Động tác kéo ghế chuẩn bị ngồi của Dư Chu dừng tại chỗ, nâng mắt liếc nhanh đến quyển sách trên tay của tiên sinh, trang bìa với cách đóng sách quen thuộc, không thể nghi ngờ đó chính là quyển thoại bản trước đây hắn sao chép cho tiệm sách.
Hắn do dự một chút, sau đó lui về đứng yên ở góc bàn nhỏ giọng nói:
“Tiên sinh… cũng xem thoại bản sao?”
“Ngươi…” Vốn Văn tiên sinh chuẩn bị mở lời khiển trách lại bị câu hỏi của hắn chặn lại, sau đó ông lại ném cuốn sách trong tay lên trên mặt bàn chỉ trích nói:
“Hỏi ngươi thì ngươi trả lời đàng hoàng cho ta!”
Dư Chu cúi thấp đầu trề môi nói:
“Tiên sinh ngài cũng biết tình huống của nhà ta trước đây đi, mấy tháng trước phu lang nhà ta mới tới nhà, hai chúng ta ngay cả miếng cơm cũng sắp không có để mà ăn, nếu không đi tới tiệm sách nhận công việc chép sách này, chúng ta không phải đi ăn xin ở khắp các thôn thì chính là chết đói rồi ấy chứ.”
“Ta có nói không cho phép ngươi chép sách à?” Văn tiên sinh gõ hai tiếng xuống mặt bàn.
Dư Chu ngẩng phắt đầu lên, trong mắt tràn đầy kinh ngạc,
“Tiên sinh, ngài vậy mà không phản đối chuyện ta chép sách, vậy vừa rồi sao ngài lại dọa ta làm gì chứ?”
Văn tiên sinh có vài phần ghét bỏ liếc nhìn Dư Chu một cái,
“Ta chỉ không ngờ bình thường ngươi thông minh lanh lợi như thế, nhưng trong chuyện này sao mà lại ngu quá vậy.”
“Ta… ta ngu như thế nào chứ?” Dư Chu không hiểu hỏi lại ông.
“Người ta chép sách cho tiệm sách cũng được, viết thoại bản cũng thế, đều biết tránh sử dụng loại chữ mà bản thân thường dùng,” Văn tiên sinh càng nói càng tức giận, lại nhặt quyển thoại bản trên mặt bàn lên lật mở bày ra trước mặt Dư Chu, đập lên mặt sách nói,
“Người xem ngươi đi, chữ viết này có điểm nào khác biệt với chữ viết thơ bình thường ngươi vẫn dùng hay không hả?”
Nói xong một lúc lâu, nhìn dáng vẻ vẫn còn đang bị doạ sợ của Dư Chu, ông lại bổ sung thêm,
“Cho nên vừa liếc mắt một cái là ta đã có thể đoán ra được cuốn thoại bản này là do ngươi chép.”
Dư Chu cũng không phải thực sự bị doạ tới mà chỉ là hắn đột nhiên lĩnh ngộ ra được một điều, trước đây hắn chỉ cảm thấy hành vi đám thư sinh coi thường việc chép thoại bản và viết thoại bản đúng là kiểu đầu óc có vấn đề, bây giờ tỉ mỉ nghĩ lại thì người có thời gian rảnh để xem thường hết cái này lại đến cái kia cũng chỉ có thể là những kẻ cố chấp cổ hủ đến cùng cực hoặc là những người có điều kiện và hoàn cảnh gia đình đặc biệt ưu việt, không cần bận tâm lo lắng kế sinh nhai mà thôi.
Với những kẻ cố chấp cổ hủ kia thì dù gia đình có nghèo nàn đến đâu cũng đều sẽ cảm thấy chuyện người trong nhà phải chu cấp tiền nuôi họ là lẽ đương nhiên, bởi vì họ chính là người đọc sách, còn về loại người còn lại thì chính bản thân họ sẽ không có chuyện cần phải đi làm công việc chép sách này, liền dùng dáng vẻ mắt cao hơn đầu cảm thấy những người làm công việc này là đang làm ô nhục thân phận người đọc sách, hai loại này đều vừa điên lại vừa dở.
