Tướng Quân Lấy Chồng - Nhiễu Lương Tam Nhật

Chương 48



Ngày mười lăm tháng Sáu, trên triều, bộ Binh cùng với bộ Lễ đã thảo một bản tấu, trong đó đại phong thưởng tất cả những tướng lĩnh có công trong cuộc chiến đánh bại người Khương, đặc biệt là Hoắc Thời Anh, Tham tướng Lương Châu, phong làm Ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ, đảm nhiệm vị trí Thị vệ thân quân mã quân phó đô chỉ huy sứ, phong làm Đô ngu hầu! Văn võ bá quan trong triều nghe xong ồ lên.

Ngự sử đại phu của Ngự Sử đài là Đồng Chi Chu phản bác ngay trên triều, liệt kê tổ chế, lễ giáo, triều cương, nói từ mối họa rối loạn triều cương cho đến những ví dụ từ ngàn xưa khi để phụ nữ gánh vác trọng trách của đàn ông, lý lẽ đâu vào đấy, cuối cùng lớn tiếng mắng Nghiêm Hầu Mão và Thượng thư bộ Lễ Cát Thượng Nghĩa mê hoặc Hoàng thượng, tiếp tay cho kẻ xấu gây sóng tạo gió, mắng đến nỗi mồ hôi đầm đìa ướt cả quan bào, mặt đỏ tía tai.

Có mặt trong buổi thiết triều hôm đó đều là những văn võ bá quan từ tứ phẩm trở lên, võ tướng đứng sừng sững một bên không ý kiến, quan văn tả tướng Vương Thọ Đình thân là người ở Ký Châu, và hữu tướng Hàn Lâm Hiên cúi đầu không nói năng gì, Nghiêm Hầu Mão và Cát Thượng Nghĩa cùng với các vị Thượng thư của sáu bộ đều không một ai lên tiếng, sau khi để Đồng Chi Châu mắng thỏa thuê xong, cả triều đình lặng ngắt như tờ, ngay cả Hoàng thượng cũng chỉ ngồi trên ghế rồng hờ hững nhìn xuống đám quan viên phía dưới, lại qua thêm một lúc nữa, cuối cùng nghe thấy thái giám hô to một câu: “Bãi triều.” Sau đó Hoàng thượng đứng dậy rời ghế xoay người bỏ đi, từ đầu đến cuối không nói một chữ nào.

Sau khi bãi triều, tin tức lập tức truyền đến phủ Dụ vương, trên dưới toàn phủ đều khiếp sợ, ngay hôm đó Hoắc Chân vội vàng trở về nhà.

Còn trong cung, sau khi bãi triều, chẳng chờ tới trưa Hạ Văn Quân lập tức dẫn đầu đám quan viên trẻ tuổi trong viện Hàn Lâm đồng loạt dâng thư buộc tội cha con Hoắc Chân, tấu chương nhiều như tuyết trắng trời đông chưa đến một canh giờ đã chất cao như núi, Hoàng thượng gạt sang một bên không thèm động đến, tới buổi chiều vừa qua giờ Thân, từ ngự thư phòng truyền ra một đạo thánh chỉ: “Lệnh cho bộ Hộ trong vòng ba ngày điều tra tất cả các khoản chi tiêu của quốc khố trong những năm qua.” Hành động này đã kinh động triệt để tới toàn bộ triều đình, những người sáng suốt đều hiểu rằng, triều đình sắp có địa chấn rồi.

Tân đế đăng cơ đã được hơn ba năm, trước giờ thủ đoạn khi xử lý triều chính chưa từng quyết liệt như vậy, quốc vận đã được trăm năm, các khoản chi tiêu của quốc khố đã trở thành củ khoai nóng bỏng tay không ai dám động vào.

