Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.
Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.
Editor: Aminta.
Chương 14
***
“Cậu biết cậu ta à?” Alexei hỏi tôi.
“Có thể xem là vậy.” Tôi nói: “Đó là chuyện rất lâu trước đây.”
Anh ta không nói thêm gì nữa, đi đằng sau quân SS dẫn tôi đi về phía trước. Gió mùa hè vẫn đang thổi, ánh sáng mặt trời chiếu sáng khắp nơi, cũng chiếu lên những doanh trại của Auschwitz. Ống khói cao ngất còn đang bốc khói, mùi hương hôi thối vẫn đang lan tỏa.
Chúng tôi phải quay trở về rồi.
Cả ngày hôm sau tôi toàn nghĩ về Carl. Lúc được phân công công việc tôi cũng chẳng quan tâm, khi số hiệu của tôi được gọi, một người thấp bé đứng bên cạnh vỗ tôi một cái.
“Này, A-9516, họ phân công anh đến nhà kho linh kiện điện tử đó.” Tôi lấy lại tinh thần và nhìn người kia. Trong nháy mắt đó, tôi còn tưởng rằng Lukasz đang đứng bên cạnh tôi. Người kêu tôi là một đứa trẻ khoảng mười bốn mười lăm tuổi, đôi mắt màu xanh lam nhạt, mái tóc màu mật ong, y chang một thiên sứ.
“À, cám ơn em đã nhắc nhở…” Tôi nói.
Cậu ta mỉm cười với tôi, sau đó chỉ vào mấy người khác trong hàng: “A-9318, A-9352, A-9436 và A-9501 cùng chung tổ làm với của chúng ta, xem ra chúng ta khá may mắn.”
“Em nhớ được tất cả số hiệu của mọi người à?” Tôi kinh ngạc nhìn cậu ta.
“Gần như vậy, anh là người mới tới cho nên em mới nhớ kỹ anh.” Cậu ta nói.
“Anh tên Benoît Maule…”
“Xin lỗi, em không giỏi nhớ tên người khác, nếu như anh không ngại thì em thích gọi số hiệu hơn.”
Số hiệu xóa đi tất cả của tôi, cũng giết chết con người tôi, cho nên tôi dùng ống tay áo che khuất nó, nhưng tôi tin người trước mắt không có ác ý.
“Sao cũng được. Em tên gì?” Tôi hỏi.
“Mikhail. Số hiệu của em là A-9471. Tổ trưởng của chúng ta là một người Hà Lan, số hiệu là A-9023.”
“Em đến đây bao lâu rồi?”
“367 ngày.” Cậu ta nói: “Khoảng 13 tuổi em đã đến đây.”
Trong doanh trại này không có người Do Thái, tù nhân còn trẻ như cậu ta lại càng hiếm thấy, rốt cuộc vì sao cậu ta lại bị giam ở đây?
“Em là…”
“Cha mẹ em là tù nhân chính trị Ba Lan.” Mikhail nói: “Khi xảy ra chuyện, họ bảo em rời đi, nhưng em không đi và bị nhốt chung với cha mẹ.”
“Vậy cha mẹ em…”
“Tháng thứ ba vào đây đã chết.” Ánh mắt của cậu ta nhìn sang những ống khói đen kia: “Rồi bị ném vào lò đốt xác.”
“Anh rất xin lỗi.”
“Không sao.” Cậu ta nắm lấy tay tôi: “Chí ít vào thời khắc cuối cùng em đã ở bên cha mẹ. Em còn sống đã may mắn lắm rồi.”
Tay của cậu ta rất ấm, mang theo sự mềm mại của riêng thiếu niên, siết chặt cái tay đang dần rét run của tôi: “Chúng ta hãy cùng cố gắng sống sót. Không biết vì sao nữa, khi nhìn thấy anh em cảm thấy rất thân thiết, nguyện vọng của anh hẳn cũng giống em.”
“Đúng vậy…” Tôi cầm lấy tay cậu ta: “Anh cũng muốn sống tiếp, bất kể là dùng cách nào.”
Chúng tôi đứng xếp hàng, chịu đựng lượt điểm danh khó khăn. Phải đứng yên không nhúc nhích, không được phép ngọ nguậy, càng không được phép ngã xuống, nếu như anh ngã xuống thì chỉ có một nơi dành cho anh, đó là lò đốt xác. Sau đó chúng tôi rời khỏi doanh trại, đi đến nhà kho linh kiện điện tử. Có rất nhiều chỗ lao động cách doanh trại rất xa, ít nhất phải đi một tiếng, có khi còn phải chạy bộ.
Tổ trưởng người Hà Lan dẫn chúng tôi vào nhà kho. Bên trong rất sạch sẽ, trên mặt đất là mấy linh kiện như đinh ốc, điện trở, vân vân… rải rác trên đất.
“Nhiệm vụ của mọi người là sắp xếp và thống kê những linh kiện này.” Người Hà Lan cao to nói, anh ta trông rất vạm vỡ, xem ra cũng sống khá tốt ở đây. Chúng tôi gom đống linh kiện lại, sau đó chia thành sáu chồng, mỗi người đếm một chồng.
