Số lượng cây cảnh trong dinh thự Thiên Thành nhiều vô số kể, được thầy thợ chăm sóc.
Hôm nay là một dịp hi hữu khi mọi người nhìn thấy ông Thành tự tay cắt tỉa.
Thân là con dâu, bà Quyên không thể vắng mặt, cùng chung số phận với đám người làm, đứng yên một góc đợi sai bảo.
Trình độ cắt tỉa của ông Thành nói đẹp thì chưa hẳn mà bảo xấu lại không đúng, lơ lửng ở giữa.
Ông ấy chuyên tâm vào chậu bonsai, chẳng đoái hoài gì đến xung quanh.
Ông thì nhàn nhã nhưng người khác sớm đã thầm kêu trời trách đất.
Mặt trời dần lên cao, nắng cũng chói chang hơn.
Chỗ Bà Quyên đứng được ưu ái hứng nắng, bà ấy chỉ có thể cúi gằm mặt cho bớt chói mắt.
“Cạch!”
Sau bao phen nghiền ngẫm suy tính, ông Thành mới cầm kéo cắt đi một cành nhỏ.
Hết xoay chậu bonsai qua trái lại qua phải, ông hài lòng gật đầu.
Đặt kéo sang một bên, cầm lấy khăn đã được chuẩn bị sẵn, ông vừa lau tay vừa bảo:
“Đem cây về chỗ cũ! Mấy người cũng giải tán đi, ai làm việc nấy!”
Cuối cùng thì ông ấy cũng lên tiếng, người làm vội tốp năm tốp ba thu dọn sạch sẽ.
Bà Quyên lần đầu tiên thấy ghen tị với họ, bà ấy cũng muốn đi khỏi chỗ này, ở cùng ba chồng đáng sợ biết bao.
Người làm lũ lượt đi hết, chỉ còn mỗi ba chồng con dâu đứng và cây cối xanh tốt.
Ông Thành hít sâu, cảm nhận bầu không khí trong lành sau đó tập dưỡng sinh.
Bị xem như tàng hình nhưng bà Quyên chẳng dám mở miệng than vãn nửa lời dù trán túa mồ hôi.
“Chị xuống đây làm chi?”, ông Thành bỗng hỏi.
Ông đã kêu réo gì đâu, tự dưng lại vác thân xuống.
Kiểu tự cho mình là đúng của vợ chồng con cái nhà này ngoài việc làm ông chướng mắt thì không được tích sự gì.
Lầm lì đứng một chỗ cứ như thể cai ngục giám sát tù nhân.
Nhưng vừa hay đúng lúc, ông cũng có việc cần giao.
Bị hỏi cắt cớ, bà Quyên chỉ đành bịa đại lý do:
“Dạ tại con muốn chăm sóc ba!”
Nói những lời này chính bà còn thấy ngượng miệng.
Ba chồng ở ngoài phơi nắng, con dâu chui trong phòng ngủ mà được chắc? Một lý do đơn giản, ai ai cũng hiểu nhưng lại không thể nói huỵch toẹt ra.
“Chăm sóc? Có hiếu quá nhỉ? Từ khi nào mà chị thành con hầu vậy? Chăm sóc ý ám chỉ tôi già cả sắp chết đấy à?”, ông Thành cố tình vặn vẹo.
Đem cái ly do vụn về này ra tưởng là có thể lừa được ông chắc? Đầu hai thứ tóc mà tin vào thì uổng công ông sinh sớm mấy chục năm.
“Không, không ạ, ý con không phải thế!”, bà Quyên vội giải thích.
Ngoài mặt thì sợ nhung trong lòng thì lại oán, hôm nay ba chồng bà ăn trúng thuốc súng hay sao mà cứ vạch lá tìm sâu.
“Thế ý chị là tôi vu oan cho chị?”, ông Thành kiếm chuyện.
“Dạ, con nào có ý đó!”, bà Quyên bị bắt chẹt muốn điên rồi.
Ông Thành nhìn con dâu túng quẫn, cảm thấy nhàm chán đổi chủ đề:
“Sao lại đứng về phía Trà My?”
Con dâu và cháu gái bằng mặt không bằng lòng, ông biết
chứ.
Thế nên khi con dâu đứng ra nói giúp cho Trà My, ông hơi bất ngờ vì thái độ trước sau quay ngoắt một trăm tám mươi độ.
