Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 30: Tan chảy (5)



Mỹ nhân ghé sát lại bên khuôn mặt đẹp đẽ của chàng, ngửi ngửi, làm chàng bị ngứa, chàng nhắm mắt nở nụ cười, đẩy ả ra: “Không dưng ân cần, không gian cũng trộm.”

“Em nào có gian trộm gì, chỉ muốn nhắc nhở ngài chút xíu thôi mà.”

“Đang nghe đây.”

Mỹ nhân nghe ra giọng điệu kéo dài dung túng hào phóng, yên lòng đòi hỏi: “Ông chủ rạp hát mở rạp cho em hát ‘Xuân khuê mộng’ mười lăm ngày, lần đầu tiên treo đầu bài (*), em sợ…sợ bị chê dở.”

(*) Khi diễn kịch thời xưa, tên diễn viên thường được viết lên một thẻ bài treo trước cửa rạp hát, những thẻ bài được treo ở trước nhất, tức thẻ tên của diễn viên chính, được gọi là đầu bài (头牌). Do vậy, “treo đầu bài” trở thành từ lóng trong ngành phim ảnh kịch nghệ, ý chỉ được đóng chính.

Hiển Sướng vẫn nhắm mắt, cười cười: “Nào có ai lần đầu tiên treo đầu bài mà không bị chê dở? Gấp gáp muốn nổi thế kia à?”

Ả tên là Cố Hiểu Đình, một tiểu đán (*) bình kịch mười tám, mười chín tuổi, từ nhỏ đã tự học nguyên tắc hát kịch, học cách bước đi và điệu bộ cử chỉ trên vũ đài. Cơ thể ả mềm mại ấm áp, lời nói ra chữ nào chữ nấy đều nũng nịu uyển chuyển, giống như nhân vật nữ trong màn kịch trên sân khấu. Cố Hiểu Đình nhón tay thành lan hoa chỉ, chuyện xưa và tâm trạng lập tức được ngâm xướng vẽ nên qua hàm răng trắng bóc tinh xảo như vỏ sò:

Hoa nở bốn mùa đều đúng thời, vương gia nghe lời thiếp phải hay:

Thân thiếp mà tại chốn thôn dã, bạn với phường chăn bò mổ lợn,

Vải bố sợi đay may xiêm áo, oán hận nửa câu đâu dám hờn.

Nhưng giờ thiếp đây thân chốn này, tơ lụa mà nên lần váy phượng,

Đông về thược dược, nam mẫu đơn, linh chi biển tây, sâm đất bắc.

Trướng ngọc rèm mồi, gối mã não, đây khay lưu ly bồn phỉ thúy.

Khắp phòng vàng ngọc đón thiếp cười, bảo bối gì tiện tay vẫy gọi,

Chỉ bởi người trên giường thiếp kia, chàng ấy ư, ôi chàng…

(*) Trong hí kịch nói chung, các vai nữ đều được gọi là đán (旦).

Hiển Sướng đã mở mắt từ lâu, nửa cau mày nửa ngậm ý cười, nhìn Cố Hiểu Đình nói chêm chọc cười rõ vô lý, chàng tiếp lời, hỏi: “Người trên giường em làm sao nào?”

Mỹ nhân bật thốt giòn giã: “Chàng là chậu châu báu!”

Chàng nghe xong bật cười ha hả, vươn tay vỗ vỗ vai ả: “Vậy hửm? Ta là chậu châu báu kia à?”

Cố Hiểu Đình sáp lại ôm lấy cổ chàng: “Ngài là chậu châu báu. Ngài không phải thì còn ai phải? Em muốn ngài bao trọn năm ngày kín rạp. Được không? Được không? Được không? …”

Ả vừa hối thúc vừa đong đưa, Hiển Sướng gỡ cánh tay như ngó sen non trên cổ xuống, ngồi dậy lấy nước trà súc miệng: “Ta còn tưởng là chuyện gì chứ, được thôi, không thành vấn đề…”

Cô ả nghe xong lập tức xuống giường tìm giày.

“Đi đâu?”

“Đi mua bánh rán. Dưới nhà có người đang rao kìa.”

“Mới ăn được bao lâu mà đã đói rồi?”

“Hát hí khúc tốn sức nhất đó. Mấy câu vừa rồi lại còn là tự biên tức thời.”

