Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.
Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.
Editor: Aminta.
Chương 7
***
Tiếng súng bắn tỉa vang ầm bên tai tôi, lần đầu tiên tôi cảm thấy do dự. Rehau nghiêng đầu một chút với tôi: “Em sao vậy?”
Áo tù nhân dính đầy máu tươi. Tay bắn tỉa trên tháp canh.
“Không có gì, tôi tới ngay đây.”
“Lúc ấy em cũng ở chỗ đó à, Benoît?” Anh ta hỏi tôi, giọng rất nhẹ giống như là sợ dọa tôi.
“Đúng vậy.” Tôi thật thà trả lời.
“Em sợ tôi?”
Tôi không biết nên trả lời thế nào nên cứ đứng tại chỗ không nhúc nhích.
“Vậy tại sao em còn hỏi tôi có cần phục vụ hay không? Rồi vì sao lại không muốn tới gần tôi?”
“Nếu như anh cần tôi phục vụ thì chuyện này có nghĩa anh cần tôi; tôi không muốn tới gần anh là bởi vì có lẽ đêm nay anh không cần tôi…”
“Em chỉ đặt giá trị của bản thân mình vào xác thịt thôi sao?”
Tôi gật đầu.
“Đừng như thế, Benoît.” Giọng Rehau nghe có hơi tức giận, có lẽ tôi thật sự đã khiến anh ta đau lòng, anh ta không giống những tên ác quỷ đó: “Dù cho tôi không cần em, tôi cũng sẽ không giết em.”
“Tôi rất sợ chết, Rehau.” Chẳng biết từ lúc nào, giọng của tôi đã run rẩy: “Cực kỳ sợ, tôi thà rằng sống một cách hèn mọn chứ không muốn chết.”
Nói xong câu đó, tôi cảm thấy hai chân mình đứng không yên.
Đúng lúc này, Rehau đứng lên đi đến trước mặt tôi, dang hai tay ôm lấy tôi. Đầu tôi tựa trên vai anh, lồng ngực anh rất rộng, cũng rất ấm, nhịp tim đập truyền đến ngực tôi cách lớp áo.
“Tôi cần em, Benoît.” Anh nói bên tai tôi: “Có lẽ chính em cũng không nhận ra em khác với những người khác. Em nói mình sợ chết, nhưng tôi cảm thấy em dũng cảm hơn bất cứ kẻ nào, có can đảm sống sót ở đây cũng không phải là một việc dễ.”
“Vậy ư?” Tôi nói: “Tôi vẫn cho rằng mình tham sống sợ chết.”
“Trong mắt em có hi vọng.” Anh ta nói.
Hi vọng. Thứ tôi từng cho rằng là vô dụng nhất ấy vậy mà tồn tại trong mắt tôi. Lẽ nào tôi tin rằng một ngày nào đó tôi có thể sống sót ra khỏi trại tập trung sao? Nếu như Rehau vẫn luôn ở bên cạnh tôi, có lẽ tôi có thể.
“Cảm ơn anh, Rehau.”
“Dù cho tôi đã giết người?”
Chúng tôi ngồi bên giường, nhưng tôi quá mệt mỏi nên không nhịn được trực tiếp nằm trên giường. Ga giường của anh vẫn mang theo mùi xà phòng thơm tho, trắng tinh sạch sẽ. Anh để tôi nằm bên trong, còn anh nằm ở bên ngoài đưa lưng về phía ánh nến trên cái tủ ngăn kéo, ánh sáng vàng nhạt tỏa ra sau lưng anh. Tôi nheo mắt lại, cảm thấy càng ngày càng buồn ngủ.
“Em từng giết người chưa, Benoît?” Thấy tôi không trả lời, anh lại hỏi.
“Nein.” Môi tôi khẽ nói ra một từ đơn tiếng Đức. (Nein = không)
“Tôi đã giết người.” Rehau nói: “Trên chiến trường.”
“Đáng lẽ tôi nên đoán được từ lâu, anh là một Nazi.” Tôi chậm rãi nhắm mắt lại, một Nazi đang nằm đối diện tôi, vậy mà tôi vẫn yên tâm cảm thấy buồn ngủ.
Có lẽ tôi thật sự không sợ anh.
“Tôi không có gì để biện minh cho hành động của mình.” Rehau nói, hàng mi nhuốm vàng của anh ta như đang rung động: “Cha tôi là sĩ quan quân SS, từ nhỏ tôi đã trưởng thành dưới sự giáo dục nghiêm túc của ông ấy, cha tôi vẫn luôn muốn bồi dưỡng tôi trở thành người thừa kế của mình, tôi học ở một trường quân sự, sau khi tốt nghiệp thì được điều thẳng đến chiến trường.”
“Thảo nào anh bắn súng chuẩn như vậy.” Tôi lẩm bẩm.