Nói như vậy là bởi vì khắp cả kinh thành từ vương hầu công khanh cho đến văn võ bá quan, ngay cả các cung phi thái giám trong hậu cung đều nợ tiền quốc khố, hơn thế càng là những người quyền cao chức trọng, càng đắc thế thì lại càng nợ lắm, về mặt này có thể nói đó là một khoản nợ xấu, bổng lộc của quan viên các triều đại từ xưa tới nay thật ra không nhiều, các gia tộc lớn chẳng có ai thực sự sống dựa vào bổng lộc cả, nhưng cũng có một vài học trò nghèo vào triều làm quan, gia cảnh đã túng thiếu lại gặp phải cảnh ma chay hiếu hỉ thì đúng là đã nghèo còn gặp cái eo, triều đình cũng muốn giữ thể diện cho các quan viên, nên theo quy định mọi người có thể tới bộ Hộ lĩnh một khoản ngân lượng, số ngân lượng này được lấy ra từ quốc khố, nhưng đến cuối cùng những quy định đều sẽ dần dần đi vào vết xe đổ kiểu như sau, đó là ai cũng có thể vay tiền từ quốc khố, hơn thế càng có quyền có thế lại càng vay nhiều, số tiền ấy quanh đi quẩn lại chỉ có mấy điểm: Một là, nghênh đón hoàng tộc, công khanh nhiều đời, nghênh đón này không phải chỉ có một mình Hoàng thượng, mà phần nhiều là hoàng hậu, và các quý phi trong hậu cung quay về thăm nhà. Hai là các quý tộc, quan viên lấy tiền đó đầu tư vào trong dân gian để kiếm lời, về mặt này thì sẽ liên quan đến rất nhiều người, có vương hầu công khanh, quan lớn, thậm chí có các cung phi, một khi đã dính đến hậu cung thì chắc chắn sẽ có sự tham gia của các thái giám và vì thế mà mọi chuyện đã đen lại càng đen hơn, cuối cùng những người thật sự vì gia cảnh nghèo khó bần hàn muốn vay tiền thì lại không vay được. Đây là chuyện dây dưa dính líu đến hết người này tới người khác, ảnh hưởng tới toàn cục, lung lay gốc rễ, nên trước giờ tất cả đều ngầm hiểu cục diện bên trong bẩn thỉu ra sao, nhưng cũng chẳng ai dám động vào.

Nhưng giờ đương kim Hoàng thượng lại dám động vào, Tân đế đăng cơ được ba năm, cả hậu cung chỉ có duy nhất một vị hoàng hậu ở cung Ung Hòa, hồi đầu trước khi hắn đăng cơ cũng từng có một vị tiệp dư, về sau do bệnh nặng nên đã qua đời, các khoản nợ xấu của hoàng gia phần nhiều là do Tiên đế để lại, nên hắn dám động vào hơn thế còn động vào một cách rầm rộ gióng trống khua chiêng, lệnh cho bộ Hộ và Binh Mã ti của năm thành điều tra triệt để, ngay khi quân đội tham gia vào việc điều tra, toàn bộ kinh thành đều chấn động, trong vòng ba ngày không biết đã có bao nhiêu thế gia hiển hách nơm nớp như kiến bò trên chảo nóng, những con sóng ngầm trong kinh thành phồn hoa lập tức manh nha trỗi dậy, không biết đã có bao nhiêu bóng ma đêm hôm túm tụm hội họp lại, bao nhiêu quan viên lén lút gặp riêng.

Sau ba ngày ngự thư phòng lại truyền ra một đạo thánh chỉ nữa, giới nghiêm toàn thành, cấm các quan viên lén lụt gặp gỡ nhau, thực thi lệnh giới nghiêm.

Lại qua thêm mười ngày nữa, tình hình bên trong kinh thành dần dần trở nên căng thẳng, hai vị chú ruột của Hoàng thượng là Tĩnh vương và Tuyên vương cùng Quách Chính, Thừa chỉ của viện Hàn Lâm bị Đại Lý tự gọi đến xét hỏi. Vào Đại Lý tự được hai ngày rồi mà không có một chút tin tức nào lộ ra.

