Từ nhỏ Lục Du đã là một đứa trẻ ngỗ ngược.
Trước đây, ba mẹ Lục bận làm ăn nên Lục Du được gửi đến sống với ông bà ngoại. Ông bà rất cưng chiều Lục Du, chuyện gì cũng chiều ý cô bé, dần dần Lục Du trở thành một tiểu bá vương ở quê.
Năm Lục Du học lớp 3, ba Lục mở rộng nhà máy của gia đình mình, trở thành một doanh nhân nổi tiếng ở thành phố Giang Lý, ông bắt đầu kết bạn với một số nhân tài công nghệ cao trong xã hội.
Một đồng hương của ông vừa từ nước ngoài trở về nói với ba Lục rằng: giáo dục con cái phải bắt đầu từ khi còn nhỏ, muốn để con cái có thể giành chiến thắng từ điểm xuất phát thì nền giáo dục ở nông thôn không thể sánh bằng ở thành phố được.
Ba mẹ Lục luôn mong muốn con mình trở thành phượng hoàng liền bàn bạc với nhau. Trước tiên bọn họ mua một căn nhà ở thành phố Giang Lý, sau đó vội vàng chạy về quê đón Lục Du về.
Khi hai người về quê đón Lục Du thì cô bé đang dắt một đám trẻ con đến sân nhà dì Vương bên cạnh để hái táo ăn. Đừng khinh thường mấy đứa trẻ bộ dạng không cao này! Thân hình bọn chúng rất linh hoạt nên chỉ cần hai ba bước là có thể nhảy lên cây.
Thấy ba mình đang kinh ngạc đứng dưới gốc cây, cô bé Lục Du bé bỏng của chúng ta xoa xoa khuôn mặt đen sạm, một tay ôm lấy cành cây, một tay cầm quả táo ngọt, cố nặn ra một nụ cười gọi: “Ba.”
Đôi mắt của ba Lục tối sầm lại. Đây vẫn còn là một đứa con gái sao?? Nó không khác gì là một con khỉ đen trên cây!!
Thực tế đã chứng minh rằng giáo dục lúc nhỏ thực sự rất quan trọng.
Lục Du rưng rưng nước mắt từ biệt ông bà ngoại và nhóm bạn nhỏ lên thành phố. Ba Lục rất có tiền liền vung tay tài trợ cho trường tiểu học tư thục mà Lục Du bé nhỏ của chúng ta vào học một cái thư viện làm cho nó thành trường tiểu học tốt nhất thành phố.
Nhưng dường như nó không có tác dụng gì nhiều, Lục Du vẫn tiếp tục làm theo ý mình.
Chương trình học của trường tiểu học ở thành phố rất dày đặc, ngoài việc có rất nhiều bài tập ngữ văn và toán, Lục Du còn phải học cả tiếng Anh. Căn bản của Lục Du kém hơn nhiều so với những đứa trẻ khác ở thành phố, cô bé nghe giảng mà không hiểu gì bèn nằm ngủ trong lớp. Cô giáo bước tới, véo tai của Lục Du nói một câu: nếu không chịu học thì đi ra ngoài. Lục Du nghe thế liền cười rạng rỡ với cô giáo rồi cầm cặp sách ra ngoài.
Vào thời điểm đó, người lái xe trong thành phố không nhiều, chỉ có những chiếc xe đạp bấm chuông lao vun vút, lạng lách trên đường phố. Lục Du vu vơ đi trên phố, ngó đông ngó tây, sau đó dừng lại trước một ngôi nhà được trang hoàng như cung điện châu Âu.
Phía ngoài của ngôi nhà có vách kính trong suốt, bên trong có nhóm trẻ em đang tập giãn cơ trên thanh sắt, trước cửa nhà có treo một cái biển hiệu vô cùng khí thế – cung thiếu niên.
Lục Du đứng bên ngoài ngây ngốc nhìn hồi lâu, cuối cùng bị thầy giáo bên trong phát hiện. Thầy giáo thấy Lục Du là con gái nên đã nhét cho cô một viên kẹo đường rồi bảo Lục Du mau về nhà đi.
Lục Du khịt mũi: “Thầy ơi, con có thể tham gia lớp học này được không?”
Thầy giáo nghiêm túc nói với Lục Du: “Không thể được.”
Lục Du nhún vai: “Vậy thôi ạ.”
Về nhà Lục Du kể chuyện này cho ba mình nghe. Hai ngày sau, ba Lục nhàn rỗi liền cầm tiền rồi dẫn Lục Du đến cung thiếu niên, Lục Du hỏi thầy giáo một lần nữa: “Thầy ơi, em có thể tham gia không?”
Thầy giáo cười, mặt mũi hiền lành: “Tất nhiên, đứa bé ngoan.”
Ba Lục là người tiến bộ, từ nhỏ ông đã phải chịu khổ sở, mãi cho đến khi lớn tuổi mới có con, tất nhiên là rất yêu thương con gái mình. Nhưng cho dù cưng chiều thế nào thì ba Lục vẫn mong tương lai Lục Du có thể làm nên nghiệp lớn.
