Việt Hùng Diễn Nghĩa

Chương 6: Lạc Dương



Lạc Dương phía Bắc Lạc hà

Ngỡ vầng hạo nhật chan hòa biển xanh

Tinh mơ sáng sớm trong lành

Nhìn từ điện các, cả thành hùng anh

(P/s: Muốn biết đây là thơ ca ngợi hay thơ châm biếm thì phải đọc và ngẫm mới biết được)

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tháng chạp đã đến cuối, tiết xuân chính đang về.

Hàng năm cứ đến dịp này là đất Kinh Tương trăm hoa đua nở, muôn người muôn nhà lại nô nức hân hoan trẩy hội giăng đèn, không khí vui tươi hớn hở vô cùng, nam nữ già trẻ giàu nghèo đều rạng rỡ nối đuôi nhau trên đường để mua sắm Tết.

Bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng, vui tươi ấm áp trong ký ức ấy khác hẳn với vẻ thâm trầm, cô quạnh, giá buốt mà Hoàng Hùng đang cảm nhận được.

Số là, thời gian trước hắn cùng thiên tài Ngô Hội Cố Ung kết nghĩa huynh đệ, hai người hẹn nhau sang năm đến Lạc Dương bái đại học giả Thái Ung làm thầy.

Mặc dù sớm đã định ra thứ tự lớn nhỏ nhưng Hoàng Hùng vẫn cảm thấy tốt nhất là mình bái sư trước Cố Ung cho thuận tiện, tránh lằng nhằng không cần thiết về sau.

Thế là nhân lúc Hoàng Uyển về thăm nhà liền đề ra ý kiến muốn theo Hoàng Uyển đi Lạc Dương bái sư Thái Ung.

Hoàng Uyển nghe đúng ý thì mừng húm.

Về phần Hoàng Thừa Ngạn và Hoàng Dung,

Hai người sớm đã biết tiểu tử này ‘tai họa’ Phùng gia không nhỏ, bây giờ gia chủ Phùng gia đã mấy bận đưa tin yêu cầu đẩy mạnh hợp tác của hai nhà, mở rộng quy mô xưởng đóng tàu, và cải tiến canh tác thủy lợi.

Không những vậy, tiểu tử Hoàng Hùng về đến nhà lại đem theo mấy ý tưởng như:

‘Lợi dụng sức đẩy của dòng nước làm guồng xoay đưa nước lên cao, kết hợp xây bể trữ nước, tiến tới mở rộng diện tích ruộng bậc thang, tăng cường quy tụ dân miền núi, ổn định tình hình sơn tặc ở địa phương’

(P/s: Tác muốn nói là tác từng đọc qua tên luận án Thạc Sĩ dài hơn, không biết có ai tin không!)

Hoàng Thừa Ngạn vừa có chút thành tựu trong việc nghiên cứu cải tiến nông cụ

Thì liền lần nữa bù đầu bù cổ với mớ ý tưởng của Hoàng Hùng,

Khiến cho Hoàng Dung không thể không dỡ bỏ thiết luật đề ra từ gần 10 năm nay,

Tự mình ra khỏi Trường Sa, ngồi thuyền xuôi đông đến Ngô Hội gặp Phùng gia.

Để tranh hai người nọ can dự cản trở, Hoàng Uyển quyết định không thèm chờ tiết xuân luôn, ở nhà chưa tới 3 ngày liền mang theo cháu ngoại nuôi đi hướng Bắc.

Đương nhiên, lý do ‘chính đáng’ đưa ra là: “Đi sớm để tránh gặp tuyết lớn cản đường”

Mặc dù chỉ là cái cớ được chế ra một cách tùy tiện,

Thế nhưng khá trùng hợp, năm đó tuyết rơi thật đúng là lớn.

Hai ông cháu vào Lạc Dương trưa hôm trước thì chiều hôm sau tuyết đã phủ trắng thành.

Hoàng Hùng nghe đồn rằng Hoàng hà đã có dấu hiệu băng kết.

Năm nay đại hàn!

Tiểu tử Hoàng Hùng trùm kín mấy lớp từ đỉnh đầu xuống mũi bàn chân, đứng trên lan can tầng 7 của Hoàng Lạc lâu, chính là tửu quán của nhà họ Hoàng, do chính tay mẹ hắn chủ trì xây dựng từ xa,

Mặt ngoài là nhằm mở rộng quy mô thương nghiệp của nhà họ Hoàng ở Trung Nguyên,

Nhưng bên trong là để hổ trợ thu thập tình báo và gia tăng ảnh hưởng chính trị ở Lạc Dương, vừa hổ trợ Hoàng Uyển và Hoàng Hùng, vừa gián tiếp đẩy nhanh sự suy bại của triều đình.

