“Thử” đáng xấu hổ
……
Trước khi trở lại thành phố Bách Châu, Triệu Lan lo lắng rất nhiều về chuyện mối quan hệ xã giao. Những người trong công ty rất khách sáo, khi cô nhập viện, phó thư ký đã thay mặt mọi người đến thăm cô, hiện tại cô không nói chuyện với ai, tránh được rất nhiều rắc rối, hơn nữa cũng không muốn hễ gặp ai là vén ống quần lên cho họ nhìn chiếc chân giả với vẻ tò mò và làm theo lời họ nói: “Y học ngày nay thật lợi hại, thử bước vài bước xem nào?”
Sau vài tháng thích nghi, Triệu Lan đã có thể đi lại tương đối bình thường nhờ sự hỗ trợ của chi giả. Ngoài “tương đối” cũng có cái “tuyệt đối” – Triệu Lan luôn cảm thấy không vui, luôn cảm thấy người khác đang chú ý đến chân của mình.
Tại Bách Châu, hai mẹ con họ tạm thời chưa có chỗ dung thân, định ở nhà nghỉ vài ngày. Vấn đề lớn nhất của Triệu Lan chính là mẹ cô, kể từ khi từ chối sự giúp đỡ của anh trai trong chuyện bồi thường, cộng thêm chuyện Mão Sinh rời nhà ra đi bỏ lại bà ngoại ở lại, mẹ cô khóc lóc thảm thương qua điện thoại: “Con đang làm gì vậy? Sao phải cảnh giác người nhà như đề phòng kẻ trộm thế.”
Lần về nhà bố mẹ đẻ này chỉ nhằm mục đích cố hết sức hàn gắn mối quan hệ với mẹ. Cùng Mão Sinh đến nhà anh trai với túi thực phẩm dinh dưỡng, trái cây và đặc sản mang từ tỉnh đến, chị dâu cô mượn cớ xin rời đi trước vì trong cửa hàng có vấn đề, anh trai cô thì không chịu xuất hiện, trong khi Mão Sinh chỉ giữ khư khư chiếc điện thoại không ngừng gửi tin nhắn, nước mắt nước mũi của mẹ già đều do một tay Triệu Lan đưa giấy cho lau.
Khi những cục giấy ăn chiếm hết một nửa không gian trong thùng rác, mẹ cô nhai đi nhai lại: “Nghe nói con được bồi thường 400.000 tệ, thật không?”
Triệu Lan nói làm gì có chuyện nhiều thế, chỉ có 270.000 tệ thôi, ngoài chữa bệnh, số tiền còn lại con cố lắm mới mua được cho Mão Sinh mua một căn nhà nhỏ ở tỉnh lỵ. Như thế sau này khi đi làm, con bé sẽ không phải lo lắng về chuyện nhà cửa.
Đang nói chuyện, cô thấy Mão Sinh ngước lên khỏi chiếc điện thoại di động nhỏ, nhìn mình với vẻ xúc động.
“Dù sao sau này con bé cũng phải gả cho người khác, mua nhà làm gì? Mua rồi không phải của người khác à?” Mẹ của Triệu Lan luôn trung thành với đạo lý cũ rích rằng con gái lấy chồng là bát nước đổ đi, cho rằng mua nhà cho con gái là một điều viển vông.
Mão Sinh không vui khi nghe thấy điều này, nói muốn ra ngoài nghe điện thoại, rồi rời đi.
Bà ngoại nhìn lưng cháu gái, lại khóc: “Hồi con bé còn nhỏ, mẹ dọn phân dọn nước tiểu cho nó suốt một năm. Tại sao lớn lên lại không thân thiết nữa.” Nghe vậy, Mão Sinh đứng ngoài cửa lại đau đầu, chủ đề nói chuyện giữa cô và bà chỉ quanh quẩn mỗi chuyện đái ỉa suốt một năm, cô có thể làm gì được? Cô không thể tự lo chuyện ăn uống và bài tiết ngay khi vừa sinh ra cho đến hơn một tuổi, cô cũng đâu có ép bà ngoại phải thay tã cho mình.
Nói đến đái ỉa, người anh họ nhà bác trai cô đến 8 tuổi vẫn đái dầm, chẳng phải người thay giặt ga đều là bà ngoại sao?
Triệu Lan đã biết từ lâu rằng mẹ cô là người hay thiên vị, cô đã quen, và cũng chấp nhận số phận. Ngoài ra, từ khi ông Bạch qua đời, trong nhà cô không có đàn ông, thế nên anh trai cô đã trở thành một nửa trụ cột trong tim mẹ cô. Nửa còn lại là tiền.
Lần tai nạn ngoài ý muốn này làm cô mất nửa cái chân nhưng lại có một trụ cột khác – Sự trưởng thành của Mão Sinh vượt ngoài mong đợi của cô.
