Bầu không khí vốn đã ngượng ngùng giờ rất khó xử.
Khải làm việc dưới trướng Tú cũng mấy năm không phải ngày một ngày hai, anh còn lạ gì thói khinh người của đối phương nữa.
Khải vừa giận lại vừa thương, giận vì ba mẹ bị Tú cười cợt, giận bản thân cố gắng chưa đủ, mãi là nhân viên quèn.
Sau lại thương vì Trà My phải chịu đựng con người tệ hại này suốt thời gian qua, cô ắt đã chịu nhiều tủi hờn
lắm.
Gương mặt già nua vì sương gió cuộc đời đỏ lên, ba Khải lúng túng không buông tay ông Thành ra.
Ông đã làm gì sai ư? Ông tự xem lại mình, áo quần chỉnh tề, cử chỉ cũng hợp lẽ, sao người ta cứ cười mỉa là thế nào?
Trà My đã từng là nạn nhân của Tú, cô hiểu rõ cảm giác của Khải và ba mẹ anh, oan ức, tủi hổ xen lẫn tức giận.
Cô nhìn ông Thành, thấy ông ấy vẫn còn treo nụ cười hờ hững trên môi, lòng lạnh đi hơn nửa.
Vì mọi thứ cứ diễn ra yên ả nên cô đã lơi lỏng cảnh giác mà quên rằng mình đang trong cuộc chơi với cáo già.
Tú cái tôi lớn hơn trời, dù sợ ông nội nhưng bị đàn áp mãi cũng đến lúc bùng nổ.
Người ở đây anh ta không đụng tới được vậy thì chỉ có thể trút lên đầu ba mẹ Khải.
Một nước cờ đầy mưu mô!
Ông Thành dùng gậy gõ vào đầu gối cháu trai, vờ trách:
“Nói cái gì đấy thằng này, anh đang chê cười ông anh già còn cậy mạnh hay sao? Người lớn tới tại sao còn ngồi, tôn ti trật tự để đâu?”
Vợ chồng bà Quyên và Tú nghe vậy liền đứng dậy, họ sống với ông Thành đủ lâu để nhận ra lời cảnh cáo được che đậy bằng sự bông đùa.
Tú vẫn chưa hiểu bản thân bị lợi dụng, sau khi ánh mắt ông Thành liếc qua liền ngoan ngoãn im miệng.
Ông Thành nói với ba mẹ Khải:
“Tuổi trẻ nông cạn mong cô chú đừng trách, nào ngồi đi, trước sau đều là người một nhà cả mà, xa lạ làm chi.”
“Không sao, không sao!”
Ông đã mở lời, ba mẹ Khải dẫu có muốn truy cứu cũng không tiện.
Và nói thật là họ chẳng nghĩ đến dù bị xúc phạm.
Ngồi xuống ghế được làm từ gỗ đắt tiền, cặp vợ chồng già một mực giữ im lặng.
Nhà quê lên phố, họ đâu dám nói gì, không lại làm con trai mất mặt.
Đây đâu chỉ là nhà gái, còn là sếp của Khải nữa, căn bản không thể đắc tội.
“Mời cô chú dùng trà, hai người cứ tự nhiên như ở nhà đi, không cần gò bó!”, ông Thành tự tay rót trà mời khách, một đặc quyền ít người được hưởng.
Nếu không phải trước đó biết ba mình muốn gả Trà My cho Gia Phúc, ắt hẳn ông Tuấn sẽ tin là ba mẹ Khải rất được xem trọng.
Còn như giờ, ông Tuấn chỉ thấy lạ.
Ông già định giở trò gì vậy?
“Dạ, vâng! Bác cứ để chúng tôi tự nhiên.”, ba Khải uống ngụm trà nóng, lấy lại tinh thần.
Tạm gác bỏ những cảm xúc tiêu cực sang một bên, ông ấy thực hiện vai trò của một người cha, đứng ra bàn chuyện cưới vợ cho con.
“Dạ thưa bác và anh chị đây, hôm nay vợ chồng tôi đến là để xin cưới cháu My cho thằng Khải con tôi.