Chớ nhìn Hoàng Dung nửa bước không ra khỏi Trường Sa mà cho rằng nàng nhàn cư trạch nữ,

Thực ra nàng vẫn luôn là nhân vật số hai của thực nghiệp phái trong nhà họ Hoàng,

Không chỉ quán xuyến việc quản lý, mở rộng sự nghiệp, còn kiêm luôn cả giao thiệp, từ thiện, hối lộ, để mở rộng nhân mạch.

Tên gọi Hoàng Lạc có chút phạm húy, dù sao Hoàng Đế chính là ngụ tại Lạc Dương.

Nhưng, từ khi Lưu Hoành lên ngôi đến nay, thì tiếng nói của triều đình liền thuộc về hoạn quan.

Mà ‘thập thường thị’ lại đều là kẻ tham lam, thấy tiền sáng mắt, cho nên dưỡng thành luật lệ bất thành văn: ‘không có gì không giải quyết được bằng tiền’.

Vậy là vì muốn giữ nguyên tên gọi Hoàng Lạc này, Hoàng Dung liền nhân tiện đả thông quan hệ với ‘thập thường thị’, tương đương với gián tiếp tác động đến đương kim hoàng đế Lưu Hoành.

Đương nhiên, không ai đi công khai loại sự tình này cả.

Cho nên trong một lần một tên sĩ nho ghen ghét, đem ‘Hoàng Lạc tửu lâu’ làm đề tài công kích quan viên phái Kinh Tương thì bổng Trung Thường Thị Triệu Trung lên tiếng:

“Hoàng Lạc lâu sở hữu thức ăn tinh tế, tao nhã, quý khí, rất hợp hoàng thượng khẩu vị.

Hơn nửa là mỹ tửu ở đó còn tốt uống hơn so với cống tửu.

Hoàng thượng đã ngự chỉ ban tên, đặc biệt đem làm Ngự Dụng Tửu Lâu”

(P/s: cống tửu = rựu tiến vua)

Trong khi Hoàng Uyển còn lơ ngơ không hiểu vì sao mình phấn đấu bao nhiêu năm nơi chính trường mà cuối cùng còn không bằng con gái nuôi làm mấy năm thực nghiệp.

Thì Hoàng Lạc lâu liền lợi dụng danh hiệu ‘Ngự Dụng Tửu Lâu’ này để phát dương quang đại, khuếch trương ảnh hưởng, trở thành tửu lâu số một của thành Lạc Dương, thậm chí cả vùng Tư Lệ, thu hút rất nhiều con cháu nhà giàu cũng như phong lưu hào hiệp.

Đó đã là sự tình của chừng 2 năm trước, sau khi Hoàng Hùng thử rượu trái cây của người miền núi ủ chế,

Rồi trong lúc thí nghiệm vô tình sáng tạo ra cách điều chế rượu mới.

Rượu này không chỉ có mùi vị tốt hơn hầu hết mỹ tửu hạng nhất đang lưu truyền,

Mà còn có dược tính,

Có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa bài độc, bồi bổ cơ thể làm dịu tâm thần,

Đương nhiên uống nhiều thì vẫn sẽ say, nhưng ít độc hại hơn rượu thường.

Phương thức điều chế đã tặng cho Triệu Trung để khăng khít quan hệ, đương nhiên nó bị xưng là cổ phương vì nói ra nguồn gốc thật thì không chỉ nguy hiểm cho Hoàng Hùng mà còn có khả năng chọc giận Triệu Trung nữa.

Dù sao thì làm gì có người trưởng thành bình thường nào sẽ đi tin chuyện một đứa nhỏ 5-6 tuổi sáng chế ra tửu phương nhất lưu đương thời.

Cũng không cần lo lắng Triệu Trung đem tửu phương công bố, hoặc lợi dụng kiếm tiền riêng.

Dù sao Hoàng Hùng còn ở, tùy thời có thể cải tiến ra tửu phương tương tự, thậm chí càng tốt.

