Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà, Đừng Khóc

Chương 42: Bị kẹt ở Gorakhpur



“Tứ động tâm” – bốn địa điểm linh thiêng nhất của đạo Phật bao gồm Lumbini – nơi Phật đản sanh, Bodhgaya – nơi Phật thành đạo, Sarnath – nơi Phật chuyển pháp luân – thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara – nơi Phật nhập Niết bàn. Đã đến Varanasi và Bodh Gaya rồi, tôi cao hứng đến Lumbinni. Vấn đề duy nhất là mặc dù Lumbinni chỉ cách Bodh Gaya bốn trăm cây số, nhưng nó lại nằm ở phía bên kia biên giới, bên Nepal. Lúc đấy tôi nghĩ mình sẽ đến Nepal khoảng hai tuầnrồi quay lại Ấn Độ. Visa Ấn Độ của tôi khi đấy xin được sáu tháng, được phép vào nhiều lần.

Tôi nghĩ mình cũng rảnh rỗi, không đâu lại đi tàu ngược lên Varanasi, ở lại một đêm rồi lại đi xe khách lên Lumbinni. Chẳng ai ở bến xe nói được tiếng Anh, tôi bập bẹ Nepal, Nepal thì họ chỉ cho tôi một cái xe chắc phải cổ hơn Napoleon, không điều hòa, nhồi nhét gấp đôi số ghế. Xe xóc long sòng sọc, thỉnh thoảng lại có người mở cửa sổ nôn thốc nôn tháo mà chẳng cần nilon hay túi giấy gì. Tôi phát hiện ra trên xe ngoài một bạn gái khác đang đi cùng anh trai hay chồng gì đó, tôi là phụ nữ duy nhất.
Thỉnh thoảng khi đi xe, tôi thích tự kỷ. Tôi thích nhìn ra ngoài cửa sổ, khi những thứ mình biết lùi dần về sau và những gì mình chưa biết cứ mở dần ra trước mặt. Tôi nghĩ về quá khứ, về tương lai, về hiện tại. Tôi nghĩ về gia đình, về bạn bè, về những người mà tôi tình cờ gặp trên đường. Anh chàng ngồi cạnh tôi thì không hiểu, cứ thích bắt chuyện. Tôi liền lấy tai nghe ra mở nhạc trên điện thoại, đưa cho anh chàng một tai nghe, tôi nghe một tai để khỏi phải nói chuyện. Anh có vẻ rất cảm kích hành động này.
không lên mạng được để tìm hiểu từ trước, tôi chẳng biết xe sẽ đi đến đâu, dừng lại lúc nào. Khoảng chín giờ tối, xe đột ngột vào bến. Tôi hỏi anh chàng ngồi cạnh thì được biết xe không chạy nữa. Muốn đi Lumbinni, tôi phải bắt chuyến xe ngày mai. Thành phố xe dừng là Gorakhpur, vốn là một thành phố vốn có nhiều ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử và tôn giáo, nhưng lại chẳng có gì đặc sắc về mặt kiến trúc hay nghệ thuật. Từ cái nhìn của khách qua đường như tôi, thành phố này chẳng khác gì hầu hết những thành phố bậc trung khác của Ấn Độ. Thành phố này cũng quá sơ sài, không có vẻ gì là có một quán ăn hay nhà hàng lớn nào đó mở cửa thâu đêm để tôi có thể vào tá túc chờ đến trời sáng được cả. Bến xe thì tối om om đầy đe dọa. Tôi không biết phải làm gì, đang tính đi tìm đồn cảnh sát để ngủ nhờ thì phát hiện ra anh chàng ngồi cùng xe vẫn đang lẽo đẽo theo mình.
“Em định đi đâu đấy? Tối rồi đi một mình rất nguy hiểm”.
“Em đang tìm chỗ ngủ”.
“Có một khách sạn cách đây hơn cây số thôi”.
“Giá khoảng bao tiền hả anh?”.
“Khoảng 500Rs”. Tức là trên $10. Trong túi tôi lúc đấy còn rất ít tiền. Tiền viết bài cho trang web ở Israel thì chưa được nhận nên tôi không thể ở khách sạn được.
“Ặc có chỗ nào rẻ hơn không anh?”.
“Nếu em không ngại, có thể nghỉ qua đêm ở văn phòng công ty anh”.
“Công ty nào vậy?”.
“Một công ty về công nghệ. Hiện tại có hai bạn khác cũng đang ở đấy. Có phòng riêng cho em, không phải ngại”.
Tôi phân vân dữ lắm. Có tin được anh chàng này không? Có tin được cả bạn anh chàngkhông? Tôi thấy mình dở hơi thế, cả ngày trên xe không chịu khó nói chuyện tìm hiểu xem anh là người như thế nào. Nhưng giờ tôi không có nhiều thời gian để suy tính. Tôi phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.