“Tôi từng là một tay bắn tỉa của quân SS vũ trang.”
Đôi mắt của tôi mở ra lần nữa, Rehau nhìn tôi vô cùng chân thành.
“Em sợ không?” Tay trái của anh sờ mặt tôi, vết chai trong lòng bàn tay ma sát làn da tôi nhưng tôi không né tránh.
“Thật là kỳ lạ.” Tôi nói, hoàn toàn không nhận ra hàng nước mắt trượt xuống trên gương mặt, thậm chí tôi cũng chẳng chớp mắt: “Tôi sợ tiếng của những đôi ủng da và những kẻ mang ủng da, nhưng tôi lại không sợ anh.”
“Nhưng mà em đang khóc.”
“Tôi không biết tại sao nữa.” Tôi nói: “Tôi không sợ anh, cũng không buồn bã gì.”
“Em đang cảm thán.” Anh ta kết luận.
“Có lẽ là vậy.” Tôi nói: “Đang cảm thán vì anh.”
“Trước khi đến chiến trường tôi đã ghét chiến tranh. Tôi không nghe theo sự sắp xếp của cha, từ bỏ cơ hội thăng chức, ngoại trừ cái danh tay bắn tỉa giỏi nhất ra thì chẳng còn gì và tôi được chuyển đến đây.”
“Anh phạm lỗi gì?”
“Bỏ trốn trong một cuộc tấn công.”
“Tôi biết anh làm vậy không phải là do sợ hãi.” Tôi nói, giọng điệu vô cùng chắc chắn.
“Em không cần tìm cớ cho tôi.” Anh nói: “Chỉ là do tôi ghét chiến trường, ghét tước đoạt mạng sống mà thôi.”
“Thế là anh bị giáng chức à?” Ta hỏi.
“Nói chính xác là trừng phạt.” Anh cười cười: “Sau khi biết chuyện cha tôi giận tím mặt, nhưng vẫn tìm một cái chức cho tôi ở trại tập trung mà tôi bị chuyển đến.”
“Nơi này chưa chắc tốt hơn chiến trường ở chỗ nào.” Tôi khẽ hừ một tiếng.
“Ở đâu cũng là địa ngục.” Anh ra vẻ đồng ý.
“Anh vẫn sẽ ở chỗ này mãi sao?”
“Có lẽ vậy.” Anh khẽ thở dài một tiếng, nhìn chằm chằm mặt tôi: “Trông em rất mệt mỏi, ngủ một giấc đi.”
Nói xong, anh vươn tay ra ôm tôi vào trong ngực giống như ôm một đứa trẻ.
“Em thật ấm áp, Benoît.”
Sau đó chúng tôi còn nói rất nhiều chuyện khác, nhưng tôi không nhớ rõ lắm. Đêm ấy vừa ẩm ướt vừa ấm áp, chúng tôi ôm nhau, ngoài ra chúng tôi không làm gì cả. Thỉnh thoảng kẻ bán thân cũng muốn sống một cuộc sống không xác thịt. Vào lúc đó, tôi cũng nghĩ rằng chính Rehau đã khiến tôi hiểu giao lưu tinh thần là gì.
Lúc ấy chúng tôi đều rất cần một người để gửi gắm.
Nếu như anh hỏi tôi có yêu Rehau hay không, tôi nghĩ là có, chỉ là tình yêu trong trại tập trung trộn lẫn quá nhiều tạp chất, thân phận của chúng tôi, linh hồn trống rỗng, thân xác chẳng có nơi để về của chúng tôi, và cả bóng tối tuyệt vọng vô tận.
Tôi luôn luôn nhớ đến đêm đó, nhớ đến cái ôm ấm áp và nhịp tim mạnh mẽ của anh, sau đó tôi sẽ phát ra một tiếng cảm thán, nước mắt lại chảy xuống trong vô thức như đêm ấy.
Hai tháng kế tiếp, dưới sự che chở của Rehau, chúng tôi sống một khoảng thời gian tương đối an toàn không cần lo lắng. Ngày nào cũng sẽ có đồ ăn tươi mới, cũng chẳng cần phải lo tên chúng tôi xuất hiện trên bảng danh sách tử thần. Sức khỏe của Schulz dần dần tốt hơn, cậu ta bắt đầu trở nên hoạt bát, thỉnh thoảng khi chúng tôi nói chuyện, tôi có thể thấy cảm xúc trong ánh mắt của cậu ta.
Nếu như nói theo cách nói của Rehau thì “hi vọng” trong mắt tôi càng ngày càng nhiều. Tôi không cần tới chỗ Rehau vào mỗi đêm, có khi cách mấy ngày tôi tới một lần, đôi khi chúng tôi làm tình, đôi khi chúng tôi tựa sát vào nhau để trò chuyện.
