Hạn Định

Chương 3: Hoa đăng



Trang tiếp theo được lật mở, là một bước vẽ phủ kín hai mặt giấy ghi ngày ZZ/YY/20XX, tôi bảy tuổi, cả một bức tranh nguyên xi chỉ toàn màu đen, trên đó còn có mấy nét vẽ khác đè lên nhưng tôi không nhìn rõ, ngẫm nghĩ hồi lâu vẫn không hình dung ra vấn đề được thể hiện. Tôi với lấy cái điện thoại rồi mở lịch tra lại ngày, hôm ấy là 13/2 âm lịch, là ngày cuối tổ chức hội ở làng tôi, nên có lẽ cái thứ đen sì chiếm giữ cả bức tranh là buổi đêm, còn cái thứ mà tôi cố gắng vẽ đè lên có lẽ là hoa đăng.

Hai năm trước là tôi đi xem hoa đăng cùng mẹ nhưng năm nay do chính sự bận rộn nên mẹ không đưa tôi đi được. Mẹ có đánh tiếng với chị tôi bảo đưa tôi đi nhưng chị tôi chỉ nhiệt tình lắc đầu, nói rằng còn bận học.

“Thế thì thôi, ở nhà cả, mưa thế này đi xem rồi lại ốm.”

Tôi tủi thân ngồi bó gối trên giường, đã im lặng lắng nghe tiếng trả lời của thiên nhiên nhưng tuyệt nhiên chẳng nghe thấy tiếng mưa rơi nào cả. Ấm ức chán, tôi nhìn đồng hồ, rồi bỏ xuống sân đi dạo, thực sự là có mưa nhưng chỉ như hạt tấm vương trên vai tôi thôi, không đến mức ốm như mẹ nói.

“Tuấn Anh ơi.” – tiếng gọi tôi nhỏ như muỗi kêu nhưng giữa không gian tĩnh lặng tôi vẫn nhận ra chất giọng quen thuộc ấy. Tôi xoay người chạy ra cổng, cũng may con Ki nhà tôi đã quen với thằng Tuấn nên không cất tiếng sủa, nhờ vậy tôi thoát được một kiếp.

“Đi xem hoa đăng không?”

Tôi nhìn vào trong nhà, cả nhà đều đã tắt điện tối om, tôi bần thần suy nghĩ hồi lâu

“Nhưng tao…”

“Nhưng nhị cái gì, mày hôm nào chả nói về lễ thả hoa đăng này, hôm nay lại không muốn đi xem nữa à?”

“Nhưng mẹ tao có cho đi đâu.”

Nét hồ hởi trên mặt nó tắt ngủm, đen như đêm nay vậy

“Mẹ tao cũng có cho tao đi đâu, chị tao không đi thế là bắt tao ở nhà luôn.”

Tôi ngước đầu lên nhìn trời, trời đáp lại bằng cách thả vài hạt mưa xuống mặt tôi, không biết là thông cảm hay tán thành. Mặc dù trốn đi là có tội nhưng nếu không đi thì có khi tôi tiếc đến sang năm mất nên cuối cùng tôi gật đầu cùng nó trốn đi xem hoa đăng.

Lễ thả hoa đăng ở làng tôi khá có tiếng trong xã, nên ngoài người làng còn có rất nhiều du khách từ các thôn khác bất chấp thời tiết mà ghé thăm. Với kinh nghiệm hai năm cùng mẹ xô đẩy nơi bến đăng thì lần này tôi đã rút được kinh nghiệm, nhanh nhẹn kéo tay thằng Tuấn lên đầu cầu đối diện bến thả đăng. Tôi đứng ở trên cầu trông về bến đăng chỉ thấy một đám người chen nhau đông đúc cùng với ánh nến thắp sáng cả khu vực. Mưa không đủ lớn nên không đủ dập tắt những cây nến và cả không khí náo nhiệt của hội làng.

Từng chiếc đăng nhỏ hình bông sen lần lượt được thả xuống mặt sông, tất cả đăng được đặt trong hai chiếc khung lớn lằm bằng tre để tránh việc chúng đăng phiêu dạt tự do trên dòng nước, sau khi đã sắp xếp xong đăng thì nhà sư cũng bước lên thuyền. Nhìn nhà sư tôi bỗng nhớ đến vị sư phụ trong Tây Du Ký mà tôi luôn giành ti vi với bố mẹ để xem vào lúc 19 giờ, cái khung giờ đáng ra phải xem thời sự. Nhà sư mang phong thái đĩnh đạc ngồi lên thuyền rồng, tiếp theo đó là hai người con gái mặc áo tứ thân đứng hai bên. Những người được giao nhiệm vụ kéo thuyền và kéo đăng đã vào vị trí, chầm chậm kéo chiếc thuyền di chuyển trên mặt sông tạo ra vài gợn sóng. Dòng người hai bên bờ sông cũng dần chuyển bước theo thuyền rồng và ánh sáng lấp lánh của nến, gần như làm tắc nghẽn đường quốc lộ chạy dọc bờ sông.

Tôi hoàn toàn bị sự đẹp đẽ ấy cuốn hút, ánh mắt tôi cũng bị ánh nến làm cho lung linh, chân không tự chủ bước lên, miệng lớn tiếng cảm thán

“Đẹp quá đi mất!”

“Mày muốn chết à?” – một bàn tay nắm lấy tay kéo cả người tôi lại, lúc này tôi mới ý thức rõ chuyện đang xảy ra. Cây cầu tôi đứng không có lan can nếu Tuấn không kéo tôi lại thì khéo tôi đã được phen tắm sông rồi.

