Xuyên Vào Sách Toán Học Phải Làm Sao Đây?

Chương 23



Đồng hành với thầy X?

Chẳng lẽ là được cùng thầy X vượt ải sao? Đồ Hoá nghĩ đạo cụ này có mùi gây rối. Nhưng, đạo cụ nào mà chẳng có tác dụng. Biết đâu thầy X sẽ cho cậu một số gợi ý khi làm nhiệm vụ?

Đến hiện tại, bọn họ mới vượt qua vòng chơi thứ hai. Không ai biết còn bao nhiêu vòng nữa mới hết. Đồ Hoá là người ganh đua, đặc biệt cậu rất hưởng thụ cảm giác chiến thắng khi chơi game. Cậu còn muốn giành lấy cơ hội bước vào trường Đại học A. Vì vậy, nếu có một đạo cụ giúp cậu vượt qua các màn chơi thì tại sao cậu lại không lấy nhỉ?

Vì vậy, Đồ Hoá không do dự nữa. Cậu nhấp vào nút xác nhận.

[Ding~]

[Đổi thưởng thành công. Người chơi Đồ Hoá đồng hành với thầy X, ưu ái của thầy X +0)

Sau khi hệ thống thông báo, một bóng người trong mờ chậm rãi xuất hiện bên cạnh Đồ Hoá. Trông anh khá giống hình chiếu 3D. Cậu có thể nhìn thấy nhưng không thể chạm vào.

“Mới đây đã gặp lại rồi, Đồ Hoá.” Thầy X đi tới trước mặt cậu, cười híp mắt.

Đồ Hoá lui về phía sau một bước để giữ khoảng cách an toàn: “Đồng hành với thầy X là sao? Từ nay về sau, thầy cứ đi theo em vậy hả?”

“Đã là đồng hành thì đương nhiên là nửa bước không rời.” Thầy X vừa nói vừa bước lại gần cậu một chút.

Đồ Hoá nhíu mày: “Vậy… Đi ngủ với đi vệ sinh thì sao?”

Thầy X nghiêng người về phía trước, trầm giọng nói: “Em không hiểu ‘nửa bước không rời’ à? Kể từ giây phút này, em đi tới đâu là tôi đi theo tới đó. Ở trong trò chơi này em cũng đâu cần đi ngủ với đi vệ sinh. Tạm thời tôi sẽ không vi phạm quyền riêng tư của em.”

“Thầy… Cứ đi theo em? Thầy không có việc gì làm à?” Đồ Hoá gãi đầu: “Thầy phải có nhiệm vụ NPC khác chứ…”

Thầy X giải thích: “Hiện tại tôi chỉ là một phần của ý thức thôi. Đối với em thì tôi giống như đang gọi video ấy. Chúng ta có thể nói chuyện nhưng không thể tiếp xúc.”

Đồ Hoá khó hiểu: “Vậy làm sao mới chạm được vào thầy?”

Thầy X đột nhiên nở nụ cười: “Em muốn chạm vào tôi đến vậy sao?”

“Ai… Ai muốn chạm vào thầy chứ?” Đồ Hoá tức giận đỏ mặt.

Vương Bác Vũ đang đi phía trước cậu quay đầu lại và khó hiểu hỏi: “Đồ Hoá, mày muốn chạm vào ai?”

“Không, không có…” Đồ Hoá xua tay lần nữa: “Thầy…”

“Bọn họ nhìn không thấy tôi đâu.” Thầy X ngắt lời cậu: “Chỉ có em mới có thể nhìn thấy tôi, chỉ có em trò chuyện được với tôi. Tôi trợ giúp và gợi ý cho một mình em. Vì vậy, em đừng nói cho người khác biết về tôi.”

Đồ Hoá có chút khó hiểu: “Tại sao?”

Thầy X bĩu môi: “Vì bọn họ sẽ ghen tị đó.”

Đồ Hoá: …

Một lúc sau Đồ Hoá mới khiến Vương Bác Vũ quay đi được. Cậu thì thầm với thầy X: “Thầy sẽ giúp gì cho em?”