Chàng phì cười, “xí” một tiếng.

Lúc sắp ra cửa, Cố Hiểu Đình đưa lưng về phía Hiển Sướng, hỏi: “Vương gia ở bên em có cảm thấy vui không?”

“Cũng tạm.”

Ả nghe được lập tức bừng bừng phấn khởi chạy ra ngoài.

Chàng không thích ăn bánh rán Sơn Đông chua chua dính dính cho lắm, bèn tìm chút quà vặt trong phòng. Trong hộp thiếc hình trụ in hình em bé ngoại quốc có không ít bánh bích quy, chàng chọn một cái không có sô-cô-la và nho khô, bỏ vào miệng, hốt nhiên cảm thấy có gì đó không đúng: Cô gái nơi này đã nhảy nhót tung tăng đi mua bánh rán Sơn Đông rồi, có ai để mà dành vụn sô-cô-la và nho khô tím lại nhường cho đâu?

Chính lúc này, chàng chợt nhớ tới khóe mắt cong cong của Uông Minh Nguyệt khi ăn đồ ngọt, chút thèm thuồng và nụ cười ngọt ngào nhen lên lúc nào chính mình cũng chẳng hay.

Hai ngón tay tiểu vương gia còn đang nhón bánh bích quy, cứ như vậy ngẩn người hồi lầu.

Ngày “Xuân khuê mộng” mà Cố Hiểu Đình diễn chính công diễn, đứng cách nửa cái thành Phụng Thiên cũng có thể thấy cờ màu và lẵng hoa chất chồng thành núi trước cửa rạp hát Đồng Phương. Thanh thế rất lớn, vô cùng náo nhiệt, dân mê kịch chen chúc mua vé: Xin lỗi quý khách, hôm nay rạp đã hết chỗ.

Đến ngày thứ năm, ngay cả báo chí cũng phải đưa tin, đập vào mắt là đầu đề to muốn đè người: “Xuân khuê mộng” của Cố Hiểu Đình rầm rộ chưa từng có, liên tục năm ngày kín rạp! Cô gái sáng suốt Lưu Nam Nhất cầm tờ báo xem cả nửa ngày: Ngoài danh đán Mạnh Cửu Nguyệt đến từ Bắc Kinh tiếng tăm như cồn từng có buổi lưu diễn ở Phụng Thiên ra, chưa từng có ai trận thế lớn vậy. Thế…thế lực chống lưng cho người này thật lớn mạnh làm sao…

Chín mươi năm sau ngày hôm ấy, những chuyện tương tự đã nhìn mãi thành quen, có thể khái quát bằng vài từ khóa then chốt là: quảng bá, lăng xê, tin đồn…

Nam Nhất rất hiếu kỳ và để ý tới chuyện này, đến nỗi một người xưa nay chưa từng xem hí kịch như cô cũng bỗng bừng bừng hứng thú, lúc hẹn Minh Nguyệt đi ăn thịt xiên đã rủ: “Ba ngày nữa chúng ta cũng đi xem đi? Sao không dưng lại tâng bốc lên một diễn viên nổi danh vậy chứ?”

“Mình không thích hí kịch.”

“Thì đi cùng cho mình đỡ lẻ loi.”

Minh Nguyệt cúi đầu ngẫm nghĩ: “Có thể mang thêm một người nữa được không?”

Nam Nhất nhìn cô: “Ai thế?”

Năm giờ rưỡi chiều ba hôm sau, Nam Nhất mới được diện kiến người bạn mà Minh Nguyệt mời thêm này. Từ xa nhìn đã thấy có vẻ khác biệt so với người thường. Dáng cao, vai rộng, bước chân nhanh nhẹn nhẹ nhàng, vì thường xuyên vận động trong thời gian dài nên cơ bắp vai cổ rất đẹp, đầu hơi ngửa ra sau vẻ thoải mái. Tóc anh ta rất dày, mi và mày cũng vậy, cái cằm đã cạo râu nhìn hơi xanh xanh, càng làm nổi bật làn da trắng ngần. Đó là một chàng trai người Nhật tướng mạo anh tuấn lại chịu khó chăm chút cho bề ngoài. Đến trước mặt cô, khẽ gật đầu, Minh Nguyệt giới thiệu họ với nhau, những lời sau đó thì Nam Nhất nghe không hiểu.