Cô nghĩ đi nghĩ lại rất nhiều khi một mình buồn chán ở nhà, nghĩ rốt cuộc những năm qua mình mắc nợ mẹ mình cái gì? Để mà chị dâu và anh trai có thể hào hùng chính đáng đến thế nhân lúc mình đang trong hoàn cảnh khốn đốn. Triệu Lan càng nghĩ càng thấy có điều gì đó không đúng, từ khi cô tốt nghiệp trường kịch năm mười lăm tuổi, cô chưa hề lấy một đồng nào từ gia đình, chuyện cưới xin hồi kết hôn với ông Bạch cũng đều do cô chi trả bằng tiền lương. Tại sao anh trai lại đổ trách nhiệm lên đầu cô vì cả đời này anh phải bán hải sản?
Dù là người một nhà cũng không thể mặc định rằng họ bẩm sinh dễ nói chuyện với nhau. Họ không những khó nói chuyện, mà còn rất vô lý. Họ có thể nhai đen thành trắng, từ cướp tuyệt hậu cũng có thể nói thành cảm thông cho bạn. Những người không biết xấu hổ đều vặn vẹo từ trong tâm cho đến logic.
Triệu Lan để lại 2.000 tệ cho mẹ, ứng phó với mẹ một lát rồi muốn rời đi. Mẹ giữ cô lại ăn cơm, còn nói chị dâu tan làm về nhất định sẽ nhớ đi chợ mua đồ ăn về. Triệu Lan nhìn mẹ cô, người thương cô gần gũi với cô nhất khi cô còn nhỏ, nói: “Mẹ, thôi, chị dâu và anh trai sợ con đến đòi tiền, đừng nói mua đồ ăn về, thậm chí buổi trưa họ cũng không về nhà đâu.”
Người mẹ có tính nóng nảy của cô cứng đờ mặt, nếp mũi dài ra lộ vẻ không vui theo thói quen. Trước đây Triệu Lan sợ nhất nhìn thấy mẹ như thế, cô hay tìm đủ mọi cách làm mẹ vui: mua quần áo, mua thuốc bổ cho mẹ, âm thầm nhét tiền cho mẹ, đưa mẹ đi du lịch… Cô thấy rất mệt mỏi, nhưng dù vậy cũng không bao giờ được nhận lại một lời “Thật tuyệt” hay “cảm ơn” nào từ mẹ, bà luôn ghét cách cô tiêu tiền thế này hay thế kia, nói thẳng ra, chỉ vì bà tiếc số tiền đã tiêu kia không nằm gọn gàng dưới gối của mình.
Triệu Lan đã nhìn chán khuôn mặt đau khổ và tham lam này, đã chịu đủ vẻ mặt luôn chuyển đổi giữa tức giận và yếu đuối này. Cô đứng lên một cách vững vàng trên chiếc chân giả của mình: “Con không kiếm tiền từ bốn bàn tay giống anh trai và chị dâu, con chỉ có một mình, Mão Sinh chỉ có con. Mẹ, phiền mẹ chuyển lời cho con, bảo anh chị hãy nhanh chóng trả lại 200.000 tệ.”
Mão Sinh đứng ngoài cửa bỗng phấn chấn khi nghe thấy lời này. Cô đang định cười khi Triệu Lan ra ngoài, nhưng lại thấy mẹ mình khóc. Mão Sinh không nói gì, chỉ nắm tay mẹ: “Mẹ, mẹ muốn ăn thịt nướng trên đường Cận Hy đúng không? Tối nay hai mẹ con mình đến đi ăn đi, gọi thêm sư phụ nữa.”
Vừa nghe đến Vương Lê, Triệu Lan nghẹn ngào khóc: “Mẹ không gặp cô ấy.” Trong lòng cô cảm thấy mình bị Vương Lê bỏ, đương nhiên là do cô tự làm tự chịu, vì cô là người không muốn Vương Lê trước.
“Được được, không gặp cô ấy, chỉ có mẹ và con thôi.” Mão Sinh ôm đôi vai của mẹ, ôm Triệu Lan: “Mẹ, muốn khóc thì phải đi xa hơn chút. Ban nãy mẹ không như thế này.”
Triệu Lan cười, nhưng cũng ngẩn ngơ, cảm thấy Mão Sinh đã trưởng thành từng chút một ở những nơi cô không để ý đến, chỉ riêng giọng điệu ban nãy của cô bé, vô cùng giống sư tỷ.
Mão Sinh nói hôm qua con và bạn con cũng đến phố Cận Hy, bạn con uống hai chai bia nhưng con không động đến một giọt nào: “Là chị Ấn lần trước đến bệnh viện thăm mẹ, hiện tại chị ấy đang bán sàn nhà. Chà…” Bạch Mão Sinh mô tả ấn tượng mới mà Ấn Tú đem lại cho cô: “Chị ấy mặc chiếc áo vest trông rất trưởng thành, đúng là người đi làm có khác.” Cô lược đi thông tin quan trọng, Ấn Tú cởi áo vest ra và để lộ chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt bên trong, đường nét xinh đẹp của cô gái không khỏi khiến Mão Sinh cúi đầu nhìn chính mình.
