Chuông nguyện một chiều đầy nước mắtHoàng hôn tưới rắt rực biển xanhChết dưới chân anh mảnh tình con trẻẢo ảnh tan tành mới biết vỡ cơn yêu.
2.7.24
Tháng Mười Một, Đà Thành vơi đi những cơn mưa trắng trời. Gió lạnh hong khô mặt đường, trên cành cây cũng bắt đầu trụi dần lá. Đất trời rục rịch cựa mình trở rét, một mùa Hiến chương nữa lại về.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nào cũng là một dịp rộn ràng của bọn học sinh Đông Giang. Các hoạt động thi đua diễn ra xuyên suốt từ đầu tháng, mà điều đáng mong chờ nhất chắc chắn là buổi tổng duyệt văn nghệ để chọn ra tám tiết mục xuất sắc đi đánh giải ở nhà hát thành phố. Nói là tổng duyệt, nhưng trường làm hoành tráng, mở bán vé không khác gì một đêm công diễn chính thức, lớp nào có tiết mục vào chung kết chẳng những cộng điểm thi đua mà còn được lãnh hẳn hai triệu đồng tiền mặt.
Song, không khí háo hức đó dĩ nhiên “nằm ngoài vùng phủ sóng” của lớp 11/6. Nhớ năm ngoái, tụi nó không chọn được bất kỳ một tiết mục nào, đành phải đẩy đại nhỏ bí thư lên đọc thơ diễn cảm, cuối cùng ăn ngay một tràng cười của cả hội trường kèm cảnh cáo từ ban giám khảo. Chỉ một cái huy chương bạc môn bóng đá không thể gột rửa đi được sự tự ti, chẳng mấy mặn mà với hoạt động ngoại khóa ám hằn trong tư duy của 11/6.
– Tao xin bọn mày đó, lần ni mà làm đại đại càn càn nữa là ăn đủ với Đoàn trường!
Giờ sinh hoạt tự quản, nhỏ Tâm bí thư đứng cắn móng tay trên bục giảng, giọng như năn nỉ cái đám áo trắng đang nhốn nháo làm chuyện riêng bên dưới.
– Mọi người chú ý trật tự!
Nam thấy Tâm tội nghiệp, nói khàn cổ mà không ai nghe, bèn cầm cây thước gõ gõ lên bàn. Uy quyền của lớp trưởng còn đó, vả lại Nam được tiếng hiền chứ cũng không dễ nói chuyện như Tâm nên đám lao nhao mới bắt đầu ngồi ngay ngắn lại.
– Thì biết là tham gia rồi, có ai nói bỏ đâu. – Nhỏ Thùy lên tiếng. – Nhưng phải có đường lối phương hướng mới biết đường mà làm chớ, nói khơi khơi răng được.
Nhỏ Tâm gật đầu, đáp:
– Rứa đợt ni mọi người muốn múa, nhảy hay hát tập thể?
Văn nghệ trường lớp thì cũng chỉ xoay đi xoay lại mấy tiết mục đó, sự sáng tạo cốt yếu nằm ở công tác biên đạo, chuẩn bị. Bí thư vừa dứt lời, bọn trong lớp lập tức ngán ngẩm ca thán ngay.
– Hát thì lệch tông, nhảy múa như mấy con robot lập trình hỏng.
– Rứa diễn kịch được không?
– Bài cũ hai câu còn học không nổi, nhắm học được cả quyển thoại không? Rồi kịch bản cháu nào đủ sức viết?
– Lớp gần ba chục con người mà chẳng lẽ không ai có tài lẻ chi hả?
– Tao biết múa lân.
– Ngày Nhà giáo hay Trung Thu? Rồi múa lân mừng trường khai trương phòng thực hành Hóa phát tài phát lộc hả?
Lớp mới yên ổn được không bao lâu đã bắt đầu gào ầm lên như cái chợ. Nam quay sang nhìn Tâm, ngán ngẩm lắc đầu khiến con bé khóc ròng trong lòng. Lạy trời, nhỏ không muốn phải lên sân khấu đọc thơ làm trò cười lần thứ hai đâu!
– Thôi tao thấy cử đại một ai đó lên cho xong, dù chi cũng báo cáo có cái mặt là đủ. Không đọc thơ như năm ngoái thì hát đơn ca. Một người hy sinh vì mọi người đi chớ có ai rảnh rang chi đâu mà tập với tành!
Một đứa nào đó lên tiếng, tức thì ý kiến này được mọi người nhất trí tán đồng, ban cán sự phải xúm lại bàn riêng khoảng mười lăm phút. Tụi trong lớp không biết bọn nó nói gì, chỉ thấy mặt nhỏ bí thư tươi tắn hẳn lên, còn thằng Nam thì cau mày với vẻ suy tư, mắt liếc vài lần về cái bàn nơi Thi đang ngồi tranh thủ làm mấy bài Văn.
Nhỏ Hân, vốn luôn để ý nhất cử nhất động của ban cán sự, thấy thế liền quay sang xì xầm với nhỏ Giang:
– Mày có nghĩ tới cái mà tao đang nghĩ không?
– Ờ, chắc khoảng tám mươi phần trăm. – Giang gật gù. – IG tao trong lớp ngoài bọn mày chỉ có nhỏ Tâm biết, hồi tao quay video đăng lên nó còn thả tim.
Quả nhiên, nghĩ cái gì đến cái đấy. Năm phút sau, Tâm bí thư hớn hở bước vào, thông báo việc mà tụi nó vừa bàn sau buổi họp nhỏ:
– Hình như lớp mình có bạn biết chơi violin. Không biết mọi người thấy tiết mục độc tấu violin ổn không?