Bọn trẻ yêu nhau ba năm, đã biết tính biết nết, thiết nghĩ đây là thời điểm thích hợp.
Không giấu gì bác, trước lúc anh Tâm – ba cháu My mất, chúng tôi đã đề cập chuyện này với nhau mấy lần, đôi bên đều nhất trí, chỉ đợi hai đứa trẻ lên tiếng thôi.
Không biết ý bác và anh chị đây như thế nào?”
Ba của Khải giả vờ bình tĩnh nhưng thực tế rất khẩn trương, lòng bàn tay toát mồ hôi.
Ông sống tới tuổi này, đầu hai thứ tóc rồi, còn chưa bao giờ uốn lưỡi nhiều như hôm nay, mỗi lời thốt ra đều suy nghĩ kỹ càng.
Những người trước mắt nghe bảo là cha và anh trai của ba Trà My, cùng huyết thống nhưng rõ là khác nhau một trời một vực.
Người quá cố thông thái và phúc hậu trong khi ông cụ sắc sảo khiến người kiêng dè còn người anh thì lại có vẻ mưu mô.
Bàn chuyện cưới xin với bọn họ, tim ông đập thình thịch liên hồi, không biết huyết áp khi nào tăng cao.
Ông Thành chưa trả lời nhưng có người đã nóng vội giành trước.
Ông Tuấn lên tiếng phản đối:
“Không được! Cháu gái tôi cành vàng lá ngọc sao có thể gả cho con ông.
Gả cho thứ lương ba cộc ba đồng để chịu khổ ca đời sao? Đũa mốc mà chọc mâm son, xứng sao?”
Bây giờ không lên tiếng thì còn đợi đến khi nào? Phải biết rằng một khi ba ông gật đầu thì coi như ván đã đóng thuyền, không thể làm gì khác, lúc ấy có mà tức chết.
Ông tốn bao nhiêu tiền để hô biến Trà My từ cô đứa con gái tầm thường thành tiểu thư danh giá, không phải để làm lợi cho thiên hạ.
“Ơ hay! Ông này buồn cười nhỉ? Nhà chúng ta có của ăn của để, hà cớ gì không cho con bé gả cho người trong lòng? Hay ông muốn con My cô độc suốt đời ở với ông?”, bà Quyên xem ra bực dọc.
Bà Quyên đứng ra nói đỡ hoàn toàn là chuyện bất ngờ với Trà My.
Bà ta uống lộn thuốc ư? Bình thường bà ấy ghét cô hơn gì, lần nào gặp cũng lườm cũng nguýt, cứ như thể thiếu nợ từ kiếp trước.
Bà ấy chống đối chồng vì cô,
chuyện lạ, đây chắc là sai sót kỹ thuật do vợ chồng chưa bàn bạc rồi.
Trà My không phải bà Quyên nên không hiểu được những rối rắm trong đó.
Bà ta ghét cô tới mức không muốn thấy thêm một phút giây nào nữa, gả đi càng sớm càng tốt.
Những đã bảo là ghét, có thương miếng nào đâu, Trà My lấy một nhân viên quèn, sống quãng đời vất vả, tối ngày bận tâm vì gánh nặng cơm áo gạo tiền coi như đúng ý bà.
Phần khác, chiếm vai trò trọng yếu, xuất phát từ vướng mắc trong quá khứ.
Chuyện ông Tuấn yêu thầm vợ của em trai, chính là mẹ của Trà My, là một bí mật, ngoài bà và ông Tâm ra không ai biết.
Chồng cứ giữ Trà My chằm chặp bên người khác nào đồng nghĩa với việc nhớ thương người cũ.
Bà Quyên mỗi khi thấy bác cháu như hình với bóng bà cứ nhớ tới mẹ Trà My, trong lòng rất khó chịu.
Giờ có cơ hội, bà chỉ muốn tống cổ Trà My đi ngay lập tức, khuất mặt bớt phiền.
“Bà nói gì nghe buồn cười, bà làm như thuê chồng cho con My chắc, có cần định mức giá luôn không? Con cháu nhà này kết hôn là phải môn đăng hộ đối, không cùng đẳng cấp sống làm sao được?”