“Nên cảm ơn cô ấy. Nếu không có sự giúp đỡ của cô ấy, chuyện sửa sang nhà chúng ta có lẽ sẽ không thể hoàn thiện.” Triệu Lan cũng nói như vậy, nhưng hễ nghĩ về Mão Sinh và Du Nhậm, Mão Sinh và Ấn Tú là đầu cô lại đau, người cũ chưa đi mà người mới đã đến. Ngày xưa khi mang thai Mão Sinh, cô luôn cảm thấy đứa trẻ này sẽ ngoan ngoãn không gây chuyện, không hiểu sao lớn lên lại đi làm hại các cô bé khác.
Triệu Lan vẫn luôn cẩn thận quan sát mọi động thái giao du của Mão Sinh, dường như kể từ khi cách xa Du Nhậm, cái tên Ấn Tú không bao giờ ngừng thốt ra từ miệng Mão Sinh. So với mình và sư tỷ, Triệu Lan cảm thấy vấn đề của Mão Sinh càng cần phải khẩn cấp giải quyết hơn.
Về phần giải quyết như thế nào, cô hoàn toàn không biết. Triệu Lan nóng giận ngồi ăn một mạch hai mươi xiên thịt bò trong quán thịt nướng ven đường, Mão Sinh mua thêm cho cô một miếng dưa để hạ hoả. Triệu Lan nói, không, mẹ cũng muốn uống bia, con mua cho mẹ hai chai.
Sư tỷ một bữa uống hết một chai Ngũ Lương, Triệu Lan một bữa nốc hết nửa cân Mao Đài. Thậm chí cô từng nghĩ sau này khi mình và sư tỷ đều nghỉ hưu, hai bà già cuối cùng sẽ có thể buông thả, đối mặt với nhau thổi chai trên bàn ăn.
Hai chai bia đối với Triệu Lan không thành vấn đề. Ăn uống no nê, Triệu Lan nắm chặt tay con gái đi bộ dọc theo đường Cận Hy, khi đến cổng khu chung cư Kim Hồ, Triệu Lan đột nhiên dừng lại. Mão Sinh nhìn ra mẹ đang do dự.
Triệu Lan chỉ do dự một chốc, sau đó tiếp tục dẫn con gái đi xa hơn, hai người bước đến ven sông Bách Giang, khi ấy Mão Sinh bỗng hơi khựng lại, cô nhớ ra đây chính là nơi cô và Du Nhậm lén lút hẹn hò.
Hai mẹ con sóng vai nhìn những con tàu vận chuyển trên sông, lắng nghe tiếng động cơ gầm rú, ngắm nhìn ánh đèn và những đường nước trong vắt theo sau chiếc tàu. Hai chai bia được Triệu Lan ủ trong mười phút đã phát huy tác dụng: “Mão Sinh, hay là con thử xem?”
Mão Sinh hỏi thử cái gì?
“Thử xem, con có rung động trước con trai hay không. Ngày xưa mẹ ở bên bố con cũng từng bị rung động.” Ban đầu Triệu Lan cảm thấy thật khó để lột bỏ lớp ngụy trang là một người mẹ vĩ đại, hoàn hảo và đứng đắn trước mặt con gái, nhưng một khi nói ra cũng dễ dàng hơn.
“Không sai, mẹ thích sư phụ con. Trước đây mẹ rung động trước con trai, sau đó cũng cảm thấy bị thu hút bởi dáng vẻ phụ nữ của cô ấy dưới sân khấu. Sau này mẹ mới hiểu, đó không phải cảm giác như với con trai, chỉ là cảm giác tính đoán chi ly, đưa đi đẩy lại với người mà mình thích. Mẹ không cố ý, chỉ là lúc đó mẹ không kiềm chế được.” Triệu Lan rất khinh bỉ các thuật ngữ được sử dụng trên Internet “Thích một người không phải điều dễ dàng.” Vì vậy cô suy bụng ta ra bụng người, rằng Mão Sinh cũng không dễ dàng.
Triệu Lan nói hồi xưa cô từng làm rất nhiều chuyện tồi tệ với sư tỷ.
“Mẹ cũng ném vỏ hạt dưa vào mặt sư phụ?” Mão Sinh vừa hỏi, Triệu Lan biết ngay đó là điều Trần Phượng Tường làm.