Ngoài Hân và Giang đoán được từ đầu thì trong lớp hầu như ai cũng trố mắt ngạc nhiên.
Violin? Trời ạ, có phải là vĩ cầm – loại đàn mà bọn nó chỉ thấy người ta chơi trên tivi không đấy? Lớp này đâu nghe nói có ai biết đàn thứ nhạc cụ “quý tộc” đó đâu, chẳng lẽ… nhỏ bí thư định bày trò gian lận, tuyển đứa nào đứng trên sân khấu làm dáng làm duyên còn ở trong cánh gà thì bật nhạc thu sẵn? Có đăng ký qua mặt Đoàn trường thì cũng đâu cần tới mức này đâu chứ!
– Thi ơi, bà biết đàn violin đúng không? Năm ngoái tui thấy Giang đăng video chúc mừng sinh nhật bà trên Instagram, có tổng hợp cảnh bà đàn ở trỏng.
Bí thư vừa dứt lời, cả lớp đồng loạt đổ dồn ánh mắt về phía Thi. Em ngồi trong góc, bàn tay cầm bút nắm chặt lại, móng tay hằn vào da thịt. Thi cúi gằm mặt, không ai nhìn thấy biểu cảm của em, chỉ có Nam để ý được đôi vai em thoáng run lên một tí. Rất nhẹ, rất nhanh và đầy bất an.
– Nam nghĩ chuyện ni mình nên bàn lại kĩ hơn…
Nó mới nói được một nửa thì đột nhiên Thi đứng dậy, ngắt lời:
– Thi biết đàn một bài duy nhất thôi, học vẹt theo động tác người khác chứ cũng không bài bản chi đâu. Thi không kham được sân khấu lớn, mọi người thông cảm giùm Thi.
Vẻ mặt em vẫn như thường, nhưng Nam nhạy bén cảm nhận được giấu sau sự bình tĩnh đó là một cái gì rất khác mọi ngày. Âm sắc trong giọng em hơi rung, bàn tay em vẫn còn nắm chặt cây bút. Ngay lúc đó, trống đánh liên hồi báo hiệu giờ tan trường, Thi lập tức đứng dậy rồi thu dọn tập vở bước ra về trong sự ngỡ ngàng của cả lớp.
– Thi ơi, chờ tao với!
Nhỏ Hân vội cầm cặp chạy đuổi theo, chỉ có nhỏ Giang còn ngồi lại lắng nghe đám đông trong lớp xì xầm to nhỏ. Có đứa vẫn còn bất ngờ với việc Thi biết chơi violin, có đứa thì tỏ ra khó chịu vì em không chịu lên sân khấu, mà đứa to mồm nhất vẫn lại là con Thùy.
– Ủa thái độ của nó kiểu chi rứa? Không vì tập thể xíu đi hả trời… Bỏ về một nước mà coi cho được, ích kỷ!
Cả đám ngồi quanh Thùy bắt nhịp, lao nhao lên hùa theo nó. Khi lời nói bắt đầu trở nên khó nghe, Giang nhăn mày định đứng dậy thì có một người đã lên tiếng trước cả nhỏ.
– Im đi! – Nam lớn giọng, quát. – Bọn mày biết là tập thể rứa tại răng bọn mày không “tập thể” lên? Nếu chỉ nghĩ tới bản thân thì đừng có đem danh nghĩa vì mọi người ra để gây áp lực cho Thi! Cả đám ngồi xỉa xói sau lưng một bạn nữ bộ không biết ngại hả?
Nó đứng cạnh bảng đen, dáng người cao ngất, giọng nói đang vào kì vỡ giọng, xen lẫn chút ngây ngô con trẻ cùng sự trầm khàn của thanh niên. Ai cũng nghe ra được vẻ cáu bẳn, nghiêm túc trong lời nói của nó, thốt nhiên chẳng ai nói được gì. Nhẽ vì Nam gắt gỏng, nhưng lý luận của nó đúng.
Thấy tình hình trở nên căng thẳng, bí thư vội lên tiếng giảng hòa:
– Thôi ra về rồi, vụ này bọn mình để bàn sau đi.
Biết chắc chuyện không thể xong xuôi trong một sớm một chiều, cả lớp lục tục sửa soạn ra về cả. Đến khi phòng học trống hoác, Nam vẫn đứng lại nhìn mãi cái bàn của mình và Thi. Hình như em về vội quá nên bỏ quên cuốn Ngữ Văn trong hộc. Nam cầm sách lên, vuốt ve nhãn tên màu xanh nhạt, chẳng hay biết mọi hành động của mình đã bị người khác nhìn thấy.
– Mày thích Thi đúng không?
Giọng nói đột ngột vang lên khi Nam đang nhét cuốn sách đó vào cặp mình. Nó giật thót, quay người lại, bắt gặp Giang đang tựa cửa, nửa bên mặt chìm trong ánh hoàng hôn đỏ rực, đôi mắt cong cong như có thể nhìn thấu tận ruột gan Nam.
– Mày… Mày nói cái chi?
Giang kiên nhẫn lặp lại:
– Mày thích Thi đúng không?
Cổ họng Nam nghẹn bứ lại như có cái gì chặn ngang. Bí mật mà nó chôn giấu suốt mấy năm trời dường như sắp thấm ra bên ngoài chiếc hộp nhỏ, khiến tâm can nó quay quắt, bó lại thành cụm. Ngay trước khi Nam kịp nói gì đó, Giang đã thẳng thừng buông ra một câu, khiến hồn nó như rơi vào vực sâu hun hút:
– Thi không thích kiểu con trai như mày đâu.
Gió lại nổi, lòng Nam rét căm.