Yêu Người Ở Bên Ta

Chương 11



Sáng thứ Hai đến vội vã như vẫn luôn thế trong những hoàn cảnh khi ta không thật sự chắc ta phải ứng phó thế nào. Kể từ tối thứ Bảy, tôi cứ miên man suốt với kế hoạch Leo- Drake của mình – quanh quẩn mãi nào là không bao giờ gọi lại cho Leo, nào là nói hết với Andy và để anh quyết định về buổi chụp hình đó, cho đến gặp Leo mặt đối mặt để nghe mọi chi tiết thú vị về nhiệm vụ lớn nhất đời tôi từ trước tới nay.

Nhưng lúc này, khi dừng lại trước cửa nhà sau khi hôn tạm biệt Andy trước lúc anh đi làm, trong đầu là chất giọng như thôi miên của Drake với bài “Crossroads”, bài hát về hậu quả thảm hại của một đêm không chung thủy, tôi biết điều mình phải làm. Tôi quay lại và chạy qua phòng khách, lao đến bên cửa sổ trên đôi tất màu tía mềm mại của mình để kịp chớp lấy hình ảnh người chồng đang rời khỏi bậc tam cấp tòa nhà và sải bước trên vỉa hè trong chiếc áo choàng xanh nước biển dài đến gối tuyệt đẹp cùng chiếc khăn len cashmere màu đỏ. Khi anh khuất về phía đại lộ Công viên, tôi có thể nhìn thấy bóng anh thấp thoáng và nhận thấy anh đang vui vẻ tung tẩy chiếc cặp xách bên hông. Chính hình ảnh lướt qua ấy đã gia cố cho quyết định cuối cùng của tôi.

Tôi chậm chạp quay lại bếp và nhìn lên chiếc đồng hồ trên lò nướng. Chín giờ bốn mươi hai phút – đủ muộn để gọi cho bất kỳ ai. Nhưng dù sao tôi vẫn trì hoãn, quyết định trước tiên phải uống một tách cà phê. Máy cà phê của chúng tôi đã hỏng mấy tuần trước mà chúng tôi lại không có ấm, vì thế tôi lấy một cốc nước từ vòi để đun sôi trong lò vi sóng, rồi lục lọi khắp ngăn tủ kiếm một hộp cà phê hòa tan, đúng kiểu mà tôi từng thấy mẹ vẫn làm mỗi sáng. Tôi nhìn lại hình ảnh quý ông quen thuộc trên nhãn gói Taster’s Choice, lấy làm lạ vì tôi thường thấy ông có vẻ rất già cơ mà. Giờ trông ông dường như vẫn còn trẻ – cùng lắm là quá tuổi bốn mươi. Lại một trò ảo thuật của thời gian.

Tôi mở nắp hộp và quấy vào nước hai muỗng cà phê, ngắm nhìn những tinh thể màu nâu tan ra. Tôi nhấp một ngụm và trong lòng bỗng trỗi lên hình ảnh mẹ. Thật sự là những điều nhỏ bé, như món cà phê hòa tan này, luôn khiến tôi nhớ mẹ hơn cả. Tôi tính gọi cho Suzanne – thỉnh thoảng chị có thể làm vơi những cơn đau như thế này bởi đơn giản chị là người duy nhất trên đời hiểu tôi cảm thấy thế nào. Mặc dù có mối quan hệ với mẹ rất khác nhau – chị với mẹ thường bất ổn bởi vì chị thừa hưởng gen bướng bỉnh từ mẹ – chúng tôi vẫn là hai chị em mất mẹ từ nhỏ và đó chính là mối ràng buộc vĩnh cửu, mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi quyết định không gọi cho chị, bởi vì đôi khi nó cũng mang đến những tác động trái chiều, và có thể cuối cùng tôi thậm chí còn cảm thấy tệ hơn. Ngay lúc này đây, tôi không thể chịu nổi nếu lại bị xuống tinh thần.

