Năm học đầu tiên của cuộc đời bác sĩ nội trú, An Nhiên quay cuồng với vô vàn công việc, từ trực tiếp thăm khám, tiểu phẫu, trực ban. Ngày ngày ở trong bệnh viện, cô đã đối diện với nhiều trường hợp thương tâm. Với một người vừa bỡ ngỡ bước vào đời như An Nhiên, trong lòng không khỏi bùi ngùi. Nhiều khi nhìn những người bệnh nghèo khổ đến mức không có tiền chữa bệnh, phải yêu cầu xuất viện cho dù bệnh đã trở nặng. Nhiều người chỉ quay lại bệnh viện khi cơn đau hành hạ không chịu nổi dù trong túi không có một đồng.
Hôm nay, có một bệnh nhân nghèo ở tận miền trung xa xôi, quanh năm việc chính của gia đình là bám biển. Nghề mưu sinh của anh là ngày ngày lặn sâu dưới biển, đến mức ép tim. Vừa rồi xe cấp cứu đưa anh từ miền trung vào thành phố. Bệnh nhân gia cảnh nghèo đến mức không còn gì để bán mà mổ tim.
An Nhiên khi tham gia thăm khám cho anh ta mà lẳng lặng lau nước mắt. Tuổi đời anh ta còn quá trẻ, bây giờ không có tiền mổ tim. Vợ con ngoài quê không biết sẽ ra sao. Trong nhà anh ta lại là lao động chính. Bảo hiểm y tế cũng không có. An Nhiên cũng theo người ta quyên góp cho anh ấy nhưng vẫn không đủ chi phí. Cô không dám xin cậu mợ nữa, vì đã rất nhiều lần cô đã sử dụng tiền của cậu mợ rồi đi giúp các bệnh nhân.
Có lần cậu đã nói không phải cậu vô tình hay không ủng hộ hành động giúp người khác của An Nhiên nhưng mà cô đã quá xúc động rồi. Hầu như bệnh nhân nào khổ cũng có mặt cô. Còn chưa ra trường nhưng số tiền cô giúp người còn nhiều hơn tiền lương cô kiếm được. Cô đã để cảm xúc lấn át quá nhiều. Giờ thì An Nhiên chẳng dám mở miệng với cậu. Nhưng trong lòng không ngừng suy nghĩ làm thế nào để giúp bệnh nhân đó. Suốt cả ngày cô vừa làm bệnh án, vừa trực ban và suy nghĩ cách nào kiếm cho anh ta 100 triệu. Chỉ cần thêm 100 triệu nữa anh ta có thể được mổ.
An Nhiên ngồi thẫn thờ, cô thương bệnh nhân và cảm thấy bất lực. Vay mượn bạn bè, toàn bác sĩ mới ra trường như cô, làm sao có tiền cho cô vay. Có điều vay như vậy rồi khi nào cô có tiền trả người ta đây? Bây giờ lương đang đi học của cô đâu có là bao. An Nhiên vừa nghĩ vừa mũi lòng, lại buồn cho bệnh nhân.
Cô bèn lấy máy gọi cho chị Khanh.
“Chị ơi, vừa rồi chị bảo em có một số sự kiện, hay chương trình biểu diễn thời trang gì đó muốn mời em tham dự phải không ạ?”
“Đúng rồi. Mà sao hôm nay em lại hỏi điều này?” Chị Khanh ngạc nhiên.
“Thường mỗi lần đi sự kiện em được trả tiền có nhiều không ạ?”
“Em đang thiếu tiền hả? Cần bao nhiêu chị giúp cho?”
“Dạ không, không phải em cần cho em. Em muốn giúp bệnh nhân của em.”
“Ồ!”
“Nếu bây giờ em nhận lời đi sự kiện, em được trả bao nhiêu hả chị?”
“Với độ nổi tiếng như hiện giờ của em chắc được khoảng 4.000 ngàn mấy USD.”
“Như vậy vẫn chưa đủ.”
“Em cần bao nhiêu?”
“Dạ khoảng hơn 100 triệu.”
“Dễ mà, chỉ cần đi một sự kiện của nhãn hàng lớn là đủ. Để chị liên lạc cho. Nhưng mà em có thời gian không đó?”
“Sự kiện diễn ra buổi tối hả chị?”
“Cũng không hẳn, có thể trưa, hoặc tùy công ty tổ chức sự kiện muốn quảng bá sản phẩm kiểu gì. Nhưng không mất nhiều thời gian đâu. Có lẽ khoảng hai tiếng là xong.”
“Vậy chị giúp nhận cho em một sự kiện nào đó giá khoảng 100 triệu với ạ.”
