Chu Triết đã quên lần trước anh ta gặp cô là khi nào, bây giờ gặp lại bỗng thấy cô có phần lạ lẫm.
Cô để mặt mộc, tóc xõa xuống vai, mặc một chiếc áo len rộng thùng thình trông hơi cũ và đi giày đế bằng mà anh ta hiếm lắm mới thấy, mềm mại, mông lung, anh ta rất ngạc nhiên, nhưng còn thấy xa lạ nhiều hơn.
Trong trí nhớ Chu Triết, cô luôn tô son đỏ, ngẩng cao chiếc cổ trắng nõn, có khi nào trông cô nhu hòa như thế đâu?
Kiều Ly bắt chuyện với anh ta rất tự nhiên: “Sao anh lại ở đây?”
Anh ta khẽ chớp mi, không quen với thái độ ấy của cô.
Suốt mười năm qua, Kiều Ly lúc nào cũng nơm nớp phòng bị khi đối mặt với anh ta, hoặc mạnh mẽ hoặc yếu đuối chứ chưa từng thả lỏng lười biếng như thế này.
Anh ta vứt bỏ những suy nghĩ hỗn loạn khỏi đầu, đáp lại: “Anh đi mua đồ ăn với Tư Tư, cô ấy bảo muốn nấu một bữa tiệc lớn cho anh.”
Cô gật đầu chiếu lệ, nhoẻn miệng cười khách sáo: “À, vậy hai người cứ từ từ chọn nhé, tôi đi trước.”
Chu Triết nhường đường cho cô, cô lướt qua người anh ta, vì không mang giày cao gót nên lùn hơn thường ngày một chút, thậm chí anh ta có thể ngửi thấy hương thơm từ mái tóc đen tuyền buông xõa của cô.
Anh ta bất giác nhìn theo bóng cô, dù chen chúc trong đám đông nhưng trông cô vẫn hút mắt, nhưng phong thái lại khác hẳn trước kia, trông thực tế hơn, có mùi đời hơn.
Anh ta từng nghe người ta nói, đàn ông ai cũng đểu, thích kích thích mạo hiểm, luôn mong gặp được một cô nàng giống như lửa, như hoa hồng, nhưng năm tháng trôi đi, dấu vết cuối cùng lưu lại lại là hình bóng ai đó đang nấu canh dưới ánh chiều tà.
Khi ấy nghe xong, Chu Triết chỉ cười mỉa mai, nhưng giờ đây nhớ đến câu nói này lại khiến tâm trí anh ta bất ổn. Thấy có người đẩy xe hàng sắp đụng phải Kiều Ly, anh ta hành động mà không kịp nghĩ ngợi gì, xông tới túm lấy cánh tay cô kéo lại.
Mấy lọ tương dấm trong xe đẩy va vào nhau kêu leng keng, người phụ nữ đẩy xe hùng hổ mắng: “Đi đứng không nhìn đường hả? Mắt mù à? Cái giống gì vậy?”
Eo Kiều Ly bị chiếc xe đẩy va phải, cô cũng nổi nóng: “Vậy bà là giống gì?”
Ông chồng người nọ chen ra khỏi đám đông, mặt đen bị thịt, vừa nhìn đã biết là kẻ chẳng ra gì. Nghe Kiều Ly mắng vợ mình, lão lập tức giơ tay chỉ thẳng mặt cô: “Mày mắng lại câu nữa tao xem?”
Ngón tay lão sắp chọc vào mặt Kiều Ly, cô rất muốn hất nó đi, nhưng cô hiểu rõ loại đàn ông này sẽ ra tay thật, nếu không muốn thiệt thân thì chỉ còn cách ngậm bồ hòn.
Lão kia thấy Kiều Ly im lặng, còn chưa kịp đắc ý thì chợt có người túm lấy cổ tay lão từ đằng hông rất mạnh, khiến cổ tay lão kêu rắc một tiếng, đau đến mức mặt lão đầm đìa mồ hôi.
Chu Triết khinh thường hỏi: “Ông còn muốn động tay động chân không?”
Kiều Ly hoàn toàn không ngờ Chu Triết sẽ ra tay, giật mình nhìn anh ta.
Anh ta hành động rất lưu loát, nắm lấy cổ áo lão kia: “Muốn đánh thì ra ngoài, gần đây có đồn cảnh sát, đánh xong vừa hay gọi cảnh sát tới luôn.”
Cổ lão kia bị thít chặt, khuôn mặt béo sung huyết đỏ bừng, lão thấy Chu Triết ăn vận không tầm thường, biết mình không đắc tội nổi đành làm ra vẻ quát: “Buông ra!”
Chu Triết đã đi làm nhiều năm, gặp đủ mọi loại người trong xã hội, thấy khí thế lão yếu đi bèn buông tay ra, nhìn chằm chằm lão một cách khinh miệt.