Tôi nhìn anh từ đầu đến chân. Khuôn mặt hiền lành, giọng nói dễ chịu, phong thái lịch sự, nói tiếng Anh khá tốt. Anh mặc quần Tây, áo sơ mi, tay xách túi đựng laptop, không có vẻ gì là màu mè hoa mỹ, nhìn đúng là dân kỹ thuật thật.

“Sao anh lại muốn giúp em?”.
“Thấy người cần giúp đỡ thì nên giúp. Anh đi xe khách nhiều mà chưa thấy người nước ngoài nào đi xe như em. Anh nghĩ, chắc em cũng không có tiền thật”.
“Nhưng còn hai đồng nghiệp của anh thì sao?”.
“Họ cũng tốt lắm”.
Tôi quyết định mình sẽ tin anh. Chúng tôi lên xe người kéo về văn phòng anh. Văn phòng chứa đầy máy và linh kiện điện tử, nhìn giống nhà kho hơn là văn phòng. Bên cạnh là một căn phòng trống với nhà vệ sinh, bếp than tổ ong. Hai đồng nghiệp của anh đang cặm cụi làm rô–ti. Phía sau là một căn phòng nhỏ cũng ngập đồ đạc với một cái giường đơn đặt vừa vặn vào chỗ trống. Anh chỉ cho tôi cất đồ vào đó, đốt cho tôi que hương muỗi rồi đưa vào cho tôi cái quạt. Tôi nhẹ cả người khi căn phòng này có khóa trong. Người tôi bẩn lắm, nhưng vì không cảm thấy thoải mái cho lắm nếu tắm ở đây nên chỉ rửa mặt mũi chân tay rồi ra giúp bạn bè anh làm bữa. Hai đồng nghiệp của anh tuy không nói được tiếng Anh nhưng mặt mũi hết sức hiền lành, lại có vẻ bẽn lẽn nữa. Tôi đã được dạy làm rô–ti rất nhiều lần nhưng vẫn làm hết sức dở. Chuyên gia làm rô–ti sẽ biết áp dụng lực vừa đủ để lớp bột tự xoay vòng dưới que cán và tự nó tròn một cách hoàn hảo. Tôi toàn phải tự xoay mà nó vẫn không tròn. Tôi nhớ đến anh chàng làm bánh rô–ti mà tôi gặp ở Punjab. Anh chàng còn chả cần thớt hay que cán mà cứ tay không tung hứng cục bột vèo vèo vèo vèo, một phút phải làm được hai cái bánh rô–ti. Tôi thì phải mười phút mới xong một cái. Ban đầu mọi người còn kiên nhẫn chờ tôi làm, xong rồi vì tôi làm chậm quá, tôi bị đuổi đi. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rô–ti và súp lơ sào khoai tây nhưng ngon lành vì cả ngày chưa được cái gì vào bụng.
Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tôi cảm động suýt phát khóc khi phát hiện ra mọi người đã mua sẵn bánh mì và sữa đặc cho tôi ăn sáng. Bánh mỳ chỉ cho tôi thôi, còn mọi người ăn rô–ti từ hôm qua. Tôi ăn không hết, mọi người cứ nhất định bắt tôi cầm theo đi ăn. Sau đó, một người còn đưa tôi ra tận bến xe khách, đợi cho tôi lên xe rồi mới về. Trên đời này đúng là còn nhiều người tốt lắm.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.