Cuối cùng vào ngày mùng ba tháng Bảy, ông trời nín nhịn gần hai tháng đột nhiên đổ mưa lớn, ban ngày sấm vang chớp giật, mưa to như trút, đến tối hữu tướng Hàn Lâm Hiên đội mưa dâng một bản tấu tới ngự thư phòng, ra sức ca ngợi công đức của Hoắc Chân, tích cực khẳng định công lao thành tích của ông, dốc lòng ủng hộ Hoắc Thời Anh phong hầu vào triều, từ đó về sau tấu chương hùa theo của các quan viên tầm trung nhiều như lá mùa thu bay tới ngự thư phòng.

Hôm sau Binh Mã ti của năm thành và bộ Hộ rút lui, toàn bộ kinh thành được gỡ bỏ lệnh giới nghiêm, hai vị vương gia và Quách Chính đều trở về nhà an toàn, cuộc điều tra quốc khố triệt để rầm rầm rộ rộ suốt mười mấy ngày đến đây là kết thúc.

Ngày mùng bốn tháng Bảy, thánh chỉ ban ra, đại xá toàn thiên hạ, những tướng lĩnh có công đánh đuổi quân xâm lược được lên triều nhận phong.

Một cơn bão chính trị vừa càn quét toàn thành, vậy mà sau khi mưa tạnh gió ngừng chẳng để lại chút dấu vết nào, mặc kệ Hoắc gia đang là trung tâm cơn bão, Hoắc Chân vẫn an ổn ngồi trong phủ, cửa lớn đóng chặt, không dính dáng gì tới tất cả sự vụ đang diễn ra, ngày mùng bốn tháng Bảy cửa phủ mở ra tiếp nhận thánh chỉ: “Phong Hoắc Thời Anh làm Ngự tiền tứ phẩm đới đao hộ vệ, đảm nhiệm vị trí Thị vệ thân quân mã quân phó đô chỉ huy sứ, phong làm Đô ngu hầu! Ngày mai vào triều nhận phong hầu.”

Ngày mùng năm tháng Bảy, giờ Dần, toàn bộ già trẻ lớn bé của Dụ vương phủ xuất hiện, Hoắc Chân mặc trên người bộ áo ào màu đỏ thẫm bổ tử (1) thêu hình con kỳ lân, mũi giày cong, đế giày dày, cao đến gần đầu gối, bước ra khỏi Vinh Tráng đường, đến ngoài ngự thư phòng, thì nhìn thấy Hoắc Thời Anh cũng mặc bộ quan bào màu đỏ thẫm, bổ tử thêu hình hổ báo, giày cao cổ thân đen viền trắng, đang được Hoắc Thời Gia và Cung thị tiễn ra cửa.

Hai cha con hẹn nhau ở ngoài cửa thư phòng, vương phi cùng vợ chồng Hoắc Thời Gia đích thân tiễn bọn họ ra đến tận ngoài cửa phủ, ra tới nơi đã thấy hai cỗ kiệu quan đứng chờ sẵn ở bên ngoài rồi, Hoắc Thời Anh xoay người lại bái biệt người nhà, lúc đứng dậy bàn tay lập tức bị Hoắc Thời Gia nắm chặt.
Trước cửa vương phủ đèn lồng sáng đỏ rực rỡ, phía chân trời vẫn chưa nhìn thấy rạng đông lấp lóe, đôi mắt Hoắc Thời Gia vằn lên toàn tia máu, Hoắc Thời Anh giãy tay ra, thấy thế chàng lại càng dùng sức túm chặt.

“Nhị ca.” Hoắc Thời Anh khẽ gọi.

Hoắc Thời Gia cúi đầu không nói.

Vương phi lệ rơi lã chã: “Thời Anh, chúng ta xin lỗi con.”

Hoắc Thời Anh quay đầu lại, dưới ánh lửa đỏ rực, khuôn mặt vương phi vương đầy nước mắt, ánh mắt của bà nhìn thẳng lại nàng, nỗi bi thương và áy náy trào lên trong đáy mắt hoàn toàn không chút che giấu.

Khóe miệng Hoắc Thời Anh mím chặt, cúi đầu nhìn bàn tay mình đang bị Hoắc Thời Gia siết chặt, dường như chàng đang dùng hết toàn bộ sức lực của bản thân, xương tay cứng ngắc, lòng bàn tay trắng bệch, nàng lại dùng sức giãy mạnh ra, lập tức mu bàn tay xuất hiện một vết hằn đỏ rực, cánh tay Hoắc Thời Gia buông thõng xuống, Hoắc Thời Anh lập tức xoay người sải bước.