“Em thật là, lần đầu tiên kiếm tiền chỉ vì muốn giúp người ta. Chị không biết nên khen hay trách em bây giờ.”
“Thôi chị đừng trách nữa. Cậu mợ em cũng đã nói em nhiều lắm rồi. Mà em thấy người ta khổ quá nên giúp thôi.”
“Sao chị tiên đoán em sẽ trở thành bác sĩ có tâm nhưng nghèo nhất Việt Nam quá.”
“Chị chọc em hoài.”
“Bây giờ chị sẽ đi liên lạc, có thông tin chị báo em liền.”
Công nhận chị Khanh thuộc phái hành động. Ngày hôm sau, chị đã gọi điện thoại báo An Nhiên có chương trình sự kiện của một nhãn hàng hiệu, mời cô tham dự sự kiện của họ, chỉ mất một tiếng rưỡi, và họ trả cô 5.000 USD. An Nhiên nhận lời và kết thúc sự kiện cô được chuyển khoản ngay lập tức.
Bệnh nhân của cô cuối cùng đã được mổ tim. Giây phút anh ấy được đẩy vào phòng mổ, An Nhiên rưng rưng, cầu mong cho anh ta sẽ mau bình phục và quay lại cuộc sống.
Một tháng sau đó, sau khi đã xuất viện về quê, An Nhiên nhận được gói hàng gửi tới bằng đường bưu điện, tên người gửi là người bệnh nhân đã được cô giúp đỡ mổ tim. Mở gói quà ra An Nhiên lại không cầm được nước mắt. Đó là loại khô một nắng, nhưng anh ta gửi đường dài, vận chuyển quá lâu, khi mở ra khô đã lên dòi.
An Nhiên biết ngoài miền trung nắng cháy đó, loại khô này rất quý đối với người dân ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Họ không có gì quý giá, chỉ có thể gửi khô là thực phẩm quý nhất của họ để thay lời cảm ơn. Mặc dù An Nhiên không đành lòng nhưng phải vứt bỏ nó nhưng thật sự cô cảm động vô cùng.
* * *
Từ lúc An Nhiên tham dự sự kiện đó, các tạp chí về thời trang bắt đầu đưa tin Á hậu đã quay lại giới giải trí. Người ta đăng các hình ảnh An Nhiên ăn mặc xinh đẹp, sang trọng tham dự sự kiện của nhãn hàng hiệu thời trang cao cấp. An Nhiên mặc một đầm dài trắng, chít eo chéo, trên cổ mang sợ dây chuyền mỏng manh. Đẹp thanh thoát như một nàng tiên. Không hở hang, không táo bạo.
Cung cách ăn mặc của An Nhiên gây cho người đối diện nhiều thiện cảm. Những bạn trẻ yêu thích cô còn thân thương gọi cô là thần tiên tỷ tỷ. Đặc biệt trong trang hội cuồng, các cô bé liên tục đăng hình An Nhiên và thay vì gọi Á hậu An Nhiên, trong đó bây giờ trao đổi với nhau bằng thần tiên tỷ tỷ của chúng ta, rằng hôm nay chị ấy tham dự sự kiện, nhìn đáng ‘eo’ không chịu được. Tớ nhìn mà muốn ‘chớt’ quá.
Một bạn khác lập tức trả lời: “Nhãn hiệu thời trang này đắt lắm, mà mời chị nhà chúng ta tham dự, cho thấy mức độ nổi tiếng của chị ấy. Nhưng mà chị ấy đáng yêu quá đi. Cầu ôm ôm.” Bạn ấy còn cộng thêm một biểu tượng muốn được ôm.
Lập tức có một bạn khác góp vui: “Đã gọi là thần tiên tỷ tỷ thì phải đáng yêu rồi, nhìn tỷ ấy cười mà tôi muốn ngu người. Ai đồng ý giơ tay nào?”
Một tài khoản khác lập tức phản ứng: “Một triệu like!”
Trong hàng loạt các lượt ưa thích, yêu thương, bất thình nhảy ra một tài khoản anti: “Nhìn cũng bình thường thôi, khuôn mặt chẳng lấy gì làm ấn tượng. Hai năm rồi mới được mời một sự kiện. Còn thua xa Hoa hậu Thùy Linh và Á hậu Hồng Anh.”
Lập tức một làn sóng phẫn nộ bùng phát: “Ê cái con có tuổi mà không có não kia? Mày là fan não tàn nhà ai, đi lạc qua đây gây bạo động? Admin đâu rồi, tại sao lại để con thiêu thân này lọt vào nhà chúng ta? Muốn chết không được tử tế hả?”
