– Đừng bỏ em lại một mình! Em xin anh đấy! Làm ơn mà!!!
Tiếng hét nhỏ bé hòa lẫn vào tiếng nấc nghẹn, rồi vụt tan giữa cánh rừng bao la.
Bước chân Jav chạy thật nhanh qua khỏi những tán thông dầu rậm rạp. Nó cố gắng bịt chặt hai tai lại để trái tim không nghe thấy thứ âm thanh đau xót kia.
Jav cứ chạy mãi.
Chạy mãi.
Cho đến khi nó nhìn thấy lại thằng bạn thân của nó. Fato vẫn còn đứng đợi Jav ở bìa rừng.
– Sao lâu thế? Mày đưa nó đi xa lắm à?
Thằng mập khịt mũi hỏi.
– Không xa lắm… nhưng không quá gần để nó có thể tự về… Sẽ ổn chứ?
Jav vừa thở hổn hển vừa đáp.
– Có phải hốc cây bọn mình hay chơi trận giả không?
– Ừ. Tao chỉ biết mỗi chỗ đó.
– Được rồi. Vậy về thôi!
– Không ở lại chờ à? Tao sợ…
– Đừng lo! Bây giờ vẫn còn là buổi trưa mà, ăn xong bữa rồi quay lại cũng được.
Fato nói rồi liền chạy biến đi mất, chỉ còn lại mỗi Jav với nỗi lo lắng thấp thỏm trong lòng.
Nó đi được vài bước là lại quay đầu nhìn. Nó không muốn về nhà, nhưng cũng không thể cứ đừng bần thần mãi ở chỗ này. Vì lỡ như có ai đó nhìn thấy thì kế hoạch sẽ đổ bể hết cả.
Sau một hồi băn khoăn, cuối cùng Jav cũng chọn một gốc cây to ở vườn hoa oppy cạnh bìa rừng để ngồi đợi. Nhưng tiếng rì rào của rặng cây lại khiến cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, và nó đã thiếp đi từ lúc nào mà không hay.
– MAU CHIA NHAU RA TÌM ĐI!!! NHANH LÊN KẺO MUỘN MẤT!!!
Jav bừng tỉnh giữa mớ âm thanh hỗn đỗn của tiếng kêu la và tiếng cuốc xẻng.
Rất nhiều người đang tụ tập ở bìa rừng, đúng ngay chỗ cả bọn đã gặp nhau lúc sáng.
LÚC SÁNG…
Jav bàng hoàng nhận ra khi xung quanh nó bây giờ chỉ toàn màu xám xịt của đêm tối. Và từ đằng xa, nó nghe thấy tiếng dân làng đang gọi lớn tên của cậu bé ấy.
Cậu bé đáng thương mà Jav thậm chí còn không biết tên cho đến tận bây giờ.
– KIKI!!!
Đôi mắt đỏ mở to.
Hơi mát của nước đã khiến đầu óc Jav quay trở về với khung cảnh thênh thang trước mặt. Nó quay sang nhìn cô gái nhỏ với bình nước lạnh trên tay mà cười nhẹ:
– Cảm ơn em.
– Mắt Jav lại đỏ kìa. Jav không sao chứ?
– Không sao. Nó luôn đỏ khi tôi cần nhìn rõ trong bóng tối.
– Tiện thật nhỉ!
Ani mỉm cười, rồi lại chăm chú vào bước chân dưới ánh đèn dầu mập mờ.
Bây giờ đã là buổi tối, và cả hai đang đi bộ dọc theo con đường đất dài giữa cánh đồng cỏ cháy mênh mông rộng lớn. Vụ hỏa hoạn lúc sáng đã khiến việc khởi hành của cả hai bị chậm lại, nên tụi nó chỉ đến được tỉnh Indusace khi mặt trời đã lặn.
– Không hổ danh là mùa solu của tỉnh Indusace. Đến cả buổi tối mà cũng nóng!
Ani thở dài.
– Phải đấy. Nhưng em hãy cố đợi đến mùa ventus đi, vì khi đó ở đây sẽ tuyệt lắm.
Jav nói, và lửa trong đèn dầu cũng tự thức lớn lên theo nhịp ngón tay nó gõ vào.
