên các báo đài, cậu đột nhiên nhận được thiếp mời dự tiệc. Mitchell Bard mang thiếp mời đến cho cậu, rồi nói thêm :
– Chủ tịch. Đây là cuộc vận động nước rút cuối cùng trước cuộc bầu cử vào thứ ba tới đấy ạ.
Mấy ngày này đã gần sát đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Các ứng viên đang tìm đủ mọi cách để thuyết phục những cử tri còn lưỡng lự để họ bỏ phiếu cho mình. Gần 40 ứng cử viên đăng ký tranh cử, sau những cuộc bầu cử sơ bộ, giờ chỉ còn lại ba ứng cử viên chính : George H.W. Bush của Đảng Cộng Hòa (đương kim Tổng thống), Bill Clinton của Đảng Dân Chủ và Ross Perot là ứng cử viên độc lập. John Nicholas Calley nói :
– Ông Clinton thật là khôn ngoan. Chỉ cần Chủ tịch tỏ ý ủng hộ ông ta, số phiếu của ông ta ít nhất cũng có thể tăng thêm vài phần trăm. Nếu tôi đoán không sai, tối nay sẽ có nhiều ký giả đón đường Chủ tịch.
Narumi là một danh nhân có đến hàng triệu fan trung thành, chỉ cần nhìn qua cơn sốt vé của bộ phim do cậu tự biên tự diễn thì cũng đủ biết. Do đó, lời nói của cậu có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người. Cậu khẽ mỉm cười, quyết định sẽ tham gia bữa tiệc. Cậu không ngờ mình cũng có lúc trở thành một nhân vật quan trọng ảnh hưởng đến chính trường nước Mỹ. Còn việc bị lợi dụng, cậu không quá xem trọng.
California, Hạt Los Angeles, Thành phố Beverly Hills(3), Khách sạn Beverly Hilton. Đó là địa điểm tổ chức bữa tiệc vận động tranh cử của ông Clinton. Khách sạn Beverly Hillton là một khách sạn nổi tiếng, nằm trên một khu đất rộng 3,6ha ngay nơi giao nhau giữa hai đại lộ Wilshire và Santa Monica, hai trục đường quan trọng của Los Angeles. Đây cũng từng là nơi tổ chức nhiều sự kiện nổi tiếng, những cuộc đấu giá từ thiện, như Giải thưởng Quả cầu vàng, Giải thưởng Daytime Emmy, …
Tối hôm đó, cậu gặp lại Bill Clinton. Thân phận cả hai hiện giờ đều đã khác trước. Lần trước, ông Clinton là một ứng cử viên yếu thế, cậu chỉ là một người bình thường. Lần này, ông Clinton có nhiều khả năng trở thành Tổng thống, còn cậu cũng đã trở thành danh nhân, đại tư bản gia. Mọi người trò chuyện như bạn bè thân thiết. Mối quan hệ này đối với song phương đều có lợi nên mọi sự tiến triển rất tự nhiên. Narumi cũng có thêm nhiều bạn bè mới cả trong giới chính trị và tư bản. Cậu đã được giới thượng lưu ở Mỹ tiếp nhận.
(1) Kou (こう) : Giang (Hán tự : 江), tên cổ của Trường Giang là Giang thủy, tức sông Giang. ‘Giang’ là tên sông, còn ‘thủy’ là sông, ví dụ Hán thủy (sông Hán), Lạc thủy (sông Lạc), Vị thủy (sông Vị), Dịch thủy (sông Dịch), …
(2) Sensei : せんせい, 先生, tiên sinh.
(3) Tiểu bang California có 58 hạt (county), lớn nhất là hạt Los Angeles. Hạt Los Angeles có 88 thành phố, trong đó thủ phủ và cũng là thành phố lớn nhất là thành phố Los Angeles. Beverly Hills là một thành phố thuộc hạt Los Angeles, giáp với thành phố Los Angeles và thành phố West Hollywood.