Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 2



Bộ phim mà tôi luôn yêu thích nhất chắc chắn là Khi Harry gặp Sally. Tôi mê nó vì rất nhiều lý do – cảm xúc đẹp đẽ của thập niên 1980 trong đó, diễn xuất cực kỳ ăn ý giữa Billy Crystal và Meg Ryan, cảnh ái ân nồng nàn ở Kart’s Deli. Nhưng đoạn phim tôi thích thú nhất hẳn là cảnh những cặp đôi trẻ có, già có, ánh mắt thảy đều lấp lánh , ngồi trên trường kỷ, thao thao kể chuyện họ đã gặp nhau như thế nào.

Lần đầu tiên xem bộ phim đó tôi mới mười bốn tuổi, chưa bao giờ hôn, và nói theo một trong những cách nói quen thuộc của Suzanne thì, còn chưa biết mùi đời. Tôi đã thấy Suzanne phải lòng cơ số cậu trai, chỉ để nhận lấy trái tim tan vỡ, còn nhiều hơn cả số lần tôi đi siết lại niềng răng, và trong chuyện yêu đương đó, chẳng có chút gì hạnh phúc cả.

Mặc dù vậy, tôi nhớ mình đã ngồi trong rạp chiếu phim bật điều hòa lạnh ngắt, tự hỏi người chồng tương lai của mình lúc này đang ở đâu – hình dáng và giọng nói anh ấy ra sao? Phải chăng anh đang trong buổi hẹn hò đầu tiên, nắm tay ai đó, và giữa bọn họ là những thỏi kẹo táo và một chai Sprite bự? Hay anh lớn hơn thế nhiều, đã vào đại học và có đầy kinh nghiệm về các kiểu phụ nữ cũng như về thế giới? Anh là tiền vệ ngôi sao hay là tay trống của một ban nhạc diễu hành? Tôi sẽ gặp anh trên một chuyến bay tới Paris? Trong một phòng quản trị danh tiếng? Hay trên lối đi giữa các dãy hàng trong quầy tạp phẩm ở thị trấn quê hương tôi. Tôi tưởng tượng chúng tôi đang kể chuyện của hai đứa, hết lần này qua lần khác, ngón tay chúng tôi đang vào nhau, giống hệt những cặp đôi say đắm trên màn ảnh rộng kia.

Tuy vậy, điều tôi vẫn còn phải học là những chuyện tưởng tượng đó hiếm khi dễ dàng, suôn sẻ như trong giai thoại về hồi ức lãng mạn mà ta chia sẻ trên trường kỷ. Qua thời gian, tôi hiểu rằng hầu như lúc nào cũng vậy, khi ta nghe chuyện của các cặp đã kết hôn, có rất ít sự nên thơ còn sót lại, chỉ là một khoảnh khắc mơ mộng được đánh lên bóng loáng theo thời gian. Và trừ khi bạn cưới người yêu thời trung học (hoặc quanh thời gian ấy), còn không thì đó thường là một câu chuyện đã qua chẳng mấy thú vị. Có những con người, địa điểm và sự kiện mà ta muốn quên đi thì hơn hoặc chí ít là không nghĩ tới nữa. Rốt cuộc, ta có thề dán lên chúng một cái nhãn xinh xắn – ví như duyên phận hay định mệnh. Hoặc ta có thể tin đó chỉ là một con đường ngẫu nhiên mà cuộc sống đã mở ra.

Nhưng dù ta gọi nó là gì đi chăng nữa, dường như mọi cặp đôi đều có hai câu chuyện – một đã được trau chuốt để chia sẻ trên chiếc trường kỷ, và một không gọt giũa, tốt hơn cả là được giữ kín. Andy và tôi không phải ngoại lệ. Andy và tôi có cả hai.