Nói đi nói lại cuối cùng cũng đến chuyện chính, bà Quyên bày ra dáng vẻ bác cháu tình thâm:
“Dạ, con bé khổ nhiều rồi, để nó gả cho người nó thương, sống vui vẻ qua ngày.
Trà My không phải con sinh nhưng dẫu sao cũng làm mẹ, con chỉ mong con bé an yên là tốt rồi.”
Cuối tháng này là Trà My sẽ biến khuất mắt, bà Quyên nghĩ tới liền sảng khoái.
Vậy là không còn cái của nợ trả treo với bà, Tú cũng được yên thân.
Cứ để nó gả cho tình yêu đi rồi nếm mùi đau khổ, cuộc sống hôn nhân vốn muôn mặt, ở ngoài chưa rõ, vào trong mới tỏ tường.
“Cảm động quá!”
Ông Thành cười khẽ, tay cầm ly trà đưa lên miệng thổi nhẹ.
Tiếp theo đó là sự im lặng, bà Quyên từ từ ngẩng đầu lên quan sát sắc mặt ba chồng.
Ông Thành cảm nhận được có người nhìn mình, nghiêng đầu nhìn lại.
Nụ cười trên môi vụt tắt, ông hất mạnh ly trà trong tay về phía con dâu, làn nước ấm tạt thẳng vào mặt bà Quyên.
“Á!”
Bà quyên hét lên thất thanh, người làm nghe thấy vội chạy ra.
Khi đối diện với gương mặt sa sầm của ông Thành, bọn họ cúi đầu lui đi.
Chuyện của chủ không tới phiên họ quản.
Đặt ly rỗng trên bàn, ông Thành xoay ghế lại đối diện con dâu, ngồi xuống.
Bà Quyên mặt ướt đẫm, chưa thôi bàng hoàng.
Bị đôi mắt sắc bén nhìn chằm chằm, hai bả vai co rúm lại.
Bà ấy đã làm gì sai ư? Không có mà! Chẳng phải chính ông ấy cũng đồng ý cuộc hôn nhân này sao?
“Đã tỉnh chưa? Thôi ngay mấy cái trò ngu xuẩn này đi, tôi đã thấu rõ tâm can chị rồi.
Chị nói hay như vậy sao không nghĩ tới vì sao con My lại sinh ra ở ngoài.”
Người ta nói không sai, không sợ kẻ địch mạnh chỉ sợ đồng đội ngốc.
Chẳng hiểu trong cái đầu con dâu ông đang nghĩ
gì, nếu bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối thì với trí khôn có hạn bậc này, mấy đời ông rước về.
Suốt ngày chỉ ăn ngủ mua sắm tiêu tiền, riết rồi đần ra.
Bà Quyên được nhắc nhở lúc này mới hiểu ra bản thân đã phạm lỗi ở đâu, hóa ra ba chồng không vừa mắt Khải.
Có lẽ ai cũng lầm tưởng ông ấy ủng hộ cả thôi bởi xem thái độ nhiệt tình quá, tạo mọi điều kiện để đôi trẻ cưới gả.
Bởi vậy nên bà mới quên béng đi lịch sử huy hoàng của ba mẹ Trà My.
Nhưng nếu đã phản đối thì tại sao còn đồng ý cho cưới?
“Ba, con sai rồi!”, dù còn nhiều nghi hoặc nhưng bà Quyên vẫn ngoan ngoãn nhận sai.
Trong cái gia đình này, ba chồng là trời là chúa, ông ấy nói gì cũng đúng.
“Biết rồi thì tốt! Tôi bảo chị này, ngủ ít thôi kẻo dấu hỏi biến mất thì dở người.
Chị tìm đến ba mẹ Khải, khuyên họ hủy hôn đi, làm bí mật vào, Trà My mà biết thì chị không xong với tôi đâu!”
Ông Thành hừ lạnh chống gậy bỏ đi để mặc con dâu ở lại tiêu hóa bao lời sâu cay.
Mãi đến khi không còn nghe thấy tiếng gậy nữa bà Quyên mới xoay người lại, oán hận nhìn về phương hướng ba chồng rời đi.
Bà ta cầm lấy ly, giơ cao lên định ném cho hả giận nhưng phút cuối do dự hạ xuống.
Không thể ném được, ngộ nhỡ ông ta biết lại bắt bẻ đủ thứ.
