UAAG - Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không

Chương 93: Đây là số mệnh



Trụ sở điều tra Rogge 318 tạm thời, Seattle.

Trong nhà máy thoáng đãng, một chiếc McFly F485 màu bạc đang đậu ngay chính giữa. Hàng chục nhà nghiên cứu mặc đồ thí nghiệm không ngừng đi lên đi xuống, chạy thử các số liệu cơ bản của nó. Đến khi các yếu tố biến thiên được chuẩn bị xong, Lovince đứng trên phòng thí nghiệm tầng hai mới giơ tay ra hiệu OK với người đứng dưới qua cửa kính sát đất.

Chú Joseph đứng dưới tầng một cũng trả lời lại bằng một động tác tay, rồi cất giọng đều đều: “Bắt đầu thí nghiệm.”

Uỳnh, máy bay bắt đầu khởi động máy, thí nghiệm đầu tiên lên hệ thống tuần tra tự động của McFly F485, chính thức bắt đầu.

Ba ngày trước buổi thí nghiệm thật, trụ sở điều tra chính không thí nghiệm hẳn lên máy bay mà chỉ thực hiện các thí nghiệm “nửa thật”. Về mặt số liệu, họ mô phỏng những số liệu tương quan vào ngày Rogge 318 rơi, qua đó quan sát phản ứng đối phó của hệ thống lái tự động.

Ở mỗi một buổi họp hàng tuần, Lovince đều phát biểu về kết quả thí nghiệm “nửa thật” này: “Căn cứ theo số liệu khí tượng cụ thể từ Tổng cục khí tượng Nga, chúng tôi đã tiến hành 21 thí nghiệm nửa thật ở trong phòng thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy, có 19 lần, hệ thống lái tự động của McFly F485 nảy sinh phản ứng với cơn xoáy thuận nhỏ ngoài 30 hải lý; có 17 lần, máy bay quyết định bay tiếp một khoảng nhất định nếu tuyến đường bay cho phép.”

Chú Joseph tiếp lời gã: “Đây là một chiếc máy bay vô cùng thông minh. Chúng ta đều biết rằng, nó thậm chí còn biết tự động bắt liên lạc với Đài Kiểm soát Không lưu, gửi mã hiệu chuyển hướng cho phép.”

Phó cục trưởng Andrew nhìn sang một nhân viên điều tra NTSB ngồi bên, người đó gật đầu, nói với ông: “Do quãng đường chuyển hướng quá ngắn nên căn cứ theo Hiệp nghị Kiểm soát Không lưu của FAA, mã hiệu đảo lái loại này không cần thông qua sự cho phép của nhân viên Đài Kiểm soát mà có thể trực tiếp cho máy tính phê chuẩn.”

Lovince tổng kết lại: “Do đó, vì gặp phải xoáy thuận phía xa nên Rogge 318 đã chủ động thực hiện thao tác chuyển hướng. Chốt lại, tất cả đều là thao tác hợp lý của máy tính.”

Trác Hoàn trầm ngâm: “Bao giờ tiến hành thí nghiệm lên máy bay thật?”

Chú Joseph: “Bốn ngày sau. Theo kiểm tra của Cục khí tượng hải dương Mỹ, 2 giờ chiều bốn ngày sau, tại phía Tây đảo Guadalupe, bồn trũng* Đông Bắc Thái Bình Dương, sẽ diễn ra một cơn xoáy thuận, khí tượng gần giống khí tượng năm năm trước khi Rogge 318 gặp nạn. Đến hôm đó, chúng ta sẽ lái McFly F485 và thực hiện buổi lái thử nghiệm mô phỏng hoàn toàn.”

(*Bồn trũng đại dương là phần đáy ở đại dương có rất nhiều khu vực đất thấp bằng phẳng, chung quanh là một ít mạch núi ngầm tương đối cao, cấu tạo của loại này tương tự như bồn địa trên lục địa được gọi là bồn trũng biển cả hoặc là bồn địa hải dương. Nó là bộ phận chủ thể của đáy đại dương.)

Bốn ngày sau, tại sân bay quốc tế San Francisco.

Một chiếc McFly F485 mới cóng đứng vững tại điểm xuất phát ở đường băng. Ánh mặt trời rọi xuống nó nom như một thanh kiếm sắc bén. Ánh nắng chiều ấm áp ngày Đông chiếu xuyên qua kính chắn gió màu tối, chạm chân đến buồng lái.

Phục Thành ngồi trên ghế lái, bên cạnh anh, lần đầu tiên có người ngồi trên ghế phó lái.

