Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà, Đừng Khóc

Chương 35: Diwali



Tôi ở Delhi hai tuần, phần vì lận đận lo visa, phần vì bị ngộ độc thực phẩm phải ở nhà suốt. Delhi là một thành phố khá thú vị để ghé thăm. Tôi thích nhất khu phố cở quanh Qutb complex – khu đền thời đạo Hồi đầu tiên và lớn nhất của Ấn Độ, nhưng giờ đây hầu hết chỉ còn là đống đổ nát. Xung quanh đây là hàng chục con phố nhỏ xíu bày bán đủ các loại hàng quà, lúc nào cũng tấp nập người đi lại. Sau này khi đi nhiều hơn rồi, tôi nhận ra đây là nét đặc trưng của phố cổ Hồi giáo. Những người đàn ông mặc áo chùng trắng, những người phụ nữ vấn khăn trùm mặt, những quán thơm nức mùi biryani, mùi cà ri thịt cừu, mùi kebap, mùi paneer… không phải là một thành phố mà tôi muốn sống. Là thủ đô, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, Delhi vẫn có những nét cứng nhắc, khó gần, không có sự cởi mở, cuồng nhiệt mà tôi thích ở Mumbai.

Cuộc sống ở đây cũng bình bình. Những ngày không bị đau, tôi bắt metro đi vào thành phố. Hệ thống metro của Delhi cũng như nhiều công trình đồ sộ của thành phố này, đã được nâng cấp, cải thiện đón chào Commonweath Games 2010 (Đại hội thể thảo khối thịnh vượng chung). Hệ thống này tuy không dài và phủ khắp được như hệ thống metro của Singapore, nhưng cũng hiện đại không thu kém gì. Duy chỉ có một điều, một vấn đề cố hữu của tất cả các thành phố lớn của Ấn Độ: metro lúc nào cũng đông chặt người. Cũng may, phụ nữ được hai khoang riêng nên không sợ bị sàm sỡ.
Tôi cũng đã có kha khá bạn ở đây: một số người bạn tôi quen qua CouchSurfing; một số tôi tìm thấy Blog của họ và lân la làm quen; một số là bạn của bạn bè tôi ở những nơi khác giới thiệu; một số tôi tình cờ gặp trên đường. Quen một cách tình cờ nhất phải kể đến anh chàng Vineet. Một buổi tối khi tôi đang đi metro ở Delhi, một anh chàng người Ấn Độ bất chợt tiến đến gần và hỏi rằng tôi là người Việt Nam à. Tôi không tin vào tai mình nữa. Ở đây tất cả đều nghĩ tôi là người Trung Quốc. Nếu tôi có nói tôi là người Việt Nam thì cũng phải lặp đi lặp lại mấy lần vì chẳng mấy ai nghe thấy cái tên Việt Nam cả.
“Trời, anh không nghĩ em là người Trung Quốc hả?”.
“Không, người Trung Quốc nhìn khác, người Việt Nam nhìn khác. Bạn gái anh người Việt nên nhìn anh biết liền”.
Vineet khăng khăng bảo tôi chat với bạn gái của anh trên Yahoo. Nhìn ảnh avatar bạn này, tôi thấy có gì đó quen quen nhưng ảnh nhỏ quá không nhìn ra được. Chúng tôi nói chuyện một hồi, thì hóa ra đó là cô bạn ngồi cạnh tôi hồi cấp hai. Chúng tôi mất liên lạc vì gia đình ấy chuyển đi nơi khác, còn tôi chuyển lên Hà Nội học. Thế giới thật là nh
Tôi cũng kiếm cớ lên nhà bác Tuấn chơi để được ăn cơm bác gái nấu. Bác gái là con gái Hà thành có khác, nấu ăn không chỉ ngon mà còn đẹp. Tôi học mãi vẫn không học được cách làm đậu của bác. Đến nhà bác chơi nhiều tôi được truyền cảm hứng để nấu đồ ăn Việt cho nhà Robinson. Chiều hôm đấy chị Nga, con bác và bé Vân, đang học ở Delhi dẫn tôi đi chợ Thái mua nguyên liệu. Tôi làm món gà kho gừng, đậu sốt cà chua và rau bắp cải xào tỏi. Ai ngờ bạn Murdi cứ khăng khăng không chịu ăn món gà tôi làm vì bạn ấy kêu là sống mặc dù mình đã kho hai mươi phút. Ở Ấn Độ, hầm vài tiếng cho mềm nhũn ra mới được coi là chín. Cũng may là các bạn ấy còn thích hai món kia, chứ không thì tôi đã thề là sẽ không bao giờ nấu ăn cho người Ấn Độ nữa.
Một lý do khác khiến tôi ở lại Delhi lâu như vậy là vì tôi muốn chờ Diwali. Diwali, từ viết tắt của Deepavali – lễ hội ánh sáng, là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người theo đạo Hindu. Mỗi ngày lễ của Ấn Độ đều có xuất xứ từ một huyền thoại gắn liền với các vị thần của họ và Diwali không phải trường hợp ngoại lệ. Người theo đạo Hindu tổ chức Diwali chào mừng chúa Rama đánh bại chúa quỷ Ravana để có thể trở về cùng nữ thần Sita và Lakshman sau mười bốn năm lưu đày. Hai nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng Diwali là Ayodhya, nơi sinh hạ của chúa Rama và sông Hằng, dòng sông thiêng nhất trong đạo Hindu, khi người dân thả hàng nghìn ngọn đèn lấp lánh trôi sông.

Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng các huyền thoại về Diwali đều ca ngợi chiến thắng của thiện với ác. Ánh sáng Diwali không chỉ thắp sáng ngôi nhà, mà còn thắp sáng trái tim mỗi con người, đưa chúng ta đến với sự thật và hy vọng. Ánh sáng Diwali còn tượng trưng cho ánh sáng của tri thức, xua đuổi sự ngu dốt che phủ bản chất thực sự của con người.
Trước đây, tết Diwali kéo dài cả năm ngày với mỗi ngày kỷ niệm một sự kiện khác nhau. Ngày đầu tiên được gọi là Naraka Chaturdasi, đánh dấu sự bại trận của quỷ Naraka dưới sức mạnh của chúa Krishna và vợ Satyabhama. Trong ngày này ở phía nam Ấn Độ, người theo đạo Hindu sẽ dậy sớm, tắm bằng dầu thơm và mặc quần áo mới. Amavasya, ngày thứ hai của Diwali, là ngày thờ nữ thần Lakshmi, nữ thần của sự giàu sang, Amavasya cũng là ngày kỷ niệm chúa Vishnu khi ngài trong hình hài một người lùn đã đánh bại bạo chúa Bali và giam hắn xuống ngục. Trong ngày này chồng sẽ tặng quà cho vợ. được trở lại trái đất mỗi năm một lần, chính là ngày thứ ba của Diwali, để thắp hàng triệu ngọn đèn xua tan bóng tối và sự ngu dốt, đồng thời lan truyền ánh sáng của tình yêu và trí khôn. Ngày thứ tư được biết đến như Bhaiduj. Trong ngày này, chị em sẽ mời anh em trai của mình đến nhà chơi. Thời gian gần đây, do bận rộn công việc, người dân Ấn Độ chỉ tổ chứ Diwali trong một ngày. Năm nay, Diwali rơi vào thứ sáu, ngày 05/11.
Trước Diwali cả tuần, Robinson đã chăng đèn màu xung quanh nhà ganh đua với hàng xóm. Ánh đèn màu lấp lánh khắp nơi nơi cùng với thời tiết Delhi lành lạnh khiến tôi có cảm giác như đang đón Noel vậy. Công việc chuẩn bị thực sự bắt đầu từ ngày thứ năm khi Murdi dậy sớm cùng chị giúp việc dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, chị với tôi tỉ mẩn ngồi đổ dầu sáp, xếp bấc nến vào những chén nhỏ làm bằng đất nung, được gọi là Diya để hôm sau đốt. Chiều tối, Murdi dẫn tôi đi chợ mua kẹo, pháo với đồ ăn bởi Diwali chợ không mở cửa. Karen được bố mẹ mua cho quần áo mới và Robinson cũng nằng nặc đòi mua cho tôi luôn bởi theo truyền thống Diwali người lớn sẽ tặng quà cho trẻ nhỏ. Mặc dù tôi không còn nhỏ tí nào. Murdi mua tặng tôi một chiếc váy Bô–hê–miêng màu đỏ cực kỳ xinh. Tết Diwali không có giao thừa, nhưng mọi người rục rịch bắn pháo hoa, nổ pháo từ đêm thứ năm. Cả Ấn Độ ngập tràn trong ánh nến, ánh đèn lung linh. Tiếng trẻ em reo hò lẫn trong tiếng pháo nổ đùng đoàng. Ở đây chao ôi là nhiều loại pháo. Pháo hoa đốt hai đầu, phóng vụt lên trên trời nở thành từng chùm rực rỡ đủ màu sắc. Pháo chanki là những bánh xe lửa quay tít. Một loại pháo khác thì phun trào lên như những ngọn tháp ánh sáng. Pháo hương đốt cầm được trên tay. Rồi còn cả pháo tên lửa mà mỗi lần ai đó bắn, tôi lại nhắm mắt cầu nguyện nó không rơi vào cửa sổ nhà mình. Sợ nhất là pháo tép, khong may xác pháo bắn vào người là bỏng da rát thịt. Tối hôm đấy chúng tôi hốt hoảng vì một quả pháo của chúng tôi rơi sang sân thượng nhà hàng xóm, không rõ rơi vào cái gì mà nó bén lửa cháy. Nhà hàng xóm lại đi vắng nên chúng tôi không có cách nào sang dập lửa được. Hốt hoảng, chúng tôi tính đến chuyện gọi cứu hỏa, may mà sau khoảng mười phút, lửa tự tắt. Một điều nữa tôi cũng không thích là đêm hôm ấy cả Delhi ngập trong khói thuốc. Tôi nghe bạn bè kể thì tết Diwali ở Mumbai năm nay không vui như mọi năm, bởi Colaba – chợ pháo nhộn nhịp nhất Mumbai – phải dẹp tiệm để đảm bảo an toàn cho chuyến thăm của Barack Obama.