– Em biết mà. Vào mùa ventus chúng ta có thể vào rừng hái nấm, ra suối chăn dê, ngắm sao trên bãi cỏ, và còn được tham gia lễ hội cuối mùa gió nữa!
– Em biết nhiều quá nhỉ? Em từng đến đây rồi sao?
– À… đã từng… nhưng phần lớn chỉ là em nghe nói thôi. Còn anh thì chắc đã làm hết những việc đó rồi nhỉ? Vì anh lớn lên ở đây mà, phải không?
– Không… tôi chỉ mới đến đây được hai năm thôi…
Jav ngập ngừng đáp lại, rồi hướng mắt nhìn vào vùng thảo nguyên bao la trước mặt.
Hai năm qua đúng là nó đã được tận hưởng những đặc trưng thời tiết tuyệt vời ở nơi này. Nhưng sự “bình thường” đó vẫn là không đủ để nó quên đi những “thay đổi bất thường” khi xưa.
Ở Tesmag, dựa vào thời gian chiếu sáng của mặt trời và khí hậu đặc trưng từng thời điểm mà một năm sẽ được chia thành ba mùa khác nhau. Mùa nắng solu kéo dài trong 200 ngày với ánh nắng chiếu rọi suốt 15 giờ mỗi ngày. Mùa bão typhon mỗi năm sẽ lặp lại hai lần với mưa gió lớn liên tục trong 14 ngày và mặt trời chỉ chiếu sáng mỗi ngày 5 giờ. Cuối cùng là mùa gió ventus với ánh sáng nhẹ nhàng ấm áp cùng gió thổi hiền hòa trong 135 ngày, trước khi mùa typhon lặp lại lần nữa.
Từ xưa đến nay, vòng tuần hoàn thời tiết này đã luôn vận hành trôi chảy và đúng theo quy luật. Mặc dù đôi khi vẫn sẽ có những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như trời không mưa vào giữa mùa typhon, nắng to vào đầu mùa ventus, hoặc…
Mặt trời lặn sớm vào giữa mùa solu.
Giống như ngày đó của hai năm trước.
Khi Jav đã phải hứng chịu sự “thay đổi bất thường” của thời tiết, theo cái cách tàn nhẫn nhất.
Vì mặt trời biến mất đột ngột đã kéo theo sự tàn lụi của một tuổi thơ, và biến đứa trẻ trở thành kẻ tội đồ phải bỏ chạy trong đêm tối.
– Khoan đã, ngôi nhà này…
Bước chân Ani đột ngột dừng lại.
Trước mặt cô bây giờ là một ngôi nhà gỗ nhỏ với mái ngói xanh nằm cô đơn giữa thảo nguyên rộng lớn.
– Sao thế em? Chúng ta đến nơi rồi đấy.
Jav từ tốn kéo chiếc cửa gỗ cũ kỹ, và mỉm cười mời cô gái nhỏ vào nhà.
– Đây… đây là nhà Jav sao?
– Đúng vậy. Nhưng không phải nhà tôi mà là nhà của thầy.
– Thầy? Có phải là người đã dạy võ cho Jav?
– Phải.
– Và cũng là thầy đã cho Jav chiếc đồng hồ quả quýt?
– Thầy chỉ cho tôi mượn thôi… Nhưng sao em lại biết thế?
– Vậy tên của thầy là…
– Thầy Miseri!
Jav bất ngờ gọi lớn.
Ngay sau đó, một ông lão với thân hình to lớn liền xuất hiện từ phía sau rặng cây xanh.
Ông lão đặt cái chậu xuống đất, và cố nheo mắt nhìn về phía hai đứa trẻ đứng trước cổng. Rồi khóe mắt nhăn nheo của ông bất chợt ướt nhòe đi, khi ông nhận ra cô bé với đôi mắt nâu đang ánh long lanh dưới ánh đèn dầu kia.
– Ani? Là cháu thật sao?
Ông lão chạy vội đến ôm chầm lấy cô gái bé nhỏ. Trong khi Ani khóc nấc lên và dụi đầu vào ngực ông như thể vừa được gặp lại người thân quý đã cách xa từ lâu.
– Hai người… hai người biết nhau sao?