Đó là một phi công người Mỹ tóc nâu.

Lần bay thử nghiệm này quá đỗi quan trọng, không thể để xảy ra bất cứ sơ suất nào, bởi khí hậu trên biển hay thay đổi, không một ai dám đảm bảo cơn xoáy thuận tương tự có xuất hiện lần nữa hay không. Khi Cục khí tượng Mỹ kiểm tra được lần này có cùng một xoáy thuận tương tự như vụ Rogge 318, ai nấy đều cho rằng, có lẽ đây là số mệnh, là số mệnh mà ông trời định sẵn.

Địa điểm tương tự, chính là vùng biển phụ cận Bắc Thái Bình Dương.

Khí hậu tương tự, hai khối không khí va chạm, hình thành nên xoáy thuận cỡ nhỏ.

Nếu Rogge 318 được tìm thấy muộn hơn một tháng thôi là họ có làm cách nào cũng không thể tìm ra cơ hội tuyệt vời như thế này.

Có lẽ 298 linh hồn nằm lặng dưới đáy biển tăm tối suốt năm năm trời cũng đang cất tiếng gọi.

Vô số người dân trên toàn thế giới đang chung tay góp sức, đang bước chân đi đến sự thật.

Bởi vậy, không thể sơ suất được.

Phục Thành: “Bắt đầu chuẩn bị kiểm tra trước khi cất cánh.”

Cơ phó gật đầu, giở sổ tay lái máy bay an toàn ra: “Bắt đầu thực hiện bước kiểm tra trước khi cất cánh. Đèn bay đã được bật, xác nhận đã bật hệ thống dẫn đường quán tính*…”

(*Hệ thống dẫn đường quán tính là một thiết bị điều hướng sử dụng máy tính, cảm biến chuyển động và cảm biến quay để liên tục tính toán bằng cách tính toán vị trí, hướng và vận tốc của vật thể chuyển động mà không cần tham chiếu bên ngoài.)

Cuộc kiểm tra an toàn tẻ ngắt lặp đi lặp lại suốt năm phút, giọng nói của Phục Thành và cơ phó lần lượt cất lên trong buồng lái lặng ngắt.

Viên cơ phó này tên là Cade Voss, một phi công Không quân Mỹ rất đỗi ưu tú, đồng thời là một phi công bay thử nghiệm có kinh nghiệm dày dặn.

Phục Thành và Cade sớm đã có tầm hiểu biết cực kì sâu về McFly F485, nhưng cả hai không hề lơi là. Họ cẩn thận kiểm tra từng bước một, dẫu những bước đó đối với họ chẳng khác nào người lớn chơi đồ chơi của con trẻ, thì họ vẫn chẳng khinh thường dù chỉ là một chút.

Kiểm tra xong, họ liếc nhau.

Phục Thành cất giọng bình tĩnh: “Xác nhận cất cánh.”

Máy bay bắt đầu tăng tốc trên đường băng.

Vận tốc của nó càng lúc càng nhanh, cuối cùng, Vút, nó vững chân nhảy khỏi mặt đất, tung cánh lên bầu trời. Sau một cú rẽ 180 độ trên không, nó bắt đầu bay về phía Tây, hướng về bồn trũng Thái Bình Dương.

Cùng lúc đó, tại phòng thí nghiệm ở sân bay, hơn một trăm nhân viên điều tra và nhà thí nghiệm cũng chạy đua với thời gian.

Lovince: “Giám sát thời gian thực toàn bộ dữ liệu chuyến bay.”

Chú Joseph: “Nhấn mạnh, chú ý đến các số liệu liên quan đến hệ thống tuần tra tự động.”

Trác Hoàn đứng trước đài chỉ huy, ngẩng đầu nhìn bản đồ radar, nhìn chấm nhỏ xanh biếc nọ. Năm phút sau, hắn trưng nét mặt bình tĩnh nhấn nút liên lạc.

Trong buồng lái, chất giọng lạnh lùng và điềm tĩnh của người đàn ông ấy vang lên. “Độ cao tuần tra.”

(*Nôm na là độ cao khi máy bay bay lên những nấc độ cao mới, lúc tiêu hao nhiều nhiên liệu nhất.)

Phục Thành nắm chặt cần cánh lái hướng trong tay, nhìn đồng hồ đo: “29,000 feet.”

(*29,000 feet = 8839 m)

Trác Hoàn: “Bật hệ thống tuần tra tự động.”

Phục Thành: “Đã bật hệ thống tuần tra tự động.”