Tuy nhiên, cả hai câu chuyện đều cùng bắt đầu theo một lối. Cả hai cùng bắt đầu từ một lá thư xuất hiện trong hòm thư của tôi vào một chiều hè ẩm ướt, ngột ngạt sau khi tôi tốt nghiệp trung học – và chỉ còn vài tuần trước ngày tôi rời quê hương Pittsburgh đến trường đại học Wake Forest, ngôi trường xây bằng gạch xinh đẹp ở Bắc Carolina mà tôi tìm thấy trong danh mục các trường đại học và rồi đã lựa chọn sau khi họ đề nghị một suất học bổng hào phóng. Lá thư chứa đựng tất cả các chi tiết quan trọng về chương trình giảng dạy, sinh hoạt ở ký túc và định hướng chuyên nghành. Nhưng quan trọng hơn cả là nó có tên người bạn cùng phòng đã chỉ định trước của tôi, được đánh máy trọn cả một dòng: Margaret “Margot” Elizabeth Hollinger Graham. Tôi đọc kỹ tên cô, cùng với địa chỉ và số điện thoại của cô ở Atlanta, Georgia, cảm thấy vừa ấn tượng vừa e sợ. Tất cả lũ học sinh trường trung học công lập chúng tôi đều có những cái tên chung chung kiểu như Kim hay Jen hay Amy. Tôi chẳng biết một đứa nào có cái tên giống Margot (cái âm T câm làm tôi để tâm nhất), và chắc chắn không biết một ai có tới tận hai tên đệm. Tôi chắc rằng Margot từ Atlanta hẳn phải là một trong những cô nàng xinh đẹp có hình trên cuốn sách giới thiệu bóng láng của trường Wake Forest, đeo đôi bông tai ngọc trai và mặc bộ váy hoa tươi mát hiệu Laura Ashley đi xem bóng đá. (Tôi chỉ mặc quần jean và áo nỉ có mũ trùm đầu khi tới các sự kiện thể thao). Tôi chắc chắn cô nàng có một cậu bạn trai hoành tráng, và tưởng tượng ra chuyện cô bỏ rơi anh chàng không thương tiếc vào cuồi học kỳ, chạy theo một trong những gã chân trần cao lêu nghêu diện trang phục có các chữ cái Hy Lạp đang ném đĩa trong khuôn viên trường trên cùng mấy cuốn sách giới thiệu đó.

Tôi nhớ đã cầm lá thư chạy vội vào nhà để kể cho Suzanne tin ấy. Suzanne sắp vào năm thứ ba ở trường Penn State và rất thạo chuyện bạn cùng phòng. Tôi tìm thấy chị trong phòng chúng tôi, đang dán miếng mi giả xanh bằng kim loại dày cộp và nghe bài “Wanted Dead or Alive” của Bon Jovi từ đài.

Tôi đọc to tên đầy đủ của Margot, và rồi nói ra dự đoán cùa mình bằng cái giọng điệu hệt như trong Steel Magnolias, bộ phim đã trở thành cơ sở nhìn nhận mọi thứ đến từ miền Nam của tôi. Tôi thậm chí còn tinh quái lôi vào cả những cây cột trắng, Scarlet O’Hara và đám người hầu đông đúc. Mặc dù phần lớn là đùa cợt, nhưng tôi cũng cảm thấy trào lên nỗi lo lắng rằng mình đã chọn nhầm trường. Tôi lẽ ra nên đăng ký vào Pitt hoặc Penn State như tất cả lũ bạn. Tôi sắp trở thành con cá mắc cạn, một nàng Yankee lạc lõng.

Tôi nhìn Suzanne rời khỏi chiếc gương đứng dài, chống tay lên hông hòng làm nhỏ nhất vòng eo cỡ bự mà chị vẫn chưa thể thu gọn, và nói, “Giọng em nghe kẹo quá, Ellen. Em nói cứ như em từ Anh đến chứ không phải giọng Atlanta… Mà này, cho con bé một cơ hội thì sao nhỉ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó đoán rằng em là một cô nàng Pittsburgh chả có tí thẩm mỹ thời trang nào?” Chị cười to rồi nói tiếp, “Ôi trời… con bé sẽ hoàn toàn đúng nếu nghĩ vậy!”