Lần lượt các fan cuồng khác của An Nhiên lên tiếng mắng: “Sợ sống lâu quá không ai biết nên sang đây nói bậy để được thiêu thân nhanh phải hem? Biến đi cho trời trong nhé!”
“Dám mắng thần tiên tỷ tỷ của chế, cưng chán sống rồi phải hôn?”
“Diệt nó đi, admin chết đâu rồi?”
“Để đó cho tui, con admin chắc đang bận.”
Philip ngồi trong văn phòng nhìn một đám fan quá khích của An Nhiên mà buồn cười. Thì ra còn có cách bảo vệ thần tượng kiểu này. Cũng đáng yêu thật, cơ mà fan gì hung hăng giống.. thần tượng quá. Cái gì không vừa ý là bạo phát ngay. Có điều cũng nhờ cái hội cuồng này, Philip biết An Nhiên đã tái xuất.
Anh nghĩ mình sẽ có cơ hội tiếp xúc với cô nhiều hơn. Dù chưa biết cô sẽ chọn thái độ ra sao khi gặp lại anh nhưng chắc chắn anh sẽ không có những hành động bồng bột, gây hậu quả nghiêm trọng như thời gian trước. Anh thấy vui với ý nghĩ sắp tới sẽ gặp An Nhiên nhiều hơn. Trong thâm tâm anh không thừa nhận mình có tình cảm đặc biệt nào với An Nhiên, có điều anh không giải thích được tại sao mình muốn đến gần cô.
Philip vạch kế hoạch sẽ mời An Nhiên quảng bá cho nhiều sản phẩm của công ty anh, như vậy anh sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với An Nhiên. Anh bèn bấm gọi chị Hạnh.
“Chị nghe đây Philip.”
“Chị biết ai là người quản lý của An Nhiên không?”
“Cậu hỏi để làm gì?”
“Tôi muốn mời An Nhiên làm mẫu cho một số sản phẩm của công ty mình.”
“Có thật như vậy không?”
“Chứ chị tưởng là gì?”
“Tôi có tưởng tượng gì đâu! Hình như An Nhiên không có người quản lý gì đâu. Có điều cô bé thân với chị Khanh lắm.”
“Chị Khanh nào?”
“Giám đốc Công ty thời trang Sắc Màu ấy.”
“Ồ tôi có nghe tên công ty này, có điều chưa hợp tác lần nào.”
“Công ty cậu thường làm việc với những nhãn hàng ngoại lớn, trong nước thì bỏ qua.”
“Chị có số chị Khanh không? Cho tôi xin.”
“Thôi được, để chị nhắn qua cho cậu.”
Philip bấm số gọi chị Khanh.
“Tôi là Philip, đại diện công ty thời trang AB. Chị là chị Khanh phải không?”
“Ồ Philip, chào cậu!” Chị Khanh vô cùng ngạc nhiên khi nhận điện thoại của Philip. Không biết cậu ấy muốn làm gì? Nếu là hợp tác thì chị sẽ rất vui. Công ty cậu ta có tầm cỡ và uy tín trong ngành thời trang, nếu các mẫu sản phẩm công ty được liên kết với công ty cậu ta, vậy thì tốt biết mấy.
“Chị là quản lý của An Nhiên phải không?”
“Ồ tôi chỉ biết cô bé, không phải là quản lý gì cả.”
“Thế này, chị có rảnh không? Trưa nay tôi mời cơm. Chúng ta trao đổi hợp tác.”
Chị Khanh cầu còn không được. Hôm nay không biết vì lí do gì cậu ta muốn hợp tác với bên chị, nhưng nếu được ký hợp đồng với bên cậu ta, vậy công ty chị sẽ phát triển.
“Được, hẹn gặp cậu ở nhà hàng Hoàng Hoa lúc 11 giờ 30 được không?”
“Okay, bây giờ tôi sẽ bắt đầu đi.”
“Ừm, chào cậu.”
* * *
Chị Khanh bước vào nhà hàng, tìm tới bàn Philip và ngồi xuống. Trông cậu ta lúc nào cũng bảnh trai, và lịch lãm. Cậu ta galant đứng dậy kéo ghế cho chị.
“Cám ơn cậu!”
“Chị uống gì?”
“Cho tôi nước cam là được. Cậu cứ gọi món đi. Tôi không kén ăn.”
Philip gọi phục vụ và đặt một số món. Anh nhìn chị Khanh: “Chị quen sao với An Nhiên?”
Thì ra cậu ta muốn tìm hiểu An Nhiên chứ không phải muốn hợp tác gì với công ty mình. Chị Khanh thầm nghĩ rồi có hơi thất vọng.