Ông Tuấn nạt vợ, một công đôi chuyện đá xéo gia đình Khải.
Bà vợ ông hôm nay giở chứng, nếu không phải đang trước mặt bao người, ông đã chửi cho một trận nên thân.
Thứ đàn bà ngu muội, chỉ mỗi việc ngáng chân chồng là giỏi.
“Ông có cần nói khó nghe vậy không? Tôi là bác, không lẽ lại hại cháu?”
Bà Quyên gân cổ cãi lại, sự tức giận của chồng trong mắt bà chính là có tật giật mình, vấn vương người cũ.
Tú không hiểu tại sao mọi chuyện lại thành ra như vầy.
Anh nghĩ có lẽ mình nên nói gì đó để thể hiện vai trò.
“Con cũng nghĩ là không nên, nếu để Trà My lấy một tên phó phòng quèn, nói ra không phải chuyện cười giới thượng lưu sao? Loại hình này căn bản không thể đem ra ngoài được.”
Tình yêu giữa Trà My và Khải đối với Tú chỉ co bốn từ, đĩa đeo chân hạc.
Nếu anh không ngăn cản, để kẻ tham vọng như Khải bước chân vào nhà, chỉ sợ mai sau chẳng còn chỗ đứng, năng lực của Khải cũng khá, ông mà vừa mắt lại thiệt.
Khải không nhịn được nữa, xài xề anh, anh có thể nhẫn nhịn.
Tuy nhiên đụng chạm đến gia đình anh đã là giới hạn cuối cùng.
Anh hỏi:
“Có gì mà không thể gặp người? Tôi dựa vào năng lực của mình ngồi lên vị trí này không như bao người nhờ giỏi đầu thai mà có được chức cao.
Anh Tú trước khi trở thành phó giám đốc hình như cũng từng đảm nhiệm vị trí phó phòng kinh doanh thì phải? Quãng thời gian đó chắc khó khăn với anh lắm!”
“Mày ăn nói láo toét thế thằng kia!”, Tú như giẫm phải đinh, nhỏm dậy chỉ tay vào mặt Khải.
Anh ta mặt mũi hung tợn, trông như thể sắp đánh người tới nơi.
Ông Thành gõ gậy xuống sàn nhà, lên tiếng phá vỡ tình thế giằng co.
Ông bảo:
“Có thôi đi không thì bảo, nói năng như thế phép tắc lễ giáo bỏ đâu, tôi chết rồi chắc? Anh Tú mà im cũng không ai bảo anh câm, nói năng hàm hồ.”
Người nắm quyền tối cao ở đây không vui, Tú bị trách mắng, cúi gằm mặt.
Vợ chồng ông Tuấn dẫu đang thiết tha cần được trút hết cơn giận ra nhưng vì sợ ông Thành, không tình nguyện tạm đình chiến.
“Chuyện hôn nhân này tôi đồng ý!”, ông Thành nhìn ba mẹ Khải, khẳng định chắc nịch.
“Ba!”, ông Tuấn không phục kêu lên.
“Bác nói thật sao?”, ba Khải vui mừng hỏi lại.
Ông cứ nghĩ chuyện hôn nhân của con trai sao mà lận đận quá, lần này chắc gãy gánh, không thành được.
“Đó là tất nhiên, cháu gái tôi yêu, con trai quá cố đã đồng ý không lý gì tôi lại phản đối!”
Ông Thành phớt lờ ánh mắt phản kháng của con trai.
Có được sự đảm bảo, Khải và ba mẹ mừng lắm.
Trà My nhìn ba người vui như tết đến, cũng gắng gượng cười theo.
Diễn biến tiếp theo như thế nào nhỉ? Muốn bắt bài một con cáo già là điều không tưởng.
“Nhưng mà tôi có hai điều kiện!”
Ông Thành chọn ngay lúc ba mẹ Khải vui đến đỉnh mà lên tiếng phá đám.
Mọi người đều thắc mắc, nhất là Khải.