“Buồn cười ghê,” tôi nói nhưng không làm sao cười nổi. Thật trớ trêu, bà chị ủ dột của tôi luôn tràn đầy sức sống nhất khi châm biếm tôi.

Suzanne vẫn không ngừng cười trong lúc tua băng cassette và hát váng lên, “Tôi bước đi trên những con phố này, một chiếc guitar đeo trên lưng!” Rồi chị dừng lại giữa bài hát và nói, “Nhưng mà nghiêm túc nhé, bất chấp những chuyện em đã biết đó, con bé này có thể, thế nào nhỉ, là con gái một nông dân. Và biết đâu, em sẽ thực sự thích nó.”

“Con gái nông dân thường có tên bốn chữ hả?” tôi bật lại.

“Em chẳng bao giờ biết đâu,” Suzanne nói với cái giọng bà chị kẻ cả. “Chỉ là em chẳng bao giờ biết đâu.”

Nhưng những nghi hoặc của tôi dường như được củng cố thêm khi vài ngày sau đó tôi nhận được một lá thư viết tay trên giấy hồng phấn với những nết chữ chững chạc, đẹp mắt từ Margot. Chữ ký lồng óng ánh của cô là kiểu chữ thảo bay bướm, chữ G trong tên họ viết to lên lượn vòng qua chữ M và chữ H. Tôi tự hỏi người họ hàng giàu có nào đã bị cô xem nhẹ bằng hành động bỏ qua chữ E. Giọng văn dạt dào tình cảm (tám dấu chấm cảm cả thảy) nhưng vẫn đâu ra đấy một cách kỳ lạ. Cô nói cô nóng lòng muốn gặp tôi. Cô đã cố gắng gọi cho tôi nhiều lần nhưng không thể gặp được tôi (nhà tôi không có loại điện thoại giữ cuộc gọi chờ hoặc trả lời tự động, một thực tế khiến tôi khá xấu hổ). Cô nói cô sẽ mang theo một chiếc tủ lạnh nhỏ và dàn âm thanh (loại nghe được CD; tôi còn chưa biết gì nhiều về cassette). Cô hy vọng chúng tôi có thể mua chăn giống nhau. Cô đã nhìn thấy mấy chiếc màu hồng pha lục xám rất dễ thương hiệu Ralph Lauren, và đề nghị mua hai chiếc cho chúng tôi nếu tôi thấy thích. Nhưng nếu tôi không phải người yêu màu hồng, chúng tôi có thể đổi sang màu vàng pha với màu hoa oải hương, “một sự kết hợp tuyệt vời”. Hay màu ngọc lam pha với đỏ san hô, “thú vị không kém”. Cô chỉ không quá thích thú với lối thiết kế nột thất sử dụng các màu cơ bản, nhưng sẳn sàng lắng nghe các gợi ý của tôi. Cô viết cho tôi rằng cô “chân thành” hy vọng tôi sẽ nghỉ ngơi thoải mái suốt mùa hè còn lại và ký dưới lá thư “Nồng ấm, Margot,” một lối kết thư quá sức lạ lùng, có vẻ như nhạt nhẽo và giả dối thì đúng hơn là ấm áp. Tôi từ trước tới giờ chỉ ký thư bằng từ “Thân yêu” hoặc “Chân thành”, nhưng ghi nhớ trong đầu lần sau sẽ dùng thử từ “Nồng ấm” đó. Nó là điều đầu tiên trong rất nhiều điều tôi sẽ bắt chước Margot.

Tôi lên dây cót để gọi điện cho cô vào chiều hôm sau, cầm sẵn giấy bút trong tay để chắc chắn sẽ không bỏ sót điều gì, chẳng hạn như một đề nghị sử dụng chung đồ phòng tắm – làm cho mọi thứ đúng như gia đình thật sự.

