Yên Hoa Tam Nguyệt

Chương 7



14.

Lý Bá bưng bát thuốc đi vào, liếc mắt lườm Tiểu Lan đứng bên, lộ rõ vẻ không vui: “Chỉ biết ngơ ngơ ngác ngác.”

Tiểu Lan sợ Lý Bá đến phát run, hấp tấp đỡ lấy bát thuốc đút cho ta uống.

“Đắng không? Hay ăn viên đường mạch nha cho đỡ đắng?”

“Không đắng.” Ta lắc đầu, cô nương ngờ nghệch, thuốc nào thuốc không đắng?

Ta uống hết thuốc, Tiểu Lan cẩn thận bưng bát đi ra ngoài.

“Nha đầu này vụng về lắm, không được như ngươi.” Lý Bá tặc lưỡi nói.

Ta cười: “Muội ấy mới vào cung mà cũng còn nhỏ.”

Lý Bá ngồi xuống ghế, ông giận: “Ngươi cũng hay thật, bảo quỳ bao lâu thì quỳ bấy lâu.”

“Nể mặt Uyển tần nên hoàng thượng mới phạt ngươi, dù ngươi có đi về trước, ngài biết cũng không trách ngươi.”

Ta bất đắc dĩ lên tiếng: “Lý Bá à, hoàng thượng có lẽ sẽ không trách phạt nô tỳ, nhưng nếu Uyển tần biết chẳng phải hoàng thượng sẽ khó xử hay sao.”

“Hơn nữa…tình nghĩa cũng có ngày tàn phai.”

Lý Bá thở dài không nói gì. Ta biết ông ấy hiểu, vừa nãy ông giận quá nên lỡ lời.

Bây giờ mới chỉ là quỳ, ta vẫn chịu được.

Nếu cậy mình nhiều năm hầu hạ, thận cận với hoàng thượng rồi phạm phải những điều ngài ghét, chắc chắn sẽ có ngày ngài mất hết kiên nhẫn.

Chi bằng cứ yên lặng nghe lời ngài, để ngài nhớ rằng ta đã nhẫn nhịn, đã chịu đựng, rằng ta chịu phạt là vì ngài.

Giả sử có một ngày ta thực sự phạt phạm phải sai lầm khó lòng cứu chữa, biết đâu ngài sẽ khai ân.

“Ta đã xin phép hoàng thượng rồi. Ngươi bị nhiễm phong hàn đừng vội dậy, cứ nằm nghỉ ngơi mấy ngày, không cần đến hầu hoàng thượng.”

“Cảm ơn Lý Bá.”

Vậy nên ta được thưởng cho mấy ngày nhàn hạ, có lẽ đây chính là trong họa có phúc. Ta bèn lấy quyển sách Du ký hồi trước Lý Bá đưa ra đọc.

Sách viết, phía Nam có một ngọn núi, cả núi mọc đầy cây phong, thu vừa đến, rừng phong thu một thoáng nhuốm màu quan san.

Người dân nơi đây bèn gọi ngọn núi ấy là núi Xích Thu. (Xích: màu đỏ)

Thật là một chuyện thú vị.

Tiểu Lan đến đưa cơm cho ta. Muội ấy ra vẻ thần bí, vừa bước vào đã đóng cửa lại.

“Thư Nhiên tỷ tỷ, muội kể cho tỷ nghe…”

Muội ấy thì chẳng bao giờ có chuyện gì quan trọng, ta không quan tâm Tiểu Lan định kể gì, ta hỏi: “Nhà muội ở đâu?”

“Hả?” Muội ấy ngơ ngác: “Huyện…huyện Hoa ạ.”

“Cụ thể là chỗ nào?”

“Châu Thanh huyện Hoa.”

“Châu Thanh à…” Ta lật giở quyển sách trên tay: “Có phải chỗ muội có…có cái suối gì…suối Thiên Đường đúng không?”

Tiểu Lan ngẫm nghĩ: “Hình như có.”

“Muội đã đến đấy bao giờ chưa?” Ta hỏi tiếp.