Mà lại, Hoàng Lạc lâu chỉ cần còn hợp tác với ‘thập thường thị’, còn cống tiền vào túi riêng của Lưu Hoành, thì cho dù là Viên thị nhận được tửu phương cũng không dám trắng trợn cướp mối làm ăn.

Huống hồ, đám trung nguyên thế gia kia tự cho là thanh cao cũng sẽ không hạ mình đi cạnh tranh thương nghiệp với ‘man di’ Kinh Tương Hoàng thị,

Phần đông thế gia Trung Nguyên hiện tại vẫn còn tư tưởng rằng sự giàu sang phú quý quyết định bằng phạm vi ruộng đất và số lượng nông nô, tỳ nô trong nhà,

Công nghiệp và thương nghiệp bị xem là bàng môn tà đạo mạt hạng.

Về phần những thương nghiệp thế gia khác dám nhảy vào, Hoàng Dung cũng không sợ, có lẽ còn là cơ hội để mở rộng hợp tác, hoặc thâu tóm luôn đối thủ.

Quay lại với Hoàng Hùng,

Hắn chưa biết về sự tồn tại của chữ số Ấn Độ, còn Ả Rập thì thậm chí chưa hình thành,

Nhưng nhìn hắn bây giờ cực giống số 8,

Điều này không liên quan gì tới việc vài ngày nữa qua năm hắn sẽ tròn 8 tuổi

Mà là bởi Hoàng Uyển ép buộc hắn.

Thực ra thì bắt đầu từ khi tuyết rơi lớn, Hoàng Uyển thậm chí không muốn cho ‘cục vàng cục ngọc’ ra khỏi nhà, hai ông cháu cứ thế ngồi bên chậu lửa nói chuyện rỉ rả mấy ngày.

Sau đó, Hoàng Uyển nhiều lần bị Hoàng Hùng dùng tuyệt kỹ ‘mười vạn câu hỏi vần chăng’ đánh cho long đầu á khẩu,

Nên không thể làm gì khác hơn là chấp nhận cho cháu ngoại nuôi đi ra ngoài ‘hóng tuyết’, ngắm cảnh phố phường.

Trước khi đi, Hoàng Uyển không quên đem nha hoàn a Nhã gọi lại, bắt trùm quấn tiểu công tử kín mít mấy vòng, vòng đầu, vòng cổ, vòng thân, vòng tay, vòng chân, nói chung là lúc cởi ra chắc Hoàng Hùng phải quay vòng vòng tựa như tháo băng xác ướp.

“Nhìn tuyết này, chắc là Cố đệ sẽ bị kẹt trên đường rồi”

Vào ngày thứ hai sau khi Hoàng Hùng đến Lạc Dương thì có thư nhà nói là Cố Ung ghé qua Trường Sa, muốn cùng Hoàng Hùng lên Lạc Dương, biết huynh trưởng đã đi trước thì cũng vội vàng đuổi theo, tính toán thời gian có lẽ đã tới Toánh Xuyên.

Chỉ là tuyết lớn vừa tới, giao thông đại lộ tắc nghẽn, mà đi dã lộ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, xui xẻo còn gặp phải mãnh thú và giặc cướp.

Đừng nhìn Dự châu đã rất gần Tư châu kinh kỳ mà cho rằng an toàn.

Vừa vặn trái ngược,

Giặc cướp xung quanh đây chín phần mười là do ‘thập thường thị’ và thế gia nuôi,

Vừa mãi lộ vừa luyện binh,

Quan phỉ cấu kết hành sự thì quy cũ hơn so với giặc cướp bình thường, sẽ không làm những chuyện ‘thất tín’,

Nhưng độ tham lam và hung ác thì cũng hơn luôn chứ không thể kém, nếu dám gây với chúng thì tuyệt đối sẽ bị vây đánh hốt gọn.

Nhà họ Cố đến từ Ngô hội, căn bản không có đủ mặt mũi để Trung Nguyên thế gia nhượng bộ,

Mà dùng tiền mua đường thì tiểu tử Cố Ung kia tất nhiên không chịu,

Nên xác xuất lớn nhất là họ vẫn còn ở Toánh Xuyên.

Nhìn khí trời này, có lẽ phải vài tháng nữa thì huynh đệ mới gặp lại, vừa vặn, Hoàng Hùng có thể giành trước gặp Thái Ung, chức sư huynh này hắn lấy định rồi.