Điện thoại đổ chuông hai lần và rồi một giọng đàn ông trả lời. Tôi đoán đó là bố Margot hoặc có lẽ là người làm vườn đang vào nhà pha một ly nước chanh tươi mát. Bằng giọng trả lời điện thoại thích hợp nhất, tôi hỏi gặp Margot.

“Margot đang ở câu lạc bộ, đi chơi tennis,” giọng nam đáp.

Câu lạc bộ, tôi ngẫm ngợi. Bingo. Chúng tôi cũng có một câu lạc bộ, về mặt lý thuyết là thế nhưng thực ra nó chỉ là cái bể bơi khu phố được gọi là câu lạc bộ, bao gồm một cái bể nhỏ hình chữ nhật, một đầu có quầy phục vụ đồ ăn nhanh, một đầu là ván nhảy, còn lại được chắn bởi rào dây xích. Tôi gần như chắc chắn câu lạc bộ mà Margot đến là một kiểu hoàn toàn khác. Tôi tưởng tượng ra hàng dãy sân đất nện, những chiếc sandwich ngon lành dọn trên đĩa sứ, những khu đồi uốn lượn của sân golf điểm tô bởi những cây liễu rủ hay bất kể loại cây bản địa nào của vùng Georgia.

“Tôi có thể nhắn gì cho Margot?” người đó hỏi. Ngữ điệu miền Nam của người đó rất nhẹ, chỉ lộ ra ở chữ tôi.

Tôi lưỡng lự, hơi bối rối, và rồi ngần ngại giới thiệu mình là bạn cùng phòng sắp tới của Margot.

“Ồ, thế ư! Anh là Andy. Anh trai của Margot.”

Và chuyện là thế.

Andy. Tên người chồng tương lai của tôi – cái tên mà sau này tôi được biết nó đầy đủ là Andrew Wallace Graham III.

Andy nói tiếp rằng anh học ở trường Vanderbilt, nhưng cậu bạn nối khố sắp vào năm cuối trường Wake Forest, thế nên anh cùng đám bạn thân chắc chắn sẽ tới chỉ bảo mọi việc cho chúng tôi, chia sẽ với chúng tôi thông tin về các giáo sư và các hội nữ trong trường, giữ cho chúng tôi tránh khỏi rắc rối, và “đủ chuyện hay”.

Tôi cảm ơn anh, cảm thấy mình có phần dễ thở hơn.

“Không có gì đâu,” Andy nói. Rồi bảo thêm, “Margot sẽ mừng lắm đấy khi nghe tin em. Anh biết con bé rất muốn bàn với em về khăn trải giường hay rèm cửa hay cái gì đó… Anh thật sự mong là em thích màu hồng.”

Tôi sốt sắng trả lời, “Ồ. Có chứ. Em yêu màu hồng.”

Đó là một lời nói dối sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều năm sau, thậm chí Andy còn lôi ra để châm chọc tôi vào bữa tối trước đám cưới của chúng tôi, phần nhiều là để mua vui cho Margot và bạn bè thân nhất của chúng tôi, tất cả những kẻ biết thừa rằng mặc dù cũng có mặt nữ tính nhưng còn lâu tôi mới đáng là thục nữ.

“Ô. Tốt quá,” Andy nói. “Một đôi bạn trời sinh giữa thiên đường màu hồng.”

Tôi mỉm cười thầm nghĩ mặc cho những điều còn chưa rõ về Margot, cô ấy có người anh trai hết sức đáng yêu.