Khung cảnh đoàn tụ trước mắt không khỏi khiến Jav bất ngờ, khi mà nó còn đang nghĩ trong đầu xem phải giải thích thế nào với thầy về cô gái này, thì bây giờ lại chính nó mới là người cần phải được giải thích.
– Lúc nghe đoàn vận chuyển dầu kể lại sự việc, ta đã nghi ngờ người Jav cứu là cháu rồi. Ani ơi, tại sao cháu lại ở đây chứ hả?
Giọng nói nghẹo ngào phát ra dưới bộ râu bạc phơ phủ dày trước ngực.
Thầy Miseri chẳng màng đến vẻ mặt bàng hoàng của cậu học trò bên cạnh, mà chỉ tập trung nhìn vào cô gái bé nhỏ trước mặt ông. Chóp mũi khoằm của ông ửng hồng lên dưới ánh trăng dịu dàng của đêm tối, còn khóe mắt thì đã đỏ hoe từ lúc nào.
Jav chưa bao giờ thấy thầy xúc động đến thế.
Cứ như thể Ani là viên ngọc quý báu mà thầy vừa mới tìm lại được vậy.
– Rất nhiều chuyện đã xảy ra, nhưng cháu không ngờ lại có thể gặp được bác ở đây, bác Miseri à! Cháu nhớ bác lắm!
Giọng Ani trở nên thổn thức.
– Ta cũng đã luôn nhớ đến cháu, cô công chúa bé nhỏ của ta!
– Thầy ơi, thế còn…
– Jav giúp ta nấu súp opun cho Ani nhé. Đi đường xa cả ngày chắc con bé đói lắm rồi!
Jav còn chẳng kịp nói thêm lời nào thì thầy đã bế Ani đi thẳng vào nhà, cùng với lời dặn dò như thể chỉ có mình cô cháu gái của ông là biết đói vậy.
Jav có hơi tủi thân một chút.
Nhưng rồi nó cũng ngoan ngoãn ra vườn hái vài lá opun và lúi cúi trong bếp cả buổi để nấu súp theo lời thầy dặn. Dù sao thì Jav cũng xác định là sắp tới Ani sẽ sống ở đây rồi.
Nó không biết mối quan hệ giữa cô ấy và thầy là gì, cũng chưa bao giờ nghe thầy kể về một cô cháu gái như Ani cả. Nhưng cái ôm của họ khi nãy tự dưng lại làm dấy lên một cảm giác rất ấm áp trong lòng nó.
Là hơi ấm của một gia đình.
– Ngon quá đi! Đây là lần đầu cháu được ăn món súp ngon đến vậy đấy!
Ani reo lên thích thú vì món súp đặc biệt trước mặt.
Đó là một món ăn có mùi hương tương tự như mùi cỏ ướt sau mưa, rất trong lành và thanh khiết. Nước súp thanh đạm hòa quyện cùng những lát thịt nguội mằn mặn, kèm theo đó là những hạt thạch nhỏ hình vuông trong suốt có vị giòn ngọt. Món súp này làm cho người dùng có cảm giác như bản thân vừa được nếm thử vị của những hạt sương mai trong bình minh trên thảo nguyên xanh cỏ vậy.
Đó chính là một hương vị khác lạ vô cùng đặc trưng.
Mà nói đến lạ, thì Jav cũng đang thấy lạ lắm.
Bởi vì dáng vẻ trẻ con vô lo của cô gái nó vừa gặp hai ngày trước. Ani đã ăn một hơi liền hết ba bát súp nóng, và còn ngồi đung đưa chân trên ghế với mấy ngón tay tí tởn đùa giỡn chòm râu của thầy Miseri.
Từ lúc gặp nhau đến giờ Jav chưa từng thấy cô ấy thoải mái đến vậy.
– Ha ha, cháu thích là được rồi! Món súp này được làm từ lá cây opun và thịt dê xông khói đấy!
Thầy Miseri cười lớn.
– Cây opun? Cháu chưa từng nghe nói đến cái tên này.
– Chính là rặng cây màu xanh lá mạ trước nhà đấy! Nó là một giống cây mới ta đã tình cờ tìm được năm ngoái khi cùng Jav vào rừng đốn củi. Quả của nó cũng ngon lắm. Lúc nào có ta sẽ cho cháu ăn thử nhé!