“Điều đó phụ thuộc vào tâm trạng của tôi.” Nói xong, thầy X ‘tsundere’ bay đi.

Vì vậy, nói một cách dễ hiểu, đồng hành với thầy X nghe thì có vẻ là một đạo cụ ngon lành nhưng thực chất chỉ là một bóng ma đứng sau với tính khí thất thường mà thôi. Nhưng, thầy X nhắc nhở cậu cũng là có lí do. Cậu không thể để quá nhiều người biết thầy sẽ luôn đồng hành với cậu trên chặng đường vượt ải.

Bất kể thầy X có tiết lộ thông tin giúp cậu hoàn thành nhiệm vụ hay không thì trong mắt người khác, điều này giống như dẫn theo một giáo viên trong ngày thi, và giáo viên ấy sẽ hướng dẫn bạn mỗi khi bạn không hiểu câu hỏi. Mặc dù đây là sự hỗ trợ do hệ thống cung cấp nhưng người ta vẫn có thể nghi ngờ đây là gian lận.

Những người khác chắc chắn sẽ thấy không công bằng.

Đồ Hoá liếc nhìn thầy X đang lảng đi và thầm nghĩ người này có vẻ khó dỗ. Nếu muốn moi được tin tức hữu ích từ người ta thì chẳng thà cậu tự cố gắng nhiều hơn và cạnh tranh công bằng với những người chơi khác.

Bọn họ đã bước vào Vòng lượng giác. Mặc dù hệ thống còn chưa thông báo nội dung nhiệm vụ chính nhưng Đồ Hoá phát hiện tất cả các nhiệm vụ phụ đều đã được ‘F5’. Chỉ cần nhìn tên là đã thấy độ khó của những nhiệm vụ này khó hơn hai vòng đầu tiên rất nhiều.

Đồ Hoá mở bảng điều khiển hệ thống để kiểm tra tình hình thì phát hiện cảnh vật xung quanh đột nhiên thay đổi. Trong khuôn viên yên tĩnh, gió đột nhiên nổi lên. Sau lưng có tiếng sóng vỗ, nhóm Đồ Hoá quay đầu lại thì ngôi trường đã biến mất. Dưới chân bọn họ lúc này là một hòn đảo thần bí với hơi gió biển mằn mặn.

“Đây là đâu?” Vương Bác Vụ mở to hai mắt, khó tin mà nhìn biển xanh cát trắng trước mặt, kêu lên: “Đẹp quá…”

Đây là một hòn đảo giữa nước biển rất trong xanh. Kiến trúc trên đảo cũng rất kỳ lạ, mang theo cảm giác thời trung cổ với cột đá trắng và quảng trường rộng. Tòa nhà màu trắng trên sườn đồi cách đó không xa có tường thành uốn lượn, là điển hình kiểu kiến trúc Địa Trung Hải. Gần đó còn một bức tượng đồng cao chót vót.

“Đây là tượng thần mặt trời.” Đường Bác nhìn xung quanh và nhanh chóng đưa ra phán đoán: “Kỳ nghỉ hè năm ngoái tôi đến Hy Lạp với cha mẹ. Vùng biển này hẳn là biển Aegea, hòn đảo dưới chân chúng ta tên là đảo Rhodes. Đây là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Hy Lạp.”

Thỉnh thoảng có mấy người mặc trường bào đi qua. Nhìn khuôn mặt và quần áo của họ thì hẳn là người Hy Lạp cổ đại. Cho đến hiện tại, hệ thống vẫn chưa ban bố quy tắc nhiệm vụ. Đồ Hoá cũng không hiểu tại sao hệ thống lại muốn tạo ra bối cảnh Hy Lạp cổ đại cho màn chơi này.

Một lúc sau, cậu nhìn thấy người đàn ông đang lo lắng trong chiếc áo choàng màu xanh trên quảng trường. Ông ta dường như đang tìm kiếm thứ gì đó, cứ lúi cúi đi vòng quanh. HÌnh như ông đang lẩm bẩm điều gì đó.