Anh thấp thỏm hỏi dò:
“Dạ thưa ông, chẳng hay hai điều kiện là gì ạ?”
“Đừng khẩn trương, không có gì to tát đâu!”, ông Thành cười nhạt, “Đám cưới phải tiến hành sớm nhất có thể.
Tôi coi ngày rồi, nếu không lấy trong tháng này là phải đợi tới ba năm nữa.
Điều thứ hai, vì cha mẹ Trà My mất chưa lâu, không tiện tổ chức rình rang nên chỉ cần bàn tiệc nhỏ thôi, đợi khi thích hợp sẽ công bố ra ngoài.
Anh chị đây và cháu Khải thấy thế nào?”
Khải và ba mẹ cứ ngỡ điều kiện là nhằm vào của hồi môn hoặc chuyện ở rể.
Quyết định như vầy tính ra họ chẳng chịu thiệt gì.
Khải không có ý kiến, anh nhìn sang ba mẹ, chờ đợi.
Hai vợ chồng già không đắn đo lâu, vui vẻ gật đầu, tưởng chuyện chi chứ hai việc này quá dễ với họ.
“Dạ được chứ bác! Chúng tôi hiểu mà, quan trọng bọn trẻ sống thế nào thôi, lễ tiệc chỉ là hình thức, bỏ được cứ bỏ!”
“Đúng vậy chỉ là hình thức, là thứ yếu!”, ông Thành gật gù bảo.
Trong phòng khách, cùng một chỗ mà kẻ khóc người cười.
Cha con Tú tức giận nghiến răng, bọn họ không muốn điều này xảy ra.
Họ đâu biết ý ông Thành bảo hình thức thì đúng là hình thức theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Đằng nào thì Khải cũng không ở bên Trà My được, đặt lắm điều kiện làm gì?
Ngày chủ nhật hầu hết mọi người đều nghỉ ngơi, tạm gác lại công việc. Nhưng người thành công thường có lối đi riêng, đã làm kinh doanh thì không có chuyện lãng phí thời gian, mỗi giây đều là vàng là bạc. Trường Thịnh vẫn đến trụ sở tập đoàn, ngồi vào chiếc ghế quen thuộc.
Ông có mặt thì không thể vắng mặt thư ký Trung. Cả hai
sau khi lao đầu vào công việc thì bắt đầu nghỉ ngơi, nhàn hạ nhâm nhi chút trà nóng, chuẩn bị đi đánh tennis. Bên ngoài trời đã về chiều, muôn nơi đều khoác lên mình màu vàng cam.
“Hôm nay thời tiết đẹp nhỉ ông Trung?”
Trường Thịnh hỏi thư ký Trung, nụ cười cố hữu xuất hiện trên môi. Hôm nay ông không mặc áo vest như ngày thường mà diện bộ đồ thể thao. Nhờ tập luyện thể thao nên thân hình ông vẫn săn chắc, không phát phì như bao người đồng trang lứa, tạo cảm giác trẻ trung, tràn đầy sức sống.
“Đúng vậy thưa chủ tịch, một ngày tốt thích hợp để bàn chuyện cưới xin.”, thư ký Trung thích thú bảo.
Trường Thịnh hiểu thư ký Trung muốn nhắc tới điều gì. Ông cầm cây quạt làm từ gỗ quý, được điêu khắc tỉ mĩ gõ nhẹ lên đùi, từ tốn bổ sung:
“Thích hợp để bàn thôi còn thành hay không là do ý trời, lòng người!”
Tuy là Trường Thịnh không rõ tại sao ông Thành lại chịu cho Trà My lấy người bạn trai chỉ là nhân viên tầm thường thay vì cậu ấm Gia Phúc. Nhưng Trường Thịnh dám chắc không có chuyện con cáo già ấy thay đổi ý định đâu. Bản tính ông ta xưa giờ rất chú trọng bốn chữ “môn đăng hộ đối”, ba mẹ Trà My là ví dụ điển hình. Một con người trọng sĩ diện và thích kiểm soát sẽ không để cô gái nhỏ sống theo ý mình đâu. Rốt cuộc ông ta đang suy tính điều chi?
