Vị Vương Công Cuối Cùng

Chương 21: Số kiếp (7)



Năm 1948, sau khi thành phố Thẩm Dương được giải phóng, cán bộ trong lúc chỉnh lý tài liệu địa phương thời Ngụy Mãn đã đọc được vài ghi chép trong hồ sơ tháng 9 năm 1921, đại để nhắc đến vụ án Hiệu Tương Đại Lỗi, sau cuộc vận động phong trào học sinh sinh viên, đã có mười mấy sinh viên bị bắt, mười hai người bị bí mật xử bắn. Sau cuộc phát động này, tần suất xuất hiện của những ghi chép tương tự trong hồ sơ càng ngày càng cao. Tất cả đều có chung một số đặc thù: thành phần trí thức trẻ tuổi, sự kiện bùng nổ đều là do các mâu thuẫn dân tộc hoặc lớn hoặc nhỏ châm ngòi, cuối cùng trở nên gay gắt biến thành hoạt động dân vận chống lại quân đội chính phủ mà sau đó đã bị đàn áp, đình chỉ, bị bắt và sát hại.

Những kẻ thống trị rất tinh ranh và nhạy bén, hơn nữa còn rất linh hoạt trong tin tức. Họ biết vài năm trước đã có một cơn bão màu đỏ quét sạch toàn bộ nước Nga ở phương bắc (*), lật đổ ách thống trị, nắm giữ chính quyền, tiếp đó xuôi xuống Hoa Hạ, thẩm thấu vào các thành thị phía Nam Trung Quốc, xoay vần tích tụ trong tư tưởng của những người trẻ, rốt cuộc cũng đã tới vùng đất quan ngoại và cát cứ ở Đông Bắc Trung Quốc này.

(*) Ở đây chỉ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Đối với từng đối thủ ôm địch ý với mình, quân phiệt lại có những chiến lược khác nhau, đối với thổ phỉ cường hào, y có thể vừa đánh vừa vời, đánh xong còn có thể hợp nhất thành một; đối với sự xâm lược từ nước ngoài, ban đầu y sẽ hợp tác, thậm chí còn có thái độ nương tựa, đến lúc việc phân chia quyền lợi trở nên cực kỳ bất công thì bắt đầu âm thầm đánh cờ. Mà so với những kẻ địch khác, quân phiệt sợ nhất là loại trực tiếp nói thẳng cho đám tầng lớp dưới đáy biết họ đang đối mặt với cái gì, họ có thể dấy lên tư tưởng gì. Ban đầu, nó tuy yếu ớt nhưng lại ngầm chứa một sức mạnh khổng lồ, cuối cùng sẽ lật đổ súng pháo của quân đội độc tài. Bởi vậy nên quân phiệt không tiếc dùng bất kỳ một thủ đoạn và cách thức tàn độc nào để bóp chết nó ngay từ khi còn trong trứng nước.

Vụ án trong hồ sơ, bên cạnh ghi chép còn đính kèm một bức ảnh toàn thân chụp những phạm nhân sau khi hành hình. Mười hai thanh niên bị trói trên cọc gỗ, đầu và ngực mỗi nơi một vết đạn, danh tính và tuổi tác không được ghi lại, nhìn kĩ ảnh chụp có thể thấy một cô gái còn rất trẻ, tóc ngắn, mặc xường xám kẻ carô, gầy gò cao ráo. Đó chính là Ngô Lan Anh. Cô không ngờ rằng mình sẽ chết. Chín đồng bạc trong túi sau khi hành hình đã bị người ta lục soát lấy đi, trên chân vẫn là đôi giày da mà em trai Lan Thuyên mua cho cô.

Vốn là hành quyết mười ba người. Con cá lọt lưới kia được người nhà đón đi, là một nữ sinh trung học, khá có lai lịch, người nhà có quan hệ với quân phiệt, không biết đã trả cái giá cao mức nào mới có thể may mắn thoát chết được.