Lão kia lẩm bẩm vài câu vô nghĩa, thức thời kéo vợ mình lặn mất.
Mâu thuẫn được giải quyết trong nửa phút, Kiều Ly nhìn cổ tay áo Chu Triết, thoáng sững sờ.
Chu Triết, người đã ở bên cô bảy năm, không giống người sẽ cư xử như vậy. . Truyện Dị Giới
Mấy năm trước, khi cô còn làm phiên dịch ở nhà máy Đức, bị cấp trên quấy rối tới mức suy nhược thần kinh, bất lực tìm tới Chu Triết, anh ta chỉ bình tĩnh phân tích lợi hại, cuối cùng giúp cô giành được một khoản bồi thường lớn và thuận lợi từ chức nhờ vào với băng ghi âm chứng cứ.
Anh ta làm thế có đúng không? Kiều Ly không biết.
Cô chỉ biết, đời người có vô số thời khắc quan trọng, nếu như khoảnh khắc ấy anh ta mất bình tĩnh thì có lẽ kết cục hai người sẽ không như bây giờ.
Trong đám đông chen chúc, ánh mắt hai người chạm phải nhau, nhưng họ chỉ nhìn nhau không nói gì.
Kiều Ly cụp mắt xuống, khi ngước lên thì sự phức tạp trong mắt đã tan biến. Cô làm bộ thoải mái mỉm cười nói với anh ta: “Cảm ơn anh.”
Chu Triết hơi nhướng môi, song rốt cuộc lại không cười.
Anh ta lắc đầu: “Bạn bè cần gì nói cảm ơn.”
Cho dù hai người đều biết rõ cả đời này sẽ chẳng thể làm bạn, nhưng vẫn dùng từ này để khái quát mối quan hệ ngoài mặt của họ dù trong lòng ai nấy đều hiểu rõ.
Có người phá vỡ bầu không khí im lặng giữa họ.
“Sao anh lại ở đây? Em tìm anh khắp nơi.” Một người chạy tới phía sau Chu Triết, thuần thục níu lấy cánh tay anh ta trông rất thân mật.
Phùng Tư Tư thoáng khựng lại rồi lia mắt về phía Kiều Ly, chào cô với giọng là lạ: “Chào chị.”
Kiều Ly đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể của cô nàng. Cô nhướng mày, buồn cười nói: “Chào cô.” Cô không nhìn Chu Triết mà nói, “Có người đang đợi tôi, tôi đi trước.”
Chẳng đợi Phùng Tư Tư nói gì thêm, Kiều Ly đã xoay người bước đi.
Chu Triết ngơ ngác nhìn theo bóng cô.
Phùng Tư Tư lắc lắc cánh tay anh ta: “Nhìn gì thế? Mau giúp em lựa tôm hùm.”
Chu Triết hoàn hồn, lắc đầu, hai người họ thân mật nắm tay nhau đi về hướng ngược lại.
Kiều Ly quay lại quầy thu ngân, hàng người đứng chờ vẫn rất dài. Phong Dịch vươn cổ ngó nghiêng xung quanh, thấy Kiều Ly cuối cùng cũng thở phào: “Sao chị đi lâu thế? Làm em sợ chết khiếp, gọi điện cho chị thì chị không nghe máy.”
Kiều Ly bỏ ức gà vào xe hàng: “Lúc quay lại có xích mích với người khác nên trễ một chút.”
Phong Dịch lập tức nhíu mày: “Hả? Xích mích gì? Chị có sao không?”
Kiều Ly thấy mặt cậu hiện vẻ lo lắng, mỉm cười bất đắc dĩ: “Có chuyện gì được kia chứ.”
“Biết đâu được, chị là con gái, sẽ luôn chịu thiệt, nhỡ may gặp lưu manh động tay động chân thì sao.” Cậu có đọc không ít tin tức.
Cô mỉm cười, không muốn nhắc tới Chu Triết, bèn lảng sang chuyện khác: “Phía trước còn nhiều người vậy à?”
Phong Dịch cúi thấp đầu nói chuyện với cô: “Chị mệt ạ?”
Với tư thế này của cậu, Kiều Ly không cần ngẩng lên: “Không mệt.”
“Chị dựa vào em đi.” Cậu đứng thẳng dậy, ôm lấy Kiều Ly.
Kiều Ly đi giày đế bệt chẳng biết phải nói gì với cậu: “Không mệt thật mà,” nhưng cũng không tránh khỏi vòng tay cậu.
Sau khi hai người thanh toán xong, sắc trời bên ngoài đã tối đen. So với tết Ta thích giới trẻ thích tết Tây hơn, đường phố vô cùng náo nhiệt.
Phong Dịch cần hai chiếc túi lớn, rảo bước nhẹ tênh về nhà với Kiều Ly.
Vừa về đến nhà, cậu đã chạy lăng xăng giữa phòng bếp với phòng khách, cuống cuồng sắp xếp mọi thứ trước khi năm mới đến.