Rồi hóa ra thế thật, tôi đã đúng về cả Andy lẫn Margot. Anh ấy rất đáng yêu, còn cô ấy hoàn toàn chẳng có gì tương hợp với tôi. Trước hết chúng tôi có nhiều đối lập về ngoại hình. Cô có mái tóc vàng, mắt xanh, da trắng, dáng người mi nhon hấp dẫn. Còn tôi có mái tóc sậm màu, mắt nâu, làn da luôn trông rám nắng ngay cả giữa ngày đông xám xịt, và dáng người thể thao cao ráo. Chúng tôi đều quyến rũ như nhau nhưng Margot có vẻ nhẹ nhàng, uyển chuyển trong khi tôi thì có thể được mô tả một cách đon giản hơn bằng từ xinh đẹp.

Hoàn cảnh sống của chúng tôi cũng chẳng thể khác biệt hơn được nữa. Margot sống trong căn nhà to lớn, lộng lẫy ngự trên mặt đất đẹp đẽ rộng vài mẫu có cây cối bao quanh ở vùng giàu có nhất Atlanta – một điền sản vô giá. Tôi thì lớn lên trong một trang trại nhỏ với những quầy bếp màu cam như trong bộ phim Brady Buch ở khu lao động của Pittsburgh. Bố Margot là một luột sư nổi tiếng có chân trong ban điều hành của nhiều công ty. Bố tôi là một người bán hàng – bán những thứ đồ tầm thường như máy chiếu để chiếu những bộ phim tẻ nhạt, chán ngắt mà cánh giáo viên trung học lười biếng thường bắt hoc trò xem. Mẹ Margot từng là hoa khôi ở Charleston, có óc thẩm mỹ thời trang chẳng kém gì Babe Paley(1) và một thân hình xinh đẹp, quý phái. Mẹ tôi từng là cô giáo dạy số học cấp hai bình thường trước khi bà mất vì bệnh ung thư phổi, dù bà chưa bao giờ hút thuốc, vào ngày trước sinh nhật thứ mười ba của tôi.

Margot có hai anh trai, cả hai đều rất thương chiều cô. Gia đình cô thuộc nhóm Anglo Saxon da trắng theo đạo tin lành ở miền Nam giống như dòng họ Kennedy, chơi bóng ném trên bãi biển ở Sea Island, đi trượt tuyết mọi mùa đông, và nghỉ lễ Giáng sinh ở Châu Âu. Chị gái tôi và tôi trải qua những kỳ nghĩ ở bãi biển Jersey cùng ông bà. Chúng tôi không có hộ chiếu, chưa bao giờ ra khỏi đất nước và chỉ mới được lên máy bay mỗi một lần.

Margot là đội trưởng đội cổ vũ và là cựu hoa khôi của trường, luôn tràn đầy lòng tự tin có được nhờ sự giàu có, giao du rộng rãi của dòng dõi danh giá. Tôi là người kín đáo, thần kinh hơi yếu, và bất chấp khao khát được hòa nhập của mình, tôi lại thấy thoải mái hơn nhiều khi chỉ đứng bên lề.

Nhưng bất kể mọi khác biệt, chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau. Và rồi mấy năm sau, trong câu chuyện sẽ là hồi ức hoàn hảo được kể lại trên trường kỷ, tôi đã phải lòng anh trai cô. Người mà tôi biết hẳn sẽ dễ thương không kém gì sự tử tế mà anh từng thể hiện.

Nhưng có rất nhiều điều đã xảy ra trước lúc tôi cưới Andy và sau khi lá thư của Margot đến trong hòm thư của tôi. Rất nhiều điều. Và một trong số đó là Leo. Người tôi sẽ yêu trước khi yêu Andy. Người tôi sẽ thành ra hận, nhưng vẫn còn yêu, rất lâu sau khi chúng tôi chia tay. Người mà rốt cuộc, rốt cuộc tôi cũng quên được. Để rồi gặp lại, nhiều năm sau đó, trên một lối bộ hành giữa phố phường New York.

(1) Babe Paley (1915 – 1978): Một người phụ nữ Mỹ xinh đẹp, được xem là biểu tượng thời trang thế giới, từng giữ chức tổng biên tập tạp chí Vogue. Bà mất vì bệnh ung thư phổi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.