Nghĩ tới đây, Hoàng Hùng nhìn về một gian phủ đệ khang trang, không quá lớn nhưng so với các kiến trúc chung quanh thì lại lộ ra quy mô hơn hẳn.

Nó nằm ở phía Tây Nam, cách Hoàng Lạc lâu vài con phố,

Nếu không có sự tình gì cản đường, giao thông thông thoáng thì độ chừng chỉ đi bộ một lát là tới.

Đó chính là nhà của đương đại đại học sĩ Thái Ung.

Khác với phần lớn lão nho trên đất Trung Nguyên,

Thái Ung và sư huynh Trịnh Huyền của hắn đều là học giả chân chính,

Tuy không lao vào thực nghiệp giống với trí sĩ phương nam,

Nhưng lại chuyên chú nghiên cứu học vấn, không màng danh lợi đấu đá nơi quyền quý triều đình.

Trịnh Huyền ngao du khắp nơi,

Học vấn xuất từ Nho lại thiên về huyền học, kiêm tể bách gia,

Không nhận quan tước quyền lợi, thu học trò đều nhìn duyên phận, nên khá nổi danh trong giang hồ võ lâm lẫn trí sĩ bách gia cả trong và ngoài Trung Nguyên.

Thái Ung một mực cư ngụ tại Lạc Dương, làm quan trong triều,

Mặc dù đường làm quan chán nãn song vẫn giữ tâm thanh khiết không a dua với bất kỳ thế gia, ngoại thích hay hoạn quan, tựa như bông sen trong đầm bãi, gần bùn mà chẵng hôi tanh mùi bùn.

Đương nhiên, Thái Ung cũng không ngu,

Biết điều gì có thể mở miệng, điều gì không thể,

Khi can gián Lưu Hoành thì thường thường đều là điểm đến thì dừng,

Đặc biệt, không bao giờ dùng lời lẽ công kích cá nhân tại trên triều đình, ai bị tội cũng sẽ ba phải trợ giúp một phen.

Cho nên nhân duyên của Bá Dương công trong nho lâm trung nguyên rất tốt,

Chức quan dù nhỏ, danh vọng tại Nho đảng lại lớn hơn Tư Đồ Viên Phùng, gia chủ đương nhiệm của Viên gia,

Tất nhiên, danh vọng là một chuyện, lực ảnh hưởng lại là một chuyện khác, bởi vì như đã nói, Nho đảng hiện giờ phải gọi là Thế gia đảng mới đúng.

Theo Hoàng Hùng tìm hiểu,

Thái Ung hiện giờ đảm nhiệm Đông Quán Hiệu thư, quản lý tàng thư sách vỡ của triều đình,

Mà lại, Thái Ung không những có trí nhớ tốt, càng có sở thích là đem những kiến thức mình biết được, đọc được viết thành sách vở rồi lưu giữ trong nhà.

Tức là nếu có thể bái Thái Ung làm thầy thì chẵng khác nào đem 7-8 phần 10 tri thức tổng kết của Lạc Dương, thậm chí cả Hán triều đưa tới trước mặt.

Tin tức ấy làm cho Hoàng Hùng lau nước miếng hồi lâu, bởi tiểu tử này vốn là một kẻ tham gặm sách như mọt.

Càng quan trọng là, chỉ cần có tri thức làm bàn đạp, hắn liền có thể lợi dụng thiên phú trí tuệ mà thế giới này ban tặng để sáng tạo ra càng nhiều thứ mới, xúc tiến thế giới phát triển theo chiều hướng tốt,

Từ đó được nhận lại khí vận hồi báo, tăng cường tự thân, tạo thành một vòng lặp phát triển.

Đọc sách chính là con đường tắt nhanh nhất để hấp thu tri thức mới,

Đương nhiên, thông thường đều có chút phiến diện vì bản thân sách cũng mang một phần cảm xúc thành kiến và suy luận chủ quan của tác giả.

Chỉ là Hoàng Hùng không lo sợ điều này,

Hắn xuất thân từ thế gia phương nam, lấy thực nghiệp làm chủ, có vô vàn cơ hội để thí nghiệm, kiểm chứng tri thức, biến con chữ trong sách vỡ thành lợi ích thực tế,

Mà không phải như đám hủ nho đệ tử ở Trung Nguyên, chỉ biết tìm chương trích câu, nói văn vẽ thơ ca, nhân đức đạo nghĩa xuông, thực tài chẵng ra gì.