“Có lẽ đây lại là trò chơi tiêu khiển của ông ấy cũng nên. Nhưng mà chủ tịch, Khải không hiền lành gì, uy hiếp làm người của chúng ta sợ sệt chạy mất dép. Sức mạnh tình yêu vĩ đại thế sao?”
Ông Thành thì thư ký Trung xin được cho qua, con người ấy mưu tính xưa giờ, không hiếm lạ gì. Ngược lại Khải là ẩn số, mang đến bất ngờ, thoạt nhìn hiền lành hóa ra sói đội lốt cừu.
“Hoặc chăng là sức mạnh vật chất, địa vị quá lớn!”
Trường Thịnh không cho là vậy, chúng ta hay nhân danh
tình yêu để làm lá chắn cho mọi tham lam của bản thân. Phải biết rằng đối với đàn ông, quyền lực quan trọng hơn phụ nữ. Yêu thì có lẽ Khải yêu Trà My thật nhưng chàng trai này chứa quá nhiều tạp niệm. Cậu ta đơn giản và hiền lành bởi vì vị trí hiện tại chỉ cho phép như vậy. Một ngày nào đó, khi đứng trên đỉnh cao, thiết nghĩ Khải còn hống hách gấp trăm ngàn lần so với Tú.
“Vậy chúng ta có cần tìm cách để cô gái kia tiếp tục bám lấy Khải không?”, thư ký Trung hỏi ý chủ mình. Ông băn khoăn việc này, hôm giờ bận rộn, ông mãi chưa có thời gian nhắc đến.
Trường Thịnh lắc đầu bảo:
“Thôi, tạm thời đừng hành động gì, ông Thành sẽ là người gây rắc rối cho đôi trẻ, chúng ta ngồi xem kịch là được rồi. Một mình ông ấy cũng đủ khiến cô gái nhỏ lên bờ xuống ruộng, chúng ta không nên ức hiếp người bơ vơ làm
gì.”
Nếu ông đoán không lầm thì con cáo già sẽ tìm cách làm lộ bản chất thật của Khải. Khéo quá hóa vụn, cứ để ngao sò tranh nhau, ông chỉ cần đợi lúc thả mồi thu lưới là được. Trà My sẽ làm thế nào để tự cứu lấy mình? Trường Thịnh tò mò về điều này nhưng ông tin chắc là rất thú vị.
“Dạ, xin theo ý chủ tịch!”
Trường Thịnh đã nói vậy thì thư ký Trung liền nghe theo. Nhìn người bên cạnh, ông thoáng chần chừ. Ông muốn thăm dò xem rốt cuộc chủ tịch chú ý đến Trà My chừng nào mà nghĩ lại, tính Trường Thịnh không thích người khác quản chuyện của mình, đành chọn cách im lặng. Dù vậy lòng vẫn lo lắng, thư ký Trung mong là bản thân lo chuyện vớ vẩn. Chủ tịch đã đi săn bao năm, lão làng rồi sẽ nắm rõ nguyên tắc cuộc chơi trong lòng bàn tay.
***
Công lại liên lạc với Trà My, lần này thì cả hai không hẹn nhau ở quán nước nữa mà cô đến văn phòng thám tử Công Tâm. Những chứng từ và ảnh bày ra trước mặt, lần này không chỉ riêng ông Huy mà còn có cả người bác của cô. Hóa ra hai người này quen biết nhau, bảo sao chân trước ông Huy ém tiền thì chân sau ông Tuấn tìm đến quăng mồi. Phối hợp hay đấy!
“Trong đây có chứng từ chuyển khoản giữa cả hai và hình họ gặp nhau gần đây nữa. Dường như họ không phải mới qua lại mới đây, những nơi họ thường lui tới đều xác nhận họ là khách quen.”
“Tất nhiên rồi, trông họ nói cười vui vẻ như vậy mà.”
Trà My thà là ông Huy tham tiền lừa cô còn tốt hơn là phản bội ba mình. Ba cô sẽ đau lòng bậc nào khi biết được bản thân nuôi ong tay áo? Cho đến những phút cuối đời, ông ấy vẫn bị con người giả tạo này qua mặt.