“Chưa, hồi nhỏ muội còn chưa được lên huyện bao giờ, vừa cập kê cái là được đưa vào cung.”

“Ừ ừ.” Ta gật đầu, hơi tiếc.

Bây giờ Tiểu Lan mới nhớ ra vừa nãy định kể chuyện gì đó với ta.

“Thư Nhiên tỷ tỷ, nghe muội nói đi mà. Sáng sớm hôm nay, vị Uyển tần làm tỷ ngã bệnh kia bị ngã xuống hồ chứ.”

“Ngã xuống hồ ư?”

“Đúng vậy, không biết vì sao, rõ là đang đứng đấy tự dưng ngã.”

“Tình cờ hôm nay băng trên mặt hồ rạn nứt nên vị kia ngã ngay xuống đấy tha hồ mà lạnh, may mà có thị vệ đi tuần qua vớt lên.”

“Băng rạn?”

“Ừ, ai bảo xấu tính xấu nết, ông trời cũng ngứa mắt. Uyển tần nhiễm phong hàn rồi, nghe nói bây giờ vẫn đang sốt cao.”

Ta cười, không tỏ thái độ gì: “Ta đói rồi ăn được chưa?”

“À phải, tỷ ăn cơm đi đã kẻo lại nguội.”

“Bất ngờ” ngã xuống hồ, “tình cờ” mặt băng rạn, nhiễm phong hàn, lại “may mắn” gặp đúng thị vệ đi tuần qua nên không bị chết cóng.

Làm gì có nhiều chuyện trùng hợp đến vậy, cũng chẳng phải ông trời có mắt, e là vị cao cao tại thượng kia đang bày ra cho ta xem.

Ừm, quỳ cũng quỳ rồi, bệnh thì sắp khỏi, ta chẳng thấy hứng khởi hơn chút nào.

Hơn nữa, ta cũng không tin hoàng thượng làm vậy chỉ để trút giận thay ta.

Đây chỉ là một trong những lý do ngài làm vậy. Uyển tần vào cung quen thói phách lối, các phi tần không vừa mắt đã lâu, nên hoàng thượng muốn nàng biết điều hơn.

Khỏe lại rồi, ta phải tiếp tục phục vụ nam nhân tôn quý nhất đất Đại Lương này.

Ngài không nhắc lại chuyện hôm ấy, đương nhiên ta cũng không được phép oán hận.

15.

Đầu xuân, lễ sắc phong của Uyển tần được tổ chức rất long trọng, nhưng chẳng mấy người thật tâm chúc mừng nàng.

Có chuyện này khá vui, ấy là nghe nói hôm sau Uyển tần đến Chiêu Nguyệt cung của Lệ phi ra oai, nhưng chưa kịp oai đã bị Thục phi đánh rồi đuổi về.

Thục phi nương nương luyện võ từ nhỏ, người mà đánh thì nữ nhi khỏe mạnh cũng không chịu nổi, chứ chưa nói đến Uyển tần vừa mới bệnh dậy, thành ra rời giường lại liệt giường.

Thấm thoắt mùa hạ đã sang. Thập Thất gửi thư bảo huynh ấy sắp về, huynh ấy còn kể mình lập được công, được thăng lên làm đô úy.

Tốt quá, ta thấy ngưỡng mộ huynh ấy sinh ra là nam nhi có thể thành danh lập nghiệp bằng đôi tay mình. Biết đâu sau này huynh ấy lại được bái tướng phong hầu, đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Biết tin Lý Bá mừng rỡ khôn nguôi. Ông thấy ta ngưỡng mộ mãi bèn dúi cho ta hai quyển binh thư.

Ta hơi khó hiểu, ta có ra chiến trường đâu đọc binh thư làm gì? Lý Bá nghe vậy cốc cho ta phát.

Không phải ông từng nói là không đánh ta nữa sao?

Ta đọc lướt qua nhan đề của hai quyển binh thư, cũng có vẻ hay. Mãi ta mới tìm được cảm hứng để đọc sách nhưng Lý Bá lại không cho ta mượn nữa.

Hậu cung xảy ra một chuyện… tạm coi là chuyện vui.