Nghĩ thế, Hoàng Hùng lại tập trung nhìn ngắm Lạc Dương,

Không phải ngắm cảnh hóng tuyết,

Mà chủ yếu là để ghi nhớ bố cục bản đồ của tòa thành này, và tuyển định tuyến đường từ Hoàng Lạc lâu đến nhà sư phụ tương lai.

Thành Lạc Dương rồng rắn hỗn tạp, lắm sự nhiễu nhương,

Hiện tại có thời gian để quan sát suy tính, Hoàng Hùng dứt khoát nhanh chóng chuẫn bị lễ vật bái sư phù hợp cũng như tuyển chọn tuyến đường đi học an ổn nhất, tránh phức tạp sau này.

Hắn không hy vọng quãng thời gian mình sống ở Lạc Dương sẽ nảy sinh ra những chuyện phiền phức kiểu như ‘nước trộn máu heo’, ‘đất rơi đũng quần’.

Hắn thích kết giao minh hữu nhưng cũng cần hợp tính cách của hắn mới được,

Không cần phải tài năng xuất chúng hay là trong sạch đôn hậu,

Nhưng ít nhất, không thể là đám người hủ nho trong tòa Thái Học kia, cả ngày chỉ biết a dua nịnh hót hoặc ganh tỵ khích bác lẫn nhau.

Về phần những loại sự kiện như ‘trang bức vã mặt’ thì Hoàng Hùng chỉ mong tránh càng xa càng tốt,

Vì tuy có thể nhanh chóng tăng cao danh vọng nhưng phải đánh đổi bằng cách gây thù hằn, thêm kẻ địch,

Huống hồ, loại địch nhân sinh ra từ mấy sự kiện ‘trang bức vã mặt’ này có đến 9 phần 10 là lũ không não, như chó cắn càn,

Đức vua phải thua đứa khùng, mà Hoàng Hùng còn không phải vua đâu.

Nói đến việc xác định tuyến đường đi thích hợp,

Thực ra cũng không phải quá khó khăn,

Chủ yếu là tốn bộ nhớ mà thôi, vì khá nhiều quanh co, đường vòng, ngõ hẻm.

Thành Lạc Dương tuy là đô thành, nhưng cũng không phải phồn hoa toàn diện.

Ngược lại, nó so với bất kỳ thành thị nào mà Hoàng Hùng thấy qua, đều muốn phân hóa, có thể nói là thiên cung, địa phủ trộn chung vào nhau.

Hoàng thành đương nhiên độc thuộc về Lưu Hoành và sủng thần thân tín như đám người ‘thập thường thị’, Hoàng Hùng chưa bước vào nên không có gì để nói.

Hoàng thành bên ngoài thì đan xen vòng vòng các khu vực dành riêng cho các tầng lớp xã hội,

Theo thứ tự là

Quan lại quyền quý,

Phú hào thương gia,

Học giả trí thức,

Trung tầng dân chúng,

Và khu ổ chuột của người nghèo.

Khu vực quan lại quyền quý cũng phân lớp theo cấp bậc địa vị,

Nhưng là cấp bậc địa vị của thế gia đứng sau, thay vì chức tước thực tế của vị quan lại ấy trong triều,

Những quan lại không có thế gia chống lưng thì căn bản chỉ là tiểu quan, nhà nằm tại khu vực của trung tầng dân chúng.

Ngoại trừ Hoàng Lạc lâu và Hoàng thành thì 9 phần 10 các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Lạc Dương đều nằm ở khu vực quan lại quyền quý,

Chủ yếu là vì chỉ có thế gia mới có tài lực và quyền lực để tạo ra và giữ gìn chúng.

Tiêu biểu như ‘Lạc Dương đại lộ’, nối thẳng bốn cửa thành ngoài với Hoàng thành,

Mỗi một chiếc xe ngựa từ trong cung ra ngoài hoặc từ ngoài thành vào cung đều phải ghé ngang qua phủ đệ của một thế gia nào đó.

Vị trí phủ đệ càng rộng rãi dễ thấy thì mỗi lần có khách bái nhà sẽ càng chiêu lấy những ánh mắt hâm mộ xung quanh, càng nâng cao thể hiện và danh vọng của nhà mình.

Đương nhiên việc thế gia bao trọn đường lớn còn có một phần là vì dễ kiểm soát quân sự an ninh trong thành.