Khi còn bé tôi cũng giúp người ta đếm đồ. Chúng tôi giúp người bán hàng tính số khoai tây, kiếm chút tiền tiêu vặt. Thừa dịp người khác không chú ý, tôi sẽ trộm một củ khoai tây bỏ vào trong áo, sau khi Carl phát hiện cậu ấy sẽ bảo tôi trả lại. Từ nhỏ cậu ấy đã biết rõ đúng sai, mà tôi thì vẫn mãi phạm phải sai lầm, có lẽ là vì tôi đã phạm sai lầm nên cậu ấy sẽ không tái phạm.
Tôi luôn luôn đi trước Carl, nếm trải tất cả đau khổ và khó khăn, chặt tất cả bụi gai thay cậu ấy.
“Anh mất tập trung rồi.” Mikhail ngồi xổm bên cạnh tôi: “Anh đếm tới mấy rồi?”
Một con ốc rơi khỏi tay tôi. Mikhail nhặt nó lên và đặt vào trong tay tôi lần nữa: “Đây là con ốc thứ 427. A-9318 đã đếm tới 674, A-9352 tới 592…”
Cậu ta quả là một thiên tài, Mikhail có thể đồng thời ghi nhớ tiến độ công việc của nhiều người.
“Em không đau khổ à, Mikhail?” Tôi ngắt lời cậu ấy: “Em để ý và nhớ rõ tất cả mọi thứ về người khác như vậy.”
“Em rất đau.” Cậu ta cúi đầu loay hoay với mớ linh kiện còn lại trên mặt đất: “Em không nhớ rõ mặt mũi cha mẹ, nhưng em lại nhớ mã số trên cánh tay họ, nó màu đen, được xăm trên da một cách xiêu vẹo, A-9470 và A-9472, tuy nhiên… khuôn mặt của họ đang dần dần trở nên phai mờ… Em ghi nhớ quá nhiều chuyện nên quên, mà lại quên đi chuyện không nên quên.”
Tôi giơ tay xoa mái tóc màu mật ong của cậu ta giống như an ủi Carl khi còn bé, giống như là muốn bảo vệ Lukasz lẻ loi: “Em còn sống đã là hồi ức tốt nhất về họ.”
Tổ trưởng đi ngang qua người chúng tôi, anh ta cũng không hề chửi chúng tôi biếng nhác. Đôi mắt anh ta nhìn Mikhail chứa sự tín nhiệm hoàn toàn.
Chờ đến chạng vạng tối, tổ trưởng người Hà Lan dẫn chúng tôi quay về tập hợp trước cửa doanh trại. Đây là lần điểm danh thứ hai trong ngày, tất cả mọi người đứng xếp hàng theo quy định, trạng thái mọi người vẫn còn ổn, chỉ là mặt mũi đầy vẻ mệt mỏi. Người Do Thái cũng đang điểm danh ở đằng xa, họ mặc quần áo rách rưới không vừa, đứng xiêu vẹo ở đấy. Đột nhiên một bóng người nhỏ gầy ngã xuống, giám ngục quân SS lập tức kéo người đó ra ngoài, một tiếng súng vang lên, máu chảy ra từ thân thể gần như mỏng tanh của người đó.
Cửa sổ của khu nhà gỗ cách chỗ chúng tôi không xa rộng mở, Alexei nói cho tôi biết đó là doanh trại tù binh Anh. Khóe mắt tôi nhìn lướt sang bên đó, họ vẫn chưa về. Carl ở nơi nào, cậu ấy đang làm gì?
Điểm danh xong xuôi, chúng tôi đi vào trong doanh trại chờ phân phát bữa tối.
Alexei canh giữ bên cạnh cái nồi lớn, ai nấy đều cầm bát xếp hàng. Cái bát trong tay tôi là do Behaim cho, trước khi lên xe lửa, gã đã nhét cái bát vào hành lý của tôi, tôi nhận ra đây chính là cái bát gã đã dùng để đựng thịt bò cho tôi.
“Tại Auschwitz, không có bát thì sẽ chết.”
Gã nói đúng, không ai cho anh mượn bát cả, mọi người đều giữ khư khư bát của mình giống như đó là tính mạng của họ. Lúc xếp hàng, nếu đứng ở tuốt đằng sau thì chỉ được một bát súp như nước lã. Những người luôn xếp cuối hàng đa số sẽ chết đói.
Những người đằng trước nhận súp xong rồi rời đi, họ yên tĩnh ngồi trên giường gỗ dùng bữa tối. Khi đến phiên tôi, Alexei ngẩng đầu nhìn tôi một cái, vá múc canh trong tay anh ta mò mẫm dưới đáy nồi, múc hai miếng khoai tây và một miếng cà rốt vào bát của tôi.
“Cảm ơn.” Tôi nhỏ giọng nói, ngoại trừ tôi ra thì không ai có thể nghe thấy.