Lệ phi nương nương có thai sắp được bốn tháng rồi. Khi bụng nổi rõ không giấu được nàng mới tâu lên hoàng thượng.

Hoàng thượng vô cùng tức giận. Lệ phi lại bảo lần trước nàng đã mất một đứa con, nàng sợ vì vậy lần này phải kín kẽ hơn.

Nàng đã nói vậy, hoàng thượng cũng chỉ đành làm thinh.

Uyển tần mới được sắc phong chưa lâu, bây giờ Lệ phi đã giành lại sự sủng ái. Hoặc nói theo cách khác, nàng đã hết giận dỗi hoàng thượng.

Song, ta vẫn thấy khá lấn cấn. Đều là phụ nữ với nhau, trực giác mách bảo ta, Lệ phi nương nương không còn yêu hoàng thượng.

Cho dù nàng có cố gắng không để lộ sơ hở nào, nhưng nhìn ánh mắt của nàng ta biết tình cảm của nàng đã nhạt phai.

Dẫu vậy, ta không nên quan tâm đến những chuyện như thế. Có lẽ hoàng thượng cũng không thực sự quan tâm nàng còn yêu hay không.

Một kẻ đa tình nhưng trái tim sắt đá như y không xứng có được tình cảm chân thành.

Lệ phi mất đứa con đầu là tại ngài, bởi vì ngài sợ phủ tả tướng được thời bành trướng thế lực, cộng thêm khi ấy hoàng hậu cũng chưa có đích tử.

Giờ đây, gia tộc bên Lệ phi suy tàn, hoàng hậu đã sinh được Ngạn Nhi, hoàng thượng sẽ định đoạt thế nào?

Ta cầu nguyện cho Lệ phi bình an.

Tình cảm của Thục phi và Lệ phi mới là tình cảm chân thành. Lệ phi có thai, Thục phi chuyển vào Chiêu Nguyệt cung ở, ngày ngày luyện võ trong sân, cảm giác như thể “tên nào dám đến ta đánh tên đấy”.

Lệ phi được sủng ái, Uyển tần nơm nớp lo sợ.

Nàng vào cung đã lâu mà vẫn chưa có thai, có lẽ cuối cùng nàng cũng ý thức được ai mới thực sự là kẻ nguy hiểm nên nàng không còn gây khó dễ cho ta.

Trên triều, hộ bộ thượng thư xin từ quan về quê quy ẩn tuổi già, sự tình bất ngờ chưa tìm được người thay thế. Hoàng thượng lệnh cho Lưu thị lang, phụ thân của Uyển tần tạm thời tiếp quản sự vụ.

Uyển tần mừng rơn chạy khắp nơi khoe phụ thân nàng thăng quan. Đang trên đà quyền lực thế này, nàng không đi gây chuyện mới lạ.

Trình Lại Mục – người của thái y viện có quen biết ta, mấy hôm trước ta gặp lại y, y mới than với ta rằng Uyển tần suốt ngày vờ vịt yếu ớt.

Nàng còn trách thái y viện kê thuốc thụ thai không hiệu quả, nên đến tận bây giờ nàng vẫn chưa sinh được con cho hoàng thượng. Nàng phạt trượng liên tiếp ba vị thái y.

May mà có hoàng hậu nương nương đứng ra dạy dỗ, phạt cấm túc nàng ta.

Nhắc đến chuyện con cái, tiểu hoàng tử của hoàng hậu nương nương biết nói rồi.

Ngày nọ, ta đang mài mực trong Càn Thanh cung gặp hoàng hậu nương nương dẫn tiểu hoàng tử đến vấn an hoàng thượng.

Thằng bé nhào vào lòng hoàng thượng, giọng nói trong veo cất tiếng gọi “phụ hoàng”.

Hoàng thượng mừng húm nhấc bổng con lên, dỗ ngon dỗ ngọt thằng bé gọi thêm mấy tiếng phụ hoàng, hoàng hậu đứng bên nhìn hai cha con với ánh mắt hạnh phúc.

Một nhà ba người êm ấm hòa thuận.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.