Nếu có giặc cướp hay hỏa hoạn thì thế gia ở gần đại lộ có thể hành động nhanh nhất, bảo toàn nhà mình,

Nếu có chính biến hay quân biến thì thế gia có thể nhanh chóng tập hợp gia binh, muốn đánh tới Hoàng thành hay đánh ra cửa thành cũng có thể đi đường lớn, tiện lợi hành quân.

Khu vực phú hào thương gia thì đương nhiên là dùng tiền để quyết định vị trí.

Nơi Hoàng Hùng đang đứng hiện tại, Hoàng Lạc lâu, chính là vị trí có quang cảnh đẹp nhất, sầm uất nhất trong khu vực này,

Đặc biệt là sau khi Hoàng Lạc lâu thừa thế chiêu bài ‘Ngự Dụng Tửu Lâu’ để khuếch trương ảnh hưởng, khiến cho một số phú thương xung quanh đây hoặc là bán lại sản nghiệp cho Hoàng thị, hoặc là chuyển sang kinh doanh dịch vụ phụ thuộc ăn theo Hoàng thị.

Hoàng Hùng đưa mắt về một nơi đặc biệt trong khu vực giành cho phú hào thương gia này,

Một con phố bị tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của cả khu.

Con phố ấy gọi là phố thương nghiệp,

Là nơi tiểu môn, tiểu quán hoặc thương nhân nơi xa đến tụ tập buôn bán,

Phần lớn tửu lâu và hàng quán bình dân cũng nằm trong phố này.

Sự tồn tại của con phố thương nghiệp chính là đại biểu cho tư tưởng ‘trọng đức lễ, khinh tài phú’ của phần đông nho học thế gia tại Lạc Dương hiện giờ,

Đức lễ muốn hiểu sao thì hiểu, còn khinh tài phú thì ‘ha ha’.

Con phố thương nghiệp thậm chí có tường rào cao hơn trượng vây lại, trở thành ‘thành trong thành’, như là để cách ly ‘thương nhân hám lợi’ với những ‘hào môn trí thức’ đất Kinh Kỳ.

Đương nhiên là tuy con cháu dòng chính của các thế gia không thường bước vào phố thương nghiệp,

Nhưng vẫn sẽ sai gia đinh, nha hoàn đi mua đồ,

Về phần mở hội, tiệc tùng đãi khách thì đã có những tửu lâu ‘thanh tao quý khí’ hạng sang như Hoàng Lạc lâu.

Khu vực của học giả trí thức thì lấy Thái Học làm trung tâm, xung quanh là phủ đệ của một số quan viên chuyên về nghiên cứu sách vở trong triều và các vị tiên sinh nho học giảng bài trong Thái Học.

Nói là phủ đệ chứ kỳ thực là một số nhà vườn, chen chúc giữa những khu trọ chật chội dành cho học sinh Thái Học và du học sinh từ các địa phương khác tới.

Ấy là bởi phần lớn đất xây nhà, thậm chí chính căn nhà đều là do triều đình hoặc Thái Học cung cấp.

Những học giả tri thức này một là chẵng có quyền lực thực tế, hai là sẽ không kiếm tiền thì lấy gì mà mua đất cất nhà.

Thái Ung mặc dù cũng là dạng học giả kể trên, nhưng Thái phủ lại khá lớn, nằm lệch về phía khu thương quý, chứ không chen chúc vào nơi trung tâm của khu Thái Học.

Theo Hoàng Hùng biết, phủ đệ này đã ở đây từ khi Thái Ung còn nhỏ,

Dường như vốn là của hồi môn mà Viên thị tặng cho Viên lão phu nhân, mẹ của Thái Ung, em gái ruột của cố Tư Đồ Viên Thang, cô ruột của Tư Đồ đương nhiệm Viên Phùng.

(P/s: Wiki ghi mẹ của Thái Ung là em của Tư Đồ Viên Bàng, tức Viên Phùng, vì Bàng là cách đọc khác của Phùng.

Nhưng nếu vậy thì rất khó đỡ bởi con trưởng của Viên Phùng là Viên Thiệu sinh năm 154 thua Thái Ung tới 21 tuổi.

Nếu để Thái Ung gọi Viên Thiệu là anh họ thì nghe ức chế quá.