“Anh còn biết được gì nữa?”, Trà My hỏi, mặt mũi lạnh tanh, không cảm xúc.
“Tôi còn tìm hiểu được vài chuyện nữa!”, Công hơi ngập ngừng, thái độ của Trà My làm anh ta thấy sợ. Có tật thì hay giật mình, ăn ở hai lòng nên Công cứ sợ bóng sợ gió mãi. Phải chỉ Trà My cay nghiệt đằng này cô cư xử tử tế quá, làm lương tâm anh ta không yên, áy náy suốt.
“Anh nói đi!”, Trà My bảo. Chẳng lẽ còn tin nào sốc hơn nữa à?
“À, thì là thế này, thông qua một số người thân cận của ông Huy, tôi biết rằng những lần công ty gặp khó khăn đều có liên quan đến hai người này. Quy luật chung là họ gặp nhau, công ty lao đao, tiền chạy từ người của ông Tuấn sang tài khoản ông Huy. Tuy không có bằng chứng cụ thể nhưng có thể dựa vào lịch sử chuyển tiền ngân hàng và thời gian công ty gặp khó khăn, tôi thấy khá đáng tin.”
Trà My lật xem, đối chiếu hai bên thì ăn khớp với nhau, lòng nguội lạnh hẳn. Đồ ăn cháo đá bát này, sống vậy mà được sao?
Cô nhớ tới những đêm ba thức khuya, đau đáu nghĩ cách mỗi khi công ty gặp khó khăn, chân mày nhíu chặt, trĩu nặng ưu tư. Cùng ngồi trên một con thuyền, cùng bỏ vốn kinh doanh, sao người ta vô tư bán đứng công ty còn ba cô phải khổ tâm cứu lấy? Công ty trúng kế thua lỗ, ông ta vẫn được lợi mà thoát nạn thì tiền cũng chạy vào túi, thật bất công!
“Thứ ăn ở hai lòng, đáng hận nhỉ?”
Trà My bỗng dưng lên tiếng hỏi Công, anh ta nhất thời đơ người. Cô ấy nói vậy là muốn chửi ông Huy hay để cảnh cáo anh? Hay là cả hai?
May cho Công là Trà My không để ý tới phản ứng khác lạ của anh ta. Cô gom hết chứng từ, ảnh cho vào túi giấy. Như lần trước, Trà My để lại một tờ séc, với số tiền lớn hơn rồi rời đi. Không thể chần chừ thêm nữa, cô nhất định phải bảo vệ tâm huyết cả đời của ba mình.
***
Trà My đến nhà ông Quân khi trời đã nhá nhem tối, cả gia đình họ đang ăn cơm. Chuyến thăm này quá đột xuất, chính bản thân cô còn không ngờ tới nữa thì nói gì ông Quân. Dẫu biết là thất lễ nhưng Trà My đành từ chối lời mời ăn cùng của vợ ông Quân, thay vào đó mượn chồng bà ấy trong ít phút.
Trong phòng làm việc, chỉ có mỗi hai người, ông Quân và Trà My. Họ ngồi đối diện nhau, Trà My rũ mắt chờ đợi ông ấy xem hết những gì mình mang tới.
“Bốp!”
“Quân khốn nạn mà!”
Ông Quân nóng giận đập tay xuống bàn, ly tách lẫn ấm trà đều rung chuyển. Như Trà My, ông không thể tha thứ cho kẻ đan tâm đâm sau lưng bạn mình. Đồ dối trá đó diễn hay thật, tới tận giờ phút này, ông chẳng nghi ngờ gì, Trà My nói mới bật ngửa ra.
Thái độ của người đối diện, Trà My nhìn thấy, để trong lòng. Cô thăm dò:
“Thám tử nói với cháu là họ nghi ông Huy thông đồng với người ngoài làm công ty gặp khó khăn mấy phen, chú thấy thế nào ạ, có tin được không?”
