*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
UAAG – Đội điều tra tai nạn hàng không
Tác giả: Mạc Thần Hoan
Chuyển ngữ: Dú
Quyển 1: Đường thẳng song song
Chương 8: “Xác nhận loại trừ nhân tố con người trong sự cố tai nạn máy bay Japan Airlines JL917.”
Phi công điều khiển máy bay không phải cứ nắm thẳng tay lái và đạp chân là lái được như cưỡi xe đạp.
Máy bay rõ ràng là một con quái vật to xác.
Dù chỉ là một mảnh cánh tà sau* nho nhỏ cũng nặng những mấy chục kilogam, người bình thường rất khó lay động nổi.
(*Cánh tà sau: Là cánh nằm ở khu vực cánh gần thân máy bay, dùng để tăng lực nâng chính cho máy bay. Nếu bạn nào đi máy bay và ngồi ở hàng ghế gần cánh (trước, giữa hay sau đều được) thì sẽ thấy lúc máy bay cất cánh và hạ cánh sẽ có một lớp cánh tà mỏng bay lên như sắp rớt.
Như vậy, phi công điều khiển máy bay đương nhiên không dựa vào sức mạnh mà là một loạt hệ thống điều khiển đầy đủ.
Một trăm năm trước, hệ thống chạy từ ròng rọc và dây kéo đơn giản nhất, đồng thời sử dụng nguyên lý đòn bẩy được xưng là hệ thống Cơ khí.
Sau này nó trở thành hệ thống Thủy lực*, thông qua việc bơm thủy lực mà phóng đại sức của con người, thực hiện việc kiểm soát máy bay. Ví dụ, phi công chỉ dùng lực bằng 1N*, nhưng bơm thủy lực lại khuếch đại con số đó lên gấp trăm, gấp nghìn lần, như vậy là có thể thao túng con quái vật đồ sộ này.
(*Đọc ở đây để biết chi tiết về hệ thống Thủy lực của máy bay: https://amech.net/n/gioi-thieu-cac-he-thong-thuy-luc/he-thong-thuy-luc-lai-tren-may-bay-airbus-a320-so-20
*N ở đây là đơn vị lực Newton.)
Mà bây giờ, cùng với sự phát triển của máy tính, hệ thống máy Telex dần trở thành trào lưu chính.
Hệ thống máy Telex tức là dùng máy tính để kiểm soát máy bay.
Quan điểm này vẫn có những tranh cãi nhất định trong giới.
Rốt cuộc nên lấy phi công làm chủ hay lấy máy tính làm chủ – Mấy nhà sản xuất máy bay ai ai cũng có cách nhìn riêng, tranh luận không ngớt miệng.
Song, điều không phải bàn cãi là họ đều sử dụng hệ thống máy Telex trên những chiếc máy bay mới.
MaiFei F435 sử dụng hệ thống máy Telex.
Hệ thống máy Telex bao gồm kiểm soát mọi mặt của máy bay – Máy tính có thể kiểm soát việc cất cánh và hạ cánh, thay đổi góc lái và các loại động cơ lớn nhỏ của máy bay.
Từ sau khi EASA xác nhận nguyên nhân sự cố “Bốn động cơ tắt lửa”, đầu tiên họ loại trừ hai nhân tố xăng cạn sạch và thời tiết. Tiếp đó, nhân tố họ nghi ngờ không phải nhân tố con người mà là hệ thống máy Telex.
Máy tính đã bị lỗi.
Máy tính bị lỗi và tắt cả bốn động cơ cùng một lúc là nguyên nhân sự cố có tính khả thi nhất.
Nhưng bây giờ Trác Hoàn lại bảo anh đi tra xét động cơ – Tra động cơ liên quan đến hệ thống máy Telex, không phải tra hệ thống máy Telex liên quan đến động cơ.
Động cơ mới là chính yếu, hệ thống máy Telex là thứ yếu.
Quyết định này khiến người ta khó hiểu.
Cũng như Phục Thành đã nói, đây là bốn động cơ cùng tắt lửa.
Nếu thật sự chính động cơ có vấn đề thì làm sao cả bốn cùng có vấn đề được, vậy mà hôm nay Trác Hoàn lại yêu cầu bọn họ tra từ động cơ làm tất cả mọi người cảm thấy khó tin song vẫn không thể kì kèo, chỉ đành bắt đầu tra từ độ bền mỏi.
Độ bền mỏi.
Sau khi nguyên liệu kim loại thực hiện công việc giống hệt nhau được lặp đi lặp lại thì sẽ xảy ra hiện tượng hỏng kết cấu.
Thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất, khi một vết rạn rất nhỏ bị hỏng và dồn góp lại đến một mức độ nào đó thì sẽ xảy ra gãy hỏng.
Đó là một bản thể sống.
Mọi người cùng nhau kiểm tra suốt một ngày trời mới kiểm tra được một phần hai mươi.
Lúc này, hộp đen được công ty Mạch Phi đưa tới.
Khi nhìn thấy hộp đen, Tô Phi lệ nóng doanh tròng, kích động chạy tới: “Cho cháu đây ạ?”
Chú Joseph dở khóc dở cười: “Nhìn cháu mừng chưa kìa.”
Tô Phi mừng như điên, cậu chàng bám theo nhân viên đưa hộp đen lên tầng xong lại chạy xuống nói với Phục Thành: “Ngại quá người anh em ơi, phải để một mình anh ở lại rồi. Tôi phải đi làm một chuyện vĩ đại khác đây. Yên tâm đi, đợi tôi sửa xong hộp đen là sẽ có thể chứng minh RIP nói sai, cứu anh khỏi biển khổ.”
Phục Thành mỉm cười đáp: “Ừ, tôi đợi cậu.”
Tô Phi nhất thời cảm thấy mình đang gánh toàn bộ hi vọng lật đổ Đại Ma Vương của toàn thể thôn dân, đoạn ôm tấm lòng cao thượng quay về tầng hai. Lúc đi, cậu chàng còn đá một cú chĩa về phía Trác Hoàn, Phục Thành trố mắt ngạc nhiên. Đến khi Tô Phi đi rồi, anh quay đầu nhìn về hướng Tô Phi tung chân ban nãy.
Người đó chẳng giống Đại Ma Vương tẹo nào.
Hắn mặc áo phông trắng, buộc bừa áo khoác đen quanh hông, sợi tóc hơi dài bị chủ nhân vén qua quýt ra sau đầu và được cột thành một búi tóc nhỏ. Tay phải hắn cầm một cái đèn pin, tay trái cầm máy đo độ bền mỏi, dùng cái ghế kê chân cao ngồi ở chỗ động cơ số một, chùm sáng của đèn pin rọi lên, hắn kiểm tra cẩn thận mỗi một linh kiện ở mặt trên của động cơ.
Hắn rất đỗi tập trung, dường như có một bức màn nước cách ly hắn và tiếng người ồn ào ngoài kia.
Trong đôi mắt đó như có ánh sáng vậy.
Phục Thành trưng vẻ mặt bình tĩnh dời mắt đi.
Việc sửa hộp đen khó nhằn hơn Tô Phi tưởng tượng nhiều.
Mà cũng phải thôi, nếu cái hộp đen này dễ sửa thế thì công ty Mạch Phi đã chẳng tốn mất mấy tháng ròng mà vẫn chưa sửa xong.
Hai mươi ba ngày sau, việc giám định độ bền mỏi đã hoàn thành, chẳng hề phát hiện hiện tượng phá hủy mỏi nào.
Ở một bên khác, hộp đen vẫn chưa được sửa xong.
Kiểm tra bốn động cơ từ trong ra ngoài hết một lượt trong vòng tầm hai mươi ba ngày mà vẫn không phát hiện ra điều gì. Mấy người bên UAAG chưa có ý kiến gì, song các nhân viên điều tra của các cơ quan tổ chức khác thì đã lén lút dị nghị rồi.
Lúc Phục Thành đi rót nước ở phòng trà nước bèn nghe một nhân viên điều tra của EASA thủ thỉ với đồng nghiệp: “Tuy ngài Patrick là nhà thiết kế máy bay thiên tài được công nhận trong giới, nhưng đây là điều tra sự cố chứ không phải thiết kế máy bay. Đây là lần thứ hai anh ta tham gia điều tra sự cố máy bay rồi, căn bản là không có kinh nghiệm, mất công lãng phí hơn hai mươi ngày trời.”
“Nói đúng ra thì đây cũng có thể xem là lần đầu tiên của anh ta đấy. Chẳng phải cái lần tai nạn máy bay của Rogge Airlines bốn năm trước hộp đen vẫn luôn nằm dưới biển không vớt lên được à, điều tra hơn ba năm mà vẫn chả tra ra manh mối nào.”
“Không phải tôi không tôn trọng ngài Patrick, nhưng có lẽ anh ta hợp với chế tạo máy bay hơn chứ không phải điều tra tai nạn máy bay… Ơ…”
Phục Thành bưng cốc nước đi qua trước mặt cả hai.