Nhưng thái độ của anh ta thì Nam Nhất hiểu được. Cô từng trông thấy ánh mắt và thần sắc này trên mặt rất nhiều bạn học nam, khi họ đối diện với Uông Minh Nguyệt đều là như vậy. Mắt là cửa sổ tâm hồn, là nơi dễ dàng để lộ ra ánh sáng mến mộ nhất. Nhưng nhận ra hay không thì việc gì mà cô phải cảm thấy phiền lòng chứ?

“Nhận được giấy nhắn rồi.” Shuji nói.

“Vâng. Muốn đến công trường tìm anh như không có thẻ công tác nên không vào được.” Minh Nguyệt nói.

“Thủ tục đó là vì lí do an toàn.”

“Em cảm thấy một mình đến nhà trọ tìm Shuji-kun không tiện lắm, vừa khéo bạn em hẹn em đi xem hí kịch nên đã đến dưới tầng nhà trọ để lại giấy nhắn cho anh. Chắc Shuji-kun chưa từng xem bình kịch bao giờ đâu nhỉ?”

“Chưa từng. Cảm ơn. Mời đến nhà trọ,” anh thoáng dừng lại, “Là tôi đường đột.”

“Chúng ta vào thôi?”

Ba người ngồi vào một bàn ở trung tâm lầu, phục vụ bưng trà bánh lên, Minh Nguyệt lấy từ trong xắc tay ra một món đồ đưa tới trước mặt Shuji: “Cái này nhờ anh gửi về cho Keiko, coi như là quà cưới của em.”

Shuji cúi đầu, đó là một hộp nhung màu xanh đậm: “Có thể mở ra xem không?”

“Xin mời.”

Anh mở hộp ra, bên trong đặt một chiếc vòng tay phỉ thúy, sắc lục óng ánh, bóng sáng nhàn nhạt, tựa như linh hồn của cây tuyết tùng. Shuji đậy nắp hộp lại: “Quá đắt giá rồi. Xin hãy thu lại.”

Minh Nguyệt nở nụ cười: “Lúc ở Nhật Bản Keiko đã chiếu cố cho em rất nhiều. Hồi Shuji-kun mới đến đây, đáng lý ra em là chủ nhà phải tận tình đãi khách mới đúng nhưng đó giờ mãi vẫn chẳng giúp đỡ được gì, thực sự rất có lỗi. Món quà này anh nhất định phải nhận. Em biết kỳ thực Keiko không thiếu gì cả, đây cũng chỉ là chút lòng mọn của em mà thôi.”

Anh không cự tuyệt nữa, uống một ngụm trà, suy nghĩ một lúc cuối cùng vẫn nói cho cô biết: “Sau khi đến đây không lâu, tôi từng dựa theo địa chỉ đến quý phủ bái phỏng nhưng người gác cổng lại nói, không có ai là Minh Nguyệt tiểu thư.”

Nàng thoáng trầm ngâm: “Trước khi tới Nhật Bản, em từng chọc phải phiền phức lớn. Đến tận bây giờ, có người lạ tới tìm em, người gác cổng vẫn nói là không có ở đây. Em lại quên bẵng đi mất, cứ thế viết địa chỉ cho Shuji-kun.” Minh Nguyệt cắn môi, “Lần trước dùng bữa ở chỗ phu nhân, phu nhân có đề cập tới, Shuji-kun còn nhớ chứ?”

“Trẻ con không phải đều gây phiền phức sao?” Anh nói, “Kỳ thi đầu tiên sau khi vào đại học, tôi cúp liền ba môn, bảng điểm gửi về nhà, bị họ hàng nhìn thấy, cha tôi đã giải thích là, Trong lớp có một bạn học trùng tên trùng họ, bảng điểm này không phải là của con trai tôi mà là của đứa trẻ kia, là trường học gửi nhầm – Tôi cũng từng gây phiền phức đó thôi, cha tôi trước nay chưa từng nói dối, vậy mà lại mở tiền lệ vì tôi.”

Minh Nguyệt cười, nhìn lên sân khấu xem kịch.

Shuji giữ thể diện cho nàng.

Giống như học sinh học kém thường nói với khách: Tôi là kẻ ngu dốt. Cả nhà đều nói tôi ngu dốt.