“Tên ăn cháo đá bát này cỡ nào mà không dám nữa nhưng người ngoài là ai?”, ông Quân hừ lạnh, ngực phập phồng liên hồi vì giận.
“Là bác Hai con!”
Ông Quân nghe tới đây liền khẳng định chắc nịch:
“Không nghi ngờ gì, đáng tin trăm phần trăm!”
“Sao chú lại quả quyết vậy ạ? Có uẩn khúc gì mà con không biết sao?”, Trà My tò mò. Ắt phải có chuyện gì đó thì ông Quân mới phản ứng như vậy.
Ông Quân không phải người thích nhắc lại chuyện cũ nhưng nếu cần thì ông chẳng ngại. Ông nghĩ là Trà My cần phải biết về người mà con bé gọi bằng bác hèn hẹ như thế nào.
“Vị trí người thừa kế mà ông Tuấn đang có thực chất là của ba con. Năm xưa ba con với đầu óc nhạy bén chiếm hết mọi ánh hào quang và sự tán thưởng của ông nội con. Sau này tình yêu nảy nở, ba con dứt khoát ra đi, bất chấp việc bị từ mặt. Ông Thành tuy công khai đoạn tuyệt nhưng thực chất vẫn âm thầm tìm đến, thuyết phục ba con quay về tiếp quản cơ nghiệp. Bác Hai con biết được, nơm nớp lo sợ lại thất thế nên nhiều lần ném đá giấu tay nhưng không thành. Nếu nói ông ta bắt tay với tên Huy thì hoàn toàn có cơ sở. Những kẻ hèn, chúng mãi mãi không so được ba con!”, mỗi khi nhắc tới tên hai người kia, ông Quân lại nghiến răng.
“Vậy ư?”
Trà My mới vỡ lẽ, mọi người xung quanh không ai nói đến, cô đâu biết những chuyện này. Ghét ai ghét cả dòng, vậy nên ông Tuấn từ đầu tới cuối đều chỉ muốn lừa cô vào cái bẫy của mình thôi chứ chẳng tốt lành gì. Có lẽ chuyện gả cô cho Gia Phúc đã được lên kế hoạch ngay từ đầu.
“Bọn họ đã nuôi con như con lợn đợi tới ngày mần thịt!”, Trà My cay đắng thốt lên.
Ông Quân lo lắng gặng hỏi:
“Sao thế Trà My?”
Đám người kia đã làm gì con bé rồi? Nếu Trà My có mệnh hệ nào, ông biết ăn nói làm sao với bạn?
“Ông nội muốn gả con cho người thừa kế tập đoàn Gia Hào, một cuộc hôn nhân thương mại!”
Trà My không muốn để ông Quân biết đến chuyện mình bị lừa đến khách sạn. Dẫu sao cũng qua rồi, nói ra chẳng có thay đổi được gì.
“Ông nội con chứng nào tật nấy! Chú phải tìm ông ấy ngăn cằn việc này lại.”, ông Quân quyết không để hạnh phúc nửa đời sau của Trà My bị hủy hoại.
Trà My lắc đầu khuyên:
“Chuyên này cháu tự lo được, cái cháu lo nhất bây giờ là về công ty của ba. Chú Quân, xin chú nể tình nghĩa bạn bè mà giúp con bảo vệ công ty!”
Cô không biết kinh doanh, ông Quân lại không thể xen vào vụ cá cược, nhiệm vụ của họ hóa ra đã được phân chia rạch ròi từ lâu. Trà My phân vân rất nhiều nhưng tình thế hiện tại buộc cô phải mạo hiểm. Được ăn cả, ngã về không, đơn giản thế thôi. Tin hay không tin, đúng đắn hay sai lầm chỉ cách nhau một tờ giấy mỏng.
“Con yên tâm, chú nhất định sẽ giành lại tâm huyết của ba con!”
Ông Quân trịnh trọng hứa hẹn, một khi ông đã nói nhất định sẽ làm cho bằng được thì mới thôi. Lũ đê hèn ấy đừng hòng như ý nguyện, cả công ty lẫn Trà My, ông đều sẽ tận tâm bảo vệ.