“Tôi biết con bé tình cờ, khi An Nhiên lần đầu tới chỗ tôi chơi, tôi thấy cô bé có tư chất làm người mẫu nên mời cô bé làm mẫu cho công ty tôi rồi quen biết từ đó.”
“Tôi tưởng chị là chị gái của cô bé.”
“Bây giờ cũng coi như chị gái. Tôi rất quý cô bé.”
“Tôi muốn hợp tác với bên chị, tôi sẽ đặt hàng một số mẫu thời trang bên công ty, nhưng với điều kiện An Nhiên làm mẫu.”
“Vậy có thể xem là cậu hạ cố ký hợp đồng với tôi vì An Nhiên?” Chị Khanh nhìn xoáy vào Philip.
“Sao chị lại nói vậy, trước giờ chúng ta không có cơ hội hợp tác. Chị hãy nghĩ đơn giản đi, vì An Nhiên hay không thì cứ coi như chúng ta có duyên nên bắt đầu hợp tác với nhau.”
“Chuyện này tôi phải hỏi lại An Nhiên. Sợ con bé không đồng ý.”
“Tại sao? Cô bé không thích hợp tác với tôi sao?”
“Không hẳn là vậy, có điều con bé chắc không có thời gian làm mẫu.”
“Tôi thấy cô bé đã tham dự sự kiện tuần rồi mà.”
“Nó chỉ tham gia khi cần thôi.”
“Ý chị là gì? Tôi không hiểu?”
“Con bé đó rắc rối lắm. Mà thôi, để tôi trao đổi với cô bé rồi sẽ báo lại cậu.”
Hai người vừa ăn vừa trao đổi công việc, có đôi lần Philip muốn hỏi về đời tư của An Nhiên nhưng chị Khanh kín đáo bẻ lái câu chuyện sang hướng khác, khiến anh không khai thác được gì. Có điều anh cũng không thất vọng, vì anh nghĩ sau này còn hợp tác với An Nhiên dài dài, thiếu gì cơ hội để hiểu rõ hơn về cô bé. Rút kinh nghiệm đợt trước, lần này anh sẽ không vội vàng và thiếu thận trọng nữa.
Tuy nhiên anh đã vui mừng quá sớm. Không biết chị Khanh và An Nhiên trao đổi ra sao, nhưng sau đó chị ấy gọi lại cho anh và bảo không thể hợp tác vì người mẫu không có thời gian. Kế hoạch đã bị bóp chết từ trong trứng nước. Philip cảm thấy buồn bực đến phát điên. Cô nàng này đúng là khắc tinh của cuộc đời anh.
* * *
Hôm nay giao ban, phía An Nhiên lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân có hoàn cảnh bi đát khác. Người này là một nhà sư, ông ấy đi tu từ nhỏ nhưng không phải tu từ tâm. Chỉ vì gia cảnh quá nghèo nên mẹ ông đành phải gửi ông vào chùa nuôi hộ. Từ đó ông trở thành nhà sư. Đêm qua, trong lần về nhà thăm mẹ, ông chạy xe đường quê không có đèn điện, khi tránh con chó, ông ngã xuống, đầu va mạnh và thân cây bên đường. Ông nằm ở đường bất tỉnh cả đêm. Sáng hôm nay có người đi làm đồng phát hiện ra đưa giúp vào bệnh viện. Bệnh viện dưới huyện phải chuyển lên tuyến trên.
Khổ một điều là nhà chùa cũng nghèo, gia đình ông cũng nghèo, nhưng bây giờ cần phải xoay trở để mổ não gấp. Các y bác sĩ cũng cố huy động nhưng chi phí mổ não không hề thấp. Tình thế cấp bách bệnh viện cũng phải mổ cấp cứu và xin tài trợ. Tình trạng bệnh nhân này diễn biến bệnh phức tạp. Não xuất huyết, dù ca mổ thành công nhưng chi phí sau hậu phẫu của ông ta là một vấn đề nan giải. Chùa dưới huyện quá nghèo, phật tử cũng không có nhiều tiền để giúp sư thầy.
An Nhiên có mặt trong phòng mổ lúc đó. Cô nhìn bệnh nhân nằm dưới dao phẫu thuật của cậu mà lòng thắt lại. Nhưng phải ráng tập trung phụ cậu mổ cho bệnh nhân.