Minh Nguyệt bị nhốt trong phòng giam ba ngày ba đêm, không được đưa về vương phủ mà được đưa tới một căn nhà ở phía bắc chiêu lăng của Hoàng Thái Cực. Đó là một nơi bốn phía không có đường cái, chắp cánh cũng bay không lọt. Ăn uống ba bữa và tắm rửa ngủ nghỉ của nàng đều có người hầu hạ, trong thư phòng là những cuốn sách cổ đóng buộc chỉ đầy ắp các giá sách, sau nhà còn có một bia ngắm tập bắn tên.

Đêm xuống, nàng ngủ không yên, mắt mở thao láo nghĩ lại tình cảnh bị bắt và nhốt vào phòng giam. Bốn, năm gã thám tử của sở an ninh xông vào từ cửa bệnh viện, đi thẳng tới giường kéo Ngô Lan Anh ra ngoài. Minh Nguyệt không biết trời cao đất rộng nhào tới: “Vô duyên vô cớ sao lại bắt người?” Thám tử quan sát cô bé mặc đồng phục học sinh này một lượt: “Không yên tâm? Vậy cô đi cùng luôn đi.” Hai cô bé bị đẩy vào trong xe, một đường hướng đông, đi thẳng tới nhà giam ven sông.

Trong phòng giam có một ô cửa sổ nhỏ bằng hai bàn tay, ba lần mặt trời mọc lặn, họ bị nhốt ba ngày. Mùi vị và âm thanh trong này vừa quái dị vừa phức tạp, ruồi muỗi gián chuột sục sạo khắp nơi, còn có vết máu và phân, nước tiểu của người chết. Ở trong hoàn cảnh như vậy, Lan Anh chưa được bệnh viện tiêm cho pê-ni-xi-lin ấy vậy mà lại không phát sốt nữa, tình trạng sức khỏe còn ngày một tốt lên. Cô nói với Minh Nguyệt rất nhiều chuyện: quê nhà cô ở phía Bắc, có cha mẹ, có em trai, có chuyện đã kể từ lần trước, có chuyện lúc này mới nhớ ra để kể. Sau cùng, cô khóc suốt, nói lần này ầm ĩ quá lớn, bị bắt vào nhà giam rồi, không cẩn thận có khi còn bị nhốt tới mấy năm, nếu vậy thì mấy năm cô đi học trước đây đều mất trắng cả rồi, trường học sẽ hủy bỏ học tịch, cô vốn định về thăm nhà một chuyến rồi quay lại đi thực tập, ai sẽ thông báo cho em trai và cha mẹ cô biết đây?

Minh Nguyệt vỗ vai cô, động viên cô đừng sợ, có lẽ là bắt nhầm người, có lẽ chỉ là hiểu lầm, có lẽ đến mai hoặc ngay bây giờ họ sẽ được thả ra.

Ngô Lan Anh lau nước mắt nói, Là chị hại em, làm liên lụy đến em, lúc tra hỏi, chị sẽ nói rõ ràng, để họ thả em về.

Rất nhanh sau đó cô thực sự được người ta dẫn đi, lúc sắp đi còn gật đầu khẳng định với Minh Nguyệt như đang lặp lại lời cam đoan ban nãy của mình. Người đằng sau đẩy cô một cái.

Qua một ngày, Minh Nguyệt cũng được dẫn ra khỏi phòng giam. Không có ai thúc giục, cũng không có ai đẩy nàng. Nàng được đưa đi khỏi nhà giam, băng qua khu vực thành thị, đưa đến cánh đồng hoang phía bắc thành phố. Giờ đây, nhìn vào mắt là từng đám mây trôi lững lờ trên bầu trời xanh thẳm, thân cây lúa mạch bị hạt lúa chắc mẩy kéo trĩu xuống, gió mát thoảng qua, sóng gợn rì rào, khói bếp và chim muông, có con chó ngủ trong góc nhà. Nàng nhớ lại cảnh tượng trong nhà giam, nhìn lại lần nữa khung cảnh lúc này, quả thực khiến người ta không tài nào biết được đâu mới là nhân gian.

