Nếu hoàng hậu đố kỵ với Huệ phi, thì Trình Sở cũng đố kỵ với Trình Khâm.
Sự đố kỵ đó chính là: Hễ bất kỳ thứ gì Trình Khâm thích hoặc chỉ cần nó ở trong tay ngài thôi thì nhất định bằng mọi cách, Trình Sở cũng sẽ tìm cách đoạt lấy!
“Mau đưa con chim đó cho ta”, đó chính là câu ra lệnh sắc lạnh mà Trình Sở dành cho Trình Khâm khi biết con chim ấy do phụ hoàng ban tặng.
Khi ấy Trình Khâm mười một tuổi, giương mắt nhìn Trình Sở đang mang khuôn mặt lạnh băng đáng sợ, trên tay ngài là chú chim non đang hót líu lo. Phụ hoàng tặng nó cho ngài, ngài rất thích nên ngày đêm đều chăm sóc chu đáo. Trình Khâm không muốn Trình Sở biết, nhưng rồi… Vị hoàng tử nhỏ tuổi đã im lặng khá lâu, sau cùng đành đặt chú chim vào tay hoàng huynh.
Trình Khâm không có sự lựa chọn! Bởi ngay từ nhỏ, ngài đã được mẫu phi dặn dò tỉ mỉ rằng: “Bất cứ thứ gì Trình Sở muốn, con nhất định phải nhường hết! Người đó là trưởng tử của hoàng hậu, nay mai thể nào cũng trở thành thái tử, tốt nhất đừng đắc tội! Nếu không, mẫu tử ta khó bề mà sống yên thân…”. Đó chính là nguyên nhân, hễ Trình Sở ra lệnh là Trình Khâm phải nghe theo dù cho trong lòng không muốn đến dường nào đi nữa, dù cho bản thân ấm ức giận dữ ra sao.
Trình Sở cầm chú chim trên tay, đôi môi nở nụ cười thâm hiểm tiếp theo thì tàn nhẫn ném mạnh con vật đáng thương ấy xuống đất, giẫm đạp một cái.
“Tiếng hót của nó nghe thật chướng tai”, Trình Sở buông lời thản nhiên đến cay độc trong khi quan sát biểu hiện thất thần của hoàng đệ, sau đó thoả mãn bỏ đi.
Trình Khâm đứng yên, lặng lẽ cúi đầu nhìn xác chú chim, ánh mắt non nớt khi ấy chẳng những đau xót mà còn đầy căm phẫn oán hận.
Điều khiến Trình Khâm thấy phẫn uất là ở chỗ: Bất cứ thứ gì chiếm đoạt được rồi thì vị hoàng huynh độc ác đó đều sẽ đối xử thật tàn nhẫn!
Suốt quãng thời gian thơ ấu cũng như trưởng thành, Trình Khâm luôn bị tước đoạt, nhưng ngài không có cách gì để phản kháng bởi nghĩ đến mẫu phi của mình. Chống lại Trình Sở nghĩa là chống đối hoàng hậu, không chỉ một mình ngài khổ sở mà còn cả mẫu phi nữa… Vì vậy, ngài đã sống cúi đầu lẫn đau khổ dường nào!
“Ta muốn bài thơ của ta là hay nhất khi trình lên phụ hoàng”, chỉ cần Trình Sở nói bâng quơ như thế thôi là Trình Khâm tự khắc đổ mực lên bài thơ của mình, khiến cho những dòng thơ xuất chúng kia phải bị bôi bẩn dẫu lòng không ngừng gào lên: Ta thích bài thơ ấy! Rất thích!
“Ta không muốn đi săn với phụ hoàng mà có ngươi đi cùng”, Trình Sở cầm những mũi tên vuốt nhọn thở dài một tiếng, tức thì Trình Khâm cúi xuống lấy đá đập vào chân mình đến chảy máu, lấy cớ bị thương mà không thể đi săn với hoàng thượng, dẫu khi ấy phải để nước mắt chảy ngược vào lòng: Đau! Đau lắm!
“Ta muốn về nhất trong cuộc thi cưỡi ngựa để phụ hoàng ban thưởng”, Trình Sở vừa nói vừa cắt dây yên ngựa trước sự chứng kiến của Trình Khâm, và ngày hôm đó thất hoàng tử vẫn cưỡi trên lưng chú ngựa ấy để rồi hậu quả là ngã đến gãy tay, ngài không khóc dẫu trong lòng bi ai hỏi rằng: Thế này đã đủ chưa?
Giai đoạn cao trào khi đó, hoàng thượng vẫn chưa lập thái tử nên các hoàng tử thi nhau tranh giành trổ tài, thậm chí là giở đủ mọi thủ đoạn để có được sự để mắt từ phụ hoàng. Trong lòng hoàng thượng vốn đã có suy tính, muốn để Trình Khâm thành thái tử vì từ tài mạo, văn võ cho đến đức tâm đều có đủ. Thế nhưng do sự bức ép từ Trình Sở mà Trình Khâm ngày càng thụt lùi, giấu đi khả năng bản thân.
Khi ấy, bất ngờ xảy ra chuyện lớn mà đối với Trình Khâm là biến cố không thể quên. Lần nọ vì không thể nhường nhịn nên Trình Khâm khiến Trình Sở bị thương nặng, và dĩ nhiên hoàng hậu hay tin liền sai người đến đánh Huệ phi một trận đòn thật khủng khiếp. Hoàng hậu không trừng phạt Trình Khâm mà để ngài chứng kiến cảnh mẫu phi mình bị đánh đến thân thể loang máu.
Ngày hôm đó tang thương vô cùng, Huệ phi nằm bất động trên nền tuyết trắng, máu từ miệng không ngừng trào ra còn Trình Khâm thì quỳ lạy trước mặt hoàng hậu, đôi mắt khóc đến sưng đỏ và đau rát trong khi miệng liên tục cầu xin:
– Khâm nhi sai rồi\, hoàng hậu nương nương! Xin người tha cho mẫu phi! Xin người để thái y đến cứu mẫu phi! Khâm nhi sai rồi! Nương nương\, là Khâm nhi sai!
Vị hoàng hậu quyền uy đứng đấy với vẻ mặt nhẫn tâm đến rợn người, ánh mắt vô cảm thấu tận tâm can chỉ nhìn đứa trẻ đáng thương dập đầu liên tục bật khóc tức tưởi, van xin đến khàn giọng, bất lực tận cùng trước cảnh mẫu phi hấp hối.
Trình Khâm dập đầu xuống nền đất đến tươm cả máu, trán rách da rách thịt.
Huệ phi nằm trên đụn tuyết lạnh, cố dùng sức lực còn sót lại với tay đến chỗ con trai, miệng chẳng thể thốt lên lời nào mà lệ cứ tuôn trào.
“Thứ gì không thuộc về mình thì chớ có tranh giành”, hoàng hậu mỉm cười độc ác đồng thời hất nhẹ chiếc áo khoác, thản nhiên rời khỏi Diêu cung.