Xách Ba Lô Lên Và Đi - Tập 1: Châu Á Là Nhà, Đừng Khóc

Chương 26: Ở lại Mumbai, săn nhà săn việc



Tôi không biết tôi yêu Mumbai trước hay yêu Veera trước. Nhưng tôi biết mình thuộc về nơi này trong buổi tối Veera đưa tôi đi dạo quanh vịnh Marine Drive. Hàng trăm ánh đèn e ấp nối đuôi nhau tạo thành một đường cong duyên dáng quanh vịnh, rực rỡ như chiếc vòng cổ xinh đẹp của một vị nữ hoàng. Vì biển trời mênh mông và vì chàng trai đứng cạnh, tôi quyết định ở lại Mumbai. Ha, nói thế cho lãng mạn thôi chứ lý do thực sự là tôi hết tiền, phải ở đây kiếm việc gì làm một vài tháng mới có tiền mà đi tiếp được.

Việc quan trọng nhất bây giờ là tìm nhà. CouchSurfing có thể ở vài ngày đến một tuần, chứ ở cả tháng trời thì khó lắm. Các thành phố lớn của Ấn Độ được cái Internet rất phát triển, cái gì cũng có thể tìm online được. Có khá nhiều trang web chuyên đăng tin mua bán và cho thuê nhà. Tôi tìm được khoảng hai mươi địa chỉ cho thuê phòng với giá trong khoảng 5000 – 10000R (khoảng 2 – 4 triệu) một tháng. Tuy nhiên, hầu hết các chỗ đó hoặc là đắt quá, hoặc là xa bến tàu quá, hoặc là những người ở cùng nhà có vẻ thích sàm sỡ quá. Phần nhiều trong số đó là PG, viết tắt của Paying Guest, kiểu ở trọ cùng với chủ nhà, tức là người trọ chỉ có một chiếc giường kê ngoài phòng khách. Ở kiểu đó rẻ nhất, lại không phải đặt cọc nên khá nhiều sinh viên chấp nhận. Tôi muốn có sự riêng tư cá nhân nên tìm phòng riêng. Tuy nhiên, phòng riêng đồng nghĩa với việc phải đặt cọc trước cả năm. Tôi thì lại không có nhiều tiền đến vậy. Đi lại xem phòng mãi, cuối cùng tôi cũng ưng ý một căn phòng ở Santa Cruz East. Đây là một căn hộ hai phòng ngủ, một phòng bếp trong một khu chung cư tuy có vẻ cũ kỹ nhưng khá an toàn. Căn hộ này có vị trí đi lại hết sức thuận tiện bởi nó nằm ngay phía sau bến tàu Santa Cruz. Hiện tại có hai cậu sinh viên đang ở đấy. Họ đang ở một phòng, cho thuê phòng còn lại với giá 5000R. Yêu cầu đặt cọc chỉ là một tháng, tôi có thể xoay xở được.

