Có một người thuở nhỏ tôi muốn tránh không được, còn lớn lên lại không thôi chờ mong. Người trưởng thành đâu thể việc gì cũng có thể làm theo ý mình, càng không thể muốn khóc là khóc. Im lặng là thiệt thòi mà cất tiếng cũng chẳng lấy thêm được bao nhiêu thiện cảm. Trừ phi tôi phải thật xấu hoặc trên người phải tỏa hào quang bằng không thì có ai muốn lưu tâm cơ chứ?
Tôi nghĩ lại một số chuyện rồi lật sang trang tiếp theo. Ngày 30/7/20XX, tôi tám tuổi. Lần này không phải mấy thằng người que nữa mà đã thành hình hơn, mặc dù vẫn được vẽ bằng vài nét đơn giản với cái đầu to hơn cái thân nhưng cũng có thể xem như tiến bộ lớn. Trong tranh có hai người nắm tay đứng đối diện nhau, sau lưng còn ghi hai chữ hôn lễ to tướng.
…
Qua đợt nắng gắt kéo dài năm ngày thì hôm nay trời bớt trong hơn, mây che rợp cả một vùng quê nhỏ. Trời đẹp thế này mà không đi chơi thì hơi phí nên tôi quyết định vác một cái vợt, dụng cụ bắt ve của đám trẻ chúng tôi rồi nhảy chân sáo sang nhà thằng Tuấn. Tôi nhìn cái cổng khóa ngoài thì tưởng nó bị bố mẹ nhốt ở nhà nên tọc mạch ngó nghiêng vào bên trong, vẫn chẳng có động tĩnh. Tôi mang theo thất vọng quay ra thì gặp thằng Sơn với thằng Long đang sóng vai bước đi, trên tay chúng nó cũng cầm theo cái vợt, hóa ra mục đích giống tôi
“Ê, Sơn, Long.”
Chúng nó đi qua tôi một đoạn, nghe tôi gọi thì vẫn chưa đứng lại ngay, tôi phải mất công gọi thêm một lúc chúng nó mới đừng lại nhưng không được tình nguyện cho lắm, ngay cả cái mặt cũng viết rõ mấy chữ không vui.
“Chúng mày đi đâu đấy?”
Thằng Sơn quơ quơ cái vợt
“Nhìn là biết rồi còn hỏi.”
Tôi xoa đầu cười hì hì
“Cho tao theo với.” – cho dù tôi với nó không thân lắm nhưng quan hệ cũng không đến mức bất ổn, huống hồ còn là anh em sáu, bảy năm rồi.
“Mày có làm được không?” – Long nhìn tôi không tin tưởng, phóng tầm mắt xét nét từ đầu đến chân.
Tôi học thằng Sơn mà quơ quơ cái vợt
“Sao lại không được? Chưa nghe ai kể về chiến tích của tao à?” – tôi dùng gương mặt vô cùng chân thành biểu đạt năng lực của mình.
Có lẽ thấy tôi trang bị cũng đầy đủ nên cũng gật đầu để tôi đi theo.
Đi qua ngã rẽ chúng nó dừng lại, hai thằng đánh mắt với nhau rồi cùng nhìn lên cây ổi trong vườn nhà người ta. Tôi thắc mắc nhìn hai thằng trên mặt không dính tí thiện ý kia, trên cây ổi thì tôi toàn thấy mấy con bọ nẹt nhiều lông thôi chứ đã thấy ve bao giờ đâu, chuyện lạ như vậy sao đến giờ tôi mới biết.
“Ở đây thì làm gì có ve?” – tiếng ve khu vực này khá thưa thớt, hầu hết đều từ xa vọng lại, còn không ầm ĩ bằng chỗ nhà tôi.
“Thì tao có bảo ở đây có ve đâu.” – thằng Long thấp giọng phàn nàn.
“Hay là mày nghĩ chúng tao đi bắt ve đấy.” – Sơn kêu lên.
Tôi như một chiếc đồng hồ báo thức cứ đúng thì kêu
“Ừ.”
“Bảo sao tao nhìn cái vợt của mày cứ thấy sai sai.” – Sơn chậc lưỡi.
Tất nhiên mục đích không giống bọn nó nên cái vợt của tôi bé và không cứng cáp như hai cái vợt được sinh ra để bẻ quả kia.