Ở đây được mười ngày, một đêm nọ, Hiển Sướng cuối cùng cũng tới. Chàng đẩy cửa bước vào, nàng đang đọc sách, ngẩng đầu lên, bốn mắt nhìn nhau, nàng cảm thấy có gì đó là lạ, trông chàng vừa gầy vừa mệt mỏi, hốc mắt trũng sâu, như già đi phải đến năm tuổi. Phản ứng đầu tiên của nàng là chàng nhất định đã lao tâm khổ tứ vì cứu mình, trong lòng lập tức cảm thấy áy náy, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đi tới trước mặt chàng. Nàng tưởng rằng chàng sẽ ôm mình, nhưng chàng chỉ vỗ vỗ tay nàng, đi vào phòng.

Hiển Sướng ngồi xuống cái ghế bành bên bàn đọc sách, nhìn Minh Nguyệt đang đứng thõng tay: “Lưu Nam Nhất thả em ra đã chạy về tìm ta, nói em bị bắt đi mất. Bị ai bắt, vào nhà giam nào thì không biết. Ta dùng quan hệ, hỏi thăm mãi, cuối cùng đến phủ đại soái mới đảm bảo cho em ra được.”

Minh Nguyệt cúi đầu.

“Nhà giam thế nào? Ở đã quen chưa? Em xem, ta không nhốt được em sẽ có người khác nhốt được em. Có đúng không?”

Đầu Minh Nguyệt càng cúi thấp hơn, cả khuôn mặt đều giấu sau tóc mái, chỉ thấy được cái cằm nhỏ trắng trẻo. Hiển Sướng thấy nàng như vậy thì thở dài một hơi, thuận tay lật xấp giấy và quyển sách nàng đang đọc dở để trên bàn, trên giấy là chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo và nét bút vụn vỡ, chàng nói: “Chữ viết không đẹp lắm, trong lòng hỗn loạn, phải không?”

Minh Nguyệt nghe vậy, vội vàng tiến lên phía trước mấy bước, “phịch” một tiếng quỳ xuống, tay bám lấy đầu gối chàng, hèn mọn mà nóng ruột nói: “Vương gia, vương gia giúp em thêm lần nữa đi. Cùng bị bắt với em còn có một cô gái tên là Ngô Lan Anh, ngài cứu cả chị ấy ra nữa có được không? Ngài nghĩ cả biện pháp, tìm quan hệ để chị ấy không bị trường học đuổi đi nữa, có được không? Chị ấy rất đáng thương, chưa từng làm chuyện gì thương thiên hại lý, cùng lắm mới chỉ dẫn đầu lúc diễu hành mà thôi, vương gia, ngài giúp chị ấy với được không?”

“Em nói cô ấy tên là gì?”

“Ngô, Lan, Anh. Lan của hoa lan, Anh của anh hùng.”

“Là người cùng bị bắt với em?”

“Chính chị ấy.”

Đốm lửa trong ngọn đèn dầu nhún nhảy, Hiển Sướng cười nhạt, kiên nhẫn nói với Minh Nguyệt: “Sa Ngộ Tĩnh làm Quyển Liêm Đại tướng trên thiên đình, sau bị giáng chức thành yêu tinh, em từng xem vở kịch ‘Lưu sa hà’ rồi, đúng không?”

“…”

“Ông ta vì sao bị giáng chức xuống hạ giới, em còn nhớ không? – Ông ta làm vỡ chén rượu của Tây Vương Mẫu.” Chàng nhìn vào mắt nàng, từ tốn nói, “Ai cũng cảm thấy mình chỉ phạm phải sai lầm nhỏ, ai cũng cảm thấy tội mình không đáng chết. Nhưng điều đó là không đúng, Minh Nguyệt, cô ấy chết hay sống, không phải do em định đoạt, cũng không phải do ta định đoạt. Người này ấy à, em đừng nghĩ đến chuyện cứu cô ấy nữa, đã sớm chết từ lâu rồi.”

Minh Nguyệt nghe thế, lập tức ngã ngồi xuống đất.

Tay Hiển Sướng đặt lên vai nàng: “Em cũng đừng ở lại đây nữa, sáng sớm mai đi tàu hỏa tới Đại Liên, sau đó lên tàu sang Nhật đi.”

Nàng ngẩng lên nhìn chàng: “Ngài muốn đưa em đi?”

“Không phải em sớm đã muốn vậy rồi sao?”

Trong chớp mắt, hai mắt nàng nhòa lệ, không nói được câu nào.