Bà đường đường là con nhà trâm anh thế phiệt nhưng sao lại đi đến bước đường này? Chồng không thương, ba chồng xem như rơm rạ, đây là tất cả những gì hai cha con họ đối xử với người vợ, người con.
Cùng chung cảnh chị em dâu nhưng sao kẻ khóc người cười? Bà chỉ hơn mẹ Trà My ở chỗ còn sống thôi, sống không bằng chết.
Đôi mắt ngày thường độc ác lườm người nay nhuốm sự u buồn.
***
Biệt thự Blue Moon, bảy giờ tối.
Trường Thịnh ngồi đợi sẵn ở bàn ăn, nhìn con gái như chú chim nhỏ lăng xăng trong bếp, mỉm cười bất lực.
Mấy hôm trước không biết cô công chúa nhỏ này nghe ai xúi dại mà lại đòi học nấu ăn, giờ bắt ông nghiệm thu thành quả.
Nói chẳng phải khoe, Vy chỉ thích hợp tiêu tiền làm thực khách thôi.
Ông nghĩ là dụng cụ nhà bếp sau đêm nay có thể thay mới được rồi, nãy giờ tiếng loảng xoảng cứ vang lên liên hồi.
“Ba chúng ta ăn thôi!”
Vy lần lượt bày món lên, vẻ mặt rất đỗi tự hào.
Trường Thịnh nhìn thành phẩm của con, dĩa khét dĩa tái mà dở khóc dở cười.
Nếu đứng trên lập trường của doanh nhân sở hữu nhiều chuỗi khách sạn, ông sẽ loại ngay.
Nhưng là một người ba, Trường Thịnh buộc phải tìm chỗ vớt vát lại.
“Để ba thử xem tài nghệ của con gái ba như thế nào!”
Trường Thịnh gắp một đũa rau muống xào cho vào miệng, chân mày không tự chủ được nhướng lên.
Cả hương lẫn vị đều rất đậm đà, ông đoán chắc Vy bận quá, quên cho đường
mất rồi.
“Ngon không ba?”, Vy háo hức hỏi.
Trường Thịnh không nhẫn tâm phũ phàng với con gái nên cố nuốt đồ ăn trong miệng, dối lòng khen:
“Ngon lắm!”
“Thật ạ? Để con thử!”
“Đừng!”
Trường Thịnh cản không kịp, Vy hớn hở nếm thử miếng rau muống, ngay sau đó liền méo xệch miệng.
Dáng vẻ nhăn nhó của cô nàng làm Trường Thịnh vừa thường vừa buồn cười.
Vy nhả đồ ăn vào chén, uống hơn nửa ly nước mới chịu ngừng lại.
Cô nàng dỗi:
“Vậy mà ba bảo là ngon! Ba lừa con!”
Mặn hơn nước biển nữa là, lẽ ra cô nên nếm trước mới phải.
Nhưng cô nhớ chỉ bỏ có mấy muỗng muối thôi mà, sao mặn thế nhỉ?
Trường Thịnh quen thói dỗ dành:
“Thôi, ba sai, ba sai được chưa? Tại khẩu vị ba mặn mòi thế thôi! Giờ cha con mình ra ngoài ăn nhé, sẵn tiện dẫn
con đi dạo trung tâm thương mại luôn được không?”
Lần này Vy không mắc bẫy như mọi khi, cô bĩu môi kì kèo:
“Không, con chỉ muốn anh về thôi!”
Chuyện gì Trường Thịnh cũng chiều lòng được chứ riêng mỗi việc này thì không.
Ông dứt khoát lắc đầu:
“Không được! Anh con đi là lo chuyện công, không phải đi
du lịch mà muốn thì về.”
Sao ai cũng nghĩ ông đối xử hà khắc với con trai vậy? Đây gọi là thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi hiểu không?
“Ba, ba đừng giận anh nữa mà!”, Vy vẫn cứ nghĩ là ba mình còn giận.
Trường Thịnh bất lực, nỗi oan này ai thấu? Ông mà giận thật thì làm gì có chuyện để nó chạy đến tỉnh L dễ dàng vậy, xe không thu, thẻ không khóa, nhà cửa ở thoải mái.
Trường Thịnh nhỏ nhẹ giải thích:
“Ba xin thề là ba không còn giận, anh con đang làm việc rất tốt, nếu ổn thỏa thì trở về tập đoàn mới có thanh thế, sau này tiếp quản tập đoàn cũng có uy hơn.”
