Yên Hoa Tam Nguyệt

Chương 13



26.

“Cười cái gì mà cười! Còn cười được nữa!”

“Thế Lý Bá đã hỏi ý Thập Thất chưa?” Ta hỏi.

“Nó ấy hả? Cưới được người vừa tháo vát vừa nhanh nhẹn, đến cả hoàng thượng còn phải khen như ngươi nó có gì mà không vừa ý chứ?”

Ta thấy ngài ngại: “Lý Bá, bao năm nay cuối cùng cũng có ngày người khen nô tỳ. Không phải hồi trước Lý Bá hay quở nô tỳ vụng về, chậm chạp sao?”

“Thôi thôi, đừng đánh trống lảng nữa, rốt cuộc ý ngươi thế nào, không lẽ ngươi thực sự mong ngóng hoàng thượng ư?”

“Nô tỳ không có ý đó…dẫu vậy nô tỳ và Thập Thất cũng không có thể tiến triển thêm đâu.” Ta nghiêm túc đáp.

“Nô tỳ coi huynh ấy như bằng hữu, như huynh trưởng, nô tỳ nghĩ huynh ấy cũng nghĩ về mình như vậy.”

“Kể cả bây giờ huynh ấy nguyện ý cưới nô tỳ vì niệm tình nghĩa, nhưng lỡ sau này huynh ấy gặp được người mình thích, lúc ấy cả hai phải cư xử thế nào? Đến lúc ấy, có phải chúng ta đã làm tổn thương vô ích tình cảm đáng quý này?”

Có lẽ Lý Bá cũng hiểu phần nào: “Vậy tương lai ngươi định thế nào?”

“Vội vàng làm gì, cứ phải nghĩ ngay bây giờ mới được ư? Hơn nữa, nô tỳ nhất thiết phải lấy chồng sao?”

Hình ảnh của hoàng thượng và vận mệnh của bao nhiêu nữ nhân chốn hậu cung chính là hiện diện của mặt trái của hôn nhân, lúc nào cũng như lời cảnh tỉnh ta đừng quá quá hi vọng về hôn nhân.

Lý Bá cau có coi chừng sắp cốc đầu ta đến nơi: “Bây giờ vẫn còn nhởn nhơ? Đợi lúc thân già này xuống hố rồi ngươi mới biết lo à? Ngươi không lấy chồng thì cứ ở vậy mà làm bà cô già!”

“Sao Lý Bá lại nói thế, người phải sống lâu trăm tuổi chứ. Hoàng thượng không nỡ lòng nào xa Lý Bá đâu.”

“Ở cái tuổi này, ta tự biết sức khỏe của mình thế nào. Ngươi không còn người thân, trước khi nhắm mắt ta phải thấy ngươi tìm được nơi nương tựa, ta mới ra đi thanh thản.”

Ta rơm rớm nước mắt: “Lý Bá, ta tự làm chỗ dựa cho chính mình, không cần phải nương nhờ người khác.”

Lý Bá thở dài: “Trước giờ ngươi sống luôn biết lựa, sau 25 tuổi ngươi có thể xuất cung, khi ấy ngươi tính thế nào?”

Ta không do dự, đáp lại ngay: “Nô tỳ ở lại cung chăm sóc người.”

“Ai rồi cũng có ngày phải từ giã cõi trần, ta cũng vậy thôi. Ta đi rồi, ngươi định sống thế nào?”

Ta im lặng, ta chưa từng nghĩ xa xôi đến vậy.

Ta hầu hạ hoàng thượng, ngài ấy biết ta không có người thân nào ở ngoài hoàng cung, không biết sau này, ngài có cho phép ta xuất cung không…ta không chắc.

Do dự hồi lâu, ta mới cất tiếng.

“Lý Bá, nô tỳ muốn xuất cung. Nô tỳ chưa bao giờ được ngắm nhìn thỏa thích thế giới ngoài kia.”

“Thế giới Thập Thất kể cho nô tỳ thật xa lạ, nô tỳ rất tò mò. Mặc dù nô tỳ không thể nhập ngũ giống huynh ấy, song nô tỳ không muốn cả đời quẩn quanh trong mấy bức tường thâm cung.”

“Nô tỳ muốn đến Giang Nam ngắm mùa lá phong nhuốm đỏ núi Xích Thu; nô tỳ muốn đến Tái Bắc thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa Thiên Sơn Tuyết Liên; nô tỳ còn muốn đến những triền núi nổi danh, những thành ấp xa gần xem xem trên thế gian này thực sự có tiên nhân như lời đồn không…”

Như được bộc bạch hết nỗi lòng, ta cơ hồ quên đi thực tại.

Ấy vậy, ta vẫn chú ý đến sắc mặt của Lý Bá. Nếu như ông ấy lo cho hoàng thượng, muốn ta ở lại…chắc chắn ta sẽ nghe lời ông ấy.