“Thế giờ tao phải làm sao?” – đến cũng đến rồi giờ mà bỏ về thì hơi bất lịch sự với lại mấy quả ổi kia cũng ngon mắt quá ấy chứ.
“Mày muốn làm sao?” – thằng Long hỏi lại.
“Tao… tao chung phe với bọn mày.”
“Thế mày cứ đứng đấy được rồi, đừng vướng chân bọn tao.”
Phát hiện bản thân hơi thừa thãi trong phi vụ này nhưng tôi cũng đứng ra một góc xem chúng nó hái ổi.
Quả đầu tiên thằng Sơn giật không đủ lực nên cứ giằng co mãi, quả ổi sắp đứt cuống nhưng vẫn quyết trụ trên cành cây và cuối cùng thay vì rơi vào vợt nó lại rơi thẳng xuống vườn nhà bác già khó tính.
Con chó chắc nghe thấy tiếng động nên bắt đầu sủa nhặng lên, tôi lo sợ nhìn chúng nó nhưng chúng nó thì vẫn dai như đỉa quyết không buông khi chưa lấy được ổi. Thế là giữa tiếng chó sủa chúng nó vẫn giơ vợt lên, lần này thì thằng Sơn đã rút được kinh nghiệm, dứt khoát lấy được hai quả dính chùm, còn thằng Long cũng thắng lợi mang về một quả.
Vừa lúc phi vụ thành thì bác chủ nhà cũng bước ra cổng mà lên tiếng quát tháo
“Lại là chúng mày, suốt ngày ăn không ngồi rỗi rồi đi ăn trộm, bố mẹ không dạy thì để tao dạy chúng mày.”
Không ai bảo ai, tất cả đều chỉ vắt chân lên cổ mà chạy cho nhanh, tí nữa thì tôi bị dính cái dép @ thần chưởng.
Ra khỏi con ngõ chúng tôi mới dừng lại để thở, đứa nào đứa nấy thi nhau chạy đến dứt hơi. Thằng Sơn đưa cho tôi một quả ổi rồi nói
“Tao ném vợt ở đấy rồi.”
“Tao cũng thế.” – tôi đồng tình theo nó.
“Tưởng chỉ có hai chúng mày à?” – Long chêm thêm.
“Bọ nẹt kìa.” – Sơn hốt hoảng nó vừa kêu lên vừa chỉ tay về phía thằng Long. Tôi theo hướng chỉ của nó thấy một con bọ nẹt ổi đang bò trên vai thằng Long nên hành hiệp trượng nghĩa hất loài động vật không xương sống kia xuống rồi dùng dép tiễn nó đi một đoạn.
“Thôi giải tán đê.” – thằng Sơn hô hào.
“Cấm mày nói với bố mẹ tao.” – thằng Long đe dọa tôi.
Tôi gật đầu lia lịa, dù sao tôi cũng là đồng phạm cơ mà, không đánh thì dại gì phải khai.
Tôi tạm biệt chúng nó rồi đi theo hướng ngược lại, vừa đi vừa gặm chiến lợi phẩm mà người khác giành được. Nhưng tôi vẫn thắc mắc là Tuấn nó đi đâu lại không thèm ới tôi lấy một tiếng, bình thường lên nhà ngoại ở xóm trên nó cũng còn gọi tôi đi cùng cơ mà. Tôi đi qua ngõ nhà con Hằng thì bất chợt nghe thấy tiếng hú hét rất lớn của đám con gái, tò mò tôi ngó mặt vào xem thì tôi thấy thằng Tuấn. Tôi mất công tìm nó nãy giờ, còn nó thì ở đây cũng mấy đứa con gái chơi trò kết hôn. Cô dâu hình như là con Ngân vì tôi thấy nó có trùm một cái khăn của mẹ nó lên đầu, có điều càng trông lại càng thấy giống một bà cụ non hơn là cô dâu. Tôi nhìn cảnh này thì tức chứ, không còn màng gì nữa hồng hộc chạy đến.
Ngay lúc con Hằng đọc lời tuyên thệ như mấy bộ phim Philippines mà mẹ tôi hay xem thì tôi quệt mồ hôi, hét lớn
“Tao phản đối.”
Tất nhiên vị khách không mới mà đến như tôi thì chẳng nhận được sự yêu thương gì của ba đứa con gái.
