Tôi không nghĩ bản thân là người biết cảm thông, dù không xấu xa, nhưng cũng không ngốc nghếch đến nỗi làm mọi cách để thành người lương thiện.
Tôi nào có tư cách, cũng đâu có lập trường gì?
Chính bản thân tôi còn đang sống ất ơ đây.
Tôi đẩy em ra khỏi người mình, nói cho em biết: “Nhóc con lớn xác, không được khóc, có thấy ngoài kia không? Hết mưa rồi, mặt trời mọc rồi, nhóc nên đi đâu thì đi đó đi.”
Có lẽ em thấy sự kiên quyết từ tôi thế là cắn răng đỏ mắt, đi thật.
Chẳng qua là cái gọi là “đi” của em cũng chỉ là đi ra khỏi tiệm sách của tôi, tiếp tục đứng trong cái góc cạnh cửa.
Em mặc quần áo của tôi, toàn thân sạch sẽ.
Sạch thì sạch đấy, nhưng mặt mày xám xịt.
Đêm qua trời đổ mưa rào, bậc thang vừa bẩn vừa ẩm, em không hề ngồi bệt xuống, chỉ ngồi xổm ở đó.
Tôi đứng sau cửa sổ nhìn em, nhìn em ngồi xổm ở nơi đó ôm đầu gối, thoạt nhìn oan ức vô cùng. Một lúc sau, có lẽ thấy ngồi xổm không ổn lắm, em lại đứng lên, nhìn con đường nhỏ xe cộ qua lại phía trước.
Cứ lặp đi lặp lại vài lần như thế, tôi cũng cứ trốn trong phòng nhìn em.
Sau đó tôi quyết tâm không thèm quản nữa, xoay người làm chuyện của mình.
Mà cái tôi gọi là “chuyện của mình” là gì ấy nhỉ?
Là lấy quyển sách, mở nó ra nhưng đọc chẳng vào.
Tình cờ có khách hàng tới, lượn một vòng, lấy hai cuốn sách, lúc trả tiền còn trêu tôi: “Anh chủ này, anh đang phạt em trai đó hả?”
Tôi dở khóc dở cười, sao em ấy đã biến thành em trai tôi rồi?
Tôi nói tôi không quen em, không biết em từ đâu tới, nhưng người ta không nghe lọt lời tôi nói, còn khuyên can: “Có chuyện gì thì cố gắng nói chuyện cho rõ ràng, đừng giận dỗi với đứa nhỏ mới lớn.”
Tôi cũng muốn nói lắm chứ, muốn xin đứa nhỏ choai choai kia đừng có quấn lấy tôi nữa.
Chạng vạng, em vẫn ở đó, tựa như không hề có ý rời đi.
Nhìn vậy trông có nghị lực lắm chứ đùa.
Tôi thật sự nghĩ không ra sao em ấy lại coi trọng tôi đến thế, nếu như lời em nói “thích” tôi kia là nghiêm túc.
Tôi vừa buồn bực vừa ngán ngẩm lật từng trang sách, cuốn sách chừng hai trăm trang thơ, tôi chẳng vào đầu được chữ nào.
Cửa tiệm mở ra, ba tôi xách theo con gà quay bước vào: “Đứa bé trước cửa là con cái nhà ai đấy? Ở đó làm gì thế?”
Tôi liếc mắt nhìn ra ngoài cửa sổ một cái, từ góc độ này vừa khéo thấy được em đang cúi đầu.
Tóc em quá dài, hôm qua vừa gội xong, hôm nay đã rối như tơ vò.
“Dì Từ con mua gà quay, bảo ba mang tới cho con.” Ba tôi đi thẳng vào căn bếp phía sau: “Con chưa ăn đâu nhỉ?”
“Chưa đâu ạ.” Tôi để sách xuống, vào trong với ba.
Ba tôi quay đầu nhìn tôi: “Sao trông buồn rầu thế, ai làm gì con à?”
“Hỏi ba chuyện này.” Một ý nghĩ chợt lóe lên, tôi dựa vào cạnh cửa, nhìn ba tôi giơ dao chặt con gà nướng thơm phức, hỏi ông: “Nếu không có hộ khẩu, phải làm thế nào mới vào hộ khẩu được ạ?”
Ba tôi không thèm quay đầu nhìn lại, thuận miệng hỏi: “Ai không có hộ khẩu thế? Con giấu ba sinh con với người ta à?”
Ba tôi đấy, suy nghĩ của ông vi diệu hơn những gì tôi tưởng tượng rất nhiều.
“Con sinh với ai được chứ?” Tôi nói: “Nghiêm túc chút đi xem nào, con hỏi thật đấy.”
Lúc này ba cũng xem như quay đầu lại nhìn tôi: “Cái này còn phải xem xem tình huống cụ thể thế nào, là vì sinh con trong giai đoạn kế hoạch hóa, hay là vì thông tin được cấp trước đó bị mất không còn, trường hợp khác nhau cách giải quyết cũng khác.”
Tôi lại hỏi: “Không biết nguyên nhân gì, chỉ biết là không có hộ khẩu, quê nhà cũng không nhớ rõ, trường hợp này phải giải quyết thế nào?”
Có lẽ ba tôi đã nghe được mùi bất thường, ông hỏi tôi: “Có chuyện gì với con rồi?”
Tôi chỉ chỉ ra phía bên ngoài: “Đứa bé ngồi xổm ngoài cửa kia kìa ba, con cho nhóc đó có hai bữa cơm thôi mà quấn lấy con không đi.”
Mười phút sau, nhóc con lang thang xuất hiện bên trong tiệm của tôi, lần này người cho em vào không phải tôi, là ba tôi.
Mà hiển nhiên ba tôi đã hiểu lầm quan hệ giữa tôi và em.
Bởi vì sau khi gọi người ta vào, ba tôi cho người ta cái đùi gà rồi hỏi: “Có phải cháu bị thằng nhóc Viên Lai này lừa dối tình cảm không? Nhìn oan ức chưa này, bác nói cho cháu biết, cháu đừng để ý đến nó làm gì, nó sẽ lừa sạch sẽ trái tim thiếu nam ngây thơ của cháu đấy.”