Thay vì vậy, tôi làm mình phân tâm với bộ sưu tập Phong cách của tờ Times, thong thả đọc về mốt quần legging mới, vốn đã được Margot dự báo từ năm ngoái, trong khi nhấm nháp ly cà phê nhạt nhẽo, tự hỏi sao mẹ chịu nổi thứ này trong ngần ấy năm. Sau đó, tôi dọn giường, dỡ hết đồ đạc còn lại trong chiếc túi vải thô, sắp xếp lại ngăn kéo đựng tất của tôi, rồi của Andy, đánh răng, tắm, và mặc đồ. Vẫn chưa cảm thấy thật sẵn sàng, tôi sắp xếp lại các cuốn tiểu thuyết trên giá sách theo alphabet tên họ của tác giả, một kế hoạch tôi đã dự định đến mấy năm rồi mà chưa làm được. Tôi lướt ngón tay trên những gáy sách gọn gàng tăm tắp, cảm thấy một luồng thỏa mãn, thích thú đối với cái trật tự hoàn hảo này bất chấp sự hỗn loạn trong đầu tôi.

Đến mười một giờ hai mươi lăm phút, cuối cùng tôi cũng dẹp tan được sự hồi hộp để gọi điện. Cả cảm giác giải thoát lẫn thất vọng cùng đến với tôi, Leo không trả lời, cuộc gọi của tôi chuyển thẳng vào hộp thư thoại. Trong cơn phấn khích, tôi làm một bài diễn thuyết tràng giang đại hải những cảm xúc tôi cóp nhặt lại từ ba mươi sáu tiếng vừa qua, trong khi ở nhà thờ cũng như khi dùng bữa nhẹ với gia đình Graham, rồi sau đó khi chúng tôi lái xe lòng vòng quanh Buckhead để xem thêm những ngôi nhà đang rao bán, rồi trên chuyến bay về nhà bình yên của chúng tôi.

Những ý chính trong bài diễn văn của tôi là (a) tôi rất ấn tượng vì anh ta có mối liên hệ với Drake Watters (sao không ném cho anh ta một khúc xương vô dụng chứ?), và (b) đánh giá rất cao chuyện anh ta nghĩ đến công việc của tôi và (c) hẳn phải sướng run cực độ vì nhận được vụ đó, nhưng (d) không cảm thấy “hoàn toàn thoải mái với ý định nối lại tình bạn và nghĩ rằng tốt nhất chúng ta không nên làm thế.” Vào giây cuối cùng, tôi cắt bỏ (e) “như thế này là thiếu tôn trọng chồng tôi,” vì tôi không muốn Leo nghĩ anh ta dự được vào hạng “Anh tuyệt lắm, anh áp chế được cả chồng tôi” kiểu Brad Turner, mà tốt hơn là vào hạng “Anh vô hại lắm nên thật thoải mái khi cười đùa vui vẻ với anh trong sân sau nhà tôi” kiểu Ty Portera.

Tôi gác máy, cảm thấy nhẹ nhõm, và lần đầu tiên kể từ khi trông thấy Leo mấy tuần trước, lòng tôi gần như thanh thản. Cuộc gọi có thể không là sự kết thúc theo nghĩa cổ điển của từ đó, nhưng nó vẫn là sự kết thúc theo một kiểu nào đó, và quan trọng hơn, nó là sự kết thúc trong thuật ngữ của tôi. Tôi đã gọi một cuộc cuối cùng. Điều đó thậm chí còn có ý nghĩa hơn nếu xét đến chuyện tôi đã có một lời bào chữa hoàn hảo – Drake Watters, vì Chúa – cho việc gặp Leo, vui vẻ hàn huyên với anh ta, rồi thậm chí lại rơi vào một cuộc trò chuyện u sầu hơn về chủ đề “dù sao thì thực sự chuyện gì đã xảy ra giữa chúng ta chứ?” Nhưng tôi đã quẳng cơ hội ấy đi. Thực ra là đóng sầm cánh cửa chặn nó lại. Không phải vì tôi không thể điều khiển được tình bạn với Leo, mà vì đơn giản là tôi không muốn có. Hết chuyện.