“Tao có mời mày đâu, mày đến làm gì?” – con Hằng nhìn tôi.
“Mày không mời nhưng Tuấn nó mời tao.”
Mặt thằng bạn tôi đần ra, chuẩn bị mở miệng phản đối thì tôi nhanh tay nhét luôn quả ổi đang gặm dở vào miệng nó.
“Tuấn, mày mời nó?” – cái Dung là một vị khách được mời khác đang nhìn nó mà tra hỏi.
Thằng Tuấn một mặt gặm ổi, một mặt nhìn ánh mắt bừng bừng hơi lửa của tôi, miễn cưỡng gật đầu.
“Thế cũng được, càng đông càng vui.” – con Hằng lên tiếng, muốn phá cái không khí ngột ngạt như bầu trời miền Bắc lúc bị ném bom vào tháng 12 năm 1972, trong cái chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng ấy.
Chúng nó sắp hàng lại, chuẩn bị tổ chức hôn lễ một lần nữa. Tôi vốn chỉ định đứng xem chúng nó vẽ trò nhưng nghĩ lại thì cứ thấy hôn lễ này cấn cấn thế nào ấy, nhất là khi thấy ánh mắt cầu cứu của thằng Tuấn.
“Tao có ý kiến.”
“Làm sao?” – con Hằng hỏi lại tôi bằng cái giọng chẳng còn mấy vui vẻ. Đáng lẽ cái hôn lễ này đã xong từ lâu nếu không có tôi phá đám.
“Hai đứa này nhìn không đẹp đôi.”
Cái Ngân nãy giờ im lặng cũng đã quay sang nhìn tôi, có vẻ tôi không hợp với mấy đứa con gái cho lắm, trừ con Hằng ra thì lần nào cũng cùng chúng nó gây sự. Tôi cười chữa ngượng rồi nhanh tay kéo thằng Tuấn đang đứng như trời trồng về phía mình
“Mày nói đi, có phải mày cũng không đồng ý hôn lễ này phải không?”
Tuấn đã ăn xong quả ổi, kiên định nói
“Đúng, là chúng máy ép tao.”
“Ê ê, là mày thua cược đấy” – cái Dung kêu ca – “có chơi thì phải có chịu chứ.”
Tôi nghĩ ngợi hồi lâu rồi giật lấy cái khăn trên đầu cái Ngân trùm lên đầu thằng Tuấn.
“Để tao làm hôn lễ với nó.”
“Nhưng mẹ tao nói con trai không kết hôn với con trai được.” – cái Ngân lên tiếng bác bỏ ý định của tôi và nhận được cái gật đầu đồng tình của hai đứa con gái còn lại.
“Mẹ mày có ở đây đâu, tao nói được là được.” – tôi ít nhiều gì cũng là cầm đầu bọn con trai xóm dưới nên lời nói ra đâu phải không có trọng lượng.
Cái Dung lưỡng lự
“Nhưng mà tao thấy không ổn.”
“Tao cũng thấy không ổn.” – thằng Tuấn rút cái khăn đang trùm trên đầu xuống, trừng mắt nhìn tôi.
Thằng Tuấn ít khi lớn tiếng, lần này âm thanh nó phát ra làm tôi giật mình
“Hả, làm sao?”
“Tao có kết hôn với mày thì cũng phải làm chú rể.” – nói đoạn nó lại trùm cái khăn lên đầu tôi.
Tôi mau chóng rút xuống cái khăn đang che lấp cả tầm nhìn của mình
“Làm gì có chuyện đấy, tao mới là chú rể, tao cao hơn mày đấy.” – tôi lấy chuyện chiều cao để so đo.
“Có ai bảo chú rể không được thấp hơn cô dâu đâu, bố tao còn thấp hơn mẹ tao kia kìa.”
“Tao mới là chú rể.”
“Đừng có tranh với tao, vốn dĩ cái danh chú rể này là của tao.”
“Stop!” – cái Ngân lên tiếng ngăn cản một cuộc chạm trán sắp nổ ra.
“Xu xàng xi đi, khổ quá, cứ cãi nhau mãi.” – con Hằng nghĩ ra được một cách xử lí khá hiệu quả.
Tôi chơi với nó đã lâu, cũng biết tỏng keo đầu tiên của nó sẽ ra đấm nên tôi quyết định ra giấy, không ngoài dự đoán, tôi thắng, chỉ có điều
“Tao quên chưa nói, đứa nào thắng đứa đấy làm cô dâu.” – con Hằng ngang ngược tuyên bố lại luật.