Mà nếu như tỉ mỉ suy ngẫm kĩ lại thì có khả năng phần lớn những cuốn thoại bản đó cũng đều được bán cho hai loại người trên ấy chứ.
Còn đối với những người thật sự muốn kiếm tiền nuôi sống gia đình bằng công việc chép sách mà có thể làm tới mức thay đổi một kiểu chữ khác dùng mỗi khi chép sách như tiên sinh vừa nói thì nào có dễ dàng như thế, có bao nhiêu người có thể làm được cơ chứ?
Khó trách khi đó Ngô Thường Lâm nói tiệm sách của y thiếu người chép sách.
Sau khi Văn tiên sinh nói liền một hơi những điều muốn nói ra thì bản thân cũng đã bớt giận không ít, lại đợi thật lâu cũng không thấy Dư Chu đáp lời mình, ông liền dùng giọng điệu hòa hoãn hơn một chút hỏi:
“Từ lúc bắt đầu tới hiện tại tổng cộng ngươi chép cho bên tiệm sách bao nhiêu quyển, bây giờ không còn tiếp tục chép nữa chứ?”
“Đã không nhận chép nữa rồi ạ,” Dư Chu vội trả lời,
“Trước đó cũng chỉ chép khoảng mười cuốn mà thôi.”
“Không tính là nhiều, chắc sẽ không tạo thành phiền phức gì về sau.” Văn tiên sinh khẽ gật gù, lại dặn dò Dư Chu:
“Về sau trước khi ngươi muốn làm việc gì đều phải suy xét tới hậu quả rồi mới được làm, đừng có làm chuyện giống như lần chép sách này nữa, để lại một mối họa ngầm cho bản thân mình.”
“Tạ tiên sinh chỉ bảo, học sinh nhớ kĩ trong lòng.” Dư Chu hành lễ cảm tạ ông rồi mới nói,
“Ngài không trách ta hả? Hoặc là phạt ta học thuộc lòng gì đó chứ?”
Văn tiên sinh bật cười,
“Bằng vào tính tích cực học thuộc lòng của ngươi còn cần ta phạt hay sao? Còn về phần oán trách mà ngươi nói thì…”
Nói tới đây ông ngẩng đầu nhìn ra bên ngoài lạnh nhạt nói,
“Tiên sinh của ngươi là ta đây ở trong thôn này cũng từng trải qua khoảng thời gian đến cơm cũng sắp không có để mà ăn.”
Dư Chu nghe vậy liền thở phào một hơi, tiên sinh có thể hiểu cho hắn thật là tốt.
Trong bữa cơm trưa, lúc hai người nói chuyện phiếm Dư Chu liền đem chuyện tiên sinh đã biết việc hắn từng làm công việc chép sách kể lại với Cẩm Xuyên.
Cẩm Xuyên nghe xong liền đờ người mất một lúc lâu mới đưa ra ý kiến:
“Nếu không về sau khi huynh viết tiểu thuyết xong thì để ta chỉnh sửa và viết lại bản thảo giúp huynh có được không?”
Đây là biện pháp tốt nhất mà cậu có thể nghĩ tới, với sự hiểu biết của cậu về phu quân nhà mình thì nếu như cậu đưa ra ý kiến từ nay về sau không viết thoại bản nữa, khẳng định sẽ bị hắn cự tuyệt, vậy thì để cậu giúp hắn chỉnh sửa cùng với viết lại bản thảo đi, như vậy sẽ không có những cuốn thoại bản được viết bằng chữ của phu quân lưu truyền ở bên ngoài nữa.
Thật ra thì Dư Chu cũng không quá để ý mấy chuyện này, thế nhưng nếu làm như vậy có thể giúp Cẩm Xuyên cảm thấy an tâm hơn thì làm theo cũng có sao đâu.
Huống hồ cứ nghĩ đến những quyển thoại bản do hắn viết xong được Cẩm Xuyên chỉnh sửa viết lại luôn có một loại cảm giác thân mật khăng khít không nói thành lời, vậy nên hắn liền gật đầu nói:
“Được chứ.”