Một người trong đó lật đật nói: “Phục à, anh đừng hiểu lầm, ý chúng tôi không phải vậy.”
Dừng bước, Phục Thành xoay người lại nhìn họ, đoạn dùng một giọng nói đầy kiên định và nhấn nhá từng chữ một: “Anh ấy là Reid Irvin Patrick.”
Nói xong, anh sải bước đi.
Sau lưng anh, hai nhân viên điều tra của EASA đứng chết điếng và im re lại chỗ.
Chàng trai tóc đen bưng cốc nước, mới đi được vài bước đến chỗ rẽ thì bỗng dừng chân.
Mãi lâu sau, Phục Thành mới thốt lên bằng giọng bình tĩnh: “Thầy Trác.”
Trác Hoàn cầm một tách cà phê bằng tay phải, lưng khẽ dựa vào tường. Hắn cúi đầu uống một hớp cà phê, đoạn quay đầu sang nhìn Phục Thành. “Hình như cậu luôn luôn trưng biểu cảm này.”
“Thầy Trác?”
“Bình tĩnh, nhã nhặn, không buồn không vui.” Đứng thẳng người dậy, Trác Hoàn ngẫm nghĩ, “Lúc cười thì lịch thiệp xa cách, lúc không cười lại như một bức tượng đứng sừng sững. À đúng rồi, có hơi giống cái thứ kia.”
Phục Thành nhìn theo hướng ngón tay hắn.
Lina là một người Pháp tiêu chuẩn, ở cô toát lên cảm giác rất đỗi lãng mạn và trang trọng. Dẫu đang tạm thời đi làm việc ở nơi đất khách quê người, trên bàn làm việc của cô vẫn luôn để một con gấu hoa sáp vĩnh cửu SeeRose. Chú gấu làm bằng hoa hồng sáp vĩnh cửu màu hồng được cất trong lồng kính và thắt một cái nơ màu đen.
Dời mắt đi, Phục Thành nói: “Tôi không hiểu ngài đang nói gì cả thầy Trác ạ.”
Trác Hoàn nhìn xoáy sâu vào anh.
Rất lâu sau.
Người đàn ông chân dài sải đôi chân hắn, đoạn ra lệnh: “Đi thôi, xuống tầng xem sao.”
Đêm đến, các nhân viên đều quay trở lại tầng hai để sắp xếp lại tài liệu độ bền mỏi đã kiểm tra trước đó, tầng một trống hoác, chỉ có mỗi bốn cái động cơ khổng lồ.
Khắp nơi đều là linh kiện cơ mật, lúc hai người xuống tầng bèn vứt cốc nước duy nhất trong tay vào thùng rác để phòng ngừa phát sinh chuyện ngoài ý muốn.
Trác Hoàn vừa đi vừa nói: “Loại trừ nhân tố thời tiết và con người ra rồi, cậu nghĩ nếu hệ thống máy bay bị lỗi thì có khả năng cao nhất là bị lỗi ở đâu?”
“Hệ thống máy Telex.”
“Chắc chắn đến thế cơ à?”
“Phải.” Phục Thành bổ sung: “Ngài chỉ nói là có khả năng cao nhất chứ không phải 100% mà.”
“Nếu nhất định phải là động cơ thì sao?”
Phục Thành ngẩng đầu nhìn hắn, cuối cùng vẫn lộ vẻ mặt khó hiểu: “Vì sao nhất định phải là động cơ?”
Trác Hoàn chỉ vào đầu mình: “Trực giác.”
Phục Thành: “Kết quả giám định trước mắt là động cơ không có bộ phận nào bị hỏng hóc. Trừ việc hỏng do nổ mạnh sau khi rơi máy bay ra thì nó vẫn chẳng bị hư hao gì.”
Trác Hoàn tự lẩm bẩm: “Ngày 17 tháng 1 năm 2008, lúc chiếc máy bay British Airways mang số hiệu 38 hạ cánh xuống sân bay Heathrow, bốn động cơ tắt lửa cùng một lúc, cuối cùng đã bị ép phải hạ cánh ở trên sân cỏ trước đường băng, may thay không có ai tử vong. Sau đó có kết quả điều tra, nguyên nhân là do thiết bị trao đổi nhiệt của động cơ không được thiết kế tốt nên lúc máy bay bay qua Nga, nhiệt độ không khí quá thấp nên hàm lượng nước trong xăng máy bay đông lại thành băng, vụn băng gây tắc nghẽn ống dẫn xăng, động cơ không có xăng ắt sẽ tắt lửa. Nghe quen không?”