Tôi không phục lên tiếng
“Mày…”
“Nhà tao, tao nói sao thì là thế.”
Tôi chửi thầm trong lòng, miễn cưỡng nhận lấy bó hoa dại từ cái Ngân.
“Biết làm cô dâu thế nào không đấy?” – Dung đánh tiếng hỏi
Tôi bực tức trả lời
“Tao biết thừa.” – câu này nghĩ thế nào cũng thấy đen, cứ như tôi đã tập luyện trong thời gian dài chỉ để chờ ngày này thôi ấy.
Nhưng căn bản là chẳng có ai để ý được nhiều như thế, chúng nó bắt tay ngay vào việc trang điểm cho tôi. Đứa thì lấy quả mồng tơi chín trát đầy mặt tôi, đứa thì tháo luôn cả tành tạch [1] trên đầu nó xuống để cố định cái khăn trên đầu tôi.
“Cô dâu bước vào lễ đường.” – con Hằng dõng dạc tuyên bố.
Tôi siết chặt bó hoa dại, từ xa tiến lại gần, đằng sau còn có hai đứa liên tục tung lá hòe. Gió khẽ thổi, mây dần tan, làm vương lại trên người tôi ít lá hòe cùng chút nắng nhạt, đọng lại hương vị hạnh phúc cùng ngọt ngào thuở ấu thơ.
Tôi đi trên quãng đường không quá dài, từng bước chân của tôi là từng khoảng cách được rút ngắn. Không complet, không cravate, chỉ đơn thuần và giản dị nhưng lại đẹp lạ thường. Đi hết quãng đường, Tuấn đưa tay về phía tôi, tôi chuyển bó hoa sang tay trái, dùng tay phải vững chãi nắm lấy tay nó. Chúng tôi đứng đối diện nhau, trong lòng tôi rất muốn cười khi nhìn gương mặt bối rối pha ngốc nghếch của nó nhưng phải cố nhịn lại.
“Phạm Anh Tuấn, anh có đồng ý lấy anh Vũ Tuấn Anh làm vợ, suốt đời yêu thương khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm, khi hạnh phúc lẫn khi khổ đau…”
Nó nắm chặt tay, nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi thấy trong đó có sự trưởng thành không phải của một đứa trẻ tám tuổi
“Tôi đồng ý.”
Con Hằng lặp lại câu đó với tôi, lòng tôi mang mông lung nhưng cũng cúi đầu nói thật khẽ
“Tôi đồng ý.”
“Trao nhẫn cưới.”
Cái Ngân với cái Dung không biết đã làm sẵn hai cái nhẫn bằng lá dứa [2] từ bao giờ, đưa một cái cho tôi, một cái cho Tuấn, tôi không rõ nó mang cảm xúc gì, còn lòng tôi vẫn không ngớt hoang mang.
“Lễ thành, hai người từ giờ chính thức trở thành vợ chồng của nhau.”
Ba đứa con gái nhiệt liệt vỗ tay cho chính sự chúng nó vừa làm được mà chẳng quan tâm tôi và nó đã phát ngượng đến mức nào.
Bóng chiều ngả, hai đứa tôi cùng nhau đi về.
“Vợ ơi, vợ à.” – nó cất giọng đùa cợt.
“Im, không biết ơn tao thì thôi, còn ở đấy mà lắm chuyện.”
Nhưng câu này của tôi đối với nó chẳng tí sát thương, Tuấn ung dung cầm tay tôi lên, ngón áp út trái của tôi vẫn chưa tháo ra cái nhẫn đan bằng lá dứa đã héo
“Mày đeo nhẫn của tao rồi còn gì?”
Tôi tức mình tháo cái nhẫn ra vứt xuổng vệ đường.
“Tao nói đúng mà mày giận cái gì?” – nó chạy đuổi lên khoác vai tôi.
“Mày tháo cái nhẫn ra ném đi.” – tôi ra lệnh.
Nó nhắn nhở tháo ra nhưng không vất đi mà bỏ vào túi quần
“Yên tâm, tí về tao vất.”
[1] tành tạch (từ địa phương): tạch ghim
[2] Lá dứa dại:
_________
_Hết chương 04_