“Tao không để ý tí thôi.” – tôi lấy lí do bao biện, không chịu thừa nhận.

Nó bày ra vẻ mặt muốn châm chọc tôi nhưng lại có chút bất lực

“Mày lùi lại hai bước thì không ngắm được chắc?”

Tôi bĩu môi không nói thêm gì.

Thuyền rồng đi về phía cầu, người đổ về cũng rất lớn, thành một cảnh tượng xô đẩy có hơi hỗn loạn. Thằng Tuấn nhìn nắm chặt lấy tay tôi khiến tôi ngơ ngác dùng ánh mắt phản hồi lại nó

“Tao không muốn lạc mày, cũng không muốn mày vì mải ngắm đăng mà rơi xuống sông.”

Thuyền rồng đi qua cây cầu chỗ tôi đứng rồi dừng lại ở chân cầu tiếp theo. Thuyền dừng, nến cũng đã tắt đến gần nửa, mọi người đều lần lượt giải tán. Tôi và Tuấn quay lại đình làng mới phát hiện ông bán kem vẫn chưa rời đi.

“Mày có mang tiền không?” – tôi hỏi nó.

Nó lục túi, lấy ra hai nghìn lẻ

“Còn hai nghìn thôi.”

“Tao cũng còn hai nghìn.” – tôi mò túi, cũng móc ra được hai nghìn.

Tôi nhìn đám đông vây quanh ông bán kem lại hỏi nó

“Thế giờ ai đi mua?”

“Ai muốn ăn người đấy đi mua.”

“Làm như có mình tao muốn ăn.”

Hai đứa chả ai muốn chen chúc trong đám người đấy, nhìn nhau rồi lại thầm thở dài.

“Xu xàng xi đi.” – tôi đề nghị.

Tôi ra giấy, còn nó ra đấm, dĩ nhiên người đi mua phải là nó. Tôi phải đợi tầm 5 phút mới thấy lại mặt nó, nó dùng dằng đưa cho tôi một cây kem ốc quế.

“Của tao không có sữa à?”

“Quay lại mà lấy.” – nó vặn lại.

Ngày vui, xem như tôi nhường nó một lần vậy

“Về thôi.”

“Mày về trước đi, à mà thôi ở lại chờ tao một tí.”

“Mày làm sao đấy?”

“Tao bảo chờ thì cứ chờ đi.”

Tôi mang một bụng nghi hoặc nhưng cũng đứng lại cùng chờ với nó.

Đám đông tản dần, tôi cũng đã chén xong que kem mà nó vẫn đang dáo dác đưa mắt tìm người, cho đến khi

“Chị Hiền.” và cả chị Thanh của tôi nữa. Hai người chị vĩ đại trốn chúng tôi đi chơi ấy giờ đang trố mắt nhìn về hai đứa.

“Ơ, chị tưởng mày đi ngủ rồi cơ mà.” – chị Hiền nói.

“Em tưởng chị học bài cơ mà.”

Không gian bỗng rơi vào ngượng ngùng, cuối cùng chị Hiền vẫy tay với thằng Tuấn trước

“Tuấn, đi về.” – rồi quay sang phía chị tôi – “tao về trước đây.”

Chỉ còn tôi và chị Thanh bốn mắt nhìn nhau câm nín một hồi.

“Thôi đi về, người ta về hết rồi.” – chị nói rồi dắt tôi về nhà. Trong nhà đã bật đèn sáng, chị em tôi nhìn nhau nuốt nước bọt, chắc là vương mẫu nương nương đã về đến, hôm nay tôi có ba cái miệng thì cũng không chối nổi tội. Chúng tôi rón rén bước vào sân.

“Đi đâu giờ mới về?” – nhìn thấy hai đứa mẹ nhanh chóng hỏi tội.

“Con dẫn em đi xem hoa đăng.” – chị tôi nói trước.

“Sao bảo bận học?”

“Tại nó cứ nói mãi con không học được.”

Thế là một đứa trẻ bảy tuổi lại phải gánh thêm cái tội làm chị mất tập trung nữa.

“Sao không để cho chị học?” – mẹ nhìn về phía tôi.

Tôi muốn thanh minh nhưng không tìm được cách mở miệng, sắp xếp câu từ thế nào cũng không thấy hợp lí.

“Nói.” – mẹ quát lên.

“Là chị muốn đi nên lôi con theo để kiếm cớ.”

Chị Thanh xua tay

“Không phải con, là tại nó.”

Tôi bị oan, lập tức chối đây đẩy

“Mẹ đừng tin chị, con không…”

Mẹ tôi lặng lẽ thở dài rồi hạ giọng

“Thôi cũng không còn sớm nữa, đi ngủ đi.”

Chúng tôi nào dám hai lời, trước sự uy nghiêm của mãnh hổ thì hai con mèo con chúng tôi chỉ biết cụp đuôi sợ hãi, nhanh chóng lên giường.

Một lúc sau, mẹ mới lên nằm cạnh tôi, lần nữa hỏi lại sự tình hôm nay. Tôi thuật lại mọi chuyện trong run sợ, cứ tưởng mẹ sẽ lên tiếng quát tháo tôi một trận nữa nhưng tôi nhầm rồi

“Mẹ chỉ hỏi thế thôi, ngủ đi.”

_________

_Hết chương 03_


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.