Vy biết mình đã hiểu lầm ba, vui sướng ôm chầm lấy cổ Trường Thịnh, hôn lên má nịnh nọt:
“Ba của con là tốt nhất! Con thương ba nhất nhất!”
Vậy mà cô cứ tưởng ba đuổi anh trai đi để trừng phạt, ngờ đâu là tạo điều kiện để thể hiện bản lĩnh.
Tội nghiệp ba cô, cực khổ gà trống nuôi con bao năm lại còn bị oán ghét.
Để bù đắp lỗi lầm, Vy quyết định phải nấu nhiều món ngon cho ba.
“Chỉ giỏi nịnh đầm! Đi thôi, hai ba con chúng ta ra ngoài ăn!”
Trường Thịnh chưa hay ý định của con gái, ông cưng chiều nựng má Vy.
Cô công chúa này nhiều lúc cứ xem ông như con nít mà dỗ dành.
“Dạ!”
Vy vui sướng chạy ùa lên lầu, Trường Thịnh cười bất lực lấy tay chùi vệt son trên má.
Nhà có con gái lúc khổ lúc sướng, thường bị giận nhưng cũng hay được nhõng nhẽo.
Nhìn lên tấm hình gia đình treo trên tường, thấy gương mặt nào đó, ông ngó lơ.
Cùng là con mà Tường cứ chọc ông nổi điên.
Với ba thì hằn học, mặt xị ra như bị giựt nợ còn vợ con người ta lại rước về nuôi giùm trọn gói.
Thứ dại gái!
“Hắt xì!”
Ở tỉnh L, người đàn ông đang cặm cụi làm việc bỗng hắt hơi.
Khụt khịt mũi, anh ta ngơ ngác ngẩng đầu, mặt ngơ ngáo.
“Ai chửi mình vậy ta?”, Tường lẩm bẩm.
Tường định làm tiếp nhưng nhìn đống giấy tờ lộn xộn trên bàn, bỗng ý tưởng chạy đâu mất.
Xoa đôi mắt nhức mỏi, anh ngả lưng tạm nghỉ ít phút.
“Á!”
Tiếng hét truyền vào tai, Tường mở bừng mắt ra.
Đây là giọng của Nghi, lật đật mở tung cửa chạy đi.
Bà bầu đã xảy ra chuyện gì rồi?
Bà bầu thường thèm ăn, Nghi cũng không ngoại lệ. Dù mới cơm nước nhưng nằm trên giường chưa được bao lâu cô lại đói nên xuống nhà bếp định nấu mì ăn thêm. Một lý do tưởng vô thưởng vô phạt là thế ngờ đâu gây họa.
Khi Nghi loay hoay nấu mì thì cảm nhận dưới chân trơn trượt. Cô hốt hoảng hét lên, tay cũng vội túm lấy chân bàn. Nhưng đang trên đà trượt dài, vẫn té sóng soài ra sàn. Bụng đau âm ỉ, Nghi vòng tay ôm lấy, co rúm người lại.
Tiếng bước chân gấp gáp vang lên bên tai, nhìn người đàn ông vội vàng chạy tới, cô bỗng thấy may mắn. May là cô nghe theo lời Tường, bằng không một thân một mình gặp cảnh này gọi trời trời không thấu, kêu đất đất chẳng hay.
“Cô sao vậy? Có sao không?”, Tường cẩn thận đỡ người dậy. Lần đầu gặp phải cảnh này, anh có chút luống cuống, không dám chạm mạnh vào người Nghi, sợ làm cô đau thêm.
“Tôi đói bụng nấu mì ăn không ngờ bị trượt chân ngã… Bụng hơi đau!”, Nghi khó nhọc nói, trán túa mồ hôi.
“Tôi đưa cô đến bệnh viện!”
Tường bế thốc Nghi lên, nhanh chân đi ra ngoài. Mặt cau có không vui nhưng trong lòng lại lo lắng, trách thầm. Vừa chạy tới nhà bếp đã thấy Nghi nằm trên sàn, anh giật thót tim. Cái bà cô hậu đậu này, đã bảo chú ý đi đứng mà không nghe gì cả. Bầu với bì mà cứ cậy mạnh, muốn gì, cần gì thấy không tiện gọi anh nhờ vả cũng được vậy. Anh giống kẻ sẽ bỏ mặc bà bầu đơn thân sao? Giờ thì hay rồi, cái thai có mệnh hệ gì, khóc cạn mấy dòng sông.