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm tha lôi tất cả đồ đạc của mình đến đây hy vọng có thể chuyển vào trước khi những người bạn ở cùng tương lai đi làm mất. Họ hẹn tôi chín giờ. Đúng chín giờ sáng, tôi bấm chuông cửa thì thấy một anh chàng ngái ngủ ra mở cửa. Tôi bước vào căn phòng của mình thấy chiếc bàn học để đầy sách vở của mấy anh chàng này vãn còn ở đấy, trên giường là vài chiếc quần xà– lỏn con trai. Tôi ngạc nhiên hỏi:
“Ủa, anh bảo chiếc bàn này là bàn học của các anh mà?”.
“Ừ”.
“Sao anh không chuyển đi?”.
“Không, không chuyển được. Giờ đang là mùa thi bọn anh phải học đêm nhiều”.
“Nhưng đây là phòng em. Chuyển bàn về phòng của anh đi”.
“Không vừa”.
“Thế thì chuyển vào bếp”. (Căn hộ này có một phòng bếp rất rộng)
“Ai lại học trong bếp?”. Anh chàng này cuối cùng cũng tỉnh ngủ, dụi mắt nhìn tôi ngơ ngác như thể tôi vừa nói điều gì đó ngớ ngẩn vậy.
“Thế ai đời con trai lại cứ nửa đêm vào con gái ngồi HỌC?”.
Cãi nhau một hồi, anh ta bắt đầu giải thích là họ không muốn cho thuê phòng này hoàn toàn, mà vẫn muốn sử dụng phòng này. Anh ta còn đưa ra yêu cầu, nếu tôi ở đây thì cuối tuần khi họ đi chơi cùng bạn gái về khuya, tôi phải cho cô ta ngủ chung giường với tôi. Tôi cố gắng nuốt trôi cục tức: “Xin lỗi, tôi không thể ở đây được” rồi tức giận bỏ đi.
Trời lúc đấy mưa như trút nước. Tôi mang theo ba lô nặng trĩu trên vai không biết đi đâu về đâu. Arfi đã về quê thăm gia đình ở Punjab. Veera đang ở dưới tàu ngầm. Đứng trú mưa trong một cửa hàng ven đường, tôi lấy điện thoại ra, đăng một status kể khổ trên Facebook.
Bỗng tôi nhận được điện thoại của Swapnil. Anh đọc được status trên Facebook và hết sức lo ngại cho tôi. Anh hỏi tôi đang ở đâu, tôi trả lời “gần bến tàu Santa Cruz”. Anh bảo tôi vào một cửa hàng ở gần đó ngồi gọi cái gì đó ăn sáng, mười lăm phút sau anh có mặt.
Lúc nhìn thấy Swapnil, tôi cảm giác như mình vừa thấy thiên thần bước ra từ trong truyện cổ tích. “Đừng lo. Về nhà anh nghỉ tạm đã. Chỗ anh có Internet, anh sẽ tìm cho em một chỗ ở”. Thế là tôi theo anh về căn hộ của anh ở Kandivali West. Lúc lên mạng ở nhà anh, tôi phát hiện trang chủ Twitter của tôi tràn ngập tin với nội dung đại loại như: “@chipro đang tìm nhà ở Mumbai. Phòng riêng, gần bến tàu, giá dưới 10.000R/tháng, đặt cọc tối thiểu. Ai biết liên hệ 09xxxxxxxx”. Hóa ra Swapnil đưa thông tin này lên Twitter, và có tới ít nhất ba chục người sử dụng Twitter ở Mumbai đăng lại tin này.

Swapnil cùng một số Blogger khác bắt đầu chiến dịch săn tìm nhà cho tôi. Anh tìm trên mạng, đọc trên báo, nhờ người quen giới thiệu. Có địa chỉ nào anh cũng tự mình đến xem trước xem có ổn không rồi mới dẫn tôi đến xem. Trong thời gian đấy, tôi ở tạm nhà của một vũ công người Đức tên là Julia. Julia là bạn thân của một CouchSurfer tôi quen. Hai tuổi, Julia bắt đầu học nhảy, luyện thanh từ khi mơi sáu tuổi. Sau một sự nghiệp thăng trầm ở Châu Âu, chị sang Ấn Độ tìm vận may ở Bollywood. Tuy nhiên sau nửa năm ở đây vận may của chị mới chỉ dừng lại ở những vai diễn quần chúng với một vài show biểu diễn. Chị ở căn hộ một phòng ngủ ở ngay cạnh bến xe bus. Tuy nhiên, khu chị ở khá phức tạp, không có cổng hay bảo vệ gì. Một buổi tối khi đ, tôi gặp một đám thanh niên đứng ngay tại bậc cầu thang hút thuốc gì tôi cũng không biết. Phải tự trấn an một lúc tôi mới dám đi qua.

Sau khoảng một tuần, cuối cùng tôi cũng tìm được một căn phòng ở Palms Hotel, Goregaon East, ngay cạnh Film City. Khu này từng được xây làm khách sạn nên rất đẹp, nhà khách rộng, phòng bếp hiện đại, mỗi phòng ngủ lại có nhà vệ sinh riêng. Vấn đề duy nhất là nó nằm sâu tít, xung quanh đồng không mông quạnh, cách đường chính khoảng ba kilomet. Có lẽ vì thế mà giá phòng rất rẻ. Tuy tôi tìm được căn phòng này thông qua một tin đăng trên CouchSurfing chứ không phải qua Swapnil, sự giúp đỡ mà Swapnil dành cho tôi khiến tôi vô cùng cảm kích. Chúng tôi trở thành bạn thân thiết từ khi đấy.