Cho nên truyện này thiết lập mẹ Thái Ung là cô Viên Phùng, tức Thái Ung là em họ Viên Phùng chứ không phải em họ Viên Thiệu)

Khu vực trung tầng bình dân rộng lớn nhất, cũng phân nhiều bậc như

Gia đình gia tướng, môn khách của thế gia,

Gia đình quan lại nhỏ,

Gia đình binh lính,

Gia đình tiểu thương,

Gia đình phú nông quanh vùng Tư Lệ và một số cường hào phương xa tới Lạc Dương mua nhà hòng cầu công danh lợi lộc.

Khu vực nhà nghèo hay khu ổ chuột thì khá là nhức nhối với đủ loại tệ nạn.

Hoàng Hùng cũng là lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của loại khu vực này.

Hắn không rõ lắm vì sao tại Kinh Tương Ngô Hộ, thậm chí tất cả thành thị phương nam mà hắn biết đều không tồn tại khu ổ chuột, mà tại kinh đô của của đế quốc lại gặp được,

Chẵng lẽ định nghĩa ‘man di’ của mình khác với của thế gia Trung Nguyên?!

Thêm một lưu ý là khu vực này cũng là nơi giang hồ lưu manh và phong lưu hiệp sĩ trú ngụ.

Những nhân sĩ giang hồ này thường thường dùng võ phạm cấm,

Có cướp bóc, ẩu đã, gây mất trật tự công cộng,

Có hành hiệp quá tay gây ra án mạng, hoang mang trong dân,

Song họ lại khó bắt vô cùng vì thứ nhất là không có giấy tờ, nguồn gốc xuất thân, thứ hai là thân thủ bất phàm, giỏi về lẫn trốn, ngụy trang.

Ở Lạc Dương chỉ có hai nơi có thể thường xuyên gặp được loại giang hồ khách này, đó là khu ổ chuột và phủ đệ của thế gia quyền quý.

Loại trước là lãng khách, loại sau là thích khách.

Tóm lại,

Phân hóa đẳng cấp,

Phân cách hạn chế thương nghiệp,

Cùng với đem nhân tố không ổn định dồn vào một góc trong thành,

Là ba điều khác biệt nhất mà Hoàng Hùng nhận thấy giữa Lạc Dương và các thành phố phương Nam.

Không phải nói phương Nam không có giàu nghèo, sang bần,

Mà là ở các thành thị phương Nam, giàu sang đều sống lẫn với nghèo khó,

Chứ không bảo đoàn sưởi ấm xây nhà cạnh nhau, tránh tầng lớp khác như tránh bệnh dịch giống cách làm của thế gia Lạc Dương.

Không phải nói phương Nam không kiểm soát thương nghiệp, phóng túng buôn lậu tràn lan,

Mà là ở phương Nam, không có rào cản ngăn cấm tựa như cách Lạc Dương làm với phố thương nghiệp.

Dù sao thì 8-9 phần 10 thế gia ở phương Nam đều là nửa thương gia,

Rất nhiều thế gia đều mở cửa hàng gần nhà, thậm chí ngay cạnh nhà mình để dễ bề kiểm soát cung ứng, quản lý nhân sự.

Không phải nói ở phương Nam không có người tầng chót, người cực nghèo, và giang hồ võ lâm,

Mà là ở phương Nam sản vật đất đai vốn vô cùng phong phú chứ không đất chật người đông như Tư Lệ,

Lại nghèo khó đến đâu, chỉ cần có sức lao động liền không chết đói được,

Bất kể là săn bắt hái lượm hay khai hoang làm rẫy đều dễ dàng hơn so với ở Lạc Dương,

Thế gia phương nam chú trọng thương nghiệp chứ không chơi chèn ép, cướp ruộng, bắt nô như thế gia Trung Nguyên nên cũng ít khi có chuyện dân trung nông bị bần cùng hóa.

Về phần giang hồ,

Nói câu không quá, thế gia phương Nam chính là đầu lĩnh của giang hồ phương Nam, thậm chí là nguồn gốc của giang hồ phương Nam

Từ nghĩa đen tới nói, giang hồ, sông hồ, sông nước chính là căn cơ của thế gia phương Nam, cũng là vật trong lòng bàn tay của thế gia phương Nam,

Nhân sĩ võ lâm phương Nam gọi là người trong giang hồ bởi vì bọn hắn đều trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho thế gia phương Nam.