Cẩm Xuyên cũng vui vẻ mỉm cười, lúc này cậu mới di chuyển bàn tay cầm đũa tiếp tục ăn cơm, qua một lúc sau lại nói:
“Thật không ngờ là Văn tiên sinh lại khá cởi mở đó.”
“Đúng vậy.” Dư Chu đồng ý với lời nói của cậu, hắn đi theo tiên sinh học tập càng lâu lại càng cảm thấy mặc dù nhìn tiên sinh có vẻ cực kì nghiêm nghị nhưng thực ra lại tốt hơn nhiều so với những phu tử cổ hủ thời cổ đại bên trong tưởng tượng của hắn, đặc biệt là chuyện liên quan tới việc chép sách ngày hôm nay.
Cho nên Dư Chu nghĩ nghĩ rồi lại nói:
“Lần sau lúc đệ đi mua cá thì mua nhiều thêm hai con về, để ta mang một con qua tặng cho tiên sinh.”
“Qua vài ngày nữa đã,” Cẩm Xuyên cân nhắc một chút nói,
“Gần đây số lần ta đi mua cá có chút thường xuyên, trong thôn đã bắt đầu có người nói này nói kia rồi.”
Từ đầu mùa hè thì thức ăn trong nhà không bảo quản được lâu nữa, hai người lại không giống những người khác trong thôn còn có thịt hun khói tích trữ từ mùa đông năm ngoái để thỉnh thoảng có thể thỏa mãn cơm thèm, gần đây hai người cũng rất ít đi lên thị trấn cho nên mỗi lần muốn ăn thịt đều khá là khó khăn.
May mắn là trong thôn có nhà đào ao nuôi cá, mà hắn với Cẩm Xuyên đều khá thích ăn cá.
Ngoài ra Dư Chu còn thuộc kiểu người chỉ cần có thể kiếm được tiền sẽ không bao giờ bạc đãi bản thân ở khoản ăn uống, cho nên cứ cách dăm ba ngày nếu như hắn không đi mua cá được thì cũng sẽ bảo Cẩm Xuyên đi mua về ăn.
Không ngờ rằng chỉ là ăn con cá mà thôi cũng có thể bị người trong thôn đàm tiếu thị phi, nhưng nếu như đã ở trong thôn thì dù hai người họ không thèm để ý cũng không thể vờ như không nghe không biết gì được.
Bởi vì không ai biết được có một số người khi ghen ăn tức ở sẽ có thể làm ra loại chuyện gì.
Dư Chu suy nghĩ một lúc liền nảy ra một ý tưởng:
“Hay là chúng ta tự mình đào một cái ao nhỏ đi.”
“Đào một cái ao nhỏ hả?” Cẩm Xuyên giật mình nói, thầm nghĩ phu quân nhà mình đúng là không giống người thường, người bình thường gặp phải tình huống này sẽ chỉ nghĩ tới chuyện ít đi mua vài lần trách cho bị người ta nói này nói kia, hoặc là trực tiếp không cần để ý tới ánh mắt của người khác cứ tiếp tục làm theo ý mình.
Phu quân nhà cậu thì hay rồi, dứt khoát tự mình đào một cái ao nuôi cá, một lần vất vả suốt đời nhàn nhã.
“Đúng vậy,” Dư Chu gật đầu nói,
“Đằng nào phía sau hậu viện nhà chúng ta vẫn còn một khoảng đất trống thật rộng, không cần đào cái áo quá lớn, dài rộng vào khoảng năm đến sáu thước (1 thước bằng khoảng 0.33m) là được rồi, mỗi lần đi mua thì chúng ta mua nhiều một chút về thả trong ao nuôi dưỡng, lúc nào muốn ăn chỉ cần vớt một con lên là có thể dùng, còn đỡ phải chạy hết quá nửa cái thôn để đi mua nữa ấy.”
Cẩm Xuyên nghe hắn nói thể cũng có hơi muốn, những vẫn còn điểm khó hiểu nên nói,
“Cái ao chỉ rộng khoảng năm đến sáu thước có thể nuôi sống được cá sao?”