“Mẹ còn lâu mới cắn hạt dưa sau sân khấu.” Triệu Lan nói cô từng lén lút trộn rất nhiều phấn xanh vào hộp phấn trắng trang điểm mặt của sư tỷ: “Cô ấy không để ý, cầm cọ lên đánh một đường dưới mắt, vốn định tạo lớp nền, kết quả là biến thành yêu tinh.” Triệu Lan nhớ lại màu xanh nổi bật trên khuôn mặt anh tuấn của diễn viên hát Sinh: “Yêu tinh thật đấy.”
“Mẹ hát không tốt, bị đạo diễn trong đoàn mắng, sư phụ con nói đỡ cho mẹ, nói rằng hãy cho cô ấy ba ngày, cô ấy nhất định sẽ sửa lại tông giọng cho mẹ. Kết quả thì sao? Mẹ không thèm đồng ý, là do cô ấy ngày nào cũng tìm đủ cách mời mẹ đi ăn, ăn hết hơn nửa tháng lương mới làm mẹ thấy áy náy, mẹ nói, được, vậy em sẽ thử xem.” Triệu Lan nhớ cả tháng đó sư tỷ uống đủ gió tây bắc, ngày nào cũng gặm bánh bao nhân rau.
“A, vậy là hồi đó sư phụ hay mua đồ ăn cho người ta sao? Khi cô Trần bắt chuyện với con sau sân khấu, sư phụ luôn sai con chạy đi mua cánh gà nướng hay cái gì đó nhiều lắm, nói là cô Trần rất dễ đói sau khi diễn.” Mão Sinh lại một lần nữa khẳng định đặc điểm rất giỏi chăm người khác của sư phụ.
Triệu Lan líu lưỡi: “Ừ.”
Đã có tuổi, mới được hai chai bia đã líu lưới và trí nhớ kém, rõ ràng đang nói về chuyện của Mão Sinh, song cô luôn miệng tự mình nói về sư tỷ: “Đến tỉnh lỵ ba chuyến, chỉ đưa con đến cổng khu chung cư, cô ấy không muốn gặp mẹ.” Cô ấy cũng không muốn ăn gà, vịt, cá, thịt và tôm do mình làm.
“Mẹ, con nghĩ…” Mão Sinh kéo khóa áo, lại xoa tay mẹ: “Vẫn ổn, rất ấm.”
“Nghĩ gì?” Triệu Lan lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác trò chuyện thoải mái với con gái mình, đứa bé sơ sinh trắng trẻo và mềm mại và chỉ biết ngủ sau khi được bú no đột nhiên lớn lên trở thành chỗ dựa của cô, làm nổi bật thêm tuổi già của cô.
“Mẹ, mẹ rất kỳ cục, cũng đừng nhắc đến chuyện bảo con thử động lòng với con trai nữa. Trong số các bạn học cấp hai của con, những đứa thấp hơn con nhiều không đếm xuể, những đứa cao hơn con thì xấu như biến dạng.” Nghĩ đến Chúc Triều Dương thế mà cũng dám thích Du Nhậm, Mão Sinh càng tức giận hơn: “Mẹ nói xem con nên động lòng với ai đây?”
Học qua hai trường kịch, nam sinh hiếm như lông phượng và sừng lân, tất cả đều tại diễn viên Việt kịch nữ quá đông: “Con đi gặp ai? Đi gặp ông chú kéo đàn ba dây hay là ông bác gõ trống?”
“Mẹ, tuy con ít tuổi, nhưng con biết ‘thích’ là thứ không thể miễn cưỡng và gượng ép. Nếu thực sự phải gượng ép, thì sư phụ vẫn nên bầu bạn với cô Trần thì hơn.” Mão Sinh cũng cho Triệu Lan nếm thử sự sắc sảo của một đứa trẻ: “Con nói mẹ kỳ cục, vì rõ ràng mẹ thích sư phụ, nhưng lại đẩy cô ấy ra vì muốn con kết hôn và sinh con theo cách bình thường. Mẹ, con nói cho mẹ nghe một điều từ tận đáy lòng của con, sư phụ chưa bao giờ giận mẹ hay hận mẹ. Cô ấy nói mẹ đã làm đủ nhiều rồi.”
“Mẹ là mẹ, con là con. Mẹ đừng bạc bẽo với sư phụ, đừng bạc bẽo với bản thân, con cũng sẽ không ‘thử’ chỉ để xác nhận xu hướng tính dục của con. Mẹ ơi, ‘thử’ cũng rất xấu mặt.”
Triệu Lan chống nạnh nhìn mặt sông, mùi rượu thoang thoảng vương trên má, cô cũng đang trầm ngâm suy ngẫm sau khi nghe lời con gái, cuối cùng, cô nói: “Vậy con không được yêu trước hai mươi tuổi.” Cô tạm thời cúi đầu trước sự trưởng thành của con gái mình.
Mão Sinh cười khổ: “Con cũng đã gần như thất tình.”.
……