(*Đọc thêm về vụ tai nạn tại đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chuy%E1%BA%BFn_bay_38_c%E1%BB%A7a_British_Airways)
Phục Thành gật đầu.
Tuy anh từng là một phi công nhưng một tháng trước, sau khi anh được thuyên chuyển đến UAAG, anh đã bổ túc thêm rất nhiều tài liệu điều tra sự cố. Chuyến bay số hiệu 38 của hãng hàng không Vương quốc Anh thuộc phạm vi anh đã đọc.
Phục Thành: “Vì sự cố lần đó là do kết băng nên sau khi máy bay gặp tai nạn, toàn bộ băng đã tan thành nước, biến mất tăm. Cho nên nó đã tạo trở ngại rất lớn cho quá trình điều tra, AAIB* phải mất những tám tháng mới điều tra ra sự thật.”
(*AAIB: Viết tắt của Air Accidents Investigation Branch, tạm dịch là Chi nhánh điều tra tai nạn hàng không. Đây là chi nhánh điều tra các vụ tai nạn máy bay dân dụng và các sự cố nghiêm trọng tại Vương quốc Anh, các lãnh thổ hải ngoại và các nước phụ thuộc. AAIB là một chi nhánh của Bộ Giao thông vận tải và có trụ sở tại sân bay Farnborough, Anh.)
Trác Hoàn: “Nghe quen không?”
Phục Thành sửng sốt.
Trác Hoàn nhoẻn miệng cười, giọng bâng quơ: “Giống lần này phết. Cũng là bay qua vòng Bắc Cực, nước sẽ biến mất nên không tra ra hung thủ. Hung thủ lần này cũng mất hút một cách li kì.”
(*Vòng Bắc Cực là một trong 5 vĩ tuyến chủ yếu được thể hiện trên bản đồ Trái Đất. Đó là vĩ tuyến 66° 33′ 39″ ở phía bắc đường xích đạo. Khu vực ở phía bắc của vòng này gọi là vùng Bắc Cực và khu vực ở ngay phía nam của vòng này gọi là vùng ôn đới bắc. Vĩ tuyến tương đương ở Nam bán cầu gọi là vòng Nam Cực.)
Một tiếng Coong nện vào đầu Phục Thành.
Cuối cùng trên gương mặt bị miêu tả như bức tượng hoa sáp vĩnh cửu cũng biến hóa thành đủ loại cảm xúc khác nhau, anh vội vã hỏi: “Ý ngài là lần này cũng là do nước?!”
“Tôi có nói thế à?”
Phục Thành ngẩn ra: “Thầy Trác?”
Trác Hoàn không đáp, trái lại còn hỏi: “Một tháng trước lúc cậu vuốt vùng đất bị cháy sém ở điểm va chạm ban đầu ở hiện trường rơi máy bay, cậu đang nhìn cái gì?”
Phục Thành hơi mấp máy môi.
“Hoặc là, cậu đã nhìn thấy cái gì?”
Đôi mắt như chim ưng bắn thẳng qua, đâm vào đáy mắt của chàng trai tóc đen.
Trác Hoàn treo ý cười hờ hững bên môi mà ý cười lại chẳng đọng nơi đáy mắt, hắn quan sát kĩ chàng trai tóc đen trước mặt mình một cách sắc bén. Trong ánh mắt khó tả đó, Phục Thành cảm giác được một sự hi vọng và mong muốn.
Người đàn ông này như đang mong đợi điều gì đó, đợi anh thốt ra một câu trả lời nào đó, sau đó mới dùng đáp án của anh để đi chứng minh nó.
Là cái gì?
Trầm tư một lát, Phục Thành đáp: “Nếu tôi nói ra thì ngài có thể đừng cười không?”
Trác Hoàn chẳng ngờ đến câu trả lời này: “Gì cơ?”
Phục Thành nhìn hắn đầy nghiêm túc, nhấn nhá từng tiếng một: “Ngài có thể đừng cười không?”
“… Ừ.”
Phục Thành: “Tôi nghĩ là lỗi của nó.”
“Nó?”
“Nó, MaiFei F435… Chiếc máy bay đó.”
Trác Hoàn: “…”
Phục Thành: “Ngài đã bảo là sẽ không cười rồi cơ mà!”
Trác Hoàn che má: “Tôi có cười hả?”
Phục Thành: “…”
Mặt anh dần nóng hầm hập, Phục Thành cực kì hối hận, vì sao anh cứ phải đáp lại bằng câu trả lời đó chứ, cứ bịa đại một cái hoặc không thèm đếm xỉa đến câu hỏi của người đàn ông này như một tháng trước chẳng phải sẽ tốt hơn sao? Điều duy nhất anh cảm thấy may mắn là bây giờ là buổi đêm, ánh trăng có sáng đến đâu cũng chẳng tài nào rọi tỏ hai gò má ửng đỏ của anh.