Kiều Ly cười hỏi cậu: “Cậu thích đón tết vậy à?”
Khuôn mặt khoa trương của cậu khiến cô bật cười: “Có người không thích đón tết ạ?”
Cậu bày đầy một bàn đồ ăn rồi lại đi rót hai ly sữa bò nóng, đến khi ấy mới xem như đã chuẩn bị xong xuôi.
Phong Dịch bật ti-vi với âm lượng lớn, cả căn nhà tràn ngập âm thanh vui vẻ náo nhiệt. Ti-vi lâu lắm không xài, hình ảnh một chốc mới rõ nét, ánh sáng màn hình rọi vào người như mang theo độ ấm.
Kiều Ly rúc trên sô pha, lần đầu tiên cảm nhận rõ hai chữ ăn tết. Với cô trước kia mà nói, đêm cuối năm chẳng qua cũng như vô số đêm cô đơn khác, cùng lắm thì mở điện thoại lên lúc không giờ, bắt chước thói quen của mọi người mà cùng Chu Triết chúc nhau một câu “Năm mới vui vẻ” gì đó.
Hóa ra chỉ cần bật ti-vi lên, trùm thêm cái chăn và có một người để tựa sát ôm lấy nhau thì những công việc chưa hoàn thành, những lo lắng bận bịu, những bộn bề cuộc sống và căn phòng quạnh quẽ đều sẽ biến mất.
Tiểu phẩm giao thừa có gì thú vị, thậm chí Kiều Ly cũng chẳng thích mấy màn múa hát hoa cả mắt kia, nhưng cô chưa bao giờ nghiêm túc ngồi xem ti-vi như thế.
Cô rúc vào lòng Phong Dịch, nghe cậu kể chuyện hồi xưa: “Trước kia, năm nào ba người nhà em cũng cùng nhau đón tết Tây. Hồi nhỏ em thường ngồi giữa bố mẹ, quấn kín chăn, ăn đồ ăn vặt, vụn rơi đầy người, cuối cùng sẽ bị bố bế lên phủi không ngừng. Lớn hơn tí em chỉ được ngồi ở cái ghế sô pha nhỏ bên cạnh, cô đơn trùm chăn nhìn bố mẹ ngồi sát bên nhau.” Giọng cậu ra chiều tủi thân, “Lúc đó em đã nghĩ, sau này em cũng muốn cùng vợ mình làm tổ trên sô pha xem ti-vi, con của chúng em sẽ ngồi giữa chúng em, em chỉ cần vươn tay là có thể ôm cả vợ lẫn con. Đến khi con lớn, nếu là con trai, thì nó phải ra ghế sô pha bên cạnh ngồi, còn nếu là gái thì em sẽ miễn cưỡng cho phép nó tiếp tục ngồi giữa.”
“Bọn chúng có thể ăn khoai tây lát, nhưng nếu vụn rơi xuống sàn nhà thì phải tự dọn dẹp, giống em hồi nhỏ vậy.”
“Mẹ em không cho em ăn thạch trái cây, bà ấy bảo thạch trái cây sẽ dây ra chăn, dính dấp rất dơ, nhưng rõ ràng nhà có máy giặt mà. Hơn nữa, em đâu có làm đổ đâu. Nên sau này em nhất định sẽ mua một thùng thạch trái cây thật to cho con em, để nó ăn cho đã ghiền, dù vợ em có ngăn cản em cũng sẽ mua.”
…….
Gia đình Kiều Ly khiến cô chưa từng ôm mộng tưởng về cuộc sống hôn nhân. Thời thiếu nữ, khi đọc truyện cổ tích tới đoạn “Rồi họ sống hạnh phúc với nhau mãi mãi” thì không còn gì nữa. Có người nói, đó là vì cuộc sống sau khi kết hôn rất tẻ nhạt, chỉ có cơm canh đạm bạc và củi gạo mắm muối, khác hẳn truyện cổ tích.
Nhưng lúc này đây, khi rúc vào lòng Phong Dịch, nghe cậu kể chuyện tương lai và những ước muốn vụn vặt đời thường, dường như cô lờ mờ mường tượng ra những tình tiết sau khi truyện cổ tích kết thúc, họ sẽ thỉnh thoảng cãi nhau, làm cháy đồ ăn, dõi mắt về phía tương lai.
Cô ngẩng lên nhìn Phong Dịch, hình ảnh trong ti-vi thay đổi, ánh sáng lúc tỏ lúc mờ, khuôn mặt cậu lúc thì hiện rõ, khi thì chìm trong màn đêm, nhưng đôi mắt đen láy rất mực dịu dàng vẫn luôn rõ ràng.
Không xong rồi, trong tích tắc, cô bỗng vô cùng mong đợi cuộc sống giản đơn tràn ngập những điều vụn vặt ấy.