Trác Hoàn: “Các em đã tiếp cận đến cơn xoáy thuận kia rồi.”

Phục Thành: “Rõ.”

Trác Hoàn: “Còn 35 hải lý nữa.”

Sau câu này là sự im lặng đằng đẵng.

Trong buồng lái của McFly F485, hai phi công đều ngừng thở, đều nhìn bản đồ khí tượng thể hiện trên đồng hồ đo khí tượng của máy bay. Gần hơn, càng lúc càng gần hơn nữa.

Còn 34 hải lý.

33 hải lý.

32 hải lý…

Có lẽ là 30 hải lý, mà có lẽ còn chưa đến 30 hải lý. Lúc máy bay và cơn xoáy thuận cách nhau 31 hải lý, con ngươi Phục Thành co lại, nhanh tay bật máy liên lạc: “Hệ thống lái tự động của máy bay đã bắt đầu tự động chuyển hướng.”

Ngay sau đó, Trác Hoàn bình tĩnh đáp: “Đợi thêm ba phút nữa.”

Phục Thành và Cade: “Rõ.”

Ba phút là khoảng thời gian hai cơ phó trên Rogge 318 lơ là việc máy bay tự động rẽ phải. Do đau bụng mà cơ phó David không có tâm trí để xem đồng hồ đo; và bởi đồng nghiệp đau bụng mà một viên cơ phó khác là William cũng không thể phát hiện máy bay đang đổi hướng. Đến khi cả hai phát hiện ra máy bay đang chuyển hướng, đồng thời quyết định kiểm soát nó thì 2 phút 57 giây đã trôi qua.

Thời gian trôi qua từng giây, từng phút một. Khi máy bay đã lặng lẽ rẽ phải một góc 35 độ, Cade quay đầu sang nhìn Phục Thành: “Phát hiện chuyển hướng.”

Phục Thành tức thì vươn tay ra: “Tắt hệ thống tuần tra tự động của máy bay.”

“Tách.”

Sau tiếng tách, Phục Thành và Cade đều nhìn đồng hồ đo một cách sát sao.

Một giây này hóa thành khoảng thời gian thật dài trong mắt họ.

Phục Thành tưởng như nghe thấy tiếng trái tim mình đang đập thình thịch, nảy nhịp điệu chầm chậm trong lồng ngực mình. Anh không biết rốt cuộc điều anh ước mong được trông thấy là gì. Là hệ thống tuần tra tự động bị tắt dễ dàng sao? Nếu vậy, thí nghiệm lần này sẽ xong xuôi, anh và Cade không hề gặp nguy hiểm, bọn anh có thể kiểm soát nó một cách dễ như bỡn. Song, hệ thống tuần tra tự động đã không thể tắt – Đó mới là tình huống thật sự mà Tề Chí Phong, David và William gặp phải trên Rogge 318.

Họ nên quyết định tắt hệ thống tuần tra tự động trước đã.

Đó là thường thức, một thường thức quá đỗi căn bản. Là thường thức mà bất cứ một phi công nào, kể cả không tốt nghiệp tại Học viện đào tạo phi công, cũng nên biết.

Hệ thống tuần tra tự động có thể bị tắt một cách đơn giản thôi sao? Hay là, nó đã thực sự gặp phải trục trặc nào đó?

Một giây sau, Trác Hoàn nhìn số liệu truyền tới từ máy bay, đồng thời, trong loa liên lạc cũng vang lên giọng nói bình tĩnh của Phục Thành: “Xác nhận đã tắt hệ thống tuần tra tự động, bắt đầu lái bằng tay.”

Trác Hoàn nhắm mắt, buông tiếng thở dài khẽ khàng.

Ngày 16 tháng 3 năm 2022, bay thử nghiệm kết thúc.

Trác Hoàn lia mắt nhìn hàng trăm nhân viên điều tra trong phòng họp và nói: “Thí nghiệm đã chứng minh, vào ngày Rogge 318 rơi, do gặp phải cơn xoáy thuận, hệ thống lái tự động đã quyết định rẽ phải.”

Phó cục trưởng Andrew gật đầu khẽ, ông ta nói: “Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn.”

Lovince: “Trong lần bay thử nghiệm, phi công đã tắt hệ thống tuần tra tự động rất dễ dàng, bởi vậy chúng ta loại trừ nguyên nhân lỗi thiết kế. Như vậy, chỉ còn lại hai khả năng. Thứ nhất, lỗi khống chế của phi công. Họ có cơ hội để cứu chiếc máy bay này. Trước khi nó hoàn toàn mất khống chế, họ có chừng 30 giây để cứu nó, và việc tắt hệ thống lái tự động chỉ cần 1 giây. Khả năng thứ hai, là trục trặc linh kiện máy bay.”