Sự thật hiển nhiên là Lục Du và chuyện học tập không hề có duyên phận với nhau. Cho dù ba Lục đã dùng nhiều cách khác nhau để đe dọa, dụ dỗ thì đứa trẻ Lục Du này vẫn không thoát khỏi cái hạng ba từ dưới lên.
Mẹ Lục nói có lẽ khi còn nhỏ cô bé đã uống quá nhiều sữa bột kém chất lượng cho nên đầu óc mới không tốt. Ba Lục gật đầu tỏ vẻ đồng ý.
Hai vợ chồng thở dài cả đêm, cuối cùng cũng hạ quyết tâm. Nếu Lục Du có sức khỏe và thể lực tốt thì nên để đứa nhỏ này theo con đường thể thao sẽ tốt hơn. Hai vợ chồng phấn khích nghĩ rằng nếu trong tương lai Lục Du giành được ngôi vị quán quân Olympic thì vẫn có thể trở nên nổi bật, làm rạng rỡ tổ tông.
Vì vậy từ khi học tiểu học, Lục Du đã bắt đầu tập luyện điền kinh.
Cơ thể Lục Du không lớn, nhưng nhiều mưu mẹo, lại thêm tài năng thể thao bẩm sinh khiến cô bé nổi trội trong lớp điền kinh, những đứa trẻ khác trong lớp đều ngưỡng mộ cô bé. Chẳng mấy chốc Lục Du đã trở nên nổi tiếng trong đám bạn đồng trang lứa.
Bên cạnh lớp điền kinh là lớp cờ vây. Trong lớp toàn là những đứa trẻ rất ngoan, khác xa với mấy đứa trẻ nghịch ngợm, cứng đầu trong lớp điền kinh.
Sau giờ học, Lục Du luôn phải đi ngang qua lớp cờ vây. Qua khung cửa sổ đang mở, cô bé luôn thoáng thấy một cậu bé gầy gò đang ngồi yên lặng, ngoan ngoãn trong góc, cau mày lật giở một cuốn sách cờ vây cũ.
Lâu ngày khuôn mặt trắng nõn thanh tú ấy đã khắc sâu trong tâm trí Lục Du.
Buổi huấn luyện hôm nay kết thúc sớm, đám bạn nhỏ rủ Lục Du đi chụp ảnh ở một cửa hàng nhỏ trên phố. Lục Du vò tờ giấy kiểm tra thành một cục ném vào cặp sách, rút một cục kẹo cao su ném vào miệng, không chút do dự trả lời: “Đi.”
Mấy đứa trẻ kề vai sát cánh bước ra khỏi cung thiếu niên, bước chân Lục Du bỗng dừng lại cạnh thùng rác bên lề đường.
Cô bé lại nhìn thấy cậu bé cờ vây, cậu đang ngồi xổm bên cạnh thùng rác, mặt không chút cảm xúc nhặt những quân cờ đen trắng. Mỗi lần nhặt được một quân cờ thì cậu lại lấy khăn tay lau rồi cẩn thận nhét vào trong hộp nhựa.
Xung quanh còn có mấy đứa trẻ to lớn hét lên: “Hoắc gà con, con gà gầy, không cha không mẹ.” Vừa hét còn vừa tiếp tục dùng chân đá quân cờ cậu vừa gom lại ra xa.
Cậu bé không phản ứng lại, chỉ cúi đầu tiếp tục động tác trong tay.
Trước đây ở quê Lục Du là một cô bé trượng nghĩa, gặp chuyện bất bình liền ra tay giúp đỡ.
Vì vậy, cô bé không quan tâm đến sự chênh lệch chiều cao giữa mình và mấy đứa lớn hơn kia, bất chấp đám tùy tùng nhỏ đang can ngăn xung quanh mình, Lục Du lao đến trước mặt cậu bé.
Cô bé hất cằm lên, hung hăng hỏi tụi nó: “Làm gì vậy?”
Đứa bé cầm đầu đẩy Lục Du một cái: “Đồ xấu xí, cút ra xa chút!”
Câu này đã thành công chọc tức Lục Du, bọn nó đã gọi cậu bé kia là Hoắc gà con thì thôi, giờ lại còn dám nói cô bé xấu xí! Nhiều! Chuyện!
“Nhìn cái gì?” Thằng nhóc cầm đầu trừng mắt nhìn Lục Du.
Lục Du đá vào đầu gối của nó một cái, nó không đứng vững được liền quỵ một chân xuống trước mặt cô bé.
Xét cho cùng thì tất cả đều là trẻ con, nhìn thấy đại ca mình bị một em gái nhỏ đá ngã xuống, số còn lại bắt đầu hoảng sợ, miệng liên tục nói là muốn méc chuyện bị Lục Du bắt nạt với cha mẹ và giáo viên.
Tuy nhiên điều mà Lục Du không sợ nhất trên đời này chính là cha mẹ và thầy cô, cô bé Lục Du khom lưng làm một động tác xin mời: “Các cậu đi méc đi, méc thoải mái, nhưng mà lần sau gặp lại, tớ không đá các cậu nữa thì xem như Lục Du tớ thua. “
Thằng bé ôm chặt đầu gối hét lên: “Cậu là đồ con lừa.”
Lục Du nhàn nhạt vỗ vỗ tay: “Tớ cầm tinh con rồng.”
Đứa nhóc lớn xác biết cô bé này là loại người không dễ chọc vào liền gật gật đầu rồi lăn đi.
Nhìn thấy mấy đứa khác cũng muốn bỏ chạy, Lục Du đứng sau lưng bọn chúng la lên: “Này, Hoắc gà con sau này là người của tớ, là tùy tùng của tớ!”
Nói xong, Lục Du cũng không quên quay đầu lại nhìn về phía Hoắc gà con phía sau. Cậu bé ngẩng cái cổ trắng ngần lên nhìn cô, khóe miệng nở một nụ cười nhạt.
“Cám ơn.”
Lục Du vỗ vỗ bụi đất trên tay, tiếp nhận lời cảm ơn.
Cậu bé ngay lập tức hỏi: “Sau này tớ có thể đi theo cậu thật sao?”
Lục Du cảm thấy rất xấu hổ, nếu thằng nhóc kia không gọi cô là đồ xấu xí, cô có thể sẽ chỉ khua tay múa chân hai ba cái rồi bỏ chạy. Dù sao sáu giờ tiệm chụp ảnh sẽ đóng cửa nên lúc đó làm sao cô bé có thời gian quan tâm đến chuyện sống chết sau này của bạn học Hoắc gà con này chứ.
Do dự một lúc, Lục Du phun ra từ đơn tiếng Anh duy nhất mà cô bé biết: “Uh… oke?”
Cậu bé không nói gì nữa, tiếp tục cúi đầu nhặt quân cờ.
“Nếu sau này có người bắt nạt cậu, cậu có thể nói tên tớ ra.” Lu Du cúi xuống, đối mặt với cậu bé.
Ánh nắng chói chang xuyên qua kẽ lá chiếu lên sườn mặt của cậu bé, ngón tay mảnh khảnh của cậu dừng ở một quân cờ màu trắng, cậu ngước mắt lên.
“Tên cậu là?”
“Lục Du.” Lục Du giới thiệu bản thân: “Lục trong đại lục, Du trong nhàn nhã.”
Đám đồng bọn phía sau cười khan một tiếng: “Má ơi, cười chết mất, hóa ra chị Du Du còn dùng được mấy từ ngữ cao cấp nữa.”
Cậu bé ngẩng đầu, chớp mắt: “Tớ nhớ rồi.”
Lục Du hỏi cậu bé: ” Còn cậu thì sao?”
Cậu bé trả lời: “Hoắc Mạc.”
Cô bé dốt Văn Lục Du đưa một ngón tay lên vẽ trong không khí: “Miêu?”
Cậu bé nắm lấy tay Lục Du, viết từng nét một vào lòng bàn tay cô: “Đi đến cuối chữ thì thêm một gạch nữa.”
“Nhớ kỹ chưa?” Cậu hỏi.
Thật ra Lục Du không nhớ rõ lắm nhưng vẫn gật đầu: “Ừm.” Sau đó cô bé đứng dậy: “Ngày mai gặp lại Hoắc Miêu.”
Hoắc Mạc: “…”
Ngày hôm sau, Lục Du kết thúc buổi huấn luyện ở cung thiếu niên, đã thấy cậu bé hôm qua đang đứng dưới gốc cây ngoài sân vận động với một chiếc túi vải màu trắng.
Lục Du nhiệt tình gọi: “Hoắc Miêu ~”
Cậu gật đầu: “Xin chào, Du Du.” Nói xong, cậu bé tự giác đi tới phía sau Lục Du.
Trên đường về nhà, Lục Du hững hờ đá viên đá dưới chân mình, nghiêng đầu sang nhìn vào Hoắc Mạc hỏi: “Tan học muốn ăn gì không?”
Hoắc Mạc vừa đi vừa lật sách dạy cờ vây: “Cậu quyết định đi.”
“Vậy tớ sẽ mời cậu ăn thịt Đường Tăng.”
“Tiền tiêu vặt của cậu có đủ không?” Hoắc Mạc có chút lo lắng.
Lục Du nắm chặt ngón tay: “Một tám là tám, hai tám mươi sáu. Ba mươi trừ mười sáu bằng… ba mươi sáu!”
“Đủ!” Lục Du nhảy nhót nói
Hoắc Mạc chỉ cười yếu ớt: “Vậy cảm ơn chị Du Du.”
Lục Du khoác vai Hoắc Mạc: “Không cần khách sáo, ai bảo cậu là tùy tùng của tớ làm gì.”
Kể từ đó, bạn bè xung quanh Lục Du thay đổi hết nhóm này đến nhóm khác, nhưng vẫn chỉ có một người luôn ở bên cô. Người đó chính là cậu bé đã được Lục Du “cứu” năm đó, Hoắc Mạc.