Thứ gọi là ‘giang hồ’ kỳ thật cũng là

Hàn môn chi nhỏ phân nhánh từ thế gia

Cùng với các môn phái nhỏ bên trong bách gia chư tử

Hợp lại mà thành thôi.

Sau khi bách gia bị đuổi khỏi Trung Nguyên,

Phương Nam thế gia cũng là một trong những phe hưởng lợi,

Tiếp thu ‘máu huyết’ của bách gia để cải tiến mình,

Lại thêm các môn các phái chung quy không thoát được nguồn tài lực,

Mà nói đến tài lực thì không ai qua được sự giàu có của thế gia phương Nam.

Cho nên tại phương Nam, thế gia chính là thủ lĩnh giang hồ,

Ví như gia tộc của Hoàng Hùng, nhà họ Hoàng đất Kinh Tương kỳ thực cũng là ‘lão đại’ của giang hồ Kinh Tương,

Đó là chưa kể đến việc Hoàng Dung thi ân rãi nghĩa, vung tiền như nước khắp nơi, trên toàn giang hồ Giang Nam đều được xem là chị đại.

Thêm nữa, theo Hoàng Hùng biết, tại chi nhánh bên Nam Dương, có một vị tộc thúc cùng thế hệ với mẹ hắn, sở hữu võ công cao tuyệt, một tay đao pháp đánh khắp Kinh Tương vô địch thủ, được các trưởng lão của gia tộc nhận xét là:

‘Trong tương lai tất sẽ vượt qua Hà Bắc Đao Vương, sánh cùng đám người võ lâm thần thoại như Thương Thần Đồng Uyên và Kiếm thánh Vương Việt’

Quay lại với chuyện chính,

Hoàng Hùng đã xác định được con đường ổn thỏa nhất từ nơi mình ở đến nhà Thái Ung,

Tổng kết cho con đường ấy là:

‘Tránh voi chẵng xấu mặt nào,

Rời xa quyền quý, ẩn vào bình dân’

Ý là, bất kể nơi nào có khả năng vô tình bắt gặp con em thế gia hoặc học sinh Thái Học thì đều bị liệt vào vùng đỏ, vùng cam, tránh xa cho lành.

Về phần những khu ổ chuột hay phố thương nghiệp, bình dân nhộn nhịp, thì không có gì để lo,

Gia tướng hộ vệ không phải ‘ăn chay’,

Còn Hoàng Hùng tuy ít ‘ăn mặn’ nhưng cũng không phải trói gà không chặt, dù chỉ 7-8 tuổi nhưng chỉ cần có ‘đồ chơi’ trong tay thì hắn có thể tạm thời ứng phó 2 đến 3 người trưởng thành bình thường.

Không nên hiểu ‘đồ chơi’ theo nghĩa quá đen tối,

Đơn giản là một số cộng đồng sản phẩm của hắn và Hoàng Thừa Ngạn mà thôi,

Không phải loại hình hung khí hiểm độc máu tanh,

Chỉ là đem vũ khí phòng thân thu gọn, ẩn giấu vào những đồ dùng bình thường, hòng tạo bất ngờ cho đối thủ, chiếm tiên cơ thôi.

Hoàng hôn buông xuống,

Ánh sáng thái dương yếu dần,

Hoàng Hùng quay đầu về phương Nam xa xa, hướng quê hương hắn.

Chỉ thấy ở cuối tầm mắt, dòng sông Lạc uốn lượn long lanh, uyển chuyển êm đềm, mỹ dịu tựa như tiên nữ giáng trần, gợi cho Hoàng Hùng một nổi nhớ về sông nước phương Nam tươi đẹp.

Thời điểm này, sông hồ phương Nam nước dâng lên cao mà ấm áp, không chỉ tưới nhuần thổ nhưỡng, cây cối, mà còn đông đúc cá tôm, cho dù là đêm muộn giờ Tuất (7-9 giờ) vẫn có thể bắt gặp những ánh đuốc ven sông của dân chài và người đi bắt ếch.

Thái dương đã khuất bóng, Lạc hà bờ Bắc, đại Hán đế đô Lạc Dương thành chìm vào màn đêm giá buốt.

(P/s: cặp ngoặc kép cuối cùng là cách hiểu khác của cái quote đầu chương.

Phương Bắc đang suy vong

Phương Nam ẩn tiềm lực

Về phần bạn hiểu phương nam bao gồm những nơi nào thì phải xem độ hiểu của bạn đối với cách cục của truyện)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.