Tôi tưởng tượng ra Leo nghe tin nhắn, tự hỏi liệu anh ta sẽ tiu nghỉu, hơi chán nản, hay chỉ thờ ơ vô cảm. Tuy hiên, bất kể là gì, tôi biết anh ta sẽ ngạc nhiên là sức mạnh của anh ta, từng vô cùng bạo liệt, nay đã trở nên khô kiệt hoàn toàn. Anh ta chắc chắn sẽ đem lời gợi ý kia – và mối chụp ảnh của anh ta – đi chỗ khác. Và tôi sẽ chỉ phải đành chấp nhận thực tế rằng tôi đã từng có cơ hội chụp hình Drake Watters. Tôi mỉm cười với bản thân, cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc và đạo đức, rồi ca vang lên câu duy nhất nâng đỡ tinh thần trong “Crossroads” bằng giọng hát phô rình khủng khiếp của mình: Khi bình minh đến, em yêu ơi, anh sẽ phải ra đi mãi mãi.

Mấy ngày không có gì đáng nói sau đó, khi hầu như đã tẩy sạch sẽ Leo ra khỏi tâm trí mình, tôi đang làm việc trong phòng làm việc của mình trên tầng mười lăm của một tòa nhà văn phòng nằm ở chỗ đường 24 giao với đại lộ 10. Chia sẻ không gian này, đồng nghĩa cùng trả tiền thuê, là Julian và Sabina, hai tay nhiếp ảnh tác nghiệp chung với nhau, và Oscar, một thợ in và nhà sản xuất tác phẩm nghệ thuật làm việc độc lập. Bốn chúng tôi ở cùng với nhau trong phòng làm việc đơn giản này đã hơn hai năm nay, và hệ quả là đã trở thành bạn chí cốt.

Sabina, một phụ nữ mảnh mai, nhợt nhạt với vẻ ngoài xanh xao như thiếu máu thật không tương xứng với cá tính nổ trời của cô, thường nói chuyện liên kỳ hồi trận, chỉ có duy nhất một đối thủ là chiếc radio bắt kênh BBC của Oscar luôn được anh ta giữ ở một chế độ âm thanh thật khó chịu khiến tôi không thể nghe rõ mà cũng không tài nào giả điếc được. Lúc này cô đang chọc cười chúng tôi với câu chuyện về trò quậy mới nhất của lũ nhóc sinh ba mới được ba tuổi của cô: dội toàn bộ bộ sưu tập măng sét kiểu cổ của chồng cô xuống toilet, gây nên một trận lụt trong căn hộ tầng bốn không thang máy và khiến nước lênh láng khắp cả tầng dưới. Cô cười lớn khi kể lại chi tiết hàng khủng đó vì theo lời cô, “Ngoài cười ra thì ta còn biết làm gì chứ?” Tôi chợt hiểu ra rằng cô âm thầm vui sướng với câu chuyện đó, vì cô vẫn thường chê trách chồng cô là thực dụng và cứng nhắc. Tôi yêu thích những câu chuyện của Sabina, đặc biệt trong khi thực hiện những thao tác chỉnh sửa ảnh không phải động não, như chính lúc này đây. Cụ thể là, tôi đang tẩy một đám mụn khỏi khuôn mặt một cậu nhóc đang trượt ván để làm hình quảng cáo cho một hãng thu âm nhỏ.

“Mọi người nghĩ sao nào? Tôi có nên cho cậu bé này thêm chút cằm không?” tôi hỏi.