– Vâng ạ!
– E hèm!!!
Jav bất ngờ hắng giọng.
Phải vậy thì thầy và Ani mới chịu để ý đến sự tồn tại của nó. Chứ nếu không chắc chẳng ai thèm màng đến cái người đã cất công nấu ra món súp ngon lành kia đâu.
– Em cảm ơn Jav vì bữa ăn nhé! Không ngờ Jav còn biết cả nấu nướng nữa!
Ani cười thật tươi.
– Phải! Phải! Đây là món Jav nấu ngon nhất mà! Nếu không phải nói là duy nhất.
– Thầy à! – Jav nhăn mặt – Vậy giờ con có thể biết mối quan hệ giữa hai người là thế nào chưa hả?
– Rồi! Rồi! Ta sẽ nói mà!
Thầy cười xòa rồi khẽ liếc nhìn sang cái gật đầu của cô gái nhỏ bên cạnh.
– Ani là con gái của một người bạn cũ của ta ở Humisu. Trước đây con bé cũng đã từng đến đây chơi vài lần rồi, khi vợ và con ta vẫn còn sống ấy.
– Nếu thế thì thầy đã biết tại sao Ani đi với con rồi phải không? – Jav hỏi
– Biết. Lúc nãy con bé đã kể hết cho ta rồi.
– Và thầy đồng tình với quyết định đó chứ?
– Không hẳn… Nhưng nếu Ani không vui thì ta cũng chẳng thể ép con bé quay về. Bởi vì hơn ai hết, ta hiểu rất rõ hoàn cảnh của con bé mà.
Đôi bàn tay to lớn khẽ xoa lên đầu Ani, một cách dịu dàng như cách một người cha đang an ủi cô con gái bé bỏng.
– Vậy từ giờ cháu có thể sống ở đây luôn đúng không bác? – Ani hớn hở.
– Tất nhiên rồi!
Như chỉ đợi có thế, Ani vội vàng ôm túi đồ của cô vào trong và vui mừng chạy khắp nơi để xem xét mọi thứ trong nhà.
Lúc này, thầy Miseri lại chợt mỉm cười mà hỏi:
– Con bé đáng yêu lắm đúng không, Jav?
– Sao ạ? – Jav ngạc nhiên
– Suốt hai năm ở đây, ta chưa từng thấy con để tâm đến một người lạ nào khác ngoài ta. Nhưng giờ con không những cứu Ani mà lại còn đưa con bé về đây nữa. Con làm ta bất ngờ lắm đấy, Jav à.
– Không phải như thầy nghĩ đâu… Tất cả chỉ là tình cờ thôi…
Jav ngập ngừng nói và gõ mấy đầu ngón tay lên mặt bàn.
– Nhưng thật tiếc là bây giờ ta không thể đưa Ani vào thị trấn được. Mùa solu mà cứ ở mãi trên thảo nguyên như này chắc con bé sẽ chán lắm.
– Vì dịch bệnh ạ?
– Ừm… – giọng thầy thoáng có chút buồn – Chưa thể gọi là dịch nhưng ta vẫn sợ con bé sẽ bị lây nhiễm, nên vài ngày tới con hãy thay ta chăm sóc Ani nhé.
– Vâng ạ. Dù gì thì thầy cũng có cho con vào thị trấn đâu. – Jav nhún vai.
– Con biết rõ lý do mà Jav. Đừng để ta phải nhắc lại chứ.
– Vì con chưa từng nhiễm bệnh, và chỉ có người từng bị rồi thì mới không bị nhiễm nữa. Con nhớ mà!
Thầy Miseri gật gù trước câu trả lời của cậu học trò.
Hàng chân mày bạc phơ của ông khẽ nhíu lại khi nhìn vào bức tranh treo trên tường. Đã nhiều năm rồi, Ani quay về đây khiến ông lại nhớ về những ngày tháng mà gia đình này vẫn còn đông đủ. Khi vợ và con ông vẫn còn chưa qua đời vì dịch bệnh.
Vậy nên giờ đây, lão già như ông chỉ còn biết cố gắng hết sức để ngăn cản nỗi buồn đau khi xưa sẽ không phải quay trở lại.
Một lần nữa.