Ca mổ kéo dài nhiều giờ liền, khiến An Nhiên cũng muốn kiệt sức. Nhờ trời cuối cùng cũng thành công tốt đẹp. Cảm giác sau ca mổ thành công là niềm hạnh phúc vô bờ, cứu sống được bệnh nhân không còn lời gì có thể diễn tả được tâm trạng. Càng về sau An Nhiên càng hiểu tại sao ông ngoại và cậu lại có niềm đam mê với nghề bác sĩ như vậy. Họ dành trọn tâm huyết cả đời chỉ cầm dao mổ, cứu sống bao nhiêu bệnh nhân, cô chợt thấy nghề này cao quý biết bao nhiêu.
Có điều vấn đề tiền viện phí sau ca mổ, không biết gia đình bệnh nhân và nhà chùa sẽ xoay sở ra sao. An Nhiên nghĩ cô cần phải làm một cái gì đó. Vừa rồi chị Khanh gọi điện thoại bảo cô hợp tác với Philip, để công ty chị ấy có thể ký hợp đồng. Lúc ấy cô từ chối vì sợ mình không có thời gian, nhưng giờ chắc phải ráng nhận và thương lượng khi nào có thời gian sẽ chạy ra làm mẫu một lúc, rồi vào bệnh viện lại.
Bước ra khỏi phòng phẫu thuật, An Nhiên chạy ra góc bấm điện thoại gọi cho chị Khanh.
“Chị ơi, chị hỏi giúp em với Philip là nếu em nhận lời làm mẫu, có mất nhiều thời gian không chị? Em có thể xin thời gian linh hoạt không ạ? Nghĩa là khi nào em rảnh em sẽ chạy qua làm mẫu.”
“Em tưởng ê kíp người ta rảnh lắm sao mà phải theo thời khóa biểu của em?” Chị Khanh không đành lòng trách cô.
“Em không có kinh nghiệm nên hỏi vậy thôi.” An Nhiên ỉu xìu “Thế gần đây còn sự kiện nào đánh nhanh rút gọn giống đợt trước nữa không chị?”
“Lại đi làm từ thiện hả? Lần vừa rồi mổ tim, bây giờ là mổ gì nữa vậy?”
“Dạ mổ não!” An Nhiên nói thật.
Chị Khanh la lên: “Chị hỏi chơi mà có thật à? Nhiên ơi là Nhiên, em tính sống cái kiểu này cho đến bao giờ? Gì đâu mà có bao nhiêu tiền đi cho bệnh nhân hết. Còn đâu em chi tiêu? Chị sợ em thật rồi Nhiên ơi.”
“Có phải cho gì đâu, chỉ khi nào ai cần lắm mới giúp mà.”
“Giúp đó hả? Em tưởng em in tiền được sao? Vừa rồi đi sự kiện có 5.000 USD là cho hết bệnh nhân mổ tim kia. Giờ lại còn đòi cứu giúp bệnh nhân mổ não. Toàn ca nghiệt ngã, em coi chừng em sẽ ngã quỵ. Vừa học vừa phân thân, rồi còn làm từ thiện. Bồ tát sống, con lại ngài.” Chị Khanh ca thán.
“Chị này, không giúp em thì thôi. Nhưng mà nếu có sự kiện gì ít thời gian thì chị cứ nhận giúp em nha.”
“Tôi không còn lời gì để nói với cô nữa rồi.” Chị Khanh cúp máy mà còn buồn bực. Có điều con bé này làm chị không đành lòng. Thế là chị bấm gọi Philip.
“Tôi nghe đây chị Khanh.”
“Cậu còn ý định hợp tác với An Nhiên nữa không?”
Philip không giấu được giọng reo vui: “Cô bé đó đồng ý làm mẫu rồi hay sao chị?”
“Đại khái là vậy nhưng mà con bé đó không có thời gian, liệu cậu có thể cân nhắc cho con bé linh hoạt thời gian không? Nghĩa là khi nào con bé rảnh, nó sẽ chạy sang chụp hình làm mẫu. Tôi biết đề nghị có hơi kỳ cục. Nếu cậu thấy không hợp lí thì coi như tôi chưa nói gì.”
“Cũng hơi khó cho ê kíp, nhưng tôi nghĩ chuyện này có thể sắp xếp được. Để tôi làm việc lại phía tôi.”
Philip gác máy, khóe môi giương nụ cười. Cuối cùng cô ấy cũng chịu hợp tác. Mặc dù yêu cầu linh hoạt giờ giấc cũng khó cho ê kíp của anh, nhưng cùng lắm thì anh thuê riêng một đội ê kíp làm theo giờ giấc của An Nhiên là được. Miễn là không làm khó cho An Nhiên, anh chịu thiệt một chút cũng được mà. Một lời đã quyết, anh lại liên lạc với chị Khanh, hẹn An Nhiên ký hợp đồng.