“Được.” Lý Bá mỉm cười.

“Hả?” Ta hơi bất ngờ.

“Đi nhiều biết nhiều cho mở mang tầm mắt, ngươi vẫn còn trẻ mà.” Lý Bá nói xong đi luôn, bỏ lại ta vẫn đang trong cơn bàng hoàng.

Ngày tiễn Thập Thất lên đường, bầu trời trong và xanh, ánh dương không chói gắt, có thể cảm nhận được hơi ấm len lỏi trong không khí. Ánh nắng đượm vàng con đường huynh ấy trở lại Tây Bắc.

Trước mắt Thập Thất là con đường rộng mở, là tiền đồ thênh thang, còn ta chỉ có thể làm một việc nhỏ bé, đó là cầu nguyện cho huynh ấy bình an.

Trước lúc chia tay, ta hỏi huynh ấy rằng: “Thập Thất, sau này huynh muốn trở thành người như thế nào?”

“Tất nhiên ca ca muội muốn rong ruổi sa trường, bảo vệ đất nước, lập công danh, được phong tước!” Ánh mắt huynh ấy toát lên ý chí hào hùng.

“Đúng, chắn chắn huynh sẽ đạt được ước vọng.” Chỉ là hai ta sẽ đi hai con đường khác nhau.

Tiểu Lan khóc sướt mướt: “Thập Thất ca ca nhất định phải bình an nhé.”

“Khóc gì mà khóc?” Lý Bá ghét quá phải lên tiếng.

Thập Thất cười: “Thôi thôi, Lý Bá đừng có giận nữa không tốt cho sức khỏe đâu.”

“Ta phải đi đây, mọi người trở về đi. Thư Nhiên, tất cả phải giữ gìn sức khỏe đợi ta trở về.”

Thập Thất cưỡi ngựa quay lại sa trường, ta thấp thoáng thấy Lý Bá lau nước mắt, nghẹn ngào: “Sau này Thập Thất trở về, cảnh người ít nhiều đã khác.”

Ta hiểu ý Lý Bá, chuyến sau trở lại, ắt hẳn Thập Thất không còn cô độc như hôm nay nữa, hoàng thượng sẽ đích thân nghênh đón, khao thưởng đại quân.

Ta lại nghĩ đến Tiểu Lan, nếu Thập Thất cũng có ý với muội ấy thì tốt biết bao, còn nếu không, e là muội ấy khó lòng được như ý nguyện.

27.

Thập Thất đi rồi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Chúng ta vẫn ở trong dòng chảy thời gian và guồng quay cuộc đời.

Hoàng thượng phong ta làm nữ quan, nghĩa là ta không thuộc tầng lớp nô lệ nữa.

Trong triều đại này, nô tỳ theo hầu đến độ 30 tuổi mới được cất nhắc lên chức vị nữ quan, năm nay ta mới tròn 20, đây đúng là chuyện đáng mừng.

Lệ phi nương nương hạ sinh song thai long phụng, hoàng thượng mừng rỡ phong nàng thành Lệ quý phi, đặt tên cho hoàng tử là Cảnh An, công chúa là Cảnh Hoa.

Chữ “An” với mong muốn thuận lợi bình an, chữ “Hoa” với mong muốn vinh hoa phú quý, cả hai đều mang ngụ ý tốt lành.

Không lâu sau, hoàng cung lại được chào đón thêm hai vị hoàng tử và một vị công chúa. Có thêm con trẻ có thêm sinh khí, hoàng cung trông có sức sống hơn hẳn.

Hoàng hậu nương nương lại mang thai rồi, tiếp nối hai vị tiệp dư cũng có tin vui.

Hoàng thượng sủng hạnh rất nhiều nữ nhân, song duy chỉ Lệ quý phi là được sủng ái lâu dài, duy chỉ hoàng hậu là có địa vị vững chắc.

Hiền phi nương nương vẫn chừng mực, lễ độ như ngày trước. Nàng cũng được thăng làm Hiền quý phi, thi thoảng hoàng thượng sẽ triệu nàng thị tẩm. Dẫu vậy, bụng nàng vẫn không có động tĩnh gì.

Còn Thục phi nương nương, có lẽ không bao giờ hoàng thượng triệu kiến người nữa.

Tháng 5, Tĩnh An hầu từ trần. Để bày tỏ lòng thương tiếc, hoàng thượng khoác áo tang hạ lệnh cho Tĩnh An hầu an nghỉ tại Thái Miếu [1].

[1] Thái Miếu: Thái Miếu ban đầu chỉ thờ cúng tổ tiên của hoàng đế và các hoàng đế kế vị. Sau này, nếu được hoàng đế phê chuẩn, hoàng hậu, hoàng tộc và công thần cũng được thờ cúng ở đây.