Oscar, một người Anh u sầu chẳng có chút tính uy mua nào, chỉ hơi ngước lên từ một trong những hộc bàn nhỏ đựng đầy bộ chữ in bằng gỗ, chất atimon và than chì của anh ta. Nhờ đứng nhìn qua vai anh ta lúc mới đến, tôi biết anh ta đang làm việc với một quyển sách nghệ thuật sử dụng kiểu chữ Etruria, kiểu chữ thời Victoria yêu chuộng của anh. Tôi thích quan sát Oscar làm việc, có lẽ bởi vì nghề nghiệp của anh khác hẳn tôi, nhưng chủ yếu là vì phong thái thanh nhã, gần như lạc hậu của anh.

“Để mặc thằng bé tội nghiếp thế đi,” anh ta nói trong khi làm ẩm giấy rồi sau đó càu nhàu thêm gì đấy về “trò bịp bợm phẫu thuật chỉnh hình kỹ thuật số”.

“Đúng đấy, Ellen. Thôi trò vớ vẩn ấy đi được chứ?” Julian, người vừa quay lại sau lần nghỉ hút thuốc không biết thứ bao nhiêu trong ngày, xen vào, như thể anh ta, chính bản thân anh ta, chưa từng gọt giũa kỹ càng cặp đùi của một cô nàng gầy nhẳng bao giờ.

Tôi mỉm cười nói, “Tôi sẽ thử,”

Trong ba đồng sự chia sẻ không gian làm việc, tôi có lẽ thích Julian hơn cả – ít nhấtt là vì chúng tôi có nhiều thứ chung nhất. Anh ta tầm tuổi tôi và cũng kết hôn với một luật sư – một cô gái sôi nổi, dễ thương tên là Hillary.

Vừa bảo Julian im đi, Sabina vừa hấp tấp chạy sang chỗ tôi trong chiếc quần jean bó màu xanh rách gối, mái tóc dài theo mốt thập niên sáu mươi của cô kêu loạt soạt sau lưng. Cô xin lỗi trước vì mùi tỏi trong hơi thở, lí nhí gì đó về chuyện ăn quá nhiều món rau đi kèm, và rồi nhìn xuống bức hình đang thảo luận.

“Chuyển động tuyệt quá này,” cô nói, chỉ vào tấm ván trượt hơi nhòe đi giữa không trung.

Vốn xem chuyển động như điểm yếu nhất trong tay nghề nhiếp ảnh của mình nên tôi thực sự cảm kích câu bình luận này. “Cảm ơn,” tôi nói. “Nhưng còn cằm cậu ấy thì sao?”

Cô mang bản in lại chỗ ánh sáng và nói, “Tớ hiểu ý cậu, nhưng tớ nghĩ rằng chiếc cằm ấy khiến cậu ta trông cáu kỉnh hơn… Vẻ cáu kỉnh tốt cho tấm hình quảng cáo phải không?”

Tôi gật đầu, “Đúng. Bộ đĩa đó gọi là Badass. Nên tớ nghĩ vẻ cáu kỉnh sẽ rất hợp.”

Sabina nhìn lần cuối rồi nói, “Nhưng hẳn tớ sẽ cho mũi cậu ta nhỏ hơn một tí. Cái đó làm phân tâm hơn là chiếc cằm nhỏ… Đã khi nào cậu để ý cằm mỏng với mũi to hay đi với nhau đến thế nào chưa? Và tóm lại, vì sao lại thế?”

Điện thoại của tôi reo cắt ngang dòng phân tích của Sabina.

“Một giây thôi,” tôi nói, cho rằng đó là Margot, cô đã gọi hai lần trong vòng một tiếng đồng hồ vừa qua. Nhưng khi liếc xuống, tôi thấy đó là Cynthia, đại diện của tôi.

Tôi trả lời, và như thường lệ, cô hét vào điện thoại. “Ngồi xuống đi. Cô không tin nổi chuyện này đâu!”