Giờ Dần ba khắc hai chiếc kiệu quan từ Hoắc phủ thẳng tiến đến cửa cung, quan viên đang đứng sẵn ở bên ngoài cửa, tiếng người nói chuyện xôn xao ồn ào, nhưng khi hai chiếc kiệu quan của Hoắc phủ đi tới thì bầu không khí xung quan trong nháy mắt bỗng im bặt, rèm kiệu trước mặt được vén lên, Hoắc Thời Anh bước ra ngoài, lướt nhìn một lượt các quan viên đang đứng ở đó, ánh mắt mọi người cũng đổ dồn về phía nàng, thấy vậy nàng dựng thẳng cột sống, thu lại ánh nhìn, dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo bóng lưng nàng càng thêm phần tịch liêu.

Hoắc Chân xuống kiệu, quay đầu lại nhìn Hoắc Thời Anh, rồi quét qua một lượt đám người xung quanh, đám quan văn vội xoay người tránh đi cái nhìn ấy, các võ tướng thì xôn xao, đúng lúc ấy có một người chen ra khỏi đám đông, đi tới cung tay với Hoắc Chân: “Dụ vương gia.”

Hoắc Chân bật cười tươi rói, cung tay trả lễ: “Bình Quốc công.”

Người đó cũng mặc quan phục võ tướng nhất phẩm giống như Hoắc Chân, nuôi một chòm râu dưới cằm, khuôn mặt trắng trẻo văn nhã, dáng người cao ráo săn chắc, ánh mắt hiền hòa ấm áp, hai người đi tới trước mặt nhau, còn chưa kịp hàn huyên, thì ông ấy đã lên tiếng trêu Hoắc Chân trước: “Con gái nhà ông đâu? Còn không dẫn ra đây cho bọn ta làm quen?”.

Hoắc Chân mỉm cười, nghiêng người quay sang gọi Hoắc Thời Anh: “Thời Anh còn không đến chào Trần bá bá của con đi.”

Hoắc Thời Anh sải bước đến trước mặt ông khom người hành lễ: “Tham kiến Trần bá phụ.”

Trần Mộ Đình nhìn Hoắc Thời Anh đang khom người, vuốt vuốt chòm râu cười bảo: “Trận đánh ở phủ Dĩnh Xương Thời Anh quả thực dũng mãnh không kém gì đấng nam nhi, ta cũng không ngờ con có thể huấn luyện được một đội quân như vậy, dựa vào sức mạnh của một vạn lính để xoay chuyển cục diện cuộc chiến, thật đúng là hậu sinh khả úy!”.

Hoắc Thời Anh lại càng cúi người xuống thấp hơn: “Bá phụ quá khen, Thời Anh hổ thẹn không dám nhận, công lao hôm nay của Thời Anh cũng đều nhờ ngày đó bá phụ ở hậu phương giúp Thời Anh chỉnh đốn quân lính.”

Trần Mộ Đình vẫn đứng nguyên tại chỗ tủm tỉm cười nói: “Ừ, nếu con đã biết rồi, vậy thì phải nhớ lấy món nợ này, sau này ta sẽ đòi lại đấy.”

“Vâng.” Hoắc Thời Anh cúi đầu đáp. Trần Mộ Đình gật đầu, nụ cười nửa đùa nửa thật. Hoắc Chân đứng ở bên cạnh không hé răng nói câu nào, đúng lúc ấy có người tới chào hỏi ông, tất cả đều là võ tướng cả, thái độ vô cùng cung kính, với ai ông cũng đều trả lễ, dáng vẻ rất nghiêm túc.

Hoắc Thời Anh ở bên này vừa mới thẳng lưng ngẩng đầu lên được, thì đã chạm phải cái nhìn của Trần Gia Du đang đứng sau lưng cha mình, vóc dáng hai cha con họ tương đương nhau, cái đầu của Trần Gia Du thò ra khỏi bả vai của cha hắn, nhìn chằm chằm Hoắc Thời Anh hồi lâu rồi mới mấp máy cánh môi gọi nàng: “Hoắc Thời Anh.”