Ngoài pháo, một mặt hàng khác bán cực kỳ chạy trong Diwali là kẹo. Người Ấn Độ thích ăn kẹo, hễ có dịp gì vui là họ ăn kẹo mà theo như lý giải của Robinson bạn tôi là bởi vì “kẹo mang lại cho họ may mắn”. Chính vì thế, đốt pháo xong là mọi người kéo nhau xuống nhà ăn kẹo. Mỗi người trong nhà thay phiên nhau nhét một viẹo to đùng vào miệng tôi, bắt tôi ăn cả chứ không được cắn, bởi theo quan niệm của người Ấn nếu cắn rồi thì sẽ không còn được may mắn nữa. Mỗi lần ăn kẹo là một lần được ôm chúc mừng Diwali.
Thứ sáu là ngày thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Vợ chồng Robinson dẫn tôi đi chúc Tết gia đình, hàng xóm. Nếu như quà chúc Tết ở Việt Nam thường bao gồm bánh chưng, cân đường thì quà chúc Tết ở Ấn Độ nhất định phải có một hộp kẹo. Đến nhà nào chúng tôi cũng lại được mời ăn kẹo, uống trà; nhà nào sang hơn sẽ có cả nho khô, hạt điều. Cũng như pháo, kẹo ở Ấn Độ hết sức đa dạng. Tôi ăn thử mỗi loại một chút thôi mà sau hôm đó cứ nhắc đến kẹo là sợ.

Khởi đầu là một lễ hội mang tính tôn giáo, Diwali đã phát triển trở thành một lễ hội đặc trưng của người dân Nam Á: từ Ấn Độ cho đến Nepal, Sri Lanka, kéo dài sang cả Malaysia, Singapore. Diwali được đánh dấu bằng đèn dầu Diya, kẹo, pháo, pháo hoa và quà tặng. Cũng như tết cổ truyền ở Việt Nam, tết Diwali đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới, khi hầu hết các gia đình kinh doanh bắt đầu năm tài chính mới của mình vào ngày này. Nhiều người Ấn Độ còn xem Diwali là cơ hội “đánh bạc”. bởi tương truyền ngày này, nữ thần Parvati chơi xúc xắc với chồng và nói rằng: bất cứ ai đánh bạc trong Diwali việc làm ăn sẽ thuận lợi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.