Tôn Duy cũng chú ý đến người này. Cô nhìn Đồ Hoá rồi đi về phía quảng trường. Người đàn ông dáng người cao lớn, mái tóc đen dầy vừa xoăn vừa ngắn, hai bên má là râu quai nón, đôi mắt rất sâu và tràn đầy trí tuệ. Nhìn thấy đám người Đồ Hoá, ông vội vàng chạy tới và lo lắng nói: “Các cô cậu trẻ tuổi ơi, có thể giúp tôi tìm bảng hàm dây cung được không?”

Những nhà khoa học Hy Lạp cổ đại đã sớm nhận ra rằng nếu có thể đo được độ dài các cạnh và các góc trong đa giác thì sẽ giải quyết được rất nhiều các vấn đề thiên văn học. Vì vậy, Hipparchus đã ứng dụng các phương thức tính toán thiên văn học của người Babylon (sử dụng các đơn vị độ, phút, giây) vào việc đo góc và cạnh từ đường vuông góc với xích đạo trời (celestial equator) và đúc kết thành bảng hàm dây cung. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này của Hipparchus không còn tồn tại nên các nhà khoa học đã xây dựng lại bảng biểu dưới đây dựa theo những kiến thức lượng giác sơ khai của ông (chord là dây cung, arc là cung).

“Bảng hàm dây cung?”

Người đàn ông nhìn lên bầu trời: “Nhờ nó mà tôi có thể khám phá bầu trời bao la đầy sao.”

“Ông là ai?” Tôn Duy nhíu mày, “Tìm bảng hàm dây cung là nhiệm vụ của chúng ta sao?”

Người đàn ông làm như không nghe thấy và không trả lời cô.

Đồ Hoá ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Người này hẳn là Hipparchus.”

“Hipparchus? Ai vậy?” Vương Bác Vũ và Đường Bác cũng bước đến.

Đồ Hoá giải thích: “Hipparchus là một nhà thiên văn học và toán học nổi tiếng người Hy Lạp. Ông sống phần lớn cuộc đời ở đảo Rhodes. Thành tựu đáng chú ý nhất của ông trong toán học là việc tạo ra bảng hàm dây cung. Và, ông hẳn là người soạn ra bảng lượng giác đầu tiên. Vì vậy, người đời gọi ông là ‘cha đẻ của lượng giác học’.”

Mọi người gật đầu ra vẻ suy nghĩ. Thầy X nãy giờ lảng vảng bên cạnh chợt nói: “Em biết nhiều ghê ta.”

Đó rõ ràng là một lời khen, nhưng qua miệng thầy X thì thoáng có chút trêu chọc. Đồ Hoá bĩu môi giải thích: “Lúc trước em đọc sách nên biết.”

“Tôi biết.” Thầy X cười nhẹ, cúi người nói nhỏ vào tai cậu: “Tôi chỉ thích cái vẻ hiểu biết của em thôi.”

Đồ Hoá giả vờ như không nghe thấy. Cậu che mặt và chạy đến bên Vương Bác Vũ: “Vòng lượng giác gặp ngay cha đẻ của lượng giác học, nhiệm vụ này chắc chắn không thể tách rời khỏi Hipparchus.”

Vừa dứt lời, hệ thống vang lên tiếng bíp.

[Ding~]

[Chào mừng đến với nhiệm vụ chính: Bảng hàm dây cung thất lạc của Hipparchus.]

[Quy tắc: Người chơi hoàn thành nhiệm vụ phụ có cơ hội thu được mảnh ghép bảng hàm dây cung. Có 2 cách hoàn thành nhiệm vụ: (1) Nhiệm vụ tổ đội (tổ đội tối đa 5 người) cần thu thập 6 mảnh ghép bảng hàm dây cung để vượt ải, hoặc (2) Nhiệm vụ cá nhân cần thu thập 3 mảnh ghép bảng hàm dây cung để vượt ải. Thời hạn là 48 tiếng.]


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.