Hiển Sướng đỡ nàng đứng dậy: “Sống trong phủ từ nhỏ, chưa từng đi xa nhà, được dịp này ra ngoài đi xem chút. Học tiếng trước, sau đó tìm một trường đại học mà học. Muốn đi đâu thì đi. Lúc bận thì thôi nhưng có thời gian thì gửi một phong thư về.”

Nàng bắt lấy tay áo chàng: “Vương gia bảo em đi luôn sáng mai ư?”

“Đi luôn sáng mai.”

Minh Nguyệt chớp mắt, một hàng lệ bỗng chốc lăn xuống: “Vương gia, em từ nhỏ ngu dốt, được ngài chăm sóc, bị ngài an bài, không thể có bất kì ý kiến gì. Ngài đem em gọi tới xua lui, giờ lại muốn đưa em đi Nhật Bản. Vương gia, sao ngài không hỏi em một tiếng? Em là cái gì? Vương gia? Ngài coi em là cái gì? …”

Hiển Sướng từ trên cao nhìn xuống nàng một lúc, như đang tính đếm lại lần nữa trong đầu những khoản nợ và khúc mắc trước kia giữa chàng và nàng, hồi lâu không nói gì, cuối cùng rút tay áo ra khỏi tay nàng, nghiêng mặt sang chỗ khác, không nhìn nàng nữa: “Em đang trách ta ư? Em muốn ta nhận lỗi với em ư? Em hi vọng có thể làm lại mọi chuyện, sau đó ta sẽ thương lượng với em? Ta không có thói quen đó. Hơn nữa giờ ta mệt rồi.” Chàng nói đoạn, đứng dậy, “Ta đi đây. Em nghỉ ngơi sớm một chút, ngày mai còn phải gấp rút lên đường. Sẽ có người đưa em đi.”

Tiểu vương gia Hiển Sướng rời đi, đầu không ngoảnh lại.

Đêm đó vốn là Tết Trung Thu, chàng lại tới đây để cáo biệt với nàng.

Minh Nguyệt ngồi trong khoang hạng nhất trên tàu chở khách Xích Phong Hoàn Hào, mở chiếc vali xách tay người khác chuẩn bị cho mình ra. Bên trong là vài bộ quần áo và đồ dùng hằng ngày, trong đó có hai cái áo khoác nỉ mới, đó là nàng đặt may riêng trong một cửa hàng bách hóa danh tiếng, vốn định để mặc trong mùa thu. Đôla và vàng thỏi cùng với một tờ hối phiếu của ngân hàng Nhật Bản có mệnh giá khá lớn được đặt trong một túi tiền vải. Còn có sợi dây chuyền ngọc trai nàng thích. Danh thiếp và cách thức liên lạc của những người đang thiếu nợ chàng và cả bạn bè, bộ hạ cũ được kẹp trong một quyển sổ da trâu. Trừ những cái đó ra, nàng không tìm được bất kì mảnh giấy nhắn nào của chàng.

Càng xuôi về đông nam, tiết trời càng ấm áp. Nhà ăn bày bàn ghế ra boong tàu tầng ba. Trong không khí trời trong nắng ấm, một con chim biển xinh đẹp liệng lên liệng xuống, muốn xin chút đồ ăn. Minh Nguyệt cho nó ăn ít bánh mì, một con lại dẫn tới hai, ba con khác, đôi cánh lớn vỗ phành phạch. Một người đàn ông trung niên tóc vàng mắt xanh đi qua nói với nàng, xin đừng thu hút thêm chim biển nữa, y đang ngồi ăn cùng vợ bên bàn, họ cảm thấy như vậy không vệ sinh. Y dùng từ lễ phép, nhưng giọng điệu rất cứng rắn. Minh Nguyệt ngồi đó, nhìn vào mắt người này, rành mạch kiên quyết nói, nếu vậy thì mời họ đổi sang bàn khác mà ăn. Người đàn ông rời đi, quả nhiên cùng vợ đổi sang bàn ăn khác. Minh Nguyệt vung hết bánh mì trong tay cho chim biển rồi dựa vào ghế nhìn đại dương mênh mông: Từ nay về sau, nàng chỉ có một mình.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.