Hoắc Thời Anh liền cung tay chào: “Trần công tử.”

Trần Gia Du không nói tiếp nữa, cứ đứng đực ra nhìn nàng, ngược lại Trần bá phụ ngoái đầu lại nhìn con trai một cái, sau đó ánh mắt lóe một thoáng, rồi xoay người tìm Hoắc Chân nói chuyện.

Chỉ còn hai người đứng đó, Trần Gia Du cũng vẫn không nói tiếng nào, ánh mắt thủy chung quẩn quanh trên người Hoắc Thời Anh, chỉ là trong đôi mắt nhìn nàng lúc này đã không còn vẻ bực tức và khinh bỉ nữa, đáy mắt sau khi xóa đi vẻ phẫn nộ và cuồng ngạo, thì sáng rõ, thâm trầm, có chút rụt rè.

Hoắc Thời Anh không biết nên bắt chuyện với chàng thanh niên trầm mặc không còn nóng nảy giận dữ trước mặt như thế nào, đành rời mắt nhìn đi chỗ khác, lúc lướt một vòng qua chỗ quan văn, thì chợt bắt gặp ánh mắt Hàn Đường, từ đầu đến cuối Hàn Đường đều để ý tới nàng, nàng vừa nhìn về phía này, chàng lập tức nở nụ cười đón nàng, sau đó ngăn cách giữa một đống người cung tay lên chào hỏi, Hoắc Thời Anh cũng chắp tay lại chào từ phía xa, hành động của bọn họ thu hút vô số cái nhìn của mọi người xung quanh, nhưng cả hai vẫn cứ điềm nhiên như không.

Đợi Hoắc Thời Anh chào hỏi Hàn Đường xong xuôi, lúc bỏ tay xuống rồi đột nhiên nghe thấy Trần Gia Du ở bên cạnh mở miệng hỏi thăm: “Vết thương của nàng đỡ chưa?” Hắn nói rất bé, giọng nói còn mang theo vẻ ngập ngừng.

Hoắc Thời Anh bày ra nụ cười nhạt nhẽo, xoay người lại nói với hắn: “Đã đỡ hơn nhiều rồi, đa tạ Trần công tử vẫn còn nhớ.”

“Lúc ở Ký Châu, ngày thứ hai nàng theo thánh giá về kinh, ta nghe nói khi ấy nàng vẫn còn hôn mê, sau đó ta cũng theo phụ thân quay lại Ung Châu, năm ngày trước mới về, muốn tới phủ thăm nàng, nhưng người nhà nàng nói nàng không tiếp khách ngoài.”

Trần Gia Du vẫn cúi đầu, thì thà thì thầm giải thích dài dòng, trong lòng Hoắc Thời Anh đột nhiên thấy hơi hoang mang, trợn mắt há hốc mồm nhìn chàng trai trước mặt, rất lâu cũng không biết nên nói tiếp thế nào.

Chàng thanh niên còn muốn nói nữa, nhưng không ngờ vừa mới mở miệng, thì cửa cung bỗng hé mở, thái giám bước ra kéo dài giọng tuyên: “Vào triều!”.

Giờ Mão cửa cung mở rộng, văn võ bá quan ồ lên xôn xao, Trần Gia Du vội vội vàng vàng nói với Hoắc Thời Anh: “Ta có hái một cây sen Thiên Sơn Tuyết (2), lúc về sẽ tặng nó cho nàng.”

Sau đó chàng trai ấy vội vã bỏ đi, để lại một mình Hoắc Thời Anh đứng đờ người ở đó đầu óc càng nghĩ càng thấy loạn.

1. Bổ tử: Là một mảnh vải hình vuông đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của các quan trong triều. Mảnh bổ tử thường là vải thêu với cấp hiệu phẩm hàm của vị quan đó.

2. Sen Thiên Sơn Tuyết: (Tên thì rõ kêu mà ảnh thật trông như cây bắp cải)


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.