Một ngày nào đó, tôi đến phòng Rehau như đã hẹn. Vẫn là cánh cửa khép hờ và một thau nước sạch, chỉ khác ở chỗ người đứng trước mặt tôi đang mặc quân phục phẳng phiu.
Bất chợt tôi không thể nhận ra người đó là ai. Ánh nến yếu ớt, khuôn mặt quen thuộc của người đó đều chìm trong ánh lửa mờ tối.
“Rehau?” Tôi thử kêu tên anh, nhưng không tiến về phía trước.
“Là anh, Benoît.” Anh trả lời, bóng dáng cao lớn bước một bước về phía tôi, vừa vặn che khuất ánh nến. Tầm mắt của tôi hoàn toàn rơi vào một vùng tăm tối, tôi không thể không nheo mắt tập trung nhìn anh.
“Xin lỗi, suýt nữa em đã không nhận ra anh.”
“Anh mặc quân phục khiến em sợ sao?”
“Không, em chỉ không ngờ mà thôi.” Tôi miễn cưỡng nở nụ cười thả lỏng, sau đó cúi đầu nhìn đôi ủng đen bóng loáng của anh: “Em… tới bây giờ vẫn chưa từng nghĩ đến hình ảnh anh mặc quân phục.”
“Đẹp không?”
“Em không biết.”
Đến nay tôi cũng không nhớ nổi chi tiết bộ quân phục của anh, Rehau chưa bao giờ nói rõ với tôi. Tôi chỉ biết anh là một quân nhân Đức không thích chiến tranh. Trong cuộc sống sau này, mỗi khi nhớ tới Rehau, tôi luôn muốn nói với anh rằng anh mặc quân phục rất đẹp.
Tôi có rất nhiều lời muốn nói, nếu như lúc ấy không nói ra, có lẽ cả đời này cũng không còn cơ hội.
“Xin lỗi, vấn đề này khiến em khó xử rồi.” Anh đưa tay xoa đầu tôi, đôi tay khoác bao tay da lướt qua cằm tôi và nâng đầu tôi lên, anh nghiêng đầu hôn lên mặt tôi.
“Benoît.” Anh kêu tên tôi.
Hai người chúng tôi đứng trong bóng tối chỉ có một tia sáng nhỏ nhoi, mỗi một giây đều có vẻ rất dài. Hơi thở của anh lướt qua tai tôi, ôn hòa, dịu dàng giống như ga giường tràn ngập mùi xà phòng của anh.
“Đêm nay chúng ta làm gì?” Tôi đứng tại chỗ, giọng tôi cứng đờ như cơ thể tôi vậy.
“Ngủ một giấc thật ngon.” Anh nói rồi ngồi bên mép giường, cầm một quyển sách: “Lại đây đi, Benoît.”
Tôi nằm dài trên giường. Rehau lật sách ra khi tôi chưa kịp nhìn thấy tên sách: “Em thích thơ không?”
Tôi gật đầu.
“Khi còn bé anh rất thích thơ ca, sau này đi trường quân sự, thầy anh nói thứ này rất vô dụng và ném hết tất cả tập thơ của anh.” Rehau khẽ lật trang sách: “Có lẽ anh nên biết ơn cha mình, sau khi tới đây anh mới có thời gian đọc thơ.”
“Tiếng Đức của em không tốt lắm, có lẽ em không thể hiểu hoàn toàn…”
“Không sao, em có thể dùng cảm giác để hiểu.” Ngón tay anh dừng lại ở một trang sách nào đó: “Vậy anh bắt đầu đây.”
Tôi chợt nhớ ra mùa xuân cũng sắp đến rồi. Chịu đựng qua một mùa đông lạnh lẽo tràn đầy đau khổ dài đằng đẵng rồi mùa xuân bất ngờ tới. Mùi hoa thơm trong cơn gió xuân êm dịu, cây ngô đồng bên đường nước Pháp va chạm với nhau, tiếng lá cây vang xào xạc, bóng cây lung la lung lay trên đại lộ…
Die schönen Augen der Frühlingsnacht,
(Của đêm xuân những con mắt đẹp)
Sie schauen so tröstend nieder:
(An ủi người ngó xuống dưới đây)
Hat dich die Liebe so kleinlich gemacht,
(Tình yêu làm anh sao nhỏ mọn,)
Die Liebe sie hebt dich wieder.
(Vẫn tình yêu nâng đỡ anh ngay.)
Auf grüner Linde sitzt und singt
(Nàng ngồi trên cây đoan xanh lá)
Die süße Philomele;
(Philomela xinh xắn hát ca)
Wie mir das Lied zur Seele dringt,
(Như khúc hát giục hồn tôi vậy,)
So dehnt sich wieder die Seele.