Leo chạy vọt qua đầu tôi, nhưng tôi vẫn chết lặng khi nghe cô phun ra phần còn lại của thông tin.

“Tạp chí Platform đã gọi,” cô nói. Và nghe đây, bạn thân mến, họ muốn cô chụp hình Drake Watters cho câu chuyện trang bìa ấn bản tháng Tư của họ!”

Thật tuyệt vời,” tôi nói, cảm thấy bị nhấn chìm trong một cảm xúc hỗn độn. Thoạt tiên, tôi thật sư không thể tin nổi Leo vẫn tiếp tục dẫn dắt chuyện này, mặc dù trong muộn màng, tôi có thể thấy rõ ràng mình đã bỏ ngỏ một cánh cửa sau to đùng, khá tiện lợi, cho anh ta dàn xếp mọi chuyện thông qua đại diện của tôi. Tuy nhiên, thực tình tôi đã không nghĩ anh ta rộng lòng đến thế. Tôi đã nghĩ – và thậm chí có lẽ đã hy vọng – rằng khúc xương Drake còn hơn cả một trò chơi quyền lực, một mưu đồ để dụ tôi quay lại và buộc tôi phải chui đầu vào một tình bạn nhập nhằng không hợp lẽ. Giờ đây tôi buộc phải nhìn nhận động thái này, nếu không muốn nói là nhìn nhận Leo, trong một ánh sáng mới. Và tất nhiên, phủ lên tất cả chuyện này là cảm giác vô cùng hồi hộp, choáng váng run rẩy vì được chụp ảnh một thần tượng.

“Tuyệt vời?” Cynthia nói. “Từ tuyệt vời quá nhẹ.”

“Tuyệt vời không tưởng nổi,” tôi nói, cười rạng rỡ.

Sabina, lúc nào cũng tò mò nhưng chưa bao giờ tỏ ra lỗ mãng, thì thầm, “Sao? Sao?”

Tôi nghệch ngoạc mấy chữ Platform và Drake Watters vào tập giấy nhớ. Cô trợn tròn mắt nhảy một điệu kỳ cục quanh cây cột nối từ trần nhà tróc vảy xuống sàn xi măng và rồi chạy ào đi báo tin cho Julian. Anh ta ngước nhìn lên và ném cho tôi một nụ cười. Chúng tôi không cạnh tranh nhau, nhưng chắc chắn luôn duy trì một cuộc đua thân thiện. Trước vụ này, anh ta và Sabina đã dẫn trước rất cừ với lần chụp ảnh Katie Couric cho tờ Redbook tại vùng Hamptons, nơi Julian thường thực hiện tất cả các tác phẩm của mình trước khi kết hôn với Hillary và bị cô lôi tuột về New York luôn.

“Họ có nói sao họ có tên tôi không?” tôi bình tĩnh hỏi Cynthia sau khi cô nói qua một số chi tiết về buổi chụp – cụ thể là nó sẽ được thực hiện ở Los Angeles; tạp chí sẽ trả ba nghìn đô, cộng tiền vé máy bay, tiền thuê thiết bị, phụ phí, và một suất ở khách sạn hàng đầu Beverly Wilshire.

“Không,” cô nói. “Mà ai cần để ý chứ? Chị nên ăn mừng ngay đi, đừng hỏi nữa!”

“Phải,” tôi nói, vô cùng mong muốn có thể tin được chính chuyện này. Rốt cuộc, tôi nghĩ khi cảm ơn cô, gác máy, và nhận một lược những lời chúc mừng, có một nguyên tắc, và cũng có một sự ngốc nghếch tự phụ, bướng bỉnh nữa. Trò bịp bợm, như Oscar sẽ nói. Và chắc chắn bất kỳ ai, kể cả Andy, cũng đều phải đồng ý rằng thật không đáng để từ bỏ Drake Watters chỉ vì trò bịp của bạn trai cũ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.