Mỗi lần cậu đi mua cá ở nhà kia thấy ao cá nhà người ta đều phải rộng chừng hai mẫu.(mẫu đơn vị đo diện tích của TQ xưa, 1 mẫu khoảng 667 m2)
“Tất nhiên là có thể rồi,” Dư Chu nhớ lại những ao nhỏ trước đây hắn từng gặp qua, lại nói,
“Đào sâu xuống khoảng ba đến bốn thước là đã có thể nuôi được rất nhiều cá rồi đấy.”
Hai người đều thuộc phái hành động, ngay buổi chiều hôm đó sau khi Dư Chu từ nhà tiên sinh trở về liền chọn một chỗ trống ở phía sau hậu viện, tiếp theo lại đi qua nhà cách vách bàn bạc thêm với Trần thúc, hỏi xem ông với Trần Phong có thời gian qua giúp đỡ đào ao hay không.
Tất nhiên là kiểu làm công tính tiền rồi.
Trần thúc cũng nhận lời ngay lập tức, dù sao bây giờ không phải mùa gieo cấy cũng chẳng phải vụ thu hoạch, công việc đồng áng đều không cần gấp gáp, sắp xếp một chút là có thể dành ra được thời gian rảnh.
Tạm thời không nói tới quan hệ giữa hai nhà như thế nào, mỗi lần người nhà họ làm việc cho Dư Chu thì tiền công đều cao hơn so với bên ngoài ấy chứ.
Chỉ có Trần đại nương sau khi biết nhà hắn muốn đào ao là lo lắng nói:
“Đất trống phía sau hậu viện nhà các ngươi rộng, ngoại trừ nuôi một ít gà ra thì hai người các ngươi cũng không nuôi lợn hay nuôi trâu nên xác thực là có chỗ để đào một cái ao nhỏ.”
Từ giọng điệu nói chuyện của bà Dư Chu đoán phía sau khẳng định vẫn còn điều chưa nói xong, vậy nên hắn liền im lặng nghe tiếp.
Sau khi dừng lại một lúc, quả nhiên là Trần đại nương lại nói tiếp:
“Có điều ao nước cách nhà ở quá gần, về sau nếu như các ngươi có hài tử mà không trông chừng thật tốt thì rất dễ gây ra chuyện nguy hiểm.”
Hậu viện nhà Dư Chu cũng giống với hậu viện bên Trần gia là được ngăn cách với nhà chính bằng một hàng rào bằng tre, cho nên Trần đại nương nói những lời này đều bởi vì suy nghĩ cho hai người bọn họ cả, mà Dư Chu cũng tự mình hiểu rõ, gần nhà mà có các loại như ao, suối thì khả năng trẻ em gặp nguy hiểm sẽ tăng lên khá cao.
Có điều nếu như hắn đã nghĩ đến chuyện đào ao thì tất nhiên là cũng đã nghĩ xong cách phòng ngừa những vấn đề đó,
“Ta chỉ đào một cái ao nhỏ mà thôi, cũng không phải muốn dùng nó để nuôi sống bao nhiêu cá cả, có thể nuôi đủ trong nhà ăn là được rồi, cũng chỉ đào một khoảng dài rộng vài thước là cùng, lại cắm cọc gỗ ở bốn xung quanh rồi dùng nan tre đan lại che kín, ngay cả đám gà nuôi trong nhà mà không bay lên thì cũng không có cách nào chui được vào bên trong ao.”
“Vậy thì còn được.” Trần đại nương gật đầu đồng ý, sau đó mới mỉm cười nói,
“Lúc nào thì các ngươi khởi công, ta cũng qua đó nhìn xem một chút.”
Dư Chu: “Ta tất nhiên là muốn càng sớm càng tốt rồi, thời gian cụ thể thì còn phải xem thúc thúc và Trần Phong bao giờ mới có thời gian rảnh nữa.”
“Buổi chiều ngày hôm nay ta liền có thời gian rảnh.” Trần Phong vui vẻ nói.