(Tâm hồn tôi trải cánh vươn xa.)
Trước giờ tôi không biết Rehau có chất giọng dịu dàng như vậy, vừa rồi anh khiến tôi cảm thấy lạ lẫm, nhưng bài thơ này lại khiến tôi quen thuộc anh lần nữa. Ánh nến phác hoạ hình bóng anh, quân phục của anh dường như cũng không còn lạnh như băng.
“Hay quá.” Tôi khen từ tận đáy lòng: “Em như thấy được mùa xuân sắp đến.”
“Em thích không?” Anh mỉm cười hỏi tôi.
“Vô cùng thích. Từ đó đến giờ em không biết…” Bỗng nhiên tôi không nói thêm gì nữa.
Từ đó đến giờ tôi không biết tiếng Đức cũng có thể lãng mạn như thế. Mấy tháng nay, thứ tiếng Đức mà tôi nghe nhiều nhất hầu hết là mệnh lệnh hoặc là lời mắng chửi nhục mạ. Điều này khiến tôi cực kỳ phản cảm với thứ tiếng Đức khó nghe, cứng rắn, không cảm xúc.
Nhưng những lời bên tai tôi lúc này vô cùng đẹp đẽ, giống như là tiếng hót của sơn ca, bóng cây lắc lư trong gió xuân. Rõ ràng là cùng một ngôn ngữ, chỉ khác ở người nói, nhưng nó trở nên khác hẳn.
“Hay quá.” Tôi lặp lại.
Rehau cúi xuống hôn đầu tôi, tay phải giơ sách lên.
“Quyển sách này…” Anh nói: “Anh muốn tặng cho em.”
Tôi có hơi khó hiểu.
“Chắc nó rất quan trọng với anh, Rehau.”
“Có lẽ sau này anh sẽ không cần đến nó nữa.” Giọng của anh hơi cay đắng. . Truyện Tiên Hiệp
Tôi hoảng hồn ngồi dậy, bắt lấy tay anh, “Ý anh… là sao…?”
“Ngày mai anh phải đến mặt trận phía Đông.” Anh nói: “Cha của anh ra tối hậu thư, tiền tuyến cần anh. Anh nghĩ anh không thể trốn tránh nữa.” (Mặt trận phía Đông trong chiến tranh thế giới lần thứ hai thực chất là cuộc Chiến tranh Xô-Đức (1941-1945) giữa Liên Xô và Đức Quốc xã. Cuộc chiến này bắt đầu từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 và kết thúc ngày 9 tháng 5 năm 1945 khi đại diện Đức Quốc xã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện Quân đội Liên Xô và các lực lượng của Đồng minh chống phát xít sau khi Hồng quân đánh chiếm Berlin.)
“Anh phải đi rồi sao.” Ta khẽ thở dài, tôi không dám hỏi sau khi anh đi thì tôi phải làm sao, như thế thì quá nhu nhược.
“Anh không có nhiều người quen ở đây, họ cũng phải đến chiến trường với anh.” Rehau nói: “Em hãy tìm một Kapo khác đi.”
“Em sẽ chăm sóc bản thân thật tốt.” Tôi nói, tôi cảm thấy một nỗi bi thương nhưng không biết nó đến từ đâu: “Hi vọng anh có thể bình an quay về.”
“Anh biết rồi.” Anh mỉm cười với tôi.
Chúng ta ngồi đối mặt nhau, cách nhau rất gần, tôi nhận quyển sách trong tay anh, anh hỏi tôi:
“Bây giờ anh có thể hôn em không, Benoît?”
Tôi nhắm mắt lại.
Hai đôi môi mềm mại chạm vào nhau, đó là nụ hôn đầu tiên của chúng tôi, và cũng là một lần cuối cùng.
“Cảm ơn em, Benoît.”
Khóe mắt tôi bắt đầu cay cay, tôi thử chuyển sự chú ý sang chỗ khác, ánh mắt tôi nhìn quyển sách anh tặng, đó là tập thơ của Heine.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn giữ quyển sách đó, góc sách đã bị cuốn lên, trang giấy ố vàng, bài thơ anh từng đọc tôi đã thuộc nằm lòng, thỉnh thoảng khi lật đến trang đó tôi lập tức nhớ đến giọng nói của anh nán lại bên tai tôi vào đêm cuối cùng ấy.
Đó là mùa xuân năm 1944, mùa xuân trong lòng tới sớm hơn mùa xuân bên ngoài.
—
Bài thơ trên trích từ nguyên tác tiếng Đức tổ khúc Mùa xuân mới từ tập Neue Gedichte – Những bài thơ mới của nhà thơ Hein Henrich nổi tiếng của Đức, gồm 44 bài thơ đánh theo số La mã do Phạm Kỳ Đăng dịch.