Sau khi Tường vượt hết hai đèn đỏ, hớt ha hớt hải bế người vào phòng cấp cứu thì tình hình của Nghi đã ổn. Tuy nhiên vẫn phải nhập viện để theo dõi thêm. Quanh đi quẩn lại lúc Tường ăn bữa cơm chiều ngót nghét gần mười giờ đêm. Mà có phải được cơm đâu, mì ly mấy đồng lẻ mua ở căn tin thôi. Biết thế anh đã ăn cùng Nghi rồi, tham công tiếc việc cho lắm vào, đói meo râu.
Trong phòng bệnh VIP, Tường vừa ăn mỳ vừa càm ràm:
“Vì cô mà tôi mới phải ăn uống khổ sở thế này đó. Đã vây còn được khuyến mãi thêm bánh chửi nữa chứ. Hôm nay đại hạ giá một tặng hai à?”
Người ngoài đâu có biết mối quan hệ giữa họ, cứ mặc định anh là chồng. Bác sĩ biết được lý do xàm xí khiến Nghi té ngã liền giáo huấn anh một trận. Tình ngay lý gian, Tường cũng không muốn Nghi khó xử nên đành nhận vai ông chồng bất đắc dĩ. Ngoài ba ra vị bác sĩ đó là người thứ hai dám chửi anh như con. Nhưng chắc do quen rồi nên miễn nhiễm, Tường thấy đối phương quá hiền, không khiến anh tức anh ách được.
Nghi nằm trên giường bệnh, nhìn lưng Tường mướt mồ hôi tự trách vô cùng. Cô biết là anh có tật hay càm ràm này nọ chứ không ác ý. Nhưng chính vì vậy cô mới càng ngại, anh tốt với cô là thế mà cô chỉ toàn gây phiền toái cho anh.
Cô rầu rĩ cúi đầu:
“Tôi xin lỗi!”
Tường nhìn bộ mặt tiu nghỉu không thuận mắt, đang ăn ngon
miệng cũng mất hứng. Anh gãi đầu phân trần:
“Này cô biết cái nết tôi rồi, đừng nghĩ nhiều! Đang bầu bì phải cẩn thận hơn biết không? Lần này hên thôi, tôi không phải lúc nào cũng đến kịp. Cười cái coi, mặt bí xị ăn hết vô luôn đó!”
Mỗi lần ở cùng nhau là y như rằng xảy ra chuyện, lặp đi
lặp lại mãi, Tường cũng chai lì, coi như đương nhiên. Thứ hiện tại anh để tâm là sinh mệnh bé nhỏ trong bụng Nghi.
“Sao anh đối với tôi tốt quá vậy?”, Nghi thắc mắc, cô nghĩ mãi mà không giải thích được.
“Biết sao không?”
Tường ra vẻ bí hiểm kéo ghế lại gần giường bệnh. Tính hiếu kỳ bị khơi gợi, Nghi nghiêng người hỏi:
“Biết sao?”
Tường cứ hỏi thừa, cô biết thì hỏi anh làm gì?
“Tại vì…”, Tường im lặng mỉm cười, tay sờ tóc Nghi, rồi
bỗng búng trán cô, nói tiếp, “Tôi có hiếu với phụ nữ đó!”
“Ha ha!”
“A!”
Trong tiếng cười thích thú của Tường, Nghi ôm trán lườm anh. Người đàn ông này chẳng đứng đắn gì cả, trêu cô mãi. Cô là trò đùa của anh ta chắc?
“Anh vui quá nhỉ? Chắc no rồi, để tôi ăn cho!”
Cô thẹn quá hóa giận cướp lấy ly mỳ trên tay Tường. Anh cũng không cướp lại chỉ trêu:
“Miếng ăn là miếng nhục! Ăn đi, dẫu sao cô cũng vì nó mới vinh quang nhập viện.”
“Kệ tôi!”, Nghi hừ lạnh ăn liền mấy ngụm mỳ như thách thức Tường. Người ta vì cái đói mới gây nên cơ sự vậy mà anh ta ăn ngon lành trước mặt, cố ý đúng không?
Hai má Nghi căn phồng lên, Tường lại được phen cười ngả nghiêng. Nghi lười phản ứng, giải quyết hết nửa ly mỳ vừa cướp được, miễn cưỡng lấp đầy bụng. Đợi cô ăn xong, Tường thu dọn rồi căn dặn vài điều trước khi rời đi. Ban nãy vội vàng, anh phải trở về đem theo giấy tờ, laptop tới để làm việc cho kịp tiến độ.