Nỗi bực bội và xấu hổ trong lòng dần hóa thành cơn giận, nhưng trước khi cơn giận sắp bùng nổ, một bàn tay lạnh đến nỗi gần như tạo cảm giác cô độc cho người khác khẽ vỗ đầu anh.
Phục Thành chầm chậm ngước đầu.
Trác Hoàn vuốt mái tóc anh, tiếp đó ngón tay hắn cong lên, búng trán.
“Cảm ơn nhé, tôi thích câu trả lời này lắm.”
Người đàn ông đi vòng qua anh, đoạn xoay người đi lên tầng.
Đi được nửa đoạn, Trác Hoàn đứng ở giữa cầu thang ngoái đầu nhìn Phục Thành: “Tô Phi bảo ngày mai là sửa xong hộp đen. Muốn biết đáp án không?”
Rõ ràng ánh trăng không đủ sáng, nhưng nó chẳng những chiếu sáng người đàn ông đó mà còn chiếu sáng cả anh chàng phi công trẻ dưới cầu thang.
Phục Thành kìm lòng không đặng bước lên cầu thang, đi tới bên cạnh người này.
***
Ngày hôm sau, hộp đen đã được sửa xong. Tô Phi chuyển hết toàn bộ dữ liệu chuyến bay vào máy tính, lúc cậu ta đang định sắp xếp lại dữ liệu một cách kĩ càng thì Trác Hoàn cắt ngang cậu: “Nghe CVR cái đã.”
CVR, máy ghi âm buồng lái, ghi lại tất cả mọi âm thanh trên máy bay.
Trên tầng hai của trụ sở điều tra, hơn mười người đồng loạt căng lưng đợi chờ câu trả lời cuối cùng này.
Tô Phi gật đầu, cậu ta bắt đầu chuyển dữ liệu của CVR.
Vào khoảnh khắc đó, đồ thị của hơn một trăm sóng âm hiện ra trên màn hình máy tính.
Trác Hoàn: “Dùng biến đổi Fourier* để tách âm thanh trong buồng lái ra. Tôi muốn nghe phi công nói gì và tiếng cảnh báo của thiết bị trong buồng lái. Tạm thời chỉ nghe ba mươi giây cuối.”
(*Biến đổi Fourier hay chuyển hóa Fourier, được đặt tên theo nhà toán học người Pháp Joseph Fourier, là phép biến đổi một hàm số hoặc một tín hiệu theo miền thời gian sang miền tần số. Chẳng hạn như một bản nhạc có thể được phân tích dựa trên tần số của nó.)
Nửa tiếng sau, những âm thanh trong ba mươi giây trước khi máy bay Japan Airlines JL917 rơi tan xác đã dần dà vang lên trong dàn loa.
“Xác nhận chân ga được giữ chặt.”
“Xác nhận chân ga đã được giữ chặt.”
“Cánh tà mở góc 30 độ.”
“Cánh tà đã mở góc 30 độ.”
“Chuẩn bị hạ cánh… Đợi đã, đột nhiên tôi mất lực đẩy rồi.”
“Kiểm tra tình hình công tắc động cơ.”
“Đã bật công tắc động cơ.”
“Chân ga thì sao?”
“Bốn động cơ tắt lửa. A, mau lên, sắp rơi rồi!”
“A, kéo, kéo lên!”
Một tiếng cảnh báo chói tai vang lên, hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất tuyên bố bằng chất giọng lạnh căm hết lần này đến lần khác.
“GLIDE SLOPE! GLIDE SLOPE! GLIDE SLOPE!”
“A a a a sắp va chạm rồi!”
“SẦM!”
Cả trụ sở điều tra im phăng phắc.
Chẳng ai biết đã qua bao lâu thì một giọng nói lành lạnh và hờ hững cất lên.
Trác Hoàn: “Xác nhận loại trừ nhân tố con người trong sự cố tai nạn máy bay Japan Airlines JL917.”
*Chú thích:
1. Hệ thống cảnh báo va chạm mặt đất (Ground proximity warning system – GPWS) là hệ thống cánh báo sử dụng đồng hồ độ cao ra-đa để cảnh báo cho người lái những điều kiện bay nguy hiểm. Glide Slope là hạ cánh ở điều kiện xấu khiến máy bay bị trượt mất kiểm soát.
2. Con gấu thầy RIP bảo đây