Đệ đệ của Thục phi nương nương thừa kế tước vị Tĩnh An hầu, cháu trai của người được phong thành Tĩnh An hầu thế tử.

Có lẽ hoàng thượng hổ thẹn vì chuyện năm xưa nên ngài đã triệu kiến tiểu thế tử vào cung làm thư đồng cho đại hoàng tử.

Như vậy, tiểu thế tử sẽ được hưởng chế độ giáo dục ngang bằng với hoàng tử tương lai. Thục phi nương nương dễ dàng đôn đốc cháu trai học tập.

Cách đế vương tính toán để cân bằng quyền lực là làm suy yếu gia tộc hưng thịnh, nâng đỡ gia tộc yếu thế.

Hoàng cung lại chuẩn bị mở yến tiệc vì vương tử Nguyên Lạc tộc Đông Lê cùng với sứ thần đến thăm hỏi Đại Lương. Đại Lương rất coi trọng lễ nghi, tất nhiên phải đón tiếp một cách chu đáo, trịnh trọng.

Dạo này, hoàng thượng cần phê duyệt rất nhiều tấu chương, càng ngày sắc mặt ngài càng trầm trọng.

Hoàng thượng đăng cơ chưa đầy 5 năm, triều chính chưa vững. Trước đây, trong cuộc tranh giành ngôi vị, các vị hoàng tử đã hao tổn nguồn lực đất nước.

Thập Thất từng nhắc năm xưa, nhân lúc Đại Lương nội loạn, nước Cao Nguyệt xâm phạm biên cương bờ cõi Đại Lương, hoàng thượng chia một nửa binh lực trấn giữa Tây Bắc.

Trước mắt, nước Cao Nguyệt dần phải nhượng bộ, Đại Lương đang nắm thế chủ động, song vẫn chưa thể rút binh về được.

Bây giờ cũng không phải thời điểm thích hợp để tái chiến.

Không biết lần này sứ thần tộc Đông Lê đến là có mục đích gì. Song, từ sắc mặt hoàng thượng, ta đoán đối phương không có ý hòa hảo.

Chưa bao giờ như bây giờ, ta vô cùng hy vọng hoàng thượng sống thọ trăm tuổi. Bởi vì nếu ngài băng hà, ta chắc chắn cũng chẳng còn đường sống.

Đây là lần thứ hai ta tham gia yến tiệc mở rộng trong cung, lần đầu tiên là vào năm hoàng thượng đăng cơ.

Ừ thì…ta cũng hơi căng thẳng.

Hoàng thượng lệnh cho ta hầu hạ bên cạnh hoàng hậu nương nương. Hoàng hậu nương nương đang có thai, trông người có vẻ mệt mỏi. Người giao cho ta chăm sóc tiểu hoàng tử.

Áng chừng vì đã có đệ muội, Ngạn Nhi cư xử mực thước hơn hẳn. Bây giờ ngài gọi ta là Thư Nhiên cô cô.

Trên bàn tiệc, các vị khách quý lần lượt kính rượu kèm với những lời khen qua lại. Những người ấy không liên quan đến ta.

Bọn họ toàn nhắc đến chuyện quốc gia đại sự, ta không hiểu lắm, song ta đoán e cũng là một cách xã giao thôi.

Ta yên lặng xem ca nữ, vũ nữ biểu diễn. Sau đó sẽ là phần biểu diễn của các nghệ nhân do sứ thần dẫn đoàn.

Đúng là phong tục mỗi vùng mỗi khác, nữ nhi tộc Đông Lê yêu kiều trong trang phục mỏng manh. Nếu như ở Đại Lương, các nàng có lẽ đã bị phạt dìm xuống sông.

Kết thúc màn xã giao, thường thường là sẽ bắt đầu đi vào chủ đề chính.

Quả nhiên, vương tử Nguyên Lạc bước ra giữa đại điện.

Vương tử Nguyên Lạc trông kiểu, kiểu gì nhỉ…kiểu hơi nhiều lông.

Người ấy nuôi tóc nuôi râu, tóc thì bện lại, quanh eo còn quấn đai da thú, tóc vừa khô xơ vừa cháy nắng, chắc chắn không gội đầu thường xuyên.

Mặc dù ta hơi kinh, nhưng mà…phải biết tôn trọng khác biệt văn hóa.

Cơ mà bình thường ta hầu hạ hoàng thượng nên quen ngăn nắp, chỉnh tề. Nhìn vương tử Nguyên Lạc đầu tóc bù xù, ta chỉ muốn cầm ngay cái lược ra chải giúp ngài.

Bỗng dưng ta thấy hoàng thượng anh tuấn, phong độ, sạch sẽ đáng quý hơn hẳn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.