Khi xuống tới lầu một, Tường chuẩn bị đi về phía bãi đậu xe không ngờ lại thấy ai như mẹ của Nghi. Anh bèn bám theo, kết quả đi đến một phòng bệnh, bên trong im ắng, mọi người đã say giấc. Nhìn người đàn ông nằm trên giường sát cửa sổ, Tường sửng sốt. Đúng là ba của Nghi rồi nhưng ông ấy bị làm sao thế?
“Chú, dì sao hai người lại ở đây?”, Tường nhỏ giọng hỏi,
cố không đánh thức bệnh nhân xung quanh.
Ba mẹ Nghi giật mình khi thấy Tường xuất hiện. Họ lúng túng nhìn nhau, tựa hồ đang hội ý. Ông Năm hỏi Tường, giọng chứa đôi chút lo lắng:
“Sao cậu ở đây? Nghi cũng thế à?”
Ngoài việc hôn nhân trục trặc, mang thai sống cùng Tường ra thì Nghi kể hết với ba mẹ. Thấy anh có mặt ở đây, ông Năm cứ sợ con gái cũng đi theo, thế thì hết đường giấu giếm.
“Không ạ, chỉ có con thôi! Nhưng chú bị gì?”
Tường quan sát ông Năm một lượt từ đầu tới chân cuối cùng tập trung vào miếng gạc ở phần bụng. Ông Năm lấy chăn che lại, qua loa bảo:
“Có gì đâu, không khỏe trong người nên đi khám thôi ai ngờ bác sĩ bảo nhập viện.”
Tường không bị lý do sứt sẹo này đánh lừa, anh uy hiếp:
“Chú không nói thật thì đừng trách con gọi ngay cho Nghi!”
Không khỏe mà băng gạc, anh đâu phải con nít.
Biết không giấu được, ông Năm đành nói thật:
“Nói tôi bị viêm ruột thừa, do phát hiện trễ, bác sĩ bảo phải bảo mổ mở. Cậu đừng có lộ ra, tôi không muốn để Nghi lo.”
Thương con gái bận rộn công việc, ông Năm và vợ thống nhất giấu giếm. Nói chỉ tổ có thêm người lo, không ích gì. Viêm ruột thừa thôi mà, nào phải bệnh nghiêm trọng, ở thêm mấy ngày liền về.
Tường nhìn hai ông bà già, thấy được sự lo lắng của họ. Cha mẹ thương con như trời như biển, nếu họ biết được hoàn cảnh hiện tại của con gái, sẽ đau lòng đến mức nào?
Anh móc ví tiền, lấy ra mấy tờ polime màu xanh nước biển, đưa cho nhà chồng:
“Con hứa, cô chú cầm ít tiền trang trải đi!”
Tường không nghĩ sẽ nói với Nghi, cô ấy bụng mang dạ chửa lại vừa trải qua kinh hãi, biết thêm có khi gây hại cho sức khỏe. Giúp người thì giúp cho trót, anh vốn không có gì ngoài tiền, hỗ trợ họ một ít vậy.anh
Mẹ Nghi từ chối:
“Được rồi, cảm ơn lòng tốt của cậu nhưng cậu giữ lại đi!”
“Dì không nhận là con gọi Nghi ngay!”, Tường lại đem điểm yếu ra uy hiếp.
“À, vậy được rồi, coi như chúng tôi vay đi!”
Hai vợ chồng bị nắm điểm yếu không còn cách nào khác nên buộc phải nhận tiền. Nán lại đã lâu, Tường chào tạm biệt qua loa rồi tức tốc xuống lầu. Băng qua sương đêm giá lạnh, anh chạy thẳng về nhà. Ngồi giữa phòng khách tối om, Tường nghĩ ngợi linh tinh, sau đó trời xui quỷ khiến thế nào lại gọi chi ba mình. Anh chàng hoảng hồn, muốn tắt nhưng đã muộn, đầu bên kia có người nghe máy rồi.
“Có chuyện gì sao?”, Trường Thịnh cau có hỏi. Mới ngủ chưa được bao lâu đã bị đánh thức, vui làm sao đặng.
“À… Cũng không gì. Chỉ muốn hỏi ba khỏe không thôi.”