Trác Hoàn nhìn sang phía Lawrence: “Tìm thấy hai hộp đen khác chưa?”

Lawrence: “Đã vớt được một hộp đen, hiện tại đã đưa đến trụ sở chính của McFly tại Los Angeles, đang trích xuất số liệu.”

Trác Hoàn: “Bao giờ mới có thể vớt máy bay lên?”

Mặt Lawrence hơi biến sắc. Anh ta im lặng, đoạn nói bằng giọng bất đắc dĩ: “Hãy cho tôi thêm nửa tháng nữa.”

Trác Hoàn im lặng nhìn anh ta.

Lawrence mím môi, thở dài: “Reid à, đây không phải chuyện tăng ca thức đêm hay tiêu tiền là có thể giải quyết. Tôi đã sắp xếp nhân lực tạo thùng nước to để chứa cả máy bay rồi. Nếu cậu muốn một chiếc máy bay bị hư hao thì tôi có thể vớt nó lên ngay trong vòng bảy ngày. Nhưng nếu cậu muốn một Rogge 318 toàn vẹn… thì hãy cho tôi nửa tháng.”

Trác Hoàn nhìn sâu vào mắt anh ta, đoạn gật đầu.

Lawrence thở phào.

Trác Hoàn nhìn sang chú Joseph: “Tô Phi đâu rồi?”

Chú Joseph mỉm cười: “Đương nhiên thằng bé đang đi đến Los Angeles rồi. À phải, trước khi Fly đi có nhờ chú chuyển lời một điều cho cháu hay.”

“Sao?”

“Reid à, bảy ngày sau, thằng bé nhất định sẽ mang chiếc hộp đen và số liệu trong đó một cách hoàn chỉnh về cho cháu.”

***

Sân bay quốc tế Los Angeles.

Các nhân viên điều tra NTSB nâng một cái hộp nặng trình trịch đi đằng trước, cậu chàng Punk bám gót theo đến hầm đỗ xe.

Nhân viên phòng thí nghiệm McFly đã đứng đợi lâu ở đó.

Tô Phi có quen người tới đón cả bọn. Cậu ta nhìn giám đốc phòng quan hệ công chúng McFly, người đàn ông với mái tóc vàng – Johnny Berkeley mà nhíu mày.

Johnny thấy bọn họ bèn cười tươi rói đi tới: “Xin mời đi theo tôi, phòng thí nghiệm của McFly đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ đợi mọi người thôi.” Nói xong, anh ta cúi đầu nhìn Tô Phi, cười tủm tỉm: “Lâu rồi không gặp, cậu Tô ạ.”

“Cũng chưa lâu mấy, hơn nửa năm mà?” Tô Phi nghĩ đoạn: “Lần trước chúng tôi qua, hình như người tới đón không phải chú.”

Johnny mỉm cười: “Lần trước tôi đang đi công tác tại châu Âu. Lần này tôi ở Los Angeles nên tôi đến đón luôn.”

Tô Phi nghĩ một chốc, cũng không thấy có vấn đề gì. Cậu ta nhìn cái hộp nhân viên NTSB cầm trong tay, nghĩ đến chiếc hộp đen trong đó, lại nhớ tới cuộc bay thử nghiệm hai ngày trước mà Phục Thành thực hiện tại San Francisco.

Cậu chàng Punk thầm thì: “Lẽ nào sắp tìm ra sự thật thật rồi?”

Giống như số mệnh.

Thiên lời địa lợi nhân hòa, thí nghiệm bay tiến hành thành công, cũng nhận được kết quả mà ai ai cũng hết sức hài lòng.

Và giống như số mệnh.

Công ty trục vớt của Lawrence tìm thấy một trong hai hộp đen ở dưới lớp bùn cách xác máy bay 15 hải lý. Và chiếc hộp đen này có mức độ nguyên vẹn tốt hơn hộp đen đầu tiên tìm thấy. Từ ánh mắt đầu tiên bắt gặp nó, Tô Phi biết ngay rằng cùng lắm nội trong bảy ngày, cậu ta chắc chắn sẽ có thể trích xuất dữ liệu trong hộp đen này, thậm chí không cần đến bảy ngày.

Vả lại, đây còn là hộp đen chính gần như ghi chép lại toàn bộ số liệu thao tác được lắp ở đuôi máy bay.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.