Khách an ủi nó: Trẻ con đương nhiên sẽ làm chuyện ngu dốt rồi, tôi còn từng ngu dốt hơn cậu cơ.

Đã rất lâu rồi không ai giữ thể diện cho nàng. Đã rất lâu rồi không ai nói một câu bênh vực nàng.

“Phiền phức em chọc phải lớn hơn chuyện bảng điểm của Shuji-kun nhiều.”

“Đều là chuyện đã qua rồi.” Azuma Shuji nói, “Tôi của khi đó đâu có quen biết Minh Nguyệt tiểu thư.”

Rất lâu về sau, Uông Minh Nguyệt nhớ lại lần hẹn gặp ở rạp hát Đồng Phương này với Azuma Shuji, cẩn thận suy nghĩ mới hiểu được thâm ý trong lời nói của anh. Giống như câu “Lần đầu gặp gỡ” anh nói với nàng khi ở chỗ Thải Châu, đối với chuyện quá khứ của nàng, trừ phi là liên quan tới mình, nếu không anh đều sẽ né tránh, không có ý định hỏi thăm, gần như không có một chút hứng thú nào. Không chỉ bản thân anh không muốn hỏi mà mỗi khi nàng cảm thấy cần thiết phải nói hoặc giải thích cho anh biết rõ, anh đều sẽ nghĩ cách thay đổi đề tài, thậm chí còn ngoảnh mặt làm ngơ, vờ như không thấy. Tình yêu của anh vừa cô lập vừa bướng bỉnh, về sau càng ngày càng nghiêm trọng.

Đèn tắt, tiếng trống cầm nhịp và mõ vang lên xủng xẻng, khán giả ồ lên đợt sóng “Hay!” đầu tiên. Nhưng đợi nửa ngày, diễn viên vẫn chưa ra. Nhịp trống càng lúc càng dồn dập, sau đó đột ngột biến chậm, lát sau, đèn sáng lên. Khán giả xôn xao. Phục vụ lên dâng tiếp hạt dưa và nước trà cho mỗi bàn. Minh Nguyệt hỏi Nam Nhất, Làm sao vậy? Nam Nhất nói, Có phải có vị khách quan trọng nào tới không?

Lại qua thêm một lúc, phòng nhã chính giữa lầu hai có một người tới.

Đèn lại một lần nữa tắt đi, Nam Nhất ngước lên trên nhìn, bỗng cúi vội xuống, sững sờ hồi lâu rồi cầm tay Minh Nguyệt: “Mình nói cậu nghe này, cậu phải làm theo lời mình đó.”

“…”

“Cậu không được nhìn lên trên đâu.”

“Ừ.”

“Người ‘chú’ kia của cậu đang ngồi phía trên chúng ta.”

Minh Nguyệt sửng sốt: Tiểu vương gia cũng ở đây? Vị khách quan trọng khiến kịch đã mở màn lại phải hạ xuống, khiến cả rạp phải chờ đợi là chàng? Chàng tới đây xem hí kịch? Lâu rồi không về, sao lại bắt gặp chàng ở đây?

Đáp án hiện ra phía sau màn, là thiếu phụ xuân khuê mắt dài má hạnh, thê thiết bi ai cất lên khúc xuân khuê oán trách si dại, bước chân uyển chuyển, vai nhỏ eo thon, không có chỗ nào là không mỹ lệ gợi cảm, rực rỡ lóa mắt.

Thì ra là thế. Thì ra là thế.

Minh Nguyệt cảm thấy có một ngọn lửa dọc theo sống lưng nhảy xộc lên tai, mặt càng lúc càng nóng, bên tai như có tiếng gió ầm ào gào thét. Nàng không cam lòng, nàng không tin, nàng muốn ngẩng đầu lên, nàng muốn tận mắt nhìn thấy chàng.

Thiếu phụ hát xong một đoạn, kết lại bằng một tiếng ngân quyến rũ, khán giả vỗ tay tán thưởng, Minh Nguyệt chợt ngẩng phắt đầu, gần như cùng lúc đó, Hiển Sướng bên trên cũng trông thấy nàng.

Không chỉ có nàng mà còn có Lưu Nam Nhất, và Azuma Shuji.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.