Vốn là hành động bộc phát ngẫu nhiên, Tường còn không rõ mình muốn gì, ấp úng nói đại. Trường Thịnh ở đầu bên kia nghe tỉnh cả ngủ, ông ngồi bật dậy, nhìn vào màn hình diện thoại xác nhận. Đúng là số của Tường, hôm nay nó bị làm sao thế?
“Cảm ơn anh đã nhớ tới, xin thông báo ba anh cực kỳ khỏe. Nhưng mà nếu cứ tiếp tục gọi điện ngay giờ thiêng như này thì không chắc.”
Một giờ đêm rồi, ai lại gọi điện đánh thức người khác chỉ để hỏi khỏe không? Đây mà là hỏi thăm kiểu gì, trù ẻo thì có. Ghét nhau thì nói chứ chơi chiêu này bộ xương già làm sao chịu nổi. Con với chả cái, cả tháng không thèm gọi lấy một cuộc, gọi liền lựa một giờ đêm, đi khắp thế gian cũng khó tìm được đứa con thứ hai thương cha như vậy.
Tường bên này mò mẫm bật công tắc, thấy đồng hồ chỉ một giờ, anh câm nín không nói nên lời. Bị chửi cũng đúng, giờ này ai quan tâm khỏe hay không nữa. Tường tức giận đánh vào cái tay hư hỏng của mình.
“Sao im luôn thế? Đừng có nói là tới giờ chàng giám đốc trẻ tuổi mới nhận ra mình vừa làm chuyện ngớ ngẩn tới bậc nào.”
Trường Thịnh thấy đầu dây bên kia im ắng, tưởng đâu Tường tắt máy rồi nhưng khi kiểm tra thì thấy vẫn đang trong cuộc gọi. Cha con bất hòa nhiều năm, dù quan tâm ấy vậy mà lời thốt ra cứ phảng phất mùi cà khịa. Tường bị nói trúng tim đen, thẹn quá hóa giận chối ngay:
“Còn lâu, chẳng qua bận trăm công nghìn việc nên muốn vận động ông chủ lớn thức chung cho vui thôi!”
Dẫu biết con trai bịa chuyện nhưng Trường Thịnh vẫn bị chọc tức. Lĩnh vực Tường giỏi nhất không phải là học tập hay vui chơi mà nằm ở khoảng tiêu diệt những tế bào của một người cha ấm áp. Mỗi khi nói chuyện với nhau, duy trì hòa bình được năm mười phút là hiếm.
“Thôi bỏ đi, đừng có báo hiếu kiểu này, thân già xin chào thua. Đêm hôm làm việc thì ráng mà mở cửa sổ vào, một cơn gió độc thổi qua là được nghỉ ngơi ngay, khỏi vất vả nữa!”
Trường Thịnh nhắc khéo, con trai có thói quen xấu, mỗi khi
thức đêm làm việc lại mở hết cửa sổ trong phòng, có lúc mệt quá ngủ quên luôn. Ông lấy làm quan ngại, nói mãi nhưng như nước đổ đầu vịt, đành nhờ người làm để mắt tới, đóng giùm. Ở nhà ông còn kiểm soát được, giờ con trai tung tăng bên ngoài chỉ trời mới quản nổi.
“Mệt quá ông già! Nói người ta không nhìn lại mình, dạ dày chắc giờ như cái giẻ lau đấy thôi! Cúp đây, bao việc!”
Không cho Trường Thịnh được lên tiếng, Tường cúp máy ngay. Bình thường cự cãi với nhau, giờ quan tâm thấy ngượng miệng, nói ra mà toàn thân sởn da gà. Sao anh lại gọi nhỉ? Chắc do nhìn tới cha người ta nên nhớ tới ông già xảo quyệt nhà mình rồi.
Bên này Tường tự hỏi thì bên kia, cha anh cũng tương tự. Trường Thịnh nhìn màn hình điện thoại tối om, vẻ mặt rối rắm. Ông trời con uống lộn thuốc hay mộng du đấy? Hoặc là có kẻ mạo danh cũng nên, nói chung không bình thường.
Hệ quả của cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe của cậu con trai ở xa chính là Trường Thịnh thức trắng tới sáng. Ông lăn qua lộn lại mãi mà không ngủ được, mắt cứ mở trao tráo. Khi nhân viên đến công ty thì chủ tịch quyền lực của họ đã vào việc từ lâu, thỉnh thoảng còn ngáp dài.