Văn án:
Thụ ngôi thứ nhất.
Nhặt được một tên nhóc lang thang ở ven đường.
Nội dung: Niên hạ – đô thị tình duyên – điềm văn
Từ khóa: Vai chính: Viên Lai, Viên Xuân Thiên
Giới thiệu vắn tắt bằng một câu nói: Nhặt được một tên nhóc lang thang ở ven đường.
Chương 1: Cảm ơn
Lúc tôi gặp Viên Xuân Thiên, ông chủ của cửa hàng lớn phía đối diện vừa nhảy từ tầng năm xuống, máu loang trên mặt đất tạo thành một vùng màu đỏ sẫm.
Viên Xuân Thiên là tên tôi đặt cho em, bởi vì trước khi biết tôi, em không có gì cả, ngay cả cái tên cũng không có.
Lúc đó trông em bẩn thỉu, quần áo rách rưới, đứng cách quầy ăn sáng ở rìa đường chừng nửa mét, ánh mắt tham lam nhìn chằm chằm vào sữa đậu nành và bánh quẩy nóng đang bốc hơi trong quầy hàng.
Chuyện nhảy lầu ở phía con đường đối diện chẳng dấy lên nổi sự chú ý của em, dường như so với bữa sáng nóng hổi trước mắt thì hiện trường đẫm máu kia chẳng đáng nhắc tới.
Tôi ngậm thuốc lá đứng ở cửa, hỏi em một câu: “Đói à?”
Chủ quầy hàng ăn sáng nghe vậy quay lại nói với tôi: “Cậu đừng có quan tâm nó làm gì, cho nó một bữa cơm nó sẽ quấn lấy cậu không buông.”
Thoạt nhìn có lẽ đây là kinh nghiệm xương máu của chủ quầy hàng, tôi chỉ cười cười, bỏ tiền ra mua hai phần đồ ăn sáng.
Cả hai phần đều cho em ấy hết.
Hình như chủ quầy hàng ăn sáng rất không ưa em, hơn nữa lúc này trong quầy không còn chỗ trống, tôi đành bê một cái bàn nhỏ ra ngoài, để em ngồi trước cửa tiệm ăn cơm.
Em không nói một lời, vội vã ngồi xổm xuống đó ăn như hùm như sói, ngay cả khi tôi mang ghế ra em cũng không thèm ngẩng đầu, chỉ khẽ dịch cái mông tới rồi ngồi lên.
Chủ quầy sáng thấy thế bảo: “Thấy chưa? Cậu cho nó ăn, nó còn chả thèm cảm ơn cậu nữa.”
Em nghe thấy vậy chợt giật mình thoáng dừng lại, sau đó ngẩng đầu nhìn tôi nói: “Cảm ơn.”
Tôi ngồi xổm xuống bên cạnh em, cười nói với chủ quầy ăn sáng: “Anh Vương à, anh xem, thằng bé vừa nói cảm ơn với em đấy.”
Đứa nhỏ này rất gầy, vô cùng gầy, thoạt nhìn chừng mười mấy tuổi, vừa nhìn đã thấy em bị suy dinh dưỡng, ăn uống không đầy đủ, nhìn qua không đoán được rốt cuộc em đã lớn chừng nào rồi.
Tôi đánh giá em, như những người kia đang đánh giá hiện trường nhảy lầu phía đối diện.
Em ăn rất nhanh, bánh quẩy bị em cắn đứt, có lẽ chẳng kịp nhai đã vội vã nuốt xuống.
Sau đó em cầm bát ngửa đầu uống sữa đậu nành, như muốn dùng một hơi này uống cạn mùa xuân vậy.
Anh Vương nói: “Cậu cứ chờ xem, ngày mai nó lại quay lại tìm cậu xin cơm đấy.”
Tuy giọng nói của anh Vương không giấu được tia ghét bỏ, nhưng cuối cùng vẫn mang thêm cho em ấy một quả trứng luộc nước trà.
“Nể mặt cậu đấy, cho nhóc này.” Anh Vương nói: “Không biết nhóc này lạc từ đâu đến đấy nữa, đã ba ngày liền xin cơm anh rồi.”
Tôi cười bảo anh Vương: “Chắc cu cậu thấy anh quen mặt.”
“Đừng đừng, lúc anh chú còn trẻ có thể gọi là đại ca vang danh khắp bốn phương, nhưng những năm này đã rửa tay gác kiếm không làm nữa rồi.”
Anh Vương thích đùa, nói năng chua ngoa nhưng lòng dạ mềm yếu.
“Được rồi, anh dọn hàng đây, đối diện ồn ào quá, ồn ào đến độ ảnh hưởng đến cả chuyện làm ăn của anh.” Nói xong, anh Vương lại nhìn về phía bên này dặn dò: “Mấy cái bát đũa nhóc này vừa dùng cậu cứ tạm giữ giúp anh, mai anh tới cậu mang qua trả nhé.”
Anh Vương vừa dọn sạp vừa lầm bầm: “Đồ của nhóc kia ăn xong, lấy về mịa nó phải mang đi tiêu độc nữa.”
Tôi cười cười, nói lời cảm ơn với anh Vương.
Quầy ăn sáng dọn xong, anh Vương vừa đi thì cảnh sát cũng tới hiện trường phía đối diện.
Ông lão sạp báo sau khi đi xem trò vui trở về nói: “Nợ nần mấy chục triệu, không trả nổi nên phải tự sát đấy.”
Tôi gật gật đầu, không thấy hứng thú lắm với chuyện xảy ra ở phía bên kia đường.
So với chuyện ấy, lực chú ý của tôi đều bị người trước mặt này hấp dẫn.
Em ấy đang cầm cái bát đựng sữa đậu nành liếm sạch sành sanh, còn sạch sẽ hơn cả bát đĩa mà chủ quán cơm nhỏ rửa.
Thế này hẳn là đói bụng lắm.
“Ăn xong rồi thì đi đi.” Tôi đứng lên, thu dọn đồ đạc: “Bản thân nhóc lưu lạc bên ngoài, ai đưa gì ăn nấy, lỡ như bên trong có độc thì sao?”
Tôi cười nói đùa với em ấy một câu, mà cũng không hẳn là đùa.
Cho dù có là một nhóc lang thang ít nhất cũng phải có chút ý thức bảo vệ bản thân, đừng để một ngày nào đó bị người ta đầu độc mà chết.
Có nói thế nào thì chết cũng không bằng sống được, chẳng phải trên đời này người ta vẫn nói thế sao.
Sau khi thu dọn mọi thứ, vừa khéo chín giờ sáng.
Tôi lật lại tấm biển gỗ trước cửa tiệm, chuyển từ mặt “Close” sang mặt “Open”.
Tôi tắt thuốc trước khi bước vào nhà, không để ý đến đám người ngoài kia nữa.
Dù đã chín giờ nhưng trời xuân cũng chẳng ấm lên,vớ một cuốn sách ngồi bên cửa sổ đợi nhiệt tăng lên từng chút là khoảng thời gian thú vị nhất trong ngày đối với tôi.