Tìm được nhà rồi, việc quan trọng tiếp theo là tìm việc. Ấn Độ không chỉ là miền đất hứa cho những tài năng điện ảnh, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những người đam mê công nghệ thông tin. Nếu muốn xem những ứng dụng web có ích cho cuộc sống hàng ngày nhất, bạn không cần đến Châu Âu hay Mỹ, hãy đến Ấn Độ. Ngay từ khi còn tham gia những hội thảo công nghệ ở Đông Nam Á, tôi đã nghe rất nhiều về sự sáng tạo và thực tế của cộng đồng công nghệ thông tin nơi đây. Họ có dịch vụ bán vé xe bus, bán vé tàu online; dịch vụ web cho phép bạn gửi tin nhắn đến các số điện thoại trong Ấn Độ hoàn toàn miễn phí; những chiến dịch làm social media(21) quy mô và hiệu quả. Tôi được hai chỗ nhận vào làm, một với vị trí quản lý dự án cho một dịch vụ web, một với vị trí tư vấn social media. Vấn đề là những công ty mới khởi nghiệp này không đủ khả năng, cả về mặt tài chính lẫn pháp lý, để xin giấy phép cho tôi làm việc ở đây. Họ cũng không muốn chịu rủi ro thu nhận một nhân viên bất hợp pháp.

Nơi mà không ai đoái hoài gì đến giấy phép như nhà hàng, quán bar thì trả lương rất thấp. Trên dưới 10.000R thì không đủ cho tôi sống ở đay nói gì đến tiết kiệm tiền để đi tiếp. Mọi người khuyên tôi thử vận may với Call Center (trung tâm điện thoại). Rất nhiều thanh niên Ấn Độ lựa chọn công việc này vì lương cao (khoảng $700/tháng), yêu cầu thấp bởi chỉ cần nói tiếng Anh thành thạo là được. Hai trong số ba người bạn ở cùng nhà với tôi làm ở Call Center. Bạn thân của Swapnil là Gari cũng có một công việc tương tự. Họ nói rằng các công ty đều lớn nên rất có thể họ sẽ xin work permit (giấy phép lao động)uy hiên công việc này là một công việc vô cùng căng thẳng. Thử tưởng tượng tám tiếng liền bạn chỉ trả lời điện thoại thắc mắc của khách hàng. Trong khi người gọi toàn là những người đang gặp rắc rối với sản phẩm của mình, họ cáu, họ gắt, họ quát tháo và mình thì vẫn phải tươi cười trả lời. Vì Call Center làm việc với khách hàng ở châu lục khác nên giờ làm việc ở đây rất quái khiến cho những người làm việc ăn ngủ hết sức thất thường. Biết sức mình không chịu nổi nhiệt, tôi không đi theo con đường này. Một buổi chiều khi đang than vãn ở nhà Swapnil, bất chợt anh chàng à lên một tiếng như vừa nghĩ ra cái gì đấy:
“Này Chip, em có viết list post không? Nếu có thì để anh hỏi bên Walyou (trang web Israel mà anh đang cộng tác) cho em”.
“List post là gì?”.
“Đại loại là những bài viết liệt kê những thứ hot nhất, đỉnh nhất, ví dụ như 20 ván trượt hiện đại nhất, 15 mẫu thiết kế tủ lạnh của tương lai, 20 mẫu costume Star Wars kỳ quái nhất. Chủ đề chủ yếu là công nghệ, game, khoa học viễn tưởng. Em cũng thích mấy cái đấy mà”.
“Ừ, nhưng ai cho em cái danh sách ấy để viết?”.
“Tìm trên mạng. Yên tâm dễ lắm, đọc tài liệu hướng dẫn là làm được”.
Thế là Swapnil gửi email cho Eran, người sáng lập đồng thời là biên tập viên của Walyou. Không biết anh chàng ba hoa gì về khả năng viết lách của tôi mà Eran đồng ý. Công việc khá đơn giản, Eran sẽ gửi chủ đề cho tôi, tôi tìm leads (danh sách những thứ nằm trong danh mục), gửi cho Eran để phê duyệt. Eran sẽ gửi lại cho tôi list cuối cùng và tôi viết giải thích cho list ấy. Mỗi bài viết tôi mất khoảng ba tiếng để hoàn thành, 700 – 1.000 chữ, Walyou trả $10 cho một list post. Ở Israel thì chắc là bóc lột sức lao động, nhưng so với mức thu nhập ở Ấn Độ thì cũng không tệ tí nào.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.