Dư Chu không tiếp lời anh ta mà nhìn về phía Trần thúc, đợi sau khi Trần thúc cũng gật đầu đồng ý hắn mới nói:
“Vậy thì buổi chiều nay bắt đầu làm đi.”
Người của hai nhà đều cảm thấy việc đào ao là một chuyện khá thú vị, cho nên không chỉ có ba người tới làm việc là Dư Chu cùng Trần thúc và Trần Phong là có mặt, mà những người khác cũng đều chạy qua đây đứng vây xung quanh xem bọn họ làm, thậm chí ngay cả cô bé Tiểu Quyên cũng đều phấn khích đến mức ước gì có thể nhảy xuống dưới đó giúp ba người họ dọn đất cát đi.
Có điều bất kể là có náo nhiệt vui vẻ tới đâu thì buổi chiều Dư Chu cũng chỉ có thể đào được một lúc, còn khoảng thời gian khác thì phải quay trở lại tiếp tục học tập như bình thường.
Đào liên tiếp ba ngày cuối cùng thì ao cá cũng đã được đào xong, dài khoảng tám thước, rộng bốn thước, chiều sâu thì cũng giống chiều rộng vào khoảng bốn thước, tạo thành hình chữ nhật vuông vức, cái ao này có chút khác biệt so với tính toán ban đầu của Dư Chu là bởi vì Trần đại nương nói làm như vậy sau này có muốn vớt cá cũng sẽ dễ dàng hơn.
Bốn xung quanh ao được đóng cọc gỗ một cách rắn chắc, sau đó để không phơi nắng vài ngày rồi Dư Chu mới nhờ Trần Phong giúp đỡ múc nước đổ vào ao, hai người dùng hết nửa buổi chiều múc nước từ chiếc giếng phía trước sân mới đổ đầy được cái ao nhỏ sau hậu viện.
Nhưng nếu chỉ đổ đầy nước thôi thì vẫn chưa đủ, muốn cá có thể sinh sống tốt bên trong ao thì phải tạo ra được một chuỗi sinh thái nhỏ trong ao mới được.
Phương pháp nhanh nhất để trong ao tạo thành một chuỗi sinh thái nhỏ chính là mang một chuỗi sinh thái hoàn chỉnh từ nơi khác về, mà cách đơn giản nhất là đi kéo một ít cây thủy sinh ngoài sông ngòi về thả vào trong ao của họ.
Thường thì các thực vật thủy sinh sẽ trộn lẫn với một số thứ như ốc đồng, tôm cá nhỏ hoặc trứng cá, còn có các loại vi sinh vật nữa.
Chỉ cần ném một ít thực vật thủy sinh vào bên trong ao sau đó lại thả cá vào nuôi thì chắc chắn sẽ không có vấn đề gì.
Dư Chu đã nhờ Trần Phong giúp múc nước hết gần nửa buổi chiều rồi nên cũng ngại nhờ anh ta đi lấy thực vật thủy sinh hộ, vậy nên chỉ có thể tự mình mang theo Cẩm Xuyên cùng đi lấy.
Kết quả Trần Phong vừa đi ra đến cửa nghe thấy hai người nói muốn đi tới bên bờ sông lại nhanh chóng đi lộn trở lại nói:
“Ta đi cùng với các ngươi, ta muốn đi bơi.”
Cẩm Xuyên nghe anh ta nói vậy liền đứng sững lại nói,
“Vậy hai người đi đi, ta không….”
Cậu còn chưa nói xong đã bị Trần Phong cắt ngang,
“Ngươi không cần hiểu lầm, ta đi bơi ở phía dưới hạ du, sẽ không để cho hai người các ngươi nhìn thấy đâu.”
Dư Chu; Cẩm Xuyên:…
Cuối cùng vẫn là ba người đồng hành cùng nhau đi.
Vừa mới tới bên bờ sông lại tình cờ gặp được mấy thẩm tử đến đây gánh nước tưới rau, thấy ba người họ đi cùng nhau, ánh mắt của mấy thẩm tử nọ đảo qua đảo lại cuối cùng dừng ở trên người Trần Phong.
Người dịch: Hana_Nguyen