Tuyết Thành Hoa

Chương 10



Trong thư phòng, Thanh Phong biến mất nhiều ngày nay đã quay trở về phục mệnh. Trần Duy Cẩn lên tiếng hỏi:

– Kết quả thế nào?

– Gia, vật chứng đã lấy được, nhân chứng cũng đã cứu trở về. Nhưng mà…

Thấy Thanh Phong ngập ngừng, Trần Duy Cẩn trừng mắt ra lệnh:

– Nói!

– Gia, càng điều tra sâu càng liên can đến nhiều người, nhất là bên vây cánh ngoại thích của thái tử. Thuộc hạ e… thái tử sẽ không để yên.

Điều Thanh Phong e ngại cũng không phải không có lý, Trần Duy Cẩn cũng hiểu nhưng tình thế bây giờ bắt buộc hắn không thể dừng tay được, hắn khẽ thở ra một hơi và nghiêm nghị nói:

– Điều này đã được đoán trước rồi, ngươi không cần lo lắng, cứ chuyên tâm làm việc của mình.

– Dạ.

Sau khi bàn giao mọi thứ, Thanh Phong lui ra ngoài.

Chỉ còn lại một mình trong phòng, Trần Duy Cẩn lẩm bẩm:

– Nếu làm tốt thì đắc tội với thái tử, không làm thì cả ngày hôm nay cũng không qua khỏi… Hoàng thượng, ngài thật sự muốn ta một mất một còn với thái tử? Là ngài tin tưởng khả năng của ta hay là… để mất một con cờ với ngài cũng không quan trọng…

Đang suy tư thì Trần Duy Cẩn nghe tiếng gọi:

– Cẩn.

Nhận ra giọng của Tiểu Nguyệt, hắn lên tiếng cho nàng vào. Tiểu Nguyệt từ bên ngoài chạy ùa vào, lay tay hắn nói:

– Ăn cơm. Đến giờ cơm.

Trần Duy Cẩn ngạc nhiên hỏi lại:

– Nàng vẫn chưa ăn? Chờ ta đến giờ?

Tiểu Nguyệt gật đầu nói:

– Cẩn đã nói sẽ cùng ăn nha.

Ờ, làm sao hắn có thể quên chứ, nói với nàng bất cứ điều gì nàng điều nhớ kỹ và làm y theo đó, xem như đây cũng là… một ưu điểm có được không?

Hoàn lão nãy giờ đã ngồi ở bàn ăn la ó, thấy Trần Duy Cẩn bước vào liền bộc phát:

– Tiểu tử, ngươi muốn để lão già đói chết phải không?

– Gia gia, người có thể ăn trước mà.

– Tiểu tử ngươi còn dám cãi lại. Tại nha đầu khờ này cứ khăng khăng phải chờ ngươi, nếu không lão già ta mà chịu thiệt vậy sao.

Nghe vậy, Trần Duy Cẩn quay sang nói với Tiểu Nguyệt:

– Sau này, nếu ta bận việc, nàng hãy dùng cơm trước, không cần chờ ta.

Tiểu Nguyệt mỉm cười đáp:

– Đã nói là cùng ăn nha.

Trần Duy Cẩn thở dài, hắn nhận ra thêm một điều: muốn Tiểu Nguyệt thay đổi suy nghĩ của mình về một chuyện đã xác định là cần cả một quá trình.

————

Dùng cơm xong, Trần Duy Cẩn ngồi lại cùng Tiểu Nguyệt.

– Chàng không bận việc sao?

– Không có gì gấp, ta ở cùng nàng một lúc cũng được.

Nhưng hắn lập tức liền hối hận, sao lại có thể quên nữa rồi. Tiểu Nguyệt chẳng hề có một thú vui tiêu khiển gì, lúc nào cũng ngồ thẩn người, mông lung nhìn về phía trước, không biết là đang ngắm cây cỏ hay cái gì nữa. Hắn tuyệt không có khả năng để hiểu được bức tường trước mặt có gì đẹp đâu.

Có lẽ, hắn phải dạy nàng một món gì đó.

Thi từ thì sao? Có quá sức không?

Cầm kỳ? Lỡ nàng chỉ ngồi ngẩn người nhìn cây đàn?

Hoạ? Trong thế giới của nàng có màu sắc gì đây?

Hắn lại cảm thấy đau đầu. Cũng mở miệng hỏi:

– Nàng có muốn học chữ không?

Bất ngờ thay, Tiểu Nguyệt lại đáp:

– Chữ? Tiểu Nguyệt biết nha.

Hắn nhíu mày, làm sao nàng lại biết được? Ở biệt viện đó có ai dạy nàng?

– Nói ta nghe, làm sao nàng biết?

– Là Lãng thúc dạy nha.

– Lãng thúc?

– Ờ. Lãng thúc. Ông ấy bị lạc và đói đến ngất. Tiểu Nguyệt mang cơm cho ông ấy ăn.

– Vậy sao?

– Ông ấy nói Tiểu Nguyệt không bị câm nha. Dạy Tiểu Nguyệt nói chuyện.

Trần Duy Cẩn có thể hiểu đại loại là, có một người đã trốn trong viện của nàng và hắn ta bị thương, Tiểu Nguyệt lại nghĩ hắn ta bị bỏ đói giống mình nên đã cho cơm hắn ăn. Hắn còn biết cả y thuật, để đền đáp nàng nên đã dạy Tiểu Nguyệt nói chuyện, khi đó, Tiểu Nguyệt khoảng chừng năm, sáu tuổi đi.

– Sau này, ông ta có lại tìm nàng không?

Tiểu Nguyệt lắc đầu.

– Không có. Liệu Lãng thúc có bị đói đến xỉu nữa không?

Trần Duy Cẩn vuốt đầu nàng an ủi:

– Không đâu. Nàng không cần lo lắng.

– Thật sao?

– Lời của ta nói nàng không tin?

– Tin.

Nhiều lúc hắn có cảm giác, như vậy cũng tốt. Tiểu nương tử của hắn thuần khiết như tờ giấy trắng tuỳ hắn muốn vẽ lên đó màu sắc gì cũng được, hắn sẽ từ từ, từ từ dạy nàng. Cảm giác cũng không tệ nha.

Nếu nàng không có khả năng bảo vệ mình thì ta sẽ bảo vệ cho nàng.

————–

Trên triều, không khí đang diễn ra một cách căng thẳng.

– Phụ hoàng, nhi thần nghĩ chuyện này tạm thời không cần làm lớn chuyện.

Thái tử Nam Thiên Nhất đứng ra nói.

Phùng thượng thư liền phản bác:

– Thái tử, đây là vụ án lớn đã liên luỵ biết bao nhiêu người. Bây giờ, nếu không xử phạt minh bạch làm sao có thể ăn nói với dân chúng?

Nam Thiên Nhất liền cãi lại:

– Phùng đại nhân cũng biết liên can rất nhiều người? Nếu không xử lý ổn thoả thì triều đình sẽ ra sao? Ngài có nghĩ đến việc đó không?

– Thái tử, thiên tử phạm pháp xử tội như thứ dân. Bây giờ chỉ vì liên can vài vị quan lớn trong triều mà ngài lại muốn nhún nhường? Vậy ai còn tin tưởng vào quốc pháp nữa?

– Phùng thượng thư! Ông…

– Thái tử, xin ngài hãy công tâm. Ngài bảo vệ những người đó là vì nghĩ cho triều đình hay vì nghĩ cho ngài?

– Phùng thượng thư, ông đừng làm quá đà. Ông nói như vậy là ám chỉ bổn thái tử thiên vị sao?

Toàn bộ chứng cứ phạm tội tham ô, cướp bóc dân lành ở vùng Tây Bắc đã nằm vào tay lão hoàng đế. Mấy ngày nay, trên triều đình lúc nào cũng diễn ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữ các vị quan đại thần.

Phùng thượng thư là một vị quan chính trực, trước giờ chưa từng bỏ qua những kẻ gây tội ác nên nhất mực chủ trường phải đưa tất cả ra ánh sáng, trừng phạt theo đúng pháp luật. Thái tử Nam Thiên Nhất lại dẫn đầu phe nhóm chủ trương không nên làm lớn chuyện, chỉ cần răng đe những người đã phạm tội và bắt họ phải chuộc lỗi. Đã tranh cãi mấy ngày nay vẫn chưa có ai nào chịu nhường nhịn.

Phùng thượng thư đối mặt với thái tự với bộ dáng cây ngay không sợ chết đứng, hùng hồn nói:

– Trong lòng mỗi người tự hiểu ý định của mình.

Thái tử Nam Thiên Nhất giận nhăn mày. Đương nhiên biết Phùng thượng thư là đang mỉa mai mình. Những người bị định tội lần này phần lớn đều là người của hắn, trong đó có cả biểu cửu, em bên ngoại của mẫu thân hắn. Đó đều là thế lực và là nguồn cung cấp tài lực của hắn đó. Làm sao hắn có thể ngồi yên được.

Vài vị quan khác cũng góp lời vào, càng lúc càng cãi nhau náo nhiệt.

Hoàng đế nhàn nhã ngồi trên bệ rồng xem hai bên đấu đá nhau. Lại liếc mắt nhìn Uy vương, người đã gây ra cục diện này vẫn đứng yên chỗ của mình, không nói một tiếng, bàng quan với tất cả.

Hoàng đế khẽ nhếch mép cười, cục diện này hắn đã nghĩ tới chỉ là không ngờ hắn vẫn là xem thường năng lực của Uy vương, thật không ngờ tên tiểu tử bình thường bất động đó đến khi hành động lại quyết liệt như vậy. Quả thật là không niệm tình riêng.

Thấy hai bên đã cãi đủ, hoàng đế mới hét lên:

– Tất cả im hết cho trẫm!

Hai bên quan văn võ lúc này mới giật mình nhận ra nãy giờ mình đã quên mất đang ở đâu, có người còn đang nắm tóc nắm tai của nhau. Bị tiếng thét của lão hoàng đế làm giật mình mà tách ra, cả người chật vật không chịu nổi, có người quần áo xốc xếch, mũ mão lệch sang bên.

Lão hoàng đế không giận mà nghiêm nói:

– Các ngươi xem các ngươi giống cái gì? Đây là triều đình sao? Nếu không biết người ta còn tưởng các ngươi đang diễn hí kịch.

Mấy quan đại thần xấu hổ cúi mặt thấp xuống, không ai dám lên tiếng, run rẫy mỗi khi ánh mắt của lão hoàng đế đảo qua.

Thái tử Nam Thiên Nhất vẫn chưa chịu thua, lên tiếng gọi:

– Phụ hoàng…

Nhưng hắn chưa kịp nói đã bị lão hoàng đế ngắt lời:

– Đủ rồi! Trẫm không muốn nghe các ngươi biện minh nữa.

Nam Thiên Nhất nghe vậy đành im miệng, trong lòng tức tối không thôi.

Lúc này, hoàng đế mới nhìn sang Uy vương, hỏi:

– Uy vương có ý kiến gì?

Mọi người liền tập trung sự chú ý về Uy vương. Hừ, hắn chính là người gây ra chuyện này, khiến mọi người đấu nhau đầu rơi sứt trán mà bây giờ hắn lại tỏ thái độ như cái gì cũng không liên quan đến mình.

– Uy vương, theo ý khanh, việc này nên giải quyết thế nào?

Trần Duy Cẩn chịu đựng tất cả ánh mắt mọi người trong điện tập trung về phía mình, vẫn không biến sắc nhưng trong lòng thầm rủa: các ngươi nghĩ ta có quyền quyết định sao? Lão hoàng đế cáo già lại bắt ta đứng mũi chịu sào.

Trần Duy Cẩn tới nay vẫn luôn phân vân phán đoán ý đồ của lão hoàng đế. Lão làm vậy là có ý gì? Để rèn luyện cho thái tử? Cho thái tử một bài học, không được để ngoại thích lộng hành? Hay là hắn đã muốn phế bỏ thái tử…?

Chỉ cần hắn đi sai một bước, không chỉ là đắc tội với thái tử, mà còn trở thành cái gai trong mắt lão hoàng đế.

– Khởi bẩm hoàng thượng. Vụ án này quá lớn, hạ thần tự nhận thấy là không có khả năng giải quyết…

Thái tử nghe vậy liền an tâm, nhếch mép cười.

“Tốt cho Uy vương. Vẫn còn biết đâu là người không thể đắc tội.”

Ai ngờ chưa kịp đắc chí, Uy vương Trần Duy Cẩn lại tiếp tục nói:

– … Nhưng thần cả gan cúi xin hoàng thượng hãy trừng trị đúng người đúng tội theo pháp luật của Nam Quốc. Như vậy, mới khiến dân chúng tin phục, Nam Quốc trường tồn.

Hoàng đế khẽ nheo mắt, trong đáy mắt soẹt qua một tia tính toán nhanh đến mức không ai phát hiện. Lão vỗ mạnh tay xuống quát:

– Tốt. Thân là trụ cột của Nam Quốc, phải như vậy. Các ngươi hằng năm hưởng bổng lộc triều đình, trẫm tự nhận không để các ngươi sống thiếu thốn mà còn dám cả gan tham ô, hối lộ, cướp bóc, cưỡng gian trong giang sơn của trẫm. Các ngươi quả là không xem trẫm vào mắt!

Giọng của lão hoàng đế càng lúc càng trầm trọng, chúng quan hoảng sợ quỳ rạp xuống run sợ, không dám ngẩng đầu lên.

– Truyền lệnh! Kẻ chủ mưu: tru di tam tộc! Kẻ liên quan theo tội nặng nhẹ mà tước bỏ danh hiệu, tịch biên nhà cửa, giáng làm nô! Không ai được thoát tội!

Lập tức, liền có người to gan liều chết can ngăn:

– Hoàng thương, xin suy nghĩ lại!

– Hoàng thượng…

Lão hoàng đế trừng mắt nói:

– Triều đình của trẫm thà rằng không có chứ quyết không chứa chấp những kẻ mắt chó! Bãi triều!

Lão hoàng đế đã hạ quyết định, biết không thể thay đổi được nữa, người đành ôm hận, người thở dài.

Lão hoàng đế quyết liệt bước ra khỏi chánh điện, không thèm liếc mắt lại một lần. Bá quan quỳ xuống hô:

– Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.

Đợi lão hoàng đế đi xa rồi, Trần Duy Cẩn mới ngước mặt lên, liền nhìn thấy ánh mắt căm hận của thái tử Nam Thiên Nhất